Chuẩn bị cho sứ mạng của Chúa

 Hôm nay, chúng ta nhìn vào hai sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của Chúa Giê Su Christ. Ngài đã đến trong thế gian để trở thành Đấng Cứu Thế. Ngài lớn lên tại Na-xa-rét xứ Ga-li-lê là con của  người thợ mộc. Và bấy giờ Ngài đã đến thời điểm trong cuộc đời của Ngài lúc 30 tuổi. Thời điểm cho sứ mạng của Ngài đã đến. Mác 1:9-13 - " Vả, trong những ngày đó, Ðức Chúa Jêsus đến từ Na-xa-rét là thành xứ Ga-li-lê, và chịu Giăng làm phép báp-tem dưới sông Giô-đanh. Vừa khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra, và Ðức Thánh Linh ngự xuống trên mình Ngài như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường. Tức thì Ðức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng. Ngài ở nơi đồng vắng chịu quỉ Sa-tan cám dỗ bốn mươi ngày, ở chung với thú rừng, và có thiên sứ hầu việc Ngài." Chúa Giê Su chuẩn bị để bắt đầu sứ mạng của Ngài. Chúng ta sẽ nhìn vào hai sự kiện được nhắc đến trong đoạn Kinh Thánh này: phép báp-têm của Ngài và sự cám dỗ của Ngài.

 

Chúng ta hãy nhìn vào phép báp-têm của Ngài. Khi Chúa Giê Su bước đến Giăng Báp-tit để chịu phép báp-têm, Giăng không muốn làm điều đó. Giăng nói, "Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao?" (Ma-thi-ơ 3:14). Tại sao Chúa Giê Su cần được làm phép báp-têm bởi Giăng? Giăng làm phép báp-têm cho tội nhân. Ông kêu gọi họ ăn năn. Tuy nhiên, Chúa Giê Su đã không phạm một tội lỗi nào. Ngài không cần phải ăn năn. Ngài không có tội lỗi nào cần được rửa sạch. Tuy nhiên, Chúa Giê Su khẳng định cho Giăng rằng Ngài cần được làm báp-têm. Ngài nói với Giăng, " Bây giờ cứ làm đi, vì chúng Ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy." (Ma-thi-ơ 3:15). Chúa Giê Su đã được làm phép báp-têm để làm trọn mọi việc công bình. Đó chính là, Ngài đã làm người thay thế cho chúng ta. Chúa Giê Su đã đến để trở thành Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Khi làm như vậy, Ngài đã sống cuộc sống ngay lành trọn vẹn ở chỗ chúng ta. Ngài muốn làm thành mọi lễ nghi cho con người Ngài đến để cứu. Khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giê Su Christ, sự công bình toàn vẹn của Ngài đặt vào giá trị của chúng ta và Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta như người công bình trước mặt Ngài. Rô-ma 5:19 nói, "Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình."

 

Tại thời điểm Chúa Giê Su chịu báp-têm, chúng ta thấy Ba Ngôi được hiện hữu. Chúa Giê Su là Con Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng thấy Đức Thánh Linh giáng trên Chúa Giê Su trong hình dáng của  chim bổ câu. Chúng ta cũng nghe tiếng phán của Cha trên trời rằng, "Ngươi là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường." Tiến sĩ Brown bình luận về phép báp-têm của Chúa Giê Su nói, "Cũng không thể bỏ qua điều đó, mà bởi đó là phép báp-têm của Đấng Christ cho chúng ta sự mặc khải nhất định đầu tiên về giáo lý Ba Ngôi, vì vậy cách thực hiện Báp têm cho Hội Thánh của Ngài theo giáo lý này được đầy vinh quang chói sáng."[1] Chúng ta thấy rằng Chúa là Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Nghĩa là, Ngài là một Chúa tồn tại trong Ba bản thể: Cha, Con và Thánh Linh. Không phải là có Ba Chúa, nhưng là Một Chúa bày tỏ chính Ngài qua Ba bản thể nhất định. Tại phép báp-têm của Chúa Giê Su, chúng ta thấy cả Ba bản thể.

 

Tại lễ báp-têm của Ngài, Chúa Giê Su đã được xức dầu thực thi sứ mạng. Thánh Linh giáng trên Ngài để xức dầu cho Ngài trong công việc Ngài phải làm. Trong Công vụ 10:38 chúng ta đọc, " thể nào Ðức Chúa Trời đã xức cho Ðức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Ðức Thánh Linh và quyền phép, rồi Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỉ ức hiếp; vì Ðức Chúa Trời ở cùng Ngài."

 

Khi Giăng thấy Thánh Linh giáng trên Chúa Giê Su, ông biết rằng Chúa Giê Su là con của Đức Chúa Trời. Giăng nói, "Ta đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Ðấng sai ta làm phép báp-tem bằng nước có phán cùng ta rằng: Ðấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Ðấng làm phép báp-tem bằng Ðức Thánh Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Ðức Chúa Trời." (Giăng 1:32-34). Giăng biết rằng Chúa Giê Su là Đức Chúa Trời.

 

Chúng ta hãy nhìn vào sự cám dỗ Chúa Giê Su. Được làm phép báp-têm và xức dầu cho sứ mạng, Chúa Giê Su lập tức được đưa vào đồng vắng để trải qua một cuộc thử thách bởi ma quỷ cám dỗ. Chúng ta đọc trong câu 12 và 13, " Tức thì Ðức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng. Ngài ở nơi đồng vắng bốn mươi ngày, rồi chịu Sa-tan cám dỗ. Ngài đã ở chung với thú rừng, và có thiên sứ hầu việc Ngài." Chúa Giê Su đương đầu với sa-tan. Nó cám dỗ Chúa Giê Su bằng nhiều cách khác nhau. Sự thử thách cuối cùng mà nó đưa ra cho Chúa Giê Su được chép trong Mathiơ 4:8-11 " Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng Ngươi sấp mình trước mặt Ta mà thờ lạy, thì Ta sẽ cho Ngươi hết thảy mọi sự nầy. Ðức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: ”Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài." Mỗi lần Chúa Giê Su đối mặt với sự cám dỗ của Sa-tan với một đoạn Kinh Thánh. Chúa Giê Su đều chiến thắng. Ngài không bao giờ rơi vào bẫy của Sa-tan.

 

Bởi vì Chúa Giê Su đã chịu cám dỗ, Ngài có thể liên quan đến chúng ta. Chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 2:18 và 4:15 " Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.....  Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. " Bạn thấy đấy, Chúa Giê Su có thể liên hệ đến chúng ta. Ngài có thể liên hệ đến sự cám dỗ của chúng ta. Ngài có thể liên hệ đến sự thử thách của chúng ta. Ngài có thể liên hệ tới sự chịu đựng của chúng ta. Tại sao? Bởi vì Ngài đã trải qua những sự cám dỗ, thử thách, chịu đựng đó. Hê-bơ-rơ 4:16 nói tiếp: "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng." Chúng ta có thể đến với Chúa khi nào chúng ta cần vì Ngài hiểu rõ chúng ta. Ngài biết chúng ta đang trải qua những gì.

 

Chúa Giê Su lúc bấy giờ sẵn sàng để bước vào sứ mạng của Ngài. Ngài đã làm phép báp-têm và xức dầu một cách công khai cho sứ mạng của Ngài. Ngài đã đối đầu và chiến thắng Sa-tan. Bây giờ, sứ mạng của Ngài bắt đầu.

 

                                                                                                Mục sư Nguyễn Quốc Dũng chuyển ngữ

 



[1]David Brown, The Four Gospels (The Banner of Truth Trust: London, 1969) p.15

Các bài khác :: Chúa Giê Su là Đức Chúa Trời
:: Chúa Giê Su chữa lành người bệnh cùi
:: Chúa Giê Su đến với mọi người
:: Chúa Giê Su chữa lành những bệnh nhân
:: Quyền năng của Chúa Giê Su

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi