Ý Nghĩa của Niềm Vui Giáng Sinh

 Giáng Sinh là một câu chuyện tình yêu cao cả của Chúa vào đời, không lãng mạn như chuyện tình yêu trong văn chương, không phô bày tính nhân bản trong triết lý tôn giáo về lòng vị tha, bao dung. Câu chuyện Giáng Sinh không dùng để thuyết giáo cho nhân sinh đạo đức. Chúa Giáng sinh ngay tự ban đầu có một chủ đích rõ ràng và có một thông điệp cho thế giới “Nhân loại được Đức Chúa Trời ban cho niềm vui”. “Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.” (Lu-ca 2:10-11) Muốn có niềm vui phải vâng lời, làm theo lời của Chúa. Giô-sép và Ma-ri dành cho nhau niềm vui cộng thêm sự tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời, nên họ không kể đến những lời nói bóng gió chê bai lướt qua trên đường đời của họ.

Lúc Ma-ri đến tháng thứ chín sự mong mỏi được nhìn thấy Đấng Cứu Thế ra đời đã lớn lên từng ngày. Tuy nhiên một vấn đề tồn tại mà họ rõ ràng không  thể giải quyết, Giô-sép và Ma-ri đang sinh sống tại làng Na-xa-rét miền bắc xứ Israel. Trong khi lời tiên tri về Đấng Mê-si sanh ra tại thành Bết-lê-hem miền nam xứ Israel (Mi-chê 5:2). Trước đó, chương trình của Đức Chúa Trời đã dùng một thiên sứ phán bảo cho Ma-ri trong sự hiện thấy và Giô-sép trong giấc chiêm bao. Trong tình huống này Đức Chúa Trời đã sử dụng Hoàng đế La-mã, một đối tượng mà người ấy không hề hay biết, ông đang thực thi một sứ mạng cho Đức Chúa Trời “Lúc ấy, Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. (Lu-ca 2:1). Hoàng đề La Mã chỉ biết mục đích của ông trong cuộc điều tra dân số này nhằm mở rộng cơ sở thâu thuế cho đế quốc La-mã.

Mỗi người trong đế quốc La-mã được lệnh phải trở về thành phố của tổ tiên mình. Giô-sép là dòng dõi của vua Đa-vít, một dòng dõi theo lời hứa của Đức Chúa Trời trong lời Kinh Thánh Cựu Ước “Ngài đã lập một giao ước đời đời”. Giô Sép dù muốn dù không, dù biết rằng ngày sinh nở của Ma-ri cũng gần đến, đã phải thực hiện một chuyến đi vất vả đến ngôi làng nơi Đa-vít đã sinh ra. Bết-lê-hem, một ngôi làng cách năm dặm về phía Nam của Giê-ru-sa-lem. Thành Bết-lê-hem đã được đề cấp đến vài lần trong Thánh Kinh Cựu-ước (Sáng Thế Ký 48:7; Ru-tơ 1:22) nhưng nó được nhiều người biết đến vì đó là nhà của Đa-vít (I Sa-mu-ên 16:1; 17:12; 20:6).

Theo lẽ thường tình Giô-sép có lẽ sẽ không thực hiện một chuyến đi đến thành Bết-lê-hem nếu chính quyền La-mã đã không ra lệnh. Hơn thế nữa theo lời thiên sứ báo mộng cho Giô-sép  cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã không nói với Giô-sép và Ma-ri rằng con trẻ cần phải được sanh ra tại thành Bết-lê-hem. Luật pháp của La Mã lúc ấy chỉ ra lệnh cho những công dân nhưng không bắt buộc người sắp sinh nở, vì vậy Ma-ri có thể không bắt buộc phải đi. Tại sao Ma-ri phải đi? Có thể cô ấy không muốn rời xa  Giô-sép lúc con trẻ được sinh ra.

 

Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga- li-lê, lên thành Đa-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, để khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là người đã hứa gả cho mình đang có thai (Lu-ca 2:4, 5).

 

Chuyến đi vất vả từ Na-xa-rét đến Bết-lê-hem ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, chẳng những như vậy hai người khi ở tại đó không có phòng trọ, nỗi thất vọng cùng với sự lo lắng về sự ra đời cho con trẻ... Chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng thế nào hay nói làm sao về việc cuối cùng Giô-sép và Ma-ri dừng chân ngủ trong chuồng gia súc. Lời Kinh Thánh mô tả cách đơn giản nơi đó là chỗ sinh ra của con trẻ. Sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử được chuyển đến bằng những từ ngữ đơn giản.

 

Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở (Lu-ca 2:6,7).

 

Sự kiện Giáng Sinh của Chúa Giê Su không trọng đại hơn sự chết và sự sống lại của Ngài. Tuy nhiên “Sự kiện trọng đại nhất” là Đức Chúa Trời đã đến thế gian giáng sinh làm người cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại. Niềm vui của Ma-ri và Giô-sép hoàn thành được sứ mạng sau nhiều ngày gian khổ trên đường xa gió bụi. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc đối với gia đình người thợ mộc bây giờ là trong chuồng nuôi gia súc của một quán trọ bên đường, được lặng ngắm Chúa vào đời trong tình yêu không thể tả. Khác xa với những khắp thập phương giàu có về thành Bết-lê-hem, nhiều người ngồi trong quán trọ thưởng thức món ăn dê béo, rượu nồng, nằm trên chăn êm nệm ấm, nhưng bên cạnh họ không có tình yêu của Đức Chúa Trời. Đêm ấy mọi người tranh nhau chỗ ngủ, phòng trọ, đến nỗi nhà quán không còn đủ chỗ, nhưng chuồng chiên máng cỏ nơi Chúa ra đời không ai tranh chấp, mọi việc xảy ra đều bình an họ thật vui mừng về điều đó. Giáng Sinh thật sự là niềm vui cho những ai thờ phượng Chúa trên trời vì từ trời cao Chúa lo liệu mọi nhu cầu cần thiết. Thật hạnh phúc biết bao khi Niềm Vui Giáng Sinh đến nhân loại sẽ thoát ra khỏi thế thái nhân tình.

 

                                                                                                      Giáng Sinh 2014

                                                                                             Mục sư Nguyễn Quốc Dũng    

 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi