Trông Đợi Đấng Cứu Thế

 Mùa Giáng Sinh đến mọi người trên thế giới trông đợi gì? Điều trông đợi của tất cả các nhà lãnh đạo thế giới là “Hòa Bình”. Những kinh tế gia trông đợi “Tài Chính”. Dân chúng khắp nơi trông đợi “Niềm Vui” qua việc mua sắm, gửi quà, gửi thiệp cho nhau. Đêm Giáng Sinh đầu tiên dân chúng trông đợi gì? 

Như đã nói đến trong các sách tiên tri, người Do Thái đang háo hức tìm kiếm Đấng Cứu Thế từ Đức Chúa Trời. "Mê-Si" là một chữ từ tiếng Hê-bơ-rơ (מָשִׁיחַ, mashiach) có nghĩa là "[một người] được xức dầu." Chữ Hy Lạp tương đương là “Đấng Christ” (Χριστός, Christos; Giăng 1:41). Xức dầu đã được sử dụng trong việc bổ nhiệm thầy tế lễ (Xuất-ê-díp-tô-ký 28:41; 29:7) và những người khác; nhưng khi một người Do Thái nghe cụm từ "Được Đức Chúa Trời xức dầu", người đó sẽ nghĩ đến một vị vua (xem 1 Sa-mu-ên 10:1; 24:6; 2:2,6).

 

Vào thời điểm Chúa Giê Su cuối cùng đã đến, dự đoán về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế đã ở mức rất cao. Điều này có thể được nhìn thấy trong sự phấn khích của Si-mê-ôn và An-ne, người đã chào đón con trẻ Giê Su trong đền thờ (Lu-ca 2:25-38). Si-mê-ôn đã trông đợi "Đấng Cứu Thế từ Đức Chúa Trời" (Lu-ca 2:26). An-ne nói về Chúa Giê Su "cho tất cả những ai đang trông đợi sự giải cứu của Giê-ru-sa-lem" (Lu-ca 2:38). Khi Giăng Báp-tít bắt đầu công việc của mình,"Bởi dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy đều tự hỏi trong lòng có phải Giăng là Đấng Cứu Thế chăng (Lu-ca 3:15). Ngay cả người Sa-ma-ri tin rằng “Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Cứu Thế) phải đến” (Giăng 4:25). Giô-sép ở A-ri-ma-thê được mô tả là “Người vẫn trông đợi nước Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 23:51). Sự khao khát của người dân nói chung có thể được nhìn thấy trong các nỗ lực ép Ngài lên làm vua (Giăng 6:15) và sự vui mừng của họ khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn (Giăng 12:13).

 

Sự đến của Đấng Cứu Thế rõ ràng là một chủ đề tranh luận rất phổ biến. Người ta đã biết về chi tiết cuộc đời của Ngài: Ngài là con cháu của vua Đa-vít (Ma-thi-ơ 22:42); Ngài sẽ được sinh ra ở tại thành Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 2:5, 6; Giăng 7:42). Gắn liền với cuộc tranh luận về Đấng Cứu Thế là việc suy đoán về người chuẩn bị dọn đường cho Ngài (xem Giăng 1:21; Ma-thi-ơ 16:14). Đấng Cứu Thế giả rõ ràng sẽ trổi dậy, thổi bùng hy vọng cho con người. Chúa Giê Su nói với các môn đồ rằng điều này sẽ xảy ra sau khi Ngài đi (Ma-thi-ơ 24:5, 23, 24), và hầu hết các học giả tin rằng điều đó cũng đã xảy ra trước khi Ngài được sinh ra.  Với tất cả các suy đoán này, những lời của Giăng có thể trở nên rất khó hiểu: "Ngài (Chúa Giê Su) đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy" (Giăng 1:11). Sự từ chối Chúa Giê Su bởi người Do Thái nói chung và bởi các nhà lãnh đạo Do Thái nói riêng là chủ đề nổi bật trong Kinh Thánh Tân Ước (Ma-thi-ơ 21:42, Mác 12:10; Lu-ca 17:25; Công Vụ Các Sứ Đồ 4:11; 1 Phi-e-rơ 2:4, 7). Tại sao Chúa Giê Su không được chấp nhận là Đấng Cứu Thể đã được mong đợi từ lâu?

 

Về cơ bản, Chúa Giê Su bị từ chối bởi vì Ngài không phù hợp với khái niệm đã được định hình trước về Đấng Cứu Thế ​​của người Do Thái. Kinh Thánh Cựu Ước dạy rằng Đấng Cứu Thế là một vị Vua do Đức Chúa Trời sai đến (Ê-sai 9: 6, 7) từ dòng dõi vua Đa-vít (Thi Thiên 89: 3, 4). Kinh Thánh Cựu Ước cũng dạy rằng Đấng Cứu Thế là một đầy tớ đau khổ (Thi Thiên 22: 1-21; Ê-sai 53: 1-12.), tuy nhiên các lời tiên tri về tính chất này phần lớn đã bị bỏ qua. Rõ ràng trong tâm trí của người Do Thái họ cần một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự mạnh mẽ để đánh bại đế chế La Mã và tái lập vương quốc Y-sơ-ra-ên như họ đã từng có trong thời đại vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn. Chúa Giê Su, người đã nói: "Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy." (Giăng 18:36a) không phải là một người lãnh đạo theo kiểu đó. Chúa Giê Su là một nhân vật khác biệt không phù hợp với “hình ảnh” mà dân của Ngài đã mong đợi  Đấng Cứu Thế. Thế giới mà Chúa Giê Su đến lúc bấy giờ chỉ là mãnh đất khô cằn, chúng ta chú ý đến lời tiên tri về Đấng Cứu Thế trong sách Ê-sai 53:2  “Đấng Cứu Thế sẽ lớn lên như cái rễ ra từ đất khô"  Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho việc đến của Ngài (Ga-la-ti 4. 4), nhưng trái tim của con người vẫn như đất khô cằn. Từ môi trường khắc nghiệt này, Chúa Giê Su sẽ đến. Tuy nhiên, sự sống của Chúa Giê Su cuối cùng đã phát triển và lan truyền trên toàn thế giới.

 

Trong mãnh đất khô cằn ấy còn có những hạt giống đang nẩy mầm, có những con người hằng đêm trông đợi Đấng Cứu Thế. Những người chăn chiên trú qua đêm vùng ngoại thành Bết-lê-hem không thể ngờ đến thiên sứ báo tin cho họ mà Ngài không báo tin cho triều đình vua Hê-rốt. Họ cũng không thể ngờ thiên sứ đem một niềm vinh hạnh không thể tả cho họ mà không đến với những người chủ quán giàu có ở thành Bết-lê-hem. Việc báo tin quan trọng mà Ngài sai phái những số phận nghèo hèn, những thân phận thấp kém như họ. Đức Chúa Trời biết những ai trong lòng đang khao khát trông đợi Chúa Cứu Thế cho nên thiên sứ được sai đến với những người không cần thắc mắc như vậy. Những người chăn chiên có thể đã đi tìm nhiều máng cỏ trước khi tìm thấy một máng cỏ có em bé bọc bằng khăn nằm trong đó. Có những tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên hầu như không ai chú ý trong một thành phố ồn ào có nhiều du khách. Nhưng Đức Chúa Trời không để cho giây phút này trôi đi mà không ai biết đến. Lời báo tin của Đức Chúa Trời không dành cho những người lãnh đạo của thành phố hay viên chức của nhà hội mà dành cho một nhóm những người chăn chiên nghèo nhưng có lòng cao thượng (Lu-ca 2:8), có lòng trông đợi Chúa Cứu Thế đến trần gian.

   

Tinh thần trông đợi Chúa Cứu Thế đã qua đi theo thời gian, sự hiện hữu của Chúa Cứu Thế vẫn tồn tại trong lòng các tín hữu, hay trong các ngôi thánh đường qua các chương trình Lễ Giáng Sinh hằng năm. Tuy nhiên điều thiếu vắng vẫn còn đó trong tấm lòng của những người cao thượng giống như những người chăn chiên. Sau khi nhận thấy Chúa Cứu Thế “Những người chăn chiên trở về, làm sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã nghe và thấy y như lời đã bảo trước cùng mình.” Lu-ca 2:20

 

                                                                                                         Mùa Giáng Sinh 2014

                                                                                                   Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

Các bài khác :: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi