Bông Trái Trong Nhà Chúa
Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được. Giăng 15:5
Hồi còn thanh niên tôi cùng với các bạn trẻ trong Hội Thánh Sài Gòn hay đi dã ngoại, nơi mà chúng tôi thích nhất là vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vào vườn được hái trái ăn mà không phải trả tiền, có rất nhiều loại trái cây và không đủ bụng để ăn cho thỏa thích. Mùa hè năm nay tôi cùng với các bạn trẻ Hội Thánh Sacramento lần đầu tiên vào vườn Cherry tại Cali để hái trái ăn no như vậy, chỉ có một loại trái Cherry nhưng khu vườn rộng mênh mông, trái Cherry chín mọng từ trên ngọn xuống đến gốc, người đến tham quan vườn đông nườm nượp chẳng những để ăn mà còn mua đem về. Vườn cây trái chín lúc nào cũng thu hút du khách đến ăn no lại còn có thể mua đem về nhà. Chúa Giê Su ví sánh con cái trong nhà Chúa như là những nhánh nho ra những trái chín và sẽ hấp dẫn rất nhiều người đến thưởng thức vị ngon ngọt của những bông trái tốt lành chẳng những no nê mà còn mang về nhà.
Bông trái của Cơ Đốc Nhân trong nhà Chúa không phải là cố gắng “Đưa dắt nhiều người về với Chúa”. Cũng không phải là một buổi nhóm được làm sôi động, hay một bài giảng được vài tín hữu khen đầy ơn. Nhưng bông trái trong nhà Chúa là tinh thần vui vẻ, sự yêu thương hòa thuận chan hòa lẫn nhau. Nhiều linh hồn về với Chúa do tình yêu thương và lời Kinh Thánh đưa dẫn “du khách” đến khu vườn nhà Chúa. Việc phát triển nhà Chúa do sự cầu nguyện bằng đức tin và sinh ra những bông trái hiền lành, nhân từ, tiết độ, hòa thuận, của những người thực sự muốn vào nước Trời ... Những việc lành có ý nghĩa là nguồn ơn phước lâu dài. Người đời thường hay nói “Ăn Xổi, Ở Thì” để chỉ những việc làm không có hậu, việc gì cũng muốn mau chóng có kết quả nên làm cho mau, làm ẩu, làm không nghĩ đến hậu quả. Tôi còn nhớ một câu chuyện ví dụ kể lại: “Trong một gia đình vùng nông thôn, một người mẹ chịu khó cày xới, lên luống khu vườn sau nhà để trồng bắp. Ngày kia bà kêu đứa con trai đi ra gieo giống xuống các luống đất sau vườn giúp cho bà, bà giao cho bao bắp giống và chỉ cho cách gieo trồng tỉ mỉ, cứ cách mỗi bước chân ngang hay dọc đều mới được đào một cái lỗ và tỉa hạt giống bắp xuống đó. Đứa con trai vâng dạ tỏ vẻ nhu mì vâng lời mẹ. Một thời gian sau bà mẹ ra sau vườn để xem vườn bắp mọc lên thế nào, bà nhìn vào các luống đất không có cây nào. Nhưng cuối khu vườn có một khu đất um tùm cây bắp mọc lên. Bà biết ngay đứa con trai mình vì ham chơi nên thay vì làm theo lời dặn của mẹ, em đã gạt mẹ bằng cách đổ hết bao thóc xuống cuối góc vườn để rồi đi chơi với chúng bạn”. Cơ Đốc nhân phải cẩn thận với cách thức gieo trồng những hạt giống thiên đàng vì chỉ người nào chịu khó gieo trồng mới có bông trái tốt: “Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.” Thi Thiên 126: 6.
Bông trái trong nhà Chúa luôn ngon ngọt và tỏa ra hương thơm khác với câu tục ngữ của thế gian: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Người có hương nhưng không có chất, hoa có thơm nhưng hoa không đẹp, chẳng khác gì “Mối tình Trương Chi”. Người có bông trái Đức Thánh Linh có cách cư xử ngọt ngào, lời nói có ân hậu, hiền lành dễ mến, giao tiếp với mọi người bằng sự chân thật và yêu thương, không bao giờ làm việc hai lòng hoặc giả hình, gian dối. Lý do có được trái ngon ngọt và quả chín xum xuê phủ đầy cành lá, nhựa sống của cây lấy từ nguồn dinh dưỡng thật từ nguyên lý tự nhiên. Những Hội Thánh đầu tiên phát triển danh Chúa cho mọi người biết và được Chúa chúc phước đều có nhựa sống từ chính lời Chúa, Phao Lô nói với Hội Thánh Ga-la-ti như sau: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa. Nhưng Đấng Christ sống trong tôi,...” Ga-la-ti 2:20. Phao Lô lấy nhựa sống từ sự sống phục sinh của Đấng Christ. Nhựa sống này đã giúp cho ông sinh ra rất nhiều bông trái, cũng như sức sống bền bĩ khiến cho ông làm việc không hề mỏi mệt trong bất cứ công việc gì để hầu việc Chúa, từ việc giảng đạo cho đến việc may trại kiếm sống. Kinh nghiệm này đã được Phao Lô dùng để khuyên răn các tín hữu trong Hội Thánh xưa và nay như sau: “...Hỡi anh em, chúng tôi khuyên anh em hằng tỏ lòng yêu thương đó thêm mãi, ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình, lấy chính tay mình làm lụng, như chúng tôi đã dặn bảo anh em.” I Tê-sa-lô-ni-ca 4:10,11. Tuy nhiên trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời dưới thời tiên tri Ê-sai thay vì những cây nho ra trái tốt nhờ được nguồn dinh dưỡng của gò đất tốt, nhưng những cây nho giống tốt mà lại hấp thu những “chất khác” dưới lòng đất nên ra những trái nho hoang nhỏ bé, vị chua chát không thể nào dùng để ép “rượu vang”. Chất dinh dưỡng khác đây có thể là do nguồn nước bị ô nhiểm môi trường, các hóa chất độc hại ngấm sâu trong lòng đất, cũng có thể dưới lòng đất có những kim loại như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm.v.v...nên cây trái không thể phát triển tự nhiên sinh ra bông trái đủ chất ngọt được.
Nguyên tắc tự nhiên con cái Chúa phải sinh nhiều bông trái tốt trong nhà Chúa. Ai không sinh ra bông trái tốt Chúa sẽ chặt đi: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn.” Giăng 15:2
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|