Sợ Hãi Thật Sự
Sự sợ hãi giả tạo làm cho mọi người có tâm linh mù quáng. Sợ hãi thật sự dẫn đến sự giải cứu. Quá nhiều phim ảnh ngày nay tạo nên những cảm giác giả tạo khiến cho nhiều người mù quáng quên đi cuộc sống thật. Thế giới ngày nay không thể nào ngăn chặn được những bộ phim rùng rợn hay những cảnh kinh hoàng làm cho mọi người sợ hãi. Sau khi hết phim nỗi sợ biến mất, người ta cảm thấy nhẹ nhàng với tâm trạng thoải mái. Nhưng những trải nghiệm qua khỏi giờ phút kinh hoàng thực tế mới giúp cho con người hiểu thấu sự giải cứu đáng giá đến mức độ nào. Chính vì vậy mà lời Kinh Thánh có tác động mạnh mẽ trên con người và đem mọi người đến từng trãi sự giải cứu, trong đó có Giô Na một người ở trong bụng cá ba ngày ba đêm, kinh nghiệm sống của ông nói lên sự sợ hãi và niềm vui thật sự của người đã nhận được ơn thương xót vô cùng lớn lao của Đức Chúa Trời.
Nguyên do của sự sợ hãi giả tạo thường do con người gây ra. Một chiếc máy bay rớt, một tay khủng bố chỉa súng vào đám đông bắn giết, một vụ đắm tàu do chủ tàu thiếu trách nhiệm.v.v... Không có lý do gì để chúng ta sợ hãi, cứ an tâm, cứ nghĩ ngơi. Tâm trạng của Giô Na đang ngũ dưới lòng chiếc thuyền đang mơ về phương Tây – vùng đất Ta-rê-si giàu có. Cũng như vậy! Trên boong tàu các thủy thủ của chiếc thương thuyền Anh quốc đang chèo chống rất khó khăn trước những cơn sóng gió ba đào diễn ra. Những cơn sóng cao hàng chục mét dựng đứng lên rồi chụp xuống con thuyền nhỏ bé, hết lượn sóng này đến lượn sóng khác liên tục làm cho con thuyền chồng chềnh nghiêng ngã. Các thủy thủ trên tàu bắt đầu cảm thấy đây không phải là cơn bão bình thường, dường như nó là cơn giận của những vị thần linh. Họ quăng hết đồ đạc xuống biển cho nhẹ tàu, sóng to gió lớn vẫn cứ tiếp tục quật vào thành tàu khiến cho chiếc tàu sắp sửa vỡ tan ra từng mãnh. Các thủy thủ xuống lòng tàu đánh thức Giô Na là người khách quá giang đã trả tiền cho họ tại bến tàu Gia Phô. Những thủy thủ này nói với Giô Na: “Hãy kêu cầu với Đức Chúa Trời để Chúa của ông sẽ cứu con tàu khỏi chìm.” Có lẽ Giô Na cũng lẩm bẫm những lời cầu nguyện nhưng lòng ông biết chắc một điều Đức Chúa Trời không nghe lời cầu nguyện của người đã làm điều trái với mạng lệnh Đức Chúa Trời. Sự thật đã diễn ra đúng như vậy, những thủy thủ chăm chú nhìn ông xem Đức Chúa Trời của ông có giúp gì không? Ngài sẽ giải cứu cho con tàu này theo lời cầu xin của Giô Na hay không? Sau lời cầu nguyện của Giô Na một cơn sóng dữ quật mạnh xuống lòng tàu làm cho mọi người nghiêng ngã, sắc mặt mọi người hiện lên nỗi sợ hãi kinh hoàng. Bây giờ các thủy thủ run rẩy sợ hãi vì họ biết có người trên con tàu đã làm cho thần linh giận dữ mà chưa biết là ai? Theo tục lệ của người xưa mỗi khi có sóng to gió lớn họ xem đó là sự nổi giận của thần linh nên để cho thần linh bớt cơn thịnh nộ họ phải tế thần bằng sinh mạng của một người nào đó. Chính vì vậy họ rút thăm để biết việc xúc phạm thần linh do ai gây ra và dùng người đó làm vật tế thần. Khi họ rút thăm Giô Na chính là người ấy. Trong vòng các thủy thủ, họ ngơ ngác vì không ngờ người hành khách đi quá giang lại là người gây tai họa, họ muốn biết sự tình ra thể nào nên họ đã hỏi Giô Na việc ông đã làm gì khiến cho Đức Chúa Trời nổi giận mà trong đời thủy thủ của họ chưa bao giờ gặp cơn bão tố lớn như thế nầy. Lúc bấy giờ Giô Na mới kể hết sự tình của mình ra cho họ nghe, ông kể về việc Đức Chúa Trời bảo ông đi xứ sang thành Ni-ni-ve thuộc đế quốc A-si-ri là kẻ thù của quốc gia ông để rao báo trước cho họ biết thành Ni-ni-ve sẽ bị sụp đỗ trong vòng bốn mươi ngày từ lúc ông lên tiếng cảnh báo. Nhưng ông thấy việc này như là việc nhân đạo đối với kẻ thù của quốc gia, nên ông không muốn làm việc này, vì vậy ông xuống tàu đi Ta-rê-si để trốn tránh nhiệm vụ.
Khi sự sợ hãi lên đến tột cùng có người trở thành kẻ liều mạng, giết nhiều người để cứu mạng mình. Giô Na không giống với kẻ liều mạng nhưng ông sẵn sàng hi sinh chính mình để cứu con tàu. Giô Na nói: “Hãy bắt lấy ta, hãy ném ta xuống biển, thì biển yên lặng cho các anh; Vì ta biết nguyên nhân này vì cớ ta mà các anh gặp phải trận bão lớn nầy.” Giô Na 1: 12. Giô Na liều mạng sống vì con tàu, ông trở thành một người đáng khâm phục trước mặt các thủy thủ ngoại bang không biết về Đức Chúa Trời. Họ thấy ông dám nhận lãnh trách nhiệm bằng những lời nói can đãm và hi sinh mạng sống của mình bèn kính sợ Đức Chúa Trời và kêu cầu Ngài. Sau giây phút chạnh lòng thương xót, các thủy thủ nắm lấy tay chân của ông ném qua khỏi thành tàu cho rơi xuống biển, liền lập tức sóng gió lặng yên, con tàu nhẹ êm lướt gió về phía trước. Trên biển cả lúc ấy xuất hiện một con cá lớn bơi đến gần Giô Na, cơn sóng to gió lớn vừa qua có lẽ làm cho con cá quá đói vì không có mồi ăn nên gặp một người đang vùng vẩy trên nước nó há miệng thật lớn đế đớp lấy con mồi mà không cần nhai, nhưng nuốt gọn một cái, con người ấy trôi tuột vào bao tử cá.
Sự sợ hãi thật sự khi nằm trong bụng cá đã đưa Giô Na đến thật gần với Đức Chúa Trời. Trong bụng cá ba ngày ba đêm ông không làm gì hết ngoài việc kêu cầu Chúa ở trên trời. Đức Chúa Trời lắng nghe, Đức Chúa Trời tha thứ, Đức Chúa Trời thương xót. Giô Na đã được con cá mửa ra trên một bờ biển có nhiều người nhìn xem sự kiện lạ kỳ này và ông nghe tiếng Chúa phán lần thứ hai “Hãy ngồi dậy, Hãy đi đến thành Ni-ni-ve, và rao cho nó lời ta đã truyền cho ngươi’ Giô Na 3: 2. Từ việc đối diện với sự khủng khiếp khi ở trong bụng cá tối tăm, nguy hiểm mà Giô Na được Chúa cứu ra khỏi cho thấy bất cứ ai biết ăn năn tội của mình dầu cho ở trong cùng cực và sợ hãi như thế nào Đức Chúa Trời cũng cứu vớt và đem ra khỏi nơi tăm tối để được hưởng vinh quang của nước Trời.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|