Đoạn Đường Khổ Nạn Via Dolorosa
Bất cứ khách hành hương nào về Jerusalem ngày nay đều biết đến đoạn đường Via Dolorosa. Mùa hè cách nay đã chín năm Chúa cho tôi cơ hội may mắn dự khóa học về “Xứ Palestine của Chúa Giê Su” Chương trình kết hợp những bài học Kinh Thánh trong bốn sách Phúc Âm và những địa danh lịch sử, vừa học Kinh Thánh vừa đến tận chỗ tham quan. Những người tham dự khóa học được đến tại những nơi có liên quan đến Chúa Giê Su từ nơi Chúa Giáng sanh đến những nơi Chúa đã thi hành sứ mạng, nơi Chúa chết và ngôi mộ Chúa sống lại. Từ nơi tôi học đến thành cổ của Jerusalem không xa, đoạn đường Via Dolorosa dài chỉ khoảng năm sáu trăm mét, tôi thường qua lại con đường này nhiều lần để suy niệm về sự khổ nạn của Chúa Giê Su.
Đoạn đường này được đánh dấu thứ tự từ số một đến số mười bốn La-mã (I – XIV).
1. Chặng đầu tiên xuất phát từ dinh Phi Lát nơi Chúa Giê Su bị quan tổng đốc Phi Lát xét xử mà ông không thể tìm được tội gì của Chúa Giê Su, Phi lát nói: “Ta thấy người không có tội chi hết” Giăng 18: 38. Nhưng sau đó để làm vừa lòng đám đông dân Giu Đa, Phi Lát đã giao Chúa cho quân lính La-mã đánh đập sỉ nhục ngay tại chốn công đường này.
2. Chặng thứ hai bắt đẩu tại chỗ Chúa Giê Su bị buộc vác một cây thập tự trên vai, và phải lê từng bước lên đồi Gô-gô-tha dưới làn roi da có móc sắt của những quân lính La-mã đi áp giải đánh tới tấp lên thân của Chúa.
3. Chặng thứ ba đánh dấu sức chịu đựng của con người Chúa Giê Su có giới hạn nên Ngài đã ngã xuống lần đầu tiên, những lính La-mã tiếp tục quất roi lên thân Ngài và bắt đứng lên tiếp tục vác thập tự đi tới.
4. Chặng thứ tư nơi bà Ma-ri đứng bên vệ đường và những người đàn bà nhìn Chúa Giê Su với thân hình bê bết máu, đau lòng Ma-ri nhớ lại lời tiên tri của Si-mê-ôn tại thành Jerusalem lúc ông ẳm Chúa Giê Su vào lòng nói với bà: “Còn về phần ngươi (Ma-ri) có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi...” Lu-ca 2:35.
5. Chặng thứ năm: Trên đường áp giải Chúa họ thấy một người nông phu tên Si-môn vừa từ ngoài đồng về liền bắt người này vác thập tự thay cho Chúa. Lu-ca 23:26.
6. Chặng thứ sáu đánh dấu nơi chiếc khăn lau mặt có ẩn hiện khuôn mặt đẳm máu của Chúa.
7. Chặng thứ bảy đánh dấu Chúa Giê Su đuối sức ngã gục xuống đường lần thứ hai.
8. Chặng thứ tám đánh dấu nơi Chúa Giê Su gặp những người đàn bà tại Jerusalem đấm ngực khóc cho Ngài. Nhưng Chúa Giê Su xây mặt lại nói với họ: “Hỡi con gái thành Jerusalem, đừng khóc về ta, nhưng khóc về chính mình các ngươi, và về con cái các ngươi.” Lu-ca 23:28.
9. Chặng thứ chín ghi dấu nơi Chúa Giê Su lần thứ ba gục xuống bên đường.
10. Chỗ thứ mười đánh dấu nơi quân lính lột hết áo bên ngoài của Chúa Giê Su ra để chuẩn bị cho việc đóng đinh Ngài.
11. Chỗ ghi dấu thứ mười một là nơi quân lính La-mã đóng đinh tay chân Chúa Giê Su vào cây thập tự.
12. Chỗ ghi dấu thứ mười hai là nơi cây thập tự được dựng lên giữa trời trưa nắng cho đến lúc Chúa tắt hơi.
13. Chỗ ghi dấu thứ mười ba: Tảng đá nơi liệm xác Chúa Giê Su. Giô-sép người A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như phong tục khâm liệm của dân Giu Đa. Giăng 19:40.
14. Chỗ ghi dấu thứ mười bốn: Phần mộ nơi chôn xác Chúa Giê Su. Giăng 19:41-42.
Xuyên qua những nơi ghi dấu con đường khổ nạn của Chúa Giê Su này làm bằng chứng: Lịch sử Jerusalem cho thấy cuộc đời Chúa Giê Su trên đất mà các sách Phúc Âm ghi lại là sự thật hiển nhiên vẫn tồn tại vững bền theo thời gian từ thế kỷ thứ nhất đến nay. Các thế hệ về sau như tôi và nhiều người trên thế giới ngày nay nhìn xem đoạn đường khổ nạn này càng vững lòng tin vào lẽ thật của sự cứu rỗi: Chúa Giê Su đã chết thay cho tội lỗi của tôi và cả nhân loại. A-men!
Mùa Thương Khó 2016
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Chú thích: Video clip về đoạn đường Via Dolorosa nằm trong mục Video - Thánh sử - Giai đoạn cuối cuộc đời Chúa Giê Su của trang web này do tôi ghi lại. MS. Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|