Chúa Bình An Giáng Trần

 

Đêm nay các hồi chuông giáo đường đông bán cầu nhịp nhàng vang lên kỷ niệm Chúa bình an giáng trần. Ngày mai các giáo đường tây bán cầu đều ca hát bài “Silent Night! Holy Night!”. Đêm Giáng Sinh là đêm yên lặng, đêm thánh chào đón con trời đến trần gian, không gian lắng chìm theo tiếng nhạc lời ca của các thiên binh thiên sứ. Các mục đồng rộn rả tươi vui, hớn hở hăng say theo lời báo tin của thiên thần tìm đến nơi tầm thường nhất của thành Bết-lê-hem để chiêm ngưỡng sự kiện “Con trời giáng thế” mà ngày nay những con tim nhân loại vẫn rộn ràng mỗi khi mùa Giáng Sinh về.

Nơi sâu thẳm của tấm lòng ai cũng mơ ước bình an. Trong khi tiền bạc không mang lại hạnh phúc, cũng không đem đến bình an, mọi người trên trần gian không biết tìm điều gì để cho tâm hồn không còn đói khát. Ai cũng tranh giành quyền lợi nên việc đấu tranh để giành giật không thể không xảy ra, con người càng ngày càng đau khổ, lòng người mong ước có bình an trên đất mà chưa bao giờ có được. Lời của bài thánh ca vang lên trong đêm Giáng Sinh đầu tiên “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Thiên sứ báo tin bình an đến với loài người qua việc con trời đến trần gian, Ngài đến với những người có lòng tử tế đối xử nhau cách nhân từ như các gã mục đồng. Lời Chúa được nhắc đi nhắc lại cho con cái Ngài “Hãy ở với nhau cách nhân từ đầy dẫy lòng thương xót.”

Khác với nguyên lý con người là chủ thể muốn có bình an phải do tịnh tâm, người có thiện tâm tiếp nhận con Chúa Trời sẽ được Chúa ban bình an. Muốn đón nhận Chúa, lòng người nên mở ra không nên đóng lại. Biết bao người tại thành Bết-lê-hem dầu họ là những người hiền lành tử tế nhưng lòng họ đóng kín trước tình yêu của Chúa trên trời. Cửa lòng của dân thành phố Bê-lem mở ra đón rước các thương gia, và những doanh nhân giàu có mang lại nhiều lợi nhuận cho công việc làm ăn. Điều này sẽ không bao giờ mất quyền lợi nếu những chủ quán trọ vui vẻ mở lòng ra đón tiếp người thợ mộc nghèo nàn cùng người vợ trẻ đang mang thai sắp đến ngày sinh nở. Tiếc thay tất cả chủ nhà trọ đều không thấy được ơn phước lâu dài của thiên đàng!!!   

Mỗi khi nhớ tới hình ảnh của con trời giáng thế tôi thường nhớ tới cảnh chuồng chiên, bò lừa với mái tranh vách lá đơn sơ trong các tấm thiệp mừng Giáng Sinh mô tả cảnh thanh bình. Nhưng trên thực tế nơi Chúa sinh ra tại thành Bết-lê-hem không có chuồng nuôi súc vật bằng mái tranh vách lá mà ở trong hang bằng đá nằm dưới những đụn cát sa mạc nơi quanh năm chịu đựng được sức nóng ban ngày và những ngọn gió rét cắt da vào ban đêm của sa mạc. Khi tôi đến hang mục đồng nằm dưới lòng đất, nơi đây được làm chỗ trú tạm cho những lữ khách hay những người chăn cho bầy chiên của họ ngủ qua đêm vào lúc thành phố đã đóng cửa khi đêm về. Nhìn rõ cảnh này tôi mới thấu hiểu sự bình an của Chúa ban cho thật kỳ diệu, bình an không phải là cảnh thanh bình thơ mộng mà bình an trước những nghịch cảnh của thiên nhiên trong cuộc sống. Con trời giáng thế là Chúa bình an giáng trần nên giữa những khắc nghiệt của cuộc đời người có Chúa vẫn tồn tại cách an lành. Đời thường có những trái ngang, người giàu được tiếp đãi, người nghèo bị khinh chê, người sang trọng không bao giờ thiếu bạn bè nhưng người bần hàn không ai muốn làm quen. Chúa bình an đến với người bị đời khinh chê chán bỏ vì Ngài đã như vậy, Chúa bình an đến với người không ai muốn làm bạn vì Chúa là bạn của mọi người.  

Một con trẻ ra đời là chuyện bình thường, ai có thể biết trước tương lai của đứa bé… Dấu hiệu nào cho biết con trẻ sinh tại thành Bết-lê-hem là người tương lai giải cứu nhân loại ra khỏi cảnh đau khổ của tội lỗi? Thiên sứ nói với những mục đồng “Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, đặt nằm trong máng cỏ” Dấu hiệu của con trẻ rất dễ tìm trong hoàn cảnh bấy giờ, con trẻ sinh ra không bọc bằng nhung lụa mà chỉ bằng khăn chứng tỏ con trẻ ấy không thuộc về những nhà cao sang quyền quí. Dấu hiệu thứ hai là con trẻ sinh ra đặt nằm trong máng cỏ, như vậy con trẻ cũng đang ở dưới một hang đá nào khác ngoài thành Bê-lem, nơi trú ẩn của những người chăn khi không vào được thành phố. Những kẻ chăn chiên không thể vào thành trong ban đêm vì cổng thành đã đóng, họ tìm đến những hang đá trú ẩn của những người chăn chiên ngoài thành gặp được con trẻ. Sự bình an quá sức giữ gìn lòng và ý tưởng cho những kẻ chăn nghèo, khi thiên sứ chỉ dẫn những dấu hiệu tìm gặp Chúa. Những dấu hiệu đã giải thoát tinh thần lo sợ về những cổng thành ngăn trở của thế lực La Mã đang thống trị trong thành phố. Chúa bình an giáng trần không bao giờ dẫn lối cho ai đi vào chỗ bế tắc nhưng Ngài hướng dẫn mọi người tìm đến với Chúa qua đức tin thật bình an nhẹ nhàng. Tội lỗi là cánh cổng khóa chặt những nẻo đường tương lai đi tới hạnh phúc, nhưng con trời đến thế gian dẫn mọi người tìm đến những nơi chốn an bình thoát khỏi những thủ tục ngăn trở, vượt qua những nỗi sợ hãi. Ha-lê-lu-gia! Giáng Sinh là ngày Chúa bình an giáng trần.

                                                                                                Đêm Giáng Sinh 24/12/2016.

                                                                                                 Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

       

        

 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi