Con Cá Lớn
CON CÁ LỚN VÀ GIÔ NA
Cuộc đời mỗi người có những lúc gian truân nguy hiểm không ai biết trước, nhiều người làm việc sai vẫn bình an mà không hề biết nguy hiểm khốn khó đang chờ đợi. Giô Na là tiên tri của Đức Chúa Trời ở trong tình trạng như vậy. Ông được sai đi rao giảng sứ điệp cho thành Ni-ni-ve, nhưng ông lên tàu buôn trốn sang Ta-rê-si, rồi xuống đáy tàu nằm ngủ ngon lành. Mọi việc bình yên cho đến khi con tàu lênh đênh giữa biển. Một cơn bão lớn chưa từng có đột ngột ập đến. Các thủy thủ ra sức chèo chống mà vẫn không thoát được, họ lật đật tìm ai là thủ phạm khiến tai họa xảy ra bằng cách bắt thăm và thăm trúng ngay Giô Na. Giô Na phải nói ra sự thật việc ông trốn chạy khỏi ý muốn Đức Chúa Trời và ông xin các thủy thủ quăng xuống biển. Một con cá lớn Đức Chúa Trời đã sắm sẵn chờ giờ phút đó nuốt Giô Na vào bụng.
Con cá lớn đối với Giô Na là một tai họa không lường trước. Giô Na không biết có tai họa trong lúc ông đang ngủ say vì đang mơ đến một vùng trời tương lai tươi đẹp của xứ sở sương mù. Tai họa là chuyện bất thình lình, ai biết trước người đó tránh khỏi tai họa. Nếu Giô Na biết trước trên biển có cơn bão lớn, ông sẽ dời lại ngày khởi hành nhờ đó ông sẽ tránh được tai họa. Các thủy thủ trên con tàu chở Giô Na nếu biết trước có bão tố trên hải trình họ sẽ lái con tàu đi hướng khác. Bất cứ ai trên thế gian này cũng đều tránh né những cơn phong ba bão táp, không ai khờ dại đâm đầu vào nó nếu biết trước tai ương đang ập đến. Cuộc sống bao giờ cũng tươi đẹp và nhân loại mơ cuộc sống tươi vui hạnh phúc! Vậy tai họa xảy ra có phải Chúa không muốn cho loài người hạnh phúc chăng? Loài người từ A-Đam và Ê-va đều có thói quen muốn điều gì phải đạt cho bằng được điều đó, họ đặt bản ngã của mình lên trên ý muốn của Chúa để thực hiện theo ý riêng với lý do “Muốn là được”. Giô Na cũng vậy, ý muốn của Chúa đã nói trước với ông là hãy đi Ni-ni-ve để rao giảng cho thành phố ngoại giáo ăn năn để họ được cứu. Nhưng Giô Na không muốn thành phố này nghe được sứ điệp của Chúa vì biết đâu họ sẽ ăn năn và họ được cứu, còn chức vụ tiên tri của ông sẽ trở thành trò cười cho mọi người. Tai họa xảy ra cho Giô Na vì ông là một tiên tri nhưng không tin vào lòng yêu thương của Đức Chúa Trời mà đặt con người xác thịt lên trên ý Chúa. Bản chất ganh tỵ ghen ghét trong lòng nổi lên, Giô Na muốn thấy mọi người trong thành Ni-ni-ve phải bị hình phạt.
Con cá lớn sắm sẵn cho Giô Na vì Chúa nhìn thấy lòng ông còn biết kính sợ Ngài. Sau khi mọi người bắt thăm tìm ra được người gây tai họa. Giô Na nhận biết Đức Chúa Trời kêu gọi ông là Đấng không chịu khinh dễ, Ngài đang tể trị trên các biến cố thiên nhiên, ông không thể trốn đi đâu khỏi mặt Chúa theo như lời Chúa phán trong Thi Thiên 139: 7-8 “Tôi sẽ đi đâu xa khỏi thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, ví tôi nằm dưới âm phủ, kìa Chúa cũng có ở đó.” Giô Na nói với các thủy thủ của tàu: “Hãy bắt lấy ta, hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên lặng cho các anh; Vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy.” (Giô Na 1: 12). Qua thái độ của ông nói chuyện với các thủy thủ mọi người dầu chưa biết Chúa là ai nhưng ai nấy thấy tinh thần trách nhiệm và lòng thành kính của Giô Na đối với Đức Chúa Trời “Vì vậy mà những thủy thủ rất kính sợ Đức Giê Hô Va. Họ dâng của lễ cho Đức Giê Hô Va và hứa nguyện cùng Ngài” (Giô Na 1: 16). Giô Na lúc ấy đối diện với quyền năng của Đức Chúa Trời ông cần làm theo ý muốn Chúa và muốn cho tất cả mọi người trên tàu kính sợ Ngài. Thái độ hi sinh của Giô Na không giống với cách xử thế của những nhân vật anh hùng, ông nhận lấy sự chết vì kính sợ Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa ông tin quyết Đức Chúa Trời không để cho ông chết trong khi công tác của ông chưa hoàn thành. Lời nói của Giô Na xuất phát từ lòng tin cậy vào quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời nên ông nói như một tuyên bố, một mệnh lệnh: “Các anh quăng tôi xuống biển, thì biển sẽ yên lặng cho các anh.” Với cách nói đầy niềm tin kiêu hãnh nhìn vào quyền năng Đức Chúa Trời của Giô Na khích lệ cho con cái Chúa không còn sợ hãi khi đối diện với nghịch cảnh xảy ra.
Con cá lớn được Chúa sắm sẵn để đưa Giô Na trở lại con đường Chúa đã chỉ dẫn. Nếu như ông ra đi trốn chạy lời sai bảo của Đức Chúa Trời trên một chiếc tàu buôn thì việc Giô Na được con cá lớn nuốt vào bụng sau đó ba ngày mửa ông ra trên một bãi biển gần thành Ni-ni-ve là việc vô cùng kỳ diệu không ai có thể tưởng tượng. Đức Chúa Trời điều khiển trên muôn loài vạn vật. Trong cơn đại hồng thủy nếu Đức Chúa Trời không khiến cho các loài thú vật vào tàu của Nô-ê thì ngày nay các cánh rừng sẽ hoang vắng, không còn có loài thú, chim muông nào sinh sống. Trong cơn đói kém tại Israel dưới thời Vua A-háp trị vì, Đức Chúa Trời sai một con chim quạ hàng ngày mang bánh và thịt đem đến cho tiên tri Ê-li tại khe Kê-rít. Việc Chúa sắm sẳn con cá lớn nuốt Giô Na trong ba ngày ba đêm chẳng khác gì ông đang sống nơi địa ngục, lúc ra khỏi bụng cá ông thấy hạnh phúc khi được đi rao giảng lời Chúa. Chúa Giê Su dùng hình ảnh này để nói về sự đau khổ mà Ngài phải gánh thay cho nhân loại trong lúc chịu chết ba ngày chôn trong mồ mả, Ngài đã đi xuống âm phủ để giảng dạy cho những linh hồn bị hư mất, ba ngày sau Chúa Giê Su từ kẻ chết sống lại.( I Phi-e-rơ 3: 18-20).
Cuộc đời con người không ai có thể tránh những thử thách nhưng trong mọi cơn hoạn nạn Chúa đều ban cho chúng ta những điều kỳ diệu để cứu giúp khỏi hiểm nguy. I Côr 10: 13.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|