Không Có Sự Sợ Hãi
KHÔNG CÓ SỰ SỢ HÃI
KT: Rô-ma 8: 31-39 CG: Rô-ma 8: 33
Sợ hãi là thuộc tính của con người, nhưng không sợ hãi là thuộc tính của con cái Chúa được tái sinh và đổi mới bởi quyền phép Thánh Linh. Không sợ hãi chỉ dành cho những người ngay thẳng, được thêm sức mạnh bằng đức công bình. Sự cứu rỗi của Chúa do tình yêu thương nhưng tiêu chuẩn phân biệt chiên hay dê, cỏ lùng hay lúa mì, người chăn hiền lành hay tiên tri giả, do sự công bình. Hiện nay nhiều người chưa thấy, nhưng thời gian Chúa sẽ mở ra, có thể ngày nay nhiều người nhắm mắt xuôi tay, tưởng rằng Chúa quá yêu thương nên không vâng giữ lời Ngài. Nếu theo truyền thống nói đến yêu thương, ngày nay Chúa sắp trở lại con cái Chúa cần đặc biệt nhận biết đức công bình và thánh khiết của Đức Chúa Trời. Những người tỉnh thức như các cô dâu khôn ngoan sửa soạn đèn đi đón chàng rễ không sợ hãi đèn tắt, nếu có dầu dự phòng đúng lúc chàng rễ đến.
Nói đến Đức Chúa Trời danh xưng chỉ về Đấng sáng tạo đang cai quản vũ trụ và loài người. Ngài là Đấng Tự Hữu và Hằng Hữu, Chúa của sự sống và sự chết, Đấng phán xét nhân loại trong ngày tận thế. Những người nhận huyết của Chúa Giê Su thanh tẩy tội lỗi chính mình và được xưng công bình. Trong quá trình tiếp theo nếu đời sống người không nhận quyền phép của sự thay đổi, thì mọi lời nói của con người đều trống rỗng, dù nói là “Con Trời” vẫn sống trong sợ hãi mù lòa đức tin, không có bình an, mọi tai ương theo nhau đến và chết trong sự hư mất đời đời. Không có sụ gian dối nào đáng sợ bằng gian dối với Đức Chúa Trời Đấng yêu thương con người trọn vẹn, gian dối là sự súc phạm nặng nhất đối với Đấng tối cao. Cựu ước cho thấy hai con trai thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn đã được đặt tay phong chức thánh làm chức thầy tế lễ, nhưng Na-đáp và A-bi-hu qua mặt dân sự trong việc dùng “lửa lạ” để dâng tế lễ thay vì dâng tế lễ bằng lửa tại bàn thờ, lửa của bàn thờ đã lòe ra thiêu cháy hai thầy tế lễ này như là một hình phạt của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ “Đánh lận con đen” cho rằng lửa nào cũng là lửa. Còn Tân Ước nói đến hai tín đồ A-na-nia và Sa-phi-ra hứa dâng hết tài sản cho Chúa sau khi bán, nhưng đến khi bán xong hai vợ chồng đồng mưu giữ lại phân nữa, các môn đồ hỏi cho biết điều đó có thật không, nhưng họ chỉ nói “Phân nữa sự thật” nên cả hai vợ chồng đều ngã ra chết ngay trước mặt các sứ đồ. Đức Chúa Trời báo ứng công bình cho những ai đồng mưu gian dối với Đức Thánh Linh. Điều kiện để nhận được sự yêu thương của Chúa không phải là người thánh thiện. Tuy nhiên người bào chữa, người bao che lối sống phi Cơ Đốc và cả quan niệm đạo đức không trong sáng như có những người bào chữa cho những việc tội lỗi qua việc xưng tội khi biết không thể che giấu, nhưng sự ô uế vẫn còn ẩn giấu trong tâm linh. Muốn nhập cảnh vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới mà có ai đó khai gian, có lẽ họ suy nghĩ không bị pháp luật nước ấy trừng phạt, nhưng có một điều đáng buồn là họ sẽ vĩnh viễn không được quốc gia ấy hoan nghênh chào đón lần thứ hai. Nước Đức Chúa Trời không bao giờ chấp nhận người gian dối, “…Những kẻ ưa thích gian dối và làm điều giả dối đều ở ngoài hết thảy.” Khải Huyền 22: 15. Những bộ phim ảnh, sách truyện xưa nay đều ca ngợi những người thành thật và cảnh báo những kẻ gian dối về số phận đau khổ vì không thể nào thoát khỏi sự hình phạt. Với danh nghĩa con cái Chúa hay chức sắc giáo hội còn không thoát khỏi sự hình phạt của Đức Chúa Trời, chỉ có sự hạ mình âm thầm hầu việc Chúa cách thật thà, gánh chịu những đau khổ như Phao Lô mới thoát khỏi sự hình phạt của cơn thịnh nộ nơi hỏa ngục đời đời. Phao Lô đã nói về chính ông sau khi ăn năn tội: “Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày, họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt.” Rô-ma 8: 36.
Không có sự sợ hãi là dấu ấn của Đức Chúa Trời ban cho con cái Ngài. Trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời không có sự sợ hãi nào ngăn cản. Rô-ma 8: 38, 39 khẳng định rằng: “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các nhà cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay bề sâu hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê Su Christ, là Chúa chúng ta.” Nhiều người suy nghĩ điều nầy đồng nghĩa với việc con cái Chúa đương nhiên Đức Chúa Trời bênh vực chúng ta. Theo lối suy nghĩ của dân gian, cha yêu con phải bênh vực cho con, dầu con có lầm lỗi gì cũng là con của cha. Có người còn lấy câu tục ngữ “Hùm dữ chẳng ăn thịt con” làm sao Đức Chúa Trời yêu thương lại không bênh vực con cái Ngài. Quan niệm nầy thật sự sai lầm cho những người tin Chúa nhưng áp dụng yêu thương theo lối tình cảm, không cần phải trái nhưng che đậy vô số tội lỗi. Chữ yêu thương trong ngôn ngữ Kinh Thánh phân biệt rõ tình yêu thương của con người (Phileo) khác biệt chữ tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Αγάπη). Chúa Giê Su đã nói điều nầy với Phi-e-rơ lúc Chúa sống lại và gặp gỡ ông tại bờ hồ Ga-li-lê, khi Chúa hỏi ông “Ngươi yêu ta chăng”. Những ai yêu Chúa đều nhận biết tình yêu thương của Chúa là tuyệt đối. Nhưng tình yêu của loài người, những con người yêu nhau chỉ là tình yêu tương đối, không thể lấy tình yêu con người so sánh với tình yêu của Đức Chúa Trời. Dấu hiệu của Tình yêu là ăn năn đầu phục Chúa và làm theo lời Chúa dạy. Chúa không bắt buộc con người phải có tình yêu giống như Chúa: “Hi sinh hoàn toàn, xã thân cứu người.”. Nhưng Chúa dạy con cái Ngài: “Đừng có gây nên phạm tội” Ma-thi-ơ 18: 7 “Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có, song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội.”.
Trong tất cả lãnh vực con người đều có sự gian dối. Nhưng đạo đức Cơ Đốc không bao giờ chấp nhận. Đức Chúa Trời sẽ xét công bình cho tất cả con cái Chúa. “Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương...” I Giăng 4: 18. A-men!
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|