Dâng sự vinh hiển cho Chúa
DÂNG SỰ VINH HIỂN CHO CHÚA
Mác 1: 1-8; Câu gốc Mác 1: 7
Cuộc đời mỗi người đều có những cơ hội chọn lựa những điều mình ưa thích. Rất nhiều người chọn lựa những nơi sung sướng, giàu sang quyền thế hơn là chọn nơi hoang vắng để giúp đỡ cho người khác. Trong số hiếm hoi ngược đời này có Giăng Baptist, người mà Kinh Thánh ghi lại ông sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo bằng da lạc đà. Ông đã trở nên nổi tiếng vì lời kêu gọi ăn năn tội được đông người nghe và mọi người chịu báp tem để đoạn tuyệt hoàn toàn với nếp sống cũ, sống một đời sống mới theo luật pháp. Tuy nhiên ông đã giảng dạy: “Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta, ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài” Mác 1: 7. Không chỉ giảng dạy mà ông còn bày tỏ thái độ cung kính khi nhìn thấy Chúa Giê Su, Giăng đã nói: “Kìa, chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” Giăng 1: 29.
Người đời cho rằng vinh hiển do sự giàu sang, nhưng vinh hiển trong Chúa do sự tôn trọng quyền năng của Đức Chúa Trời. Giăng Baptist được vinh hiển do nhiều người tìm đến để mong được làm Báp tem và ăn năn tội lỗi tưởng như một quyền năng của Đức Chúa Trời. Đối với ông sự vinh hiển ấy không đáng nhận vì phép báp tem bằng nước không thể xóa hết tội. Giăng nhận biết Chúa Giê Su mới có quyền phép lớn hơn đến sau ông, Ngài có quyền tha tội cho mọi người và làm phép Báp tem bằng Đức Thánh Linh. Chúa Giê Su xứng đáng được tôn trọng! Dân chúng cần biết về Chúa, suy nghĩ của Giăng muốn dâng sự vinh hiển cho Chúa. Cho dầu dân chúng không dễ từ bỏ sự tôn trọng “Giăng là một nhà tiên tri thần thánh”. Khi vua Hê rốt muốn giết Giăng, ông sợ dân chúng vì họ hết thảy đều tôn kính Giăng như là một Đấng tiên tri. (Ma-thi-ơ 14: 5). Người nhận biết công việc của mình không xứng đáng, sẵn sàng giới thiệu về Chúa cho người khác, tin Chúa có quyền năng, tức là dâng sự vinh hiển cho Chúa.
Người đời cho rằng vinh hiển tạo ra từ bản chất kiêu ngạo, người càng có uy quyền càng có lòng kiêu ngạo tưởng rằng mình xứng đáng được vinh hiển. Dưới triều đại của vua A-suê-ru, quan tể tướng Ha-man đầy lòng kiêu ngạo, tưởng rằng ông được vinh hiển khi bà hoàng hậu E-xơ-tê mời dự tiệc chỉ có Vua và ông mà thôi. Ha-man cũng vô cùng phấn khởi những tưởng rằng ông sẽ nhận được vinh hiển khi Vua hỏi ông: “Phải làm chi cho người mà vua muốn tôn trọng? Ha-man liền nghĩ thầm “Vua há muốn tôn trọng người nào khác hơn ta sao?” (Ê-xơ-tê 6: 6) Sự thật phủ phàng diễn ra ngay sau đó: Mạc-đô-chê kẻ thù của ông mới là người được vinh hiển còn ông bị sỉ nhục bội phần. Bản chất kiêu ngạo luôn khiến người ta chỉ biết có mình, cái tôi là trung tâm điểm của mọi tội lỗi. Sau khi Ha-man bị sỉ nhục vì làm người dắt ngựa cho Mạc-đô-chê đi vòng quanh kinh đô Su-sơ, ông còn tưởng rằng sẽ treo Mạc-đô-chê lên cây mộc hình do ông dựng lên, con người kiêu ngạo của Ha-man không thể nào tưởng tượng ra hình ảnh người bị treo lên cây mộc hình chính là ông. Trong bài học hôm nay Giăng Baptist biết bỏ cái tôi của mình, nhường sự vinh hiển cho Chúa Giê Su, ông tránh được sự kiêu ngạo mà trong hoàn cảnh đó bất cứ ai đều khó tránh được. Giăng Baptist biết mình và biết Chúa thật rõ ràng nên ông bình an vô sự. Nhưng sau này khi ông có thái độ hoài nghi, Giăng Baptist đã hỏi: “Thầy có phải là Đấng được sai đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác chăng?” (Ma-thi-ơ 11: 3) điều đó khiến cho ông mất cơ hội làm một sứ đồ cho Chúa - vua Hê-rốt đã ra lệnh chém đầu Giăng ngay trong ngục. (Ma-thi-ơ 14: 10-11)
Vinh hiển do con người tạo ra khác với vinh hiển của Đức Chúa Trời ban cho. Nhiều người trong giới nghệ sĩ như các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, người mẫu, hay những danh tài âm nhạc, hội họa, thi phú, văn nhân.v.v…có lòng kiêu hảnh về tài năng mà quên đi tài năng do “Thiên phú”. Nguyễn Du có nói trong truyện Kiều: “Chữ tài liền với chữ tai vần”. Vinh hiển do con người tạo ra là lòng tham vô đáy, tham vọng không dừng, mọi sự đều tóm thâu về cho bản thân mà không hề chia sẻ với bất cứ ai, đặc biệt là rất đố kỵ với danh Chúa Giê Su Christ. Lý do đố kỵ với danh Chúa Giê Su vì những “Bậc tài năng xuất chúng” không thể chia sẻ tài sản, danh tiếng của mình cho người nghèo như quan thu thuế Xa-chê khi tiếp rước Chúa vào nhà đã nói: “Lạy Chúa! Nầy tôi lấy phân nữa gia tài của tôi mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư.” (Lu-ca 19: 8). Vinh hiển do Đức Chúa Trời ban cho là tài năng dùng phục vụ công việc của Đức Chúa Trời mang lại niềm tin và đạo đức trong nhân loại. Những người phục vụ theo tính cá biệt không vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời không có lòng bao dung, rộng mở, thường hay có tính ích kỷ, bản chất hẹp hòi, suy nghĩ hạn hẹp. Lu-ca 18: 18- 23 có chép như sau: “Bấy giờ có một vị quan hỏi Đức Chúa Giê Su rằng: “Thưa thầy nhân lành! Tôi phải làm chi để được hưởng sự sống đời đời. Đức Chúa Giê Su phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhân lành? Chỉ có một Đấng nhân lành là Đức Chúa Trời. Ngươi đã biết các điều răn nầy: Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ nói dối hại người, hãy hiếu kính cha mẹ. Người ấy thưa rằng: Tôi đã giữ các điều ấy từ thuở nhỏ. Đức Chúa Giê Su nghe vậy, bèn phán rằng: Ngươi còn thiếu một điều, hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời. Lúc ấy hãy đến mà theo ta. Nhưng người ấy nghe mấy lời thì trở nên buồn rầu vì ông là người rất giàu có.”
Dâng sự vinh hiển cho Chúa là dùng tài năng, ân tứ, tiền bạc, chức vụ vào đúng mục đích phục vụ cho những việc cao cả, tốt lành. Phải chi nhà thiết kế Karl Lagerfeld, 85 tuổi qua đời hôm 19 tháng 2 năm 2019 để lại gia sản hai trăm triệu đô la cho con mèo lông trắng thú cưng của ông mà ông chỉ cần tặng 1/100 để xây một viện Dưỡng lão thì tốt đẹp biết bao!!!
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|