Sự Khôn Ngoan Từ Trên
SỰ KHÔN NGOAN TỪ TRÊN
Gia-cơ 3: 17 “Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống trước hết là thanh sạch, sau là hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.”
Dấu hiệu của người trưởng thành là sự khôn ngoan. Thật đáng sợ con người ngày xưa thiếu sự khôn ngoan nên phải nghèo đói “Ăn lông, ở lổ”. Con người muốn có được sự khôn ngoan phải trãi qua một tiến trình biến đổi hàng trăm ngàn năm. Khoa học chứng minh từ một người tiền sử trở thành người thông minh (Homo sapiens) là một khoảng thời gian dài vô cùng tận. Trong khi đó ơn phước Chúa ban sự thông minh cho con người chỉ trong vòng một thời gian ngắn. Nhiều trường hợp trong Hội Thánh đã chứng minh cho thấy một đời sống tin Chúa sau một thời gian ngắn đã biến đổi cách lạ lùng. Trên thế giới ai cũng có nhận xét một đất nước Hàn Quốc nghèo đói trong thế kỷ trước lại trở thành “Con rồng kinh tế” sau khi phần lớn dân số đất nước này rời bỏ Phật giáo để chuyển sang việc tin nhận Chúa Giê Su.
Sự khôn ngoan từ trời mà Chúa ban cho con người trước hết là thanh sạch, sự thanh sạch trong tâm trí, trong tư tưởng, trong tâm hồn. Không ai không biết một người tâm trí dơ bẩn sẽ không bao giờ thành công trong bất cứ việc làm nào. Những người trẻ thông minh thay vì tập trung vào việc làm và phát huy trí tuệ mà lại chúi mũi, để mắt vào những trang “web đen” trên mạng Internet còn đâu trí khôn ngoan, sự hiểu biết để làm việc. Muốn đánh giá trình độ dân trí người ta xem xét cách ăn nói, cách úng xử nơi công cộng. Muốn hiểu được trình độ văn minh người ta để ý đến tôn giáo theo chiều hướng nào – Mê tín lạc hậu hay nâng cao dân trí. Không ai tin vào một nền dân trí cao khi những nơi công cộng dơ bẩn, trộm cướp lộng hành, có nhiều kẻ lừa đảo rình rập. Trong Chúa Giê Su Christ, tình trạng này làm thay đổi thành phố Cô-rinh-tô. Phao Lô đã nói đến trong thư II Cô-rinh-tô 5: 17 “Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ, chính là người được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”
Sự khôn ngoan từ trên trời của Chúa ban cho nhân loại đó là tính hòa thuận, biết tự hạn chế và lòng nhu mì. Bản chất nhân văn quyết định sự tồn vong của một gia đình, một xã hội, một quốc gia. Tính hòa thuận, biết hạn chế và lòng nhu mì chế ngự được lòng hung dữ, tính hận thù, tham lam đố kỵ và ganh ghét. Những gia đình tan nát do bản chất hung dữ, những quốc gia suy vong do lòng ganh ghét, đố kỵ. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời giúp cho mỗi người biết tự hạn chế mình, khác với “Lucifer” hay còn gọi là “Sao Mai” không biết tự chế. Nó muốn lên tột đỉnh quyền lực nên Chúa mới nói: “Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm, sao ngươi từ trời sa xuống? Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị quăng xuống đáy là thể nào! Lòng ngươi vẫn luôn nói: “Ta sẽ lên trời, ta sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao của Đức Chúa Trời, ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao khỏi những đám mây, làm ra mình bằng Đấng rất cao. Nhưng ngươi phải xuống nơi âm phủ, sa vào vực thẳm không đáy.” Ê-sai 14: 12-15. Muốn có tiết độ phải rèn luyện bản chất nhu mì, khiêm tốn. Muốn rèn luyện được bản chất này chỉ có đóng đinh bản ngã vào thập tự giá với Đấng Christ mới được. Chúa Giê Su đã thực hiện bài học này cho con cái Chúa noi theo qua lời Chúa dạy trong thư Phi-lip 2: 6-8 “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.”.
Tính nhân bản trong thế giới do Chúa sáng tạo đã giúp cho mọi việc làm con người trở nên khôn ngoan, thực hành đường lối cách cao cả.
Sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời ban cho biến đổi một người vô đạo trở nên người có đạo đức. Lòng nhân ái và sự thành thật biến mất dẫn đến chiến tranh và bạo lực nhưng lòng thương xót và bông trái lành xuất phát từ tình yêu thương. Điều tốt đẹp hơn hết là những oan ức, hay những bất mãn của lòng người được giải tỏa, được yêu mến, những hành động sẽ khôn ngoan hơn. Trong Chúa Giê Su mọi người có thể trình dâng tất cả tâm sự mình với Chúa và cảm thấy được sự thương xót. Người khôn ngoan hay an ủi, khích lệ, giúp đỡ cho những hoàn cảnh dẫn đến nhiều điều thành công đạo đức. Rockefeller là tỉ phú dầu hỏa, trong lúc hàn vi ông là tín hữu một nhà thờ ở New York nhóm cầu nguyện, dạy Kinh Thánh. Khi trở nên người giàu có, tài sản của ông đều dâng cho Chúa để phục vụ cho giáo dục, y tế, từ thiện xã hội và nhà thờ.
Sự khôn ngoan của Chúa hoán cải con người từ cách sống giả dối theo thói đời trở nên thành thật trong đức tin. Không có sự hai lòng và giả hình biểu hiện lương tâm trách nhiệm chu đáo, những việc làm không ai thấy, không ai biết nhưng không bao giờ dám làm những điều giả dối khiến cho Chúa buồn phiền. Sự giả hình là tội hàng đầu mà Chúa Giê Su đã phê phán những thành phần đạo đức giả trong xã hội Do Thái. Bản chất giả hình của họ luôn đi đôi với những việc làm vô lương tâm. Họ không dám chịu trách nhiệm về những việc làm của bản thân nhưng luôn tìm cách bắt những người khác phải chịu trách nhiệm. Chúa Giê Su nói: “Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se. Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã nói với các ngươi, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, VÌ HỌ NÓI MÀ KHÔNG LÀM.” Ma-thi-ơ 23: 2-3.
Khôn ngoan từ trời chính là đạo đức trong việc làm.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|