Con Mắt Trong Đầu & Số Phận Về Sau
CON MẮT TRONG ĐẦU & SỐ PHẬN VỀ SAU
Truyền đạo 2: 1-16 – Câu gốc Truyền đạo 2: 14
Người có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm chỉ về một hình ảnh mất lý trí của người theo trường phái ba không: “Không thấy, không nghe, không nói”. Sa-lô-môn khi nói về “Con mắt trong đầu” ám chỉ về lý trí là phương tiện giúp cho mọi người được sáng suốt. Người không có lý trí sẽ không biết suy xét, phân biệt đúng sai dẫn đến nhiều hệ lụy, đầu tiên là tính cố chấp. Lời Chúa trong I Sa-mu-ên 15: 23a “Sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng.” Các tín hữu hay nói về sự cúng lạy hình tượng mà không sáng mắt ra người cố chấp cũng như vậy, cho dầu làm tín đồ bao nhiêu năm mà tâm tánh không thay đổi, nói theo thế gian: “Cái nết đánh chết chẳng chừa” thì tín đồ ngày nay chỉ biết nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” chẳng có gì sáng suốt hơn thế gian!!!
Người có lý trí là người sáng suốt thật, biết suy xét, biết phán đoán, ham thích học hỏi và khao khát sự thay đổi tốt cho cuộc đời của mình. Ai ở trong Đấng Christ ấy là người được đổi mới, đời sống cũ khép lại bỏ đi, cuộc sống mới hoàn toàn thuộc quyền của Chúa. Vấn đề nầy không có gì khó khăn cho người tin cậy trao dâng đời sống mình cho Chúa để gạt bỏ tính cố chấp qua một bên. Nhiều người cho rằng đổi mới chưa chắc là tốt, nhiều khi còn tệ hơn. Sự đổi mới mà xấu hơn thì từ xưa đến nay không ai dùng từ “Đổi mới”. Đổi là phải mới, quy luật đổi mới trong Chúa kết hợp đầy đủ nhiều yếu tố như lý trí biết suy xét, tâm hồn mở rộng ra, tâm trí không hạn hẹp, làm mọi việc đều cẩn thận, biết tránh những điều gian ác tội lỗi…Xét cho cùng đổi mới mà phải làm nhiều điều như vậy khiến cho có người than thở “Theo Chúa sao khó quá. Tôi là tôi được rồi, tại sao phải cần đổi mới?”.
Theo lời nhà truyền đạo “Hãy thử điều vui sướng và nếm khoái lạc đi” Truyền đạo 2: 1-3. Sa-lô-môn nói cuộc đời của người sống theo “Cái tôi” buông thả theo bản năng dục vọng chỉ là hư không, vô vị. Trong đó là ăn nhậu, cười đùa thỏa thích quên hết sự đời, lúc bị ma men xui khiến phá hoại bao nhiêu tâm tánh tốt, chỉ vì hành động, cư xử như một người điên. Có người đến khi tỉnh lại hối hận thật muộn màng, tất cả điều họ nói và làm trong lúc say sưa vô tư với bạn bè trong cuộc nhậu để lại những hậu quả thật khủng khiếp. Cảnh nhà tan cửa nát, vợ con ly tán, bệnh tật khổ đau, thất bại tự sát, những hành vi phi nhân cách, lời nói vô đạo đức.v.v…đều do rượu bia mà ra.
“Tôi” của người khôn ngoan dùng lý trí làm việc kinh doanh, trở nên giàu có xây nhà, trồng vườn, đào hồ chứa nước, có người phục vụ trong nhà ngoài vườn. Thôi thì trăm công nghìn việc không có thời giờ đâu cho việc chơi bời, hưởng thụ như những kẻ ngu si. Đối với Sa-lô-môn khi làm giàu bằng lý trí khôn ngoan sẽ mang lại nhiều kết quả phi thường như người đời hay nói: “Muốn gì có nấy! Ước gì được nấy” Sa-lô-môn đã mua thật nhiều vàng bạc, châu báu đến nỗi trong nước của ông “Vàng như lá cây và bạc như đá lót đường”. Nếu nói theo cách đời nay thì Vua Sa-lô-môn là nhà kinh tế vĩ đại, là nhà kinh doanh đại tài. Lúc chưa thành đạt ai cũng muốn thành công và mau chóng thành công. Khi đạt được mục đích, “Tôi” tha hồ hưởng lạc với biết bao cung phi hoàng hậu, người đẹp hậu cung, cuối cùng Sa-lô-môn quay đầu xem xét lại và nói rằng: “Ta xem xét các công việc tay mình đã làm, sự lao khổ mình phải chịu để làm ra nó. Kìa, mọi điều đó là sự hư không sẽ bay đi theo luồng gió, chẳng có ích gì hết dưới ánh nắng mặt trời.” Truyền đạo 2: 11
Sa-lô-môn ví sánh người khôn ngoan sống bằng lý trí, lý trí là con mắt trong đầu của mỗi người. Vì vậy những người thiếu suy nghĩ mắc sai lầm đi vào đường tối tăm, tội lỗi, lúc suy nghĩ lại tự thấy mình ngu dại. Tuy nhiên bàn về số phận đời người Sa-lô-môn nói một câu triết lý “Ai cũng phải chết, người khôn cũng chết, người dại cũng chết. Không ai thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.” Truyền đạo 2: 15-16. Tất cả đều hư không, vô nghĩa sau khi con người chết đi cho dầu đó là người khôn ngoan biết lo làm việc hay người ngu dại chỉ biết ăn chơi. Như vậy có phải dựa vào triết lý này “Chết là hết” mà khiến cho nhiều người lao vào cuộc ăn chơi vô độ, sống ở đời dầu có gian ác, lường lọc, dối trá, cũng chẳng sao? Đạo đức để làm gì khi số phận ai cũng như nhau. Triết lý “Chết là hết” cộng với triết học “Duy vật biện chứng” khiến cho tất cả mọi người đều mất niềm tin vào tương lai, ai nấy thích sống sung sướng hưởng thụ trước mắt, chẳng ai cần quan tâm đến chuyện địa ngục hay thiên đàng làm gì? Nhưng Truyền đạo 3: 17 Sa-lô-môn đã khẳng định: “Ta bèn nói trong lòng: Đức Chúa Trời sẽ đoán xét kẻ công bình và người gian ác; vì ở trước mặt Đức Chúa Trời có sự đoán phạt và ban thưởng đúng kỳ định.”
Kẻ gian ác bênh vực cho việc bất công nhưng Đức Chúa Trời bênh vực cho những việc công bình. Số phận về sau của mỗi người không phải do tiền kiếp định đoạt hay nhân quả tự mình gặt hái. Nhiều người mơ hồ và lầm lẫn về truyền thống tâm linh tai hại của bá nhân, bá tánh để lại cho hậu thế. Sự thờ ơ và thiếu ý chí khiến nhiều người không cần phải suy nghĩ dông dài, ai nấy thích làm theo ý riêng do đó bản năng điều khiển lý trí. Nhiều bậc cha mẹ ngày nay vẫn còn đem câu nói cửa miệng này vào việc giáo dục: “Học nhiều làm chi cho lắm, có tắm cũng ở truồng.” hay ví von “Giày dép còn có số!” Nhìn xem số phận của mỗi người ngay trong cuộc đời qua văn hóa và giáo dục mà người ta đánh giá được đất nước đang thịnh hay suy. Qua nếp sống đức tin của hàng giáo phẩm mà người ngoài đánh giá là Hội Thánh có mắt hay Hội Thánh có mắt mà như mù.
Có con mắt trong đầu mới hiểu được tương lai của mình ra sao, cũng như hiểu được mọi người chung quanh mình sẽ đi về đâu? Tương lai của mỗi gia đình tín hữu tùy thuộc vào đức tin và biết chắc Đấng nắm giữ tương lai mình. Nguyện xin Chúa ở cùng mọi người. A-men!
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|