Chúa có nhậm lời không?




CHÚA CÓ NHẬM LỜI KHÔNG?

Mác 7: 24 - 30

 

Người đàn bà Ca-na-an có con gái nhỏ bị tà linh ám, đến quỳ dưới chân Chúa Giê Su để cầu xin Chúa chữa lành cho con gái của bà. Thật ngạc nhiên cho chúng ta khi Chúa bảo với bà:  “Hãy để con cái ăn no nê đã, vì không lẽ lấy bánh của con cái mà ném cho chó con!”. Với lời phán như vậy Chúa có nhậm lời cầu xin của bà này không?

Theo tánh xác thịt của loài người chắc hẳn những người thế gian sẽ nghĩ Chúa không có nhậm lời người đàn bà này đâu. Nếu xét về quan điểm chủng tộc, thì người Do Thái không quan tâm nhiều đến những cư dân lân cận, vậy người đàn bà này là cư dân Hy-lạp gốc Sy-Ri Phê-ni-xi chắc rằng Chúa sẽ không quan tâm như người Do Thái? Chúa Giê Su trả lời cho người đàn bà này để thử thách xem bà có suy nghĩ theo quan điểm của loài người? Theo quan điểm hẹp hòi của tính dân tộc thì bà không xứng đáng để hưởng được quyền lợi của một người Do Thái và như vậy bà có thể quay lưng đi không cần phải cầu khẩn gì thêm nữa. Nếu suy nghĩ theo tâm lý con người ai cũng thấy bất kỳ thời đại nào cũng có những người hẹp hòi, ích kỷ. Có những định kiến ngăn trở mọi người làm những việc làm tốt đẹp hoặc không bao giờ tin có những điều tốt thật sự. Chúa Giê Su đưa ra quan điểm người Do Thái để thử thách và lắng nghe người đàn bà này có suy nghĩ như vậy chăng? Nếu bà không có đức tin nơi Chúa, không có tình yêu đối với con gái nhỏ của mình bà đã cư xử như những người tầm thường: Quay lưng bỏ đi hoặc là trách móc Chúa như một người ích kỷ.

Những người Do Thái đứng chung quanh Chúa đã thầm phục một người có tính khiêm nhường như người đàn bà Ca-na-an này. Trước một thử thách tâm lý những người kiêu ngạo khó lòng vượt qua, nhưng người khiêm tốn bao giờ cũng trả lời cách nhẹ nhàng. Người đàn bà Ca-na-an không phản ứng lại với Chúa, nhưng bà trả lời bằng sự hiểu biết và khiêm tốn: “Lạy Chúa, đúng như vậy, nhưng chó con dưới bàn được ăn những miếng bánh vụn của con cái”. Tại sao bà không cãi trả với Chúa mà nói những lời tự hạ mình như vậy? Hay là bà nghĩ không nên cãi lại vì sẽ bất lợi cho bà, con gái bà đang ở trong sự nguy hiểm và bà cần quyền năng cứu chữa của Chúa?

Qua lời đối đáp của người đàn bà đã nói lên lối sống chân thật của người đàn bà này. Trước khi tìm đến với Chúa Giê Su để xin Chúa đuổi tà linh cho con gái, bà không thể không nghe nói nhiều về quyền năng của Chúa Giê Su trong cộng đồng dân Do Thái lúc bấy giờ. Bà kính trọng Chúa vì bà hiểu về Ngài nên bà không cãi lại với Chúa. Người đàn bà này có đức tin về Chúa đặc biệt tin Chúa là con Đức Chúa Trời đến trần gian nên bà không nghĩ về Chúa như những người Do Thái khác. Chắc chắn Chúa không dựa vào những thành kiến hẹp hòi theo quan điểm loài người để từ chối lời cầu xin của người đến với Ngài. Ngoài đức tin ra người đàn bà Ca-na-an này còn có tình mẫu tử thiêng liêng cao quý, nếu cần phải từ bỏ lòng tự ái để cho con của mình khỏi bị quỷ ám bà cũng sẵn lòng làm.

            Về mặt văn hóa người đàn bà khi đối đáp cùng Chúa cho thấy bà có trình độ hiểu biết và cách nói năng triết lý, những người sinh trưởng tại vùng đất Sy-Ri Phê-ni-xi, chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp, nơi cội nguồn xuất phát những nhà triết học nổi tiếng thế giới cổ đại như: Thalès (625 -547 B.C). Pythagore (570 - 480 B.C). Socrate (470 - 399 B.C). Platon (427 - 347 B.C). Aristote (384 -322 B.C).  ... Người đàn bà Hy-lạp này qua cách trả lời với Chúa Giê Su chứng tỏ bà có trình độ văn hóa và biết cách lý luận để theo đuổi mục đích bà đang tìm kiếm. Mục đích của bà làm sao để Chúa đuổi tà ma ra khỏi con  gái của bà, nên bà đã trả lời cách khôn ngoan mà không hề xẳng sớm, bà có thể làm một con chó nhỏ để mong chờ ơn thương xót và quyền phép của Chủ là Đấng chữa lành cho gái nhỏ của bà. Một lời đối đáp khôn ngoan, ý tứ và khiêm tốn như thế ai lại chẳng yêu mến, đối với Chúa thì làm sao không nhậm lời bà được. Ước gì mỗi khi Chúa thử thách chúng ta đều khiêm tốn chấp nhận và làm vui lòng Chúa để chờ đợi Chúa ban cho những sự tốt lành. Như vậy mọi người chung quanh sẽ ngợi khen các con cái Chúa là những người khôn ngoan, có ý thức và biết vâng lời Chúa.

Qua bài học này tôi học được sự dạy dỗ rõ ràng qua lời Chúa: Đức Chúa Trời lúc nào cũng nhậm lời cầu xin chân thành của người đến với Ngài. Người cầu nguyện hay bị ngăn trở trong lời cầu xin vì họ thiếu tình yêu thương với người thân của mình, thiếu lòng tôn trọng Chúa, hiểu sai lời Chúa, họ cũng không đủ nhẫn nhục khi Chúa đưa ra một thử thách thử đức tin. Người cầu xin đôi lúc thiếu nghị lực, cùng không có tấm lòng khiêm tốn.v.v... còn rất nhiều lý do qua bài học này cho thấy người cầu xin không làm đúng theo lời Chúa nên Ngài không nhậm lời. Chúa sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai đến với Ngài hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp: “Hỡi đàn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn” Ma-thi-ơ 15:28. Người đàn bà này không còn bất cứ sự nghi ngờ nào nên bà đã trở về nhà với lòng vui mừng nhìn thấy con gái nhỏ của bà đã được chữa lành khỏi bệnh quỷ ám. Ai sẳn sàng làm theo ý Chúa cho dù chưa thấy gì cả? Nếu làm theo lời Chúa như người đàn bà Ca-na-an đã cầu xin, Chúa không có lý do gì để từ chối và chắc chắn Ngài sẽ nhậm lời.

 

                                                                        MS. Nguyễn quốc Dũng

 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi