Vai trò Cơ Đốc giáo (Phần I)

                       VAI TRÒ CƠ ĐỐC GIÁO (PHẦN I)

 


     Các nền văn hóa nhân loại đều gắn liền với lịch sử các tôn giáo: Văn hóa Ba Tư có Bái hỏa giáo, Văn hóa Ấn Độ có Bà La Môn giáo, văn hóa Trung Hoa có Khổng giáo, văn hóa Đông Nam Á có Phật Giáo, văn hóa Ả Rập có Hồi Giáo, văn hóa Âu châu có Cơ Đốc Giáo. Để loại trừ được những mê tín dị đoan và tội lỗi trong lòng người biết bao nền văn minh nhân loại đều nhờ đến tôn giáo. Các tôn giáo xây dựng hệ thống thờ phượng dựa trên niềm tin và sống đạo đức. Tôn giáo tạo cơ hội phát triển nền văn minh và đẩy lui được những  điều xấu xa tội ác. Vai trò của Cơ Đốc giáo trong những thế kỷ đầu tiên của nền văn minh Âu châu được lược qua bảy Hội Thánh trong sách Khải thị như sau:

           

1.  Hội Thánh Ê-phê-sô: Ê-phê-sô là thành phố lớn nhất của vùng tiểu Á, vượt qua eo biển đen đến đất nước Hi Lạp, Âu Châu. Nhà địa lý Strabo gọi Ê-phê-sô là “Cái chợ của A-Si”. Đặc điểm của thành phố này là đền thờ Artermis, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ, sách Công vụ các sứ đồ đoạn 19 gọi đền này là đền thờ nữ thần Đi Anh. Đền thờ là khu vực tị nạn cho bất cứ ai phạm tội gì, nếu ai chạy trốn vào đền sẽ được an  toàn. Trong đền thờ có hàng trăm nữ tư tế gọi là “Điếm”. Tại Ê-phê-sô còn nổi tiếng về những “Bùa” chữa bách bệnh, làm cho người hiếm muộn có con.v.v... Nơi đây không có chút hi vọng gì cho những hạt giống đạo của Chúa Giê Su. Thế nhưng tại nơi đây, Cơ Đốc Giáo đã thành công và phát triển mạnh mẽ nhất. Trench viết: “Không có ở đâu khác Cơ Đốc Giáo gặp được vùng đất tốt hơn và đâm rễ hơn, kết nhiều quả đức tin và yêu thương hơn”. Tại đây sứ đồ Phao Lô đã dừng chân lâu hơn bất cứ thành phố nào khác (Công Vụ 20:31). Ti-mô-thê là mục sư đầu tiên của Hội Thánh này (I Ti-mô-thê 1:3). Tại Hội Thánh Ê-phê-sô vợ chồng Bê-rít-sin là A-qui-la, đồng nghiệp may trại của Phao Lô giúp đỡ cho nhà truyền đạo trẻ A-bô-lô hiểu thêm về lẽ đạo (Công Vụ 18:26). Những trưởng lão tại Ê-phê-sô rất yêu mến sứ đồ Phao Lô (Công Vụ 20:17-38). Theo lời truyền khẩu vào thời gian sứ đồ Giăng quản nhiệm Hội Thánh Ê-phê-sô, ông đã đem Ma-ri, mẹ Chúa Giê Su, đến đây ở cho đến khi qua đời và được chôn cất tại thành phố này. Trong lúc giáo phụ Ignatus ở An Ti Ốt đến Rô Ma để chịu tuận đạo ông đã viết cho Hội Thánh Ê-phê-sô những dòng thư: “Các bạn vẫn luôn đồng tâm, nhất trí với sứ đồ trong quyền năng của Chúa Cứu Thế Giê Su.”

Hội Thánh Ê-phê-sô là một Hội Thánh ban đầu đã đóng vai trò thay đổi bộ mặt thành phố, chứng minh quyền năng đổi mới của Cơ Đốc Giáo. Tuy nhiên thay vì giữ lòng kính mến Chúa như lúc ban đầu, Hội Thánh đã có những mối giao thông thân mật với các nữ tư tế của đền thờ thần Artermis, bao che dung túng cho những thành phần phạm tội giống như họ. Hội Thánh Ê-phê-sô cùng chung số phận với thành phố này ngày nay không còn gì ngoài đống đổ nát cách xa biển gần 9 cây số. Hải cảng phồn thịnh Ê-phê-sô ngày xưa bây giờ chỉ còn là vùng đầm lầy, lau sậy.

 

2.  Hội thánh Si Miệc Nơ: Hội Thánh tại thành phố này do sứ đồ Giăng thành lập, lịch sử của thành phố đã góp phần không nhỏ trong nét đẹp của nó, đây là một trong số rất ít thành phố trên thế giới đã được thiết kế hẳn hoi. Năm 1000 T.C địa điểm này là vùng đất định cư của người Hy lạp, năm 600 T.C thành phố bị kẻ thù hủy phá. Năm 200 TC, Lysimachus xây dựng lại và xây thành một quần thể thống nhất, có thiết kế hẳn hoi. Nó được xây dựng với các đường phố rộng lớn, ngay thẳng và sạch sẽ. Con đường nổi tiếng là thành phố vàng, bắt đầu với đền thờ thần Zeus và kết thúc với đền thờ Cybele. Nó chạy xuyên suốt đồi Pagos được xem là mão miện của thành phố Si Miệc Nơ, và đường phố vàng được xem như là chiếc khăn choàng cổ chạy quanh đồi này. Si Miệc Nơ là thành phố trung thành với La Mã. Năm 195 T.C, thành phố này là thành phố  đầu tiên trên thế giới xây dựng một đền thờ cho nữ thần Rô Ma và cho tinh thần La Mã. Năm 26 S.C thành phố này tranh với thành phố Ê-phê-sô và các thành phố ở Tiểu Á để giành được đặc quyền xây đền thờ hoàng đế Tiberius. Tại Si Miệc Nơ có một vận động trường tổ chức các trò giải trí nổi tiếng hàng năm, có một thư viện cộng cộng tráng lệ, có nhạc viện Odeion, một hí đường lớn nhất Tiểu Á. Nơi đây là chỗ Homer ra đời, có một đài kỷ niệm Homereion. Trên các đồng tiền của Si Miệc Nơ có tinh thần cạnh tranh đô thị  và lòng kiêu hãnh địa phương, mỗi người dân đều muốn đề cao Si Miệc Nơ và ao ước chính mình được đạt đến đỉnh cao vinh quang đô thị này. Bởi lòng hiếu danh và hiếu thắng ấy, họ không còn tôn trọng những giá trị đạo đức bởi lòng khiêm tốn, hay đức tính nhu mì. Họ đã đưa vị Giám Mục của thành này là Polycarp lên giàn hỏa thiêu sống vào ngày thứ bảy 23 tháng 2 năm 155 S.C. Vị giám mục này trước khi chết được ban cho đặc ân nếu rủa danh Chúa Giê Su và dâng lễ vật cho Sê Sa sẽ được tha chết. Nhưng ông đã nói: “Tôi đã phục vụ Ngài tám mươi sáu năm rồi Ngài chẳng làm điều gì thiệt hại cho tôi, tại sao tôi lại xúc phạm đến vua của tôi, Đấng đã cứu tôi ?”

            Hội Thánh tại Si Miệc Nơ đã đóng vai trò của những người chiến thắng. Họ thắng hơn sự giàu sang phú quý vì họ có tấm lòng nghèo khó, biết thương yêu người nghèo khổ, biết hầu việc và thờ phượng Chúa bằng những điều kiện vật chất còn rất khó khăn. Như lời Chúa phán: “Ta biết sự khốn khó, nghèo khổ của ngươi (dầu ngươi giàu có mặc lòng) ”. Tại đây Hội Thánh đã thắng hơn những thử thách: Sự gièm pha của những kẻ kiêu ngạo, sự bắt bớ tù đày của những thế lực đế quốc hùng mạnh. Chiến thắng cuối cùng của tín đồ tại đây là sự trung tín cho đến chết, họ không bỏ cuộc giữa đường, không sợ nguy nan để chối bỏ niềm tin, mà đứng đầu là vị giám mục của họ. Bởi các đức tính cao quý của các tín đồ tại đây đã góp phần cho thành phố Si Miệc Nơ được nhiều người ngưỡng mộ, tôn vinh. Cơ Đốc giáo đã truyền bá mạnh mẽ sang Châu Âu.

                                                                                                      Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi