Vai trò Cơ Đốc giáo (Phần cuối)
VAI TRÒ CỦA CƠ ĐỐC GIÁO (PHẦN CUỐI)
Hội Thánh Sạt Đe: Thành phố Sạt Đe ở bên bờ sông Pactole của vùng tiểu Á châu, phía bắc là thung lũng Hermus, phía nam có hai trụ đền thờ nữ thần Cybele, trong thành có một nhà hát lớn, một sân vận động, và hai nhà thờ. Dân chúng có thể khai thác vàng từ cát của sông Pactole nên thành phố này rất giàu có. Năm 17 S.C., dưới đời hoàng đế Tibère, có một cơn động đất làm cho Sạt-đe và 11 thành phố khác trong vùng tiểu Á châu bị hoang phế; vì cớ đó đế quốc La-mã đã miễn thuế cho thành Sạt Đe trong khoảng 5 năm.
Vai trò của Hội Thánh trong thành phố này rất ồn ào về hình thức. Họ có những cơ hội để truyền giảng trong sân vận động đông người. Họ có những hoạt động truyền giáo cho những thương gia giàu có để gây quỹ truyền giáo.v.v…Tuy nhiên Chúa không bằng lòng với các công việc này vì họ có tiếng tăm trong xã hội nhưng họ lại thiếu tinh thần thức canh cầu nguyện. Những giờ phút học hỏi về lời của Chúa được thay thế bằng những bài giảng trau chuốt theo hoàn cảnh để làm vừa lòng những doanh nhân giàu có. Chúa chỉ muốn họ giữ vai trò nghe đạo, hành đạo và giữ đạo như lúc bắt đầu tin Chúa. Những người trong Hội Thánh này được Chúa tôn trọng là những người chưa bị đồng hóa với lối sống hai mặt của thế gian “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Hình thức thờ phượng mà thiếu thánh sạch là hình thức chết, nhưng hình thức thờ phượng tin kính mang đến sự thánh sạch cho nhiều người được vinh dự Chúa tiếp rước.
Hội Thánh Phi La Đen Phi: Thành phố Phi La Đen Phi theo từ ngữ Hi Lạp là “Người yêu em trai mình” do hoàng đế Attalus xây cho em trai là Eumenes (159-138 T.C). Thành phố nằm ở ngả ba biên giới với các nước My Si, Ly Đi và Phi-ri-gi, với chủ đích truyền bá văn hoá và ngôn ngữ Hi Lạp cho hai xứ Ly-đi và Phi-ri-gi. Vị trí của thành phố ở sát một đồng bằng lớn gọi là KatakeKaumene, nghĩa là “đất cháy”, đây là một đồng bằng núi lửa lớn, mang dấu vết phún thạch và tro núi lửa đã nguội. Vào năm 17 S.C, một cơn động đất lớn đã phá hủy thành phố Sạt Đe với mười thành phố khác. Tại Phi La Đen Phi những cơn dư chấn vẫn còn kéo dài suốt nhiều năm sau, những cơn rung động của dư chấn tiếp diễn với thời gian kéo dài đã làm mọi người hoảng sợ. Trong tất cả các thành phố, Phi La Đen Phi được ngợi khen nhiều nhất. Trong bảy thư tín của Chúa Cứu Thế Phục Sinh gửi cho bảy Hội Thánh tại Tiểu Á Châu, Hội Thánh Phi La Đen Phi là Hội Thánh duy nhất có lời khen, không có lời quở trách. Hội Thánh này vẫn đứng vững trong khi các Hội Thánh ở các thành phố khác qui phục Hồi Giáo lúc đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang chiếm các thành phố Tiểu Á.
Vai trò Hội Thánh không bao giờ bị rúng động dầu cho trời lay, đất chuyển. Hội Thánh dầu có bị động đất làm hoảng sợ nhưng niềm tin nơi Chúa vẫn vững bền, Hội Thánh tại đây là chỗ nương tựa để giúp cho những kẻ yếu đuối tìm được nơi chốn bình an. Hội Thánh Phi La Đen Phi đã để lại điểm son trong lịch sử bởi vì Phúc Âm đã được rao truyền rộng rãi bằng phương tiện văn hóa Hi Lạp, với một thành phố có nếp sống văn hóa cao không có thờ hình tượng, không có tình trạng suy đồi đạo đức. Những điều này rất khó thực hiện trong xã hội lúc bấy giờ nên Hồi Giáo ngạc nhiên và thán phục. Vì thế, dầu chinh phục thế giới bằng sức mạnh nhưng trước một thành phố có văn hóa của Chúa Cứu Thế Phục Sinh, Hồi Giáo vẫn để cho thành phố này tồn tại đến giữa thế kỷ 14. Một thời gian dài hơn 500 năm.
Hội Thánh Lao Đi Xê: Thành Lao Đi Xê là tên của hoàng hậu vua Antiochus II nước Sy-ri. Thành phố xây trên bờ sông Lycus thuộc vùng tiểu Á châu. Hội Thánh Cô-lô-se cách đó chừng 11 dặm. (Cô-lô-se 4:15,16). Thành phố Lao Đi Xê rất giàu, nổi tiếng về các ngành ngân hàng, dệt len và thảm, và rất nổi tiếng về khoa mắt của trường Y Dược. Bởi sự giàu có và tri thức dân thành Lao-di-xê trở nên kiêu ngạo. Tánh kiêu ngạo, khoe khoang đó đã ảnh hưởng đến các Cơ-Đốc nhân trong Hội Thánh tại Lao-di-xê, nên họ tuyên bố: “Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa…” Khải Huyền 3:17
Vai trò của Hội Thánh tại Lao Đi Xê mờ nhạt. Các tín hữu tại đây sống hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, họ không thờ ơ với đạo của Chúa nhưng cũng không sốt sắng hầu việc Chúa. Tình trạng này cho thấy hình ảnh Hội Thánh mất lửa Thánh Linh. Họ tưởng rằng với trình độ học vấn cao trong thế gian, những bằng cấp thần học đủ dạy người khác và tiền bạc tài sản không còn ai qua mặt được như vậy họ không cần học hỏi gì nơi Chúa thêm. Họ không biết vai trò của Cơ Đốc nhân trong một Hội Thánh không phải là sự khoe khoang nhưng là phục vụ. Hiểu biết về Chúa, và được ơn Chúa ban cho càng nhiều Hội Thánh càng phải sốt sắng thực hiện nhiều hành động yêu thương, cứu giúp và phục vụ. Bước vào các lãnh vực này Hội Thánh mới có những điều kiện mở mắt ra thấy chính mình còn khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lỏa lồ. Có làm việc phục vụ mới thấy trình độ mình có bao nhiêu cũng chưa đủ, giàu có bao nhiêu cũng sẽ qua đi trong chốc lát. Bởi đức tin nơi Chúa mới thấy những quyền năng nhiệm mầu quí giá hơn vàng bạc, nếp sống thanh sạch mới cao quí hơn những địa vị và làm việc thành công giá trị nhiều hơn người kiêu ngạo trí thức. Chúa kêu gọi Hội Thánh phải luôn mời Chúa vào nhà của mình, giao tất cả tiền bạc, trí thức của gia đình cho Chúa quản trị. Khi Chúa ngồi vào nhà, tiền bạc, trí thức sẽ được dùng làm phương tiện hữu hiệu phục vụ cho đời sống con người và nhiều công việc hữu ích.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|