Trăm năm tình nghĩa tiền nhân
TRĂM NĂM TÌNH NGHĨA TIỀN NHÂN
Công việc truyền giáo của những người xưa trên đất nước Việt Nam có nhiều điều đáng khâm phục. Những nhà truyền giáo sống rất giản dị và có nghĩa tình với cộng đồng dân chúng, họ thường hay giúp đỡ mọi người bằng những khả năng hoặc ân tứ Chúa ban cho, hiếm khi họ dùng tiền bạc giúp đỡ. Những người tin Chúa ban đầu cũng học theo gương đó và hi sinh sốt sắng giúp đỡ cho những tín đồ mới theo đạo. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tin tưởng đến học đạo và tin nhận Chúa. Những người hầu việc Chúa ngày xưa luôn lấy đức tin nơi Chúa đặt lên hàng đầu, biết chăm lo quan tâm đến những người khó khăn cùng khốn đặc biệt là cộng đồng tín hữu. Đời sống những nhà truyền giáo luôn được mọi người kính trọng vì có đạo đức, khôn ngoan, sáng suốt và lấy sự tin kính làm thỏa lòng. Nơi nào nghèo thiếu, những nhà truyền giáo chỉ dẫn cách chăn nuôi trồng trọt hay làm ăn buôn bán theo lời dạy của Thánh Kinh, nơi nào con em các gia đình không đủ khả năng đóng học phí đi học, họ tình nguyện dành thời gian để dạy dỗ cho các em học chữ hay học đạo, nơi nào có những gia đình bệnh tật họ dùng kiến thức căn bản về khoa học để hướng dẫn.v.v… Nếp sống gia đình riêng của những nhà truyền giáo đến với Việt Nam rất là gương mẫu, chồng giảng dạy Kinh Thánh cho tất cả các tín hữu, vợ tập hát kể chuyện Kinh Thánh cho thiếu nhi hay dạy lời Chúa cho giới phụ nữ. Ngoài công việc trong Hội Thánh họ chăm sóc gia đình tín hữu cũng như gia đình họ rất tốt, con cái những người hầu việc Chúa ngoan ngoãn biết vâng lời cha mẹ, việc học hành của con cái rất chu đáo, phần lớn con cái họ đều được ăn học thành tài, sau này còn có những người tình nguyện theo gương của cha mẹ bước vào con đường hầu việc Chúa. Cuộc sống của họ thanh bạch, nhẫn nại, không bao giờ lo lắng cho ngày mai, nhưng biết chờ đợi sự chúc phước dư dật từ nơi Chúa. Sự ban cho của Đức Chúa Trời trên gia đình họ giống như một câu chuyện cổ tích Việt Nam sau đây:
Một thanh niên chăm chỉ suốt ngày giúp cho những người hàng xóm láng giềng mà bản thân anh phải chịu đựng cảnh cơ cực nghèo khó. Tuy nhiên anh lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người, đức tính đặc biệt của anh được mọi người tôn trọng quí mến là coi việc người trọng hơn việc mình, anh sẳn sàng bỏ việc riêng mình để lo lắng cho việc “Người dưng”. Có người bảo sở dĩ anh nghèo là vì đức tính lo cho người mà không biết lo cho bản thân! Một hôm anh nảy ra ý định đi tìm ông Tiên để hỏi cho rõ lý do số phận nghèo của mình.
Anh quyết tâm thi hành ý định đó, tuy có phải lặn lội, vất vả trèo đèo, vượt suối. Tới một khu rừng nọ, trời tối, anh vào trọ nhà một bà goá. Bà góa này tiếp đón anh tử tế, bà có một cô con gái đã lớn, nhưng vẫn không nói được. Khi biết anh tìm Tiên để hỏi lý do sự nghèo khó thì bà xin anh hỏi Tiên giùm vì sao con gái bà câm. Anh hứa sẽ giúp bà. Sáng hôm sau, anh lên đường qua khỏi khu rừng anh gặp một con sông lớn phải vượt qua nhưng quanh đó lại không có bóng dáng con đò nào. Đang lúc lo lắng tìm kiếm phương tiện qua sông, một con cá chép lớn xuất hiện, nó chở anh qua sông. Trong lúc chở qua sông cá chép hỏi anh đi đâu? Khi biết mục đích chuyến đi của anh nó nhờ anh hỏi Tiên là nó sống rất lâu và tình nguyện chở nhiều người qua sông mà sao chưa hoá được thành rồng. Anh cũng hứa giúp đỡ cho con cá, anh tiếp tục đi đến một khu rừng dưới chân một ngọn núi thì trời tối. Anh phải ngủ tại dưới chân núi ấy, giữa đêm bỗng một luồng sáng chiếu vào người, một ông Tiên hiện ra và hỏi anh lý do tại sao lại ở đó. Anh đã trình bày với Tiên Ông về những khó khăn khổ sở mà anh đã gặp. Tiên Ông bảo rằng ông sẽ trả lời giúp anh nhưng tiên ông chỉ giải quyến hai vấn đề mà thôi. Vì thói quen hay giúp người trước, anh hỏi ông Tiên về cô gái câm thì Tiên Ông nói rằng hãy nói với bà già đào hủ vàng dưới gốc cây khế trước nhà lên thì cô gái sẽ hết câm. Còn con cá chép không hóa rồng được là vì nó còn ngậm một viên ngọc quý trong miệng, khi nào nhả ra thì nó sẽ hóa rồng. Nói xong, Tiên Ông biến mất, chưa hỏi được thắc mắc của bản thân mà anh đành lủi thủi quay về. Khi anh gặp cá chép anh kể lại đúng như những lời tiên ông đã nói, con cá chép nhả viên ngọc ra, lập tức nó hóa thành rồng. Để cám ơn anh, nó tặng cho anh viên ngọc quí chữa bách bệnh. Đến nhà của cô gái câm, anh giúp bà già đào gốc cây khế, tại đó có một hủ vàng lớn. Khi thấy vàng, cô gái mừng rỡ, tự nhiên la lớn tiếng:”Trời ơi, sao mà nhiều vàng quá!” bắt đầu từ đó cô gái nói được không còn câm nữa. Bà già vui mừng lắm tặng nửa hủ vàng và gả con gái cho anh làm vợ.
Từ đó anh thanh niên trở nên giàu có, sống bên một người vợ hiền lành và sở hữu một viên ngọc quý có thể chữa bách bệnh, anh dùng viên ngọc quí chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền. Cuộc đời anh được hạnh phúc sung sướng mà anh không ngờ đến. Nếu anh lo cho bản thân mình trước mà thắc mắc vì sao tôi nghèo? Vì sao tôi khó khăn khổ sở chắc sẽ không có ngày hạnh phúc. Người biết nghĩ đến hạnh phúc người khác, chăm lo cho mọi người mà quên bản thân mình mới được trời cho hạnh phúc.
Tuy đây chỉ là câu chuyện cổ tích Việt Nam nhưng nó lại là hình ảnh thật của những nhà truyền giáo và những người hầu việc Chúa lúc ban đầu trên xứ sở của chúng ta. Những ai yêu mến tiền nhân hầu việc Chúa hãy hết lòng giúp đỡ cho mọi người và hãy quên đi bản thân mình. Lời phán của Chúa Giê Su nói với các môn đồ của Ngài: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, người nào vì cớ nước Đức Chúa Trời mà bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con, thì trong đời nầy được lãnh nhiều hơn, và đời sau được sự sống đời đời.” (Luca 18:29, 30)
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|