Phi-e-rơ chối Chúa
PHI-E-RƠ CHỐI CHÚA
James M.Stalker
Giữa lúc thốt ra lời chối Chúa và xúc phạm, bỗng Phi-e-rơ thấy những tia nhìn của kẻ làm khổ ông quay hẳn sang một đối tượng khác. Đó là Giê Su, người trước đó đã bị kẻ thù kết án và hiện đang bước đi giữa bao lời sỉ nhục, mắng nhiếc từ sân ngoài vào phòng giam để chờ giai đoạn cuối của vụ xử. Lúc bước xuống thềm phòng xử, Ngài đã nghe thấy giọng môn đồ mình và lòng đau xót không thốt được nên lời. Ngài vừa quay lại hướng phát ra giọng nói thì bắt gặp Phi-e-rơ cũng vừa nhìn thấy Ngài và cả hai nhìn thẳng vào mắt nhau. Chúa Giê Su không nói gì, bởi lẽ dù Ngài chỉ tỏ vẻ kinh ngạc đi nữa cũng có thể tiết lộ bí mật về môn đồ Ngài. Ngài cũng không thể đứng lại lâu hơn vì bọn lính đang hối thúc Ngài. Tuy nhiên, chỉ trong phút chốc ngắn ngủi ấy hai tia mắt đã gặp nhau và tâm hồn đã thấu suốt được tâm hồn.
Ai có thể giải thích được tia nhìn của Đấng Christ lúc bấy giờ? Một cái nhìn có thể mang hình ảnh cả một thế giới. Một cái nhìn có thể hùng biện hơn cả những âm thanh vang dội. Cái nhìn có thể biểu lỗ được nhiều hơn bao lời nói. Chỉ có một tia nhìn, tâm hồn này có thể tan biến hoàn toàn trong tâm hồn kia. Một ánh mắt có thể hoặc đưa người này bay bổng lên mây xanh hoặc khiến người khác lao đầu vào vực thẳm tuyệt vọng.
Tia nhìn của Giê Su là một phép lạ đánh tan cơn mê của Phi-e-rơ. Tội lỗi luôn luôn là một cơn mất trí nhất thời và đó là trường hợp của Phi-e-rơ. Ông khiếp đảm, giận dữ và bối rối quá đến nỗi không còn biết mình đang làm gì. Nhưng ánh mắt Giê Su đã trả ông về cho chính mình và tức khắc ông đã hành động như một con người. Ông nóng nảy ngay chỗ đứng của mình lúc này không có gì ngăn trở ông nữa: ông thản nhiên qua mặt đứa tớ gái cùng đồng bọn. Vì thật ra bẫy cám dỗ chỉ là một ảo tưởng. Đối với một người đức tin đã vững mạnh rồi thì không có gì trở ngại. Hơn nữa ánh mắt Đấng Christ còn là một gương soi để Phi-e-rơ nhìn rõ được chính mình hơn. Ông nhận thấy được những điều Ngài nghĩ về mình. Cả một quá khứ hiện về trong phút chốc. Trước kia chính ông là người, trong một phút thiêng liêng không thể quên được, đã xưng danh Đấng Christ ra và được Ngài thành thật nhìn nhận. Ông là người mà cách đó vài giờ, trên cả mười một sứ đồ, đã thề nguyện không bao giờ chối thầy mình. Thế nhưng giờ đây, đã lìa bỏ Ngài và làm đau lòng Ngài ngay chính lúc Ngài cần nâng đỡ hơn hết. Ông đã đặt mình làm một phần tử thù địch Ngài và biết bao lời thề thốt nguyền rủa, đã giày đạp danh Thánh Ngài dưới chân mình. Ông đã từ bỏ địa vị môn đồ để trở về với những gì thô lỗ của thời tráng niên chưa tin Chúa. Ông là một tên bội ước. Và tất cả những điều đó đã bao hàm trong tia nhìn của Đấng Christ lúc ấy.
Ngoài ra vẫn còn vài điều khác. Đó là một cái nhìn có tính cách cứu vớt. Nếu có người bạn nào đã chứng kiến Phi-e-rơ vụt thoát khỏi nơi ông đã phạm tội, có lẽ cũng đã lo sợ tưởng đến những gì có thể xảy ra sau đó rồi. Ông vụt chạy đi đâu thế? Có phải vào vực thẳm Giu-đa đã lao mình xuống sau đó không? Thật ra, Phi-e-rơ không xa chỗ đó bao nhiêu. Nếu lúc ấy, đôi mắt ông ta bắt gặp tia nhìn giận dữ trên gương mặt Đấng Christ có lẽ số phận ông đã chấm dứt tại đó rồi. Tuy nhiên, ánh mắt Ngài không hề vương hờn giận. Chắc hẳn chỉ đau thương và thất vọng vô vàn. Nhưng cao sâu hơn vẫn là bản chất của Cứu Chúa, một bản năng đã khiến Ngài giơ tay nắm lấy Phi-e-rơ khi ông bị chìm xuống biển. Cũng với bản năng ấy, giờ đây Ngài nắm lấy ông.
Trong tia nhìn phút chốc ấy, Phi-e-rơ đọc được tình yêu và tha thứ không sao thốt nên lời. Nếu đã nhìn thấy được chính mình trong ánh mắt ấy, hẳn ông đã nhận rõ được Cứu Chúa hơn - một sự khải thị rõ ràng trái tim của Đấng Christ mà ông chưa bao giờ nhận biết. Chính điều nầy vẫn thường khiến lòng ta tan chảy. Chẳng phải tội lỗi của chúng ta làm chúng ta khóc lóc, nhưng chính là lúc chúng ta thấy rõ được bản chất của Cứu Chúa mà chúng ta đã phạm tội chống nghịch. Phi-e-rơ đã khóc lóc đắng cay; không phải để xóa nhòa tội lỗi, nhưng chính vì cớ nhận biết tội lỗi đã được bôi xóa rồi. Nước mắt loại trên chỉ là một trận mưa rào; nhưng nước mắt Phi-e-rơ lúc này chính là cơn mưa tầm tã, triền miên, ngấm sâu vào lòng đất và nuôi sống tận gốc rễ những cây lá của linh hồn.
Thật ra, đây mới là bước đầu thật sự của tất cả những gì tốt đẹp mà thánh Phi-e-rơ phải thực hiện trên trần thế này. Nhưng chúng ta sẽ không đề cập điều này tại đây. Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến Đấng, giữa cơn khủng hoảng và đau đớn cực độ này, lại nghe tên mình chẳng những bị chối từ mà còn pha lẫn với những lời nguyền rủa, thề độc, vẫn không hề oán giận cho hành động phản bội ấy. Trái lại, Ngài đã quên hẳn nỗi khổ đau chính mình và với bản chất là Cứu Chúa, Ngài đã nhìn thế giới đê tiện ấy bằng ánh mắt yêu thương dịu dàng, trong phút chốc có thề nâng môn đồ sa ngã lên khỏi vực thẳm và đặt người trên tảng đá để người đứng vững mãi mãi và chính người, với đức tin người không dời đổi cùng lời làm chứng sống động, đã trở thành một tảng đá trong lịch sử nhân loại.
Stalker, James M., Vụ án và sự chết Jesus Christ, NXB Tin Lành Sài Gòn, 1974.
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|