Cỏ và lúa
Đối với nhà nông cỏ là thứ làm hại cho lúa và bất cứ nông dân nào cũng không bao giờ để cho cỏ mọc trong ruộng lúa. Tuy nhiên có một câu chuyện ẩn dụ trong Kinh Thánh đi ngược lại với quan niệm dân gian đó là lúa mì và cỏ lùng cùng được chủ cho phép sống chung với nhau trong ruộng của chủ đến mùa gặt mới giải quyết. Lý do cỏ lùng và lúa mì giống nhau về hình thức nhưng sẽ khác nhau về bông trái. Mọi sự khác biệt giữa cỏ lùng và lúa mì đến kỳ thu hoạch đã được chủ giải quyết.
Ðức Chúa Giê Su phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Nhưng đang khi người Ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. Ðến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra. Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng? Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, Ta sẽ dặn con gặt rằng: trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta. Ma-thi-ơ 13:24-30
Nguyên nhân có cỏ lùng trong ruộng của Chúa vì kẻ thù lén gieo những hạt giống cỏ vào ruộng trong lúc những người làm công đang ngủ. Những người làm công không hề biết trước mưu chước quỉ quyệt của kẻ thù, họ không thể phân biệt được kẻ thù là ai? và ý đồ của kẻ thù là gì? Cho nên những người làm công đơn sơ chân chất này mới thắc mắc với chủ “Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra?” Chủ biết rõ và chịu trách nhiệm về điều này, vậy chủ sẽ chịu trách nhiệm bằng cách nào?
Chủ bảo đãm sự bình an cho những người làm công chân thật, chủ không hình phạt họ về việc ngủ quên để cho kẻ thù lẻn vào ruộng gieo cỏ lùng vào đó. Chủ không kết tội họ theo phe kẻ thù phản bội chủ. Họ là những người làm việc chân chính phục vụ nên họ không bị ảnh hưởng gì về việc này. Lời Chúa phán cho các môn đồ của Ngài “Bình an cho các ngươi” (Giăng 20:19) Tuy nhiên Chúa không để họ quá lo lắng về cách sẽ giải quyết ra sao nên chủ đã nói rõ ràng Người sẽ sai con gặt trong kỳ thu hoạch mùa màng làm việc này. Chủ sẽ sai con gặt trước hết đi cắt cỏ lùng bó lại từng bó và đem đốt đi. Lý do chủ sai con gặt mà không sai những người gieo trồng vì con gặt là những người chuyên nghiệp nhìn biết rõ loại nào là cỏ lùng và loại nào là lúa mì. Cỏ lúc nhỏ xanh tươi mơn mởn như những cây lúa không thể nào phân biệt. Càng lớn cỏ phát triển nhanh và cao hơn lúa vì không có hạt giống trên thân. Lúc lúa chín vàng phải cúi gồng mình xuống chịu đựng biết bao mầm sống trên thân nó thì cỏ lùng là loại ngẩng cao đầu trong ruộng vì nó rất nhẹ nhàng thảnh thơi, con gặt dễ dàng dùng lưỡi liềm đưa qua, quơ gọn những bông cỏ lùng và sau đó buộc lại từng bó mà đem đốt đi. Lúa mì còn lại được đem vào kho thâu trữ của chủ để đem lại sự sống cho nhiều người.
Bài học đầu tiên mà Chúa dạy cho dân chúng và các môn đồ biết phân biệt bản chất và hiện tượng: Giống lúa sẽ sinh ra lúa, cỏ lớn lên vẫn là cỏ đừng nhìn vào hiện tượng cỏ lùng đang chen lẫn giữa đám lúa mì mà lo sợ ảnh hưởng đến lúa. Bản chất của loại giống nào nó sẽ sanh ra bông trái đó không có gì thay đổi. Qua ẩn dụ này Chúa còn muốn nói bản chất của kẻ thù là gian dối, nó muốn cho mọi người đừng tin vào Chúa vì Chúa nói lời Ngài là lời tốt, giống của Chúa là nước thiên đàng nhưng nhìn vào Hội Thánh toàn là những thứ cỏ lùng (do ma quỉ đã lén gieo vào ruộng). Tuy nhiên bản chất của hạt giống lúa vẫn sẽ sinh ra các hạt giống lúa mặc dù chưa ai thấy. Chúa nói về hiện tượng cỏ lùng mọc lên trong ruộng không quan trọng mà hiện tượng con gặt sẽ mang lưỡi liềm để cắt cỏ lùng đem đi đốt là điều quan trọng hơn.
Bài học thứ hai mà Chúa muốn dạy cho các môn đồ của Ngài là đừng lo về việc phá hoại trong ruộng lúa bằng cách đi tìm và diệt những loài cỏ lùng, điều đó rất dễ mắc sai lầm “trông gà hóa cuốc”, chưa đến kỳ thu hoạch chưa ai phân biệt được chân giả. Nhưng đến lúc lúa đã chín vàng ngã rạp dưới đất còn cỏ lùng chơ vơ trên cánh đồng rất dễ thấy và dễ cắt. Những ai theo Chúa mà không có bông trái Thánh Linh, không có ai trong Hội Thánh yêu mến hãy xét lại coi chừng ngày phán xét. Những ai không được những lời chứng tốt trong Hội Thánh hay ngoài đời mà tự đắc, tự kiêu sẽ cần biết đến cuối cuộc đời sẽ thấy lưỡi hái của tử thần thật khủng khiếp và hỏa ngục đời đời là nơi thật kinh khiếp.
Bài học thứ ba mà Chúa muốn dạy dỗ là người gieo giống khác với con gặt, người gieo giống còn có thể ngủ quên, nhưng làm con gặt thì tỉnh táo. Người mới tin Chúa còn có thể va vấp, thiếu sót nhưng là tín hữu lâu năm phải hết sức tỉnh thức chú ý giữ gìn lời Chúa răn dạy. Người làm công có thể hăng say nhưng thiếu tinh tường, nhưng người làm chủ nhìn thấy mọi việc thấu đáo biết điều gì sẽ xảy ra và biết trước cách giải quyết như thế nào. Người làm chủ luôn nhận trách nhiệm về phần mình không bao giờ đổ lỗi cho nhân công và chỉ dẫn cách khắc phục hậu quả rất nhanh chóng. Cuối cùng Chúa là quan xét trong ngày chung kết đời sống nên con cái Chúa giống như Chúa không lo sự phán xét sẽ dành cho mình.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|