Vườn Ghết-sê-ma-nê

Một buổi trưa hè tôi đến thăm vườn Ghết-sê-ma-nê, khu vườn toàn những gốc cây Ô-li-ve không có loại cây nào khác. Những cây Ô-li-ve chỉ cao hơn đầu người một chút, thân gổ sần sùi, cành nhỏ đầy lá, lá nhỏ như lá trúc đào mọc ra những trái Ô-li-ve, mỗi kẻ lá Ô-li-ve đều có trái mọc ra. Cây Ô-li-ve sống trên vùng đất đá sỏi, khu vườn Ghết-sê-ma-nê nằm trên sườn đồi thoai thoải của núi Ô-li-ve, ngọn núi phủ đầy cây Ô-li-ve. Tại đây hình ảnh của Chúa Giê Su trong vườn Ghết-sê-ma-nê tái hiện trong tâm trí của tôi về đêm cầu nguyện tha thiết mồ hôi rơi xuống như giọt máu lớn. 

 

Tôi đứng đó mắt nhìn những gốc cây Ô-li-ve từ thời Chúa Giê Su đến nay vẫn còn tồn tại nhưng tâm linh nhìn thấy một cuộc chiến thầm lặng đã diễn ra tại nơi đây đem lại thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại. Cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác trong con người. Chúa Giê Su phải chọn lựa giữa việc trốn chạy hoặc chờ đợi quân lính La Mã đến bắt. Đại văn hào Shakespeare đã nói một câu nỗi tiếng: “To be or not to be” nghĩa là “Tồn tại hay không tồn tại”, “Sống hay chết”.   

 

 Nỗi đau đớn khiến mồ hôi rơi xuống như giọt máu vì tâm hồn chịu đựng nỗi đau quá lớn. Chúa Giê Su vào vườn Ghết-sê-ma-nê cùng với ba môn đệ thân yêu là Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ vào lúc Chúa biết giờ phút bị treo lên thập tự sắp đến. Linh tính của Chúa Giê Su cho biết sự đau đớn sẽ xảy ra cho thân thể Ngài rất kinh khiếp nên Ngài cần phải cầu nguyện. Cảnh quân lính La Mã đóng đinh phạm nhân vào cây thập tự thời bấy giờ gần như phổ biến khắp nơi, đây là cách răn đe của nhà cầm quyền cho tất cả những ai phạm pháp.  Những hình ảnh của người bị đóng đinh thường xuyên diễn ra trên đất nước Do Thái khiến cho ai thấy cũng phải rùng mình. Thế nhưng Chúa Giê Su không sợ hãi về điều này nhưng Ngài nghĩ đến cảnh chết chóc rùng rợn ấy có làm thay đổi bản chất hung ác của con người hay không? Tại sao biết bao người phạm pháp bị đóng đinh trên thập tự nhưng người phạm tội vẫn không chấm dứt? Tại sao người ta biết tội lỗi là bị hình phạt khủng khiếp đóng đinh trên thập tự như vậy mà người ta vẫn không chừa bỏ tội lỗi? Có phải pháp luật là cách tốt nhất để làm cho xã hội của loài người được tốt hơn không? Nếu xã hội loài người chỉ cần có pháp luật nghiêm nhặt sẽ thay đổi con người, Chúa Giê Su sẽ không cần phải chịu hình phạt thay thế cho nhân loại. Những điều này làm cho tâm hồn Chúa Giê Su chiến đấu cách mãnh liệt, những căng thẳng và những xúc động đan xen lẫn nhau.

  

Những giọt mồ hôi như giọt máu lớn rơi xuống vì nỗi đau đớn cho nhiều người không biết suy nghĩ trong đó có cả các môn đồ của Ngài. Những người biết suy nghĩ về tương lai cuộc đời sau cái chết quá ít. Phần lớn mọi người đều nghĩ chết là hết, còn sống nên tận dụng cơ hội để hưởng sung sướng cuộc đời, không bao giờ có sự sống nào sau khi chết. Bàn chất con người chỉ nghĩ đến cuộc sống trước mắt nên môn đồ Ngài là Giu Đa Ích-ca-ri-ốt mới tham muốn tiền bạc của cải để được hưởng thụ giàu có. Bản chất con người cũng lười biếng, ích kỷ, mọi người đều đặt cái tôi thân yêu trên hết nên Chúa rất đau lòng về những môn đồ của Ngài không thể cùng Chúa chịu cảnh hi sinh. Mặc dầu Phi-e-rơ và các môn đồ đều nói rất mạnh mẽ trong bữa ăn cuối cùng: “Phi-e-rơ thưa rằng: Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu. Hết thảy môn đồ đều nói y như vậy.” Ma-thi-ơ 26:35. Với tấm lòng của một vị thầy,  Chúa Giê Su đã dạy cho các môn đồ Ngài muốn vào nước Thiên đàng của Đức Chúa Trời phải có lòng hi sinh. Thế nhưng khi cần hi sinh một chút thời giờ cho việc cầu nguyện các môn đồ thân yêu không chống chọi nỗi với cơn buồn ngủ! Cơ thể được nghỉ ngơi sau bữa ăn tối, giờ phút êm ả trong vườn Ghết-sê-ma-nê với ngọn gió thiu thiu họ được êm ái ngủ như đã đến thiên đường.      

 

Những giọt mồ hôi như giọt máu lớn của Chúa làm cho nhân loại xúc động không thể nào tả,  chưa có ai trên đời này sẳn sàng chịu chết thế cho chính mình như Chúa Giê Su. Đối với loài người tội ai làm nấy chịu, hơn thế nữa còn có những loại người làm điều tội lỗi nhưng lại bắt người khác phải chịu tội thay! Cuộc đời của Chúa Giê Su làm tất cả những việc tốt lành cho dân Do Thái nhưng thầy tế lễ cả thượng phẫm cai trị dân Giu Đa bắt Chúa chịu hình phạt thay. “Vả, Cai-phe là người đã bàn với dân Giu-đa rằng: Thà một người chết vì dân thì ích hơn.” Giăng 18:14. Chúa chịu chết thay là điều phước hạnh cho loài người, vì người tin điều này sẽ hết lòng yêu mến Chúa ăn năn tội của mình và luôn luôn gắn bó gần gũi với Chúa. Nhưng người bắt Chúa chịu chết thay cho mình là người xem Chúa chết là xong hết mọi chuyện, họ không cần được tha thứ và không bao giờ biết ăn năn, họ là người tin tưởng vào tội lỗi của họ sẽ được quên lãng theo thời gian, sau khi đã xóa hết dấu vết tội lỗi nhờ một người chết thay họ. Không còn ai biết được quá khứ khi mà “Cứt trâu để lâu cũng hóa thành bùn”. Chúa đau lòng vì tình yêu thương của Chúa vẫn rộng mở nhưng người làm hại đến Chúa không bao giờ quay lại với Đấng đã cứu mạng cho mình.     

 

Chúa cầu nguyện mà những giọt mồ hôi như giọt máu lớn rơi xuống mang đến sự an ủi tận tâm can cho Ngài. Bất cứ điều đau khổ nào đã xuống tận đáy của đau thương sẽ mang lại sự bình an tuyệt đối. Sau khi Chúa cầu nguyện với lòng tha thiết khẩn nài đến nỗi mồ hôi rơi xuống như giọt máu lớn nên giờ phút tiếp theo Chúa rất bình thản nói chuyện với Giu Đa cùng đám quân lính đến bắt Ngài. “Chúng trả lời rằng: Tìm Jêsus người Na-xa-rét. Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Chính Ta đây! Giu-đa là kẻ phản Ngài cũng đứng đó với họ.Vừa khi Ðức Chúa Jêsus phán: Chính Ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất.” Giăng 18:5,6.  Trước khi Chúa lên thập tự để chết thay tội lỗi loài người Ngài cần có sự an ủi, nhưng các môn đồ không mang lại niềm an ủi, con người không ai biết đến Ngài. Sự cô đơn và sức chịu đựng của Chúa lên đến cực điểm, nếu không có sự cầu nguyện tha thiết trong vườn Ghết-sê-ma-nê công tác cứu rỗi đã theo chiều hướng khác không theo chương trình của Đức Chúa Trời.

 

Con người cần phải cầu nguyện tha thiết như Chúa Giê Su cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê khi đứng trước những việc quan trọng cấp thiết. Nếu không có giờ cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê Chúa không chịu đựng nỗi cô đơn và sức ép để giữ vững đường lối tốt lành là điều hay xảy ra với con người. Phi Lát không thể làm điều lành cho dầu ông nắm quyền sinh sát trong tay. Phi Lát đã làm những việc mà ông biết sai sự thật nhưng ông không bao giờ hối hận. Phi Lát biết Chúa Giê Su vô tội nhưng không thể chịu đựng trước sức ép của tiếng nói đám đông dân Giu Đa: “Từ lúc đó, Phi-lát kiếm cách để tha Ngài; nhưng dân Giu-đa kêu lên rằng: Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy!” Giăng 19:12. Phi Lát thất bại dầu có binh quyền trong tay còn Chúa Giê Su chiến thắng vì quỳ gối cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê.  

 

Vườn Ghết-sê-ma-nê nơi cuộc chiến đã kết thúc, Chúa Giê Su đã chiến thắng bằng lời cầu nguyện nên ngài đã dạy cho các môn đồ “Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối.” Mathiơ 26:41. Vườn Ghết-sê-ma-nê một lần đã đến không bao giờ quên.

                                                                                               

                                                                                                                             Mùa thương khó 2012

                                                                                                                           Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi