Nguyên nhân Chúa bị giết
Những năm đầu công nguyên đất nước Do Thái ở dưới quyền thống trị của đế quốc La Mã. Miền nam của xứ Do Thái được La Mã giao cho Hê-rốt một vị vua chư hầu cai quản, nơi đó được gọi là xứ Giu Đê. Thành phần lãnh đạo đất nước về quân đội có quan tổng đốc Phi Lát chỉ huy quân lính La Mã. Về dân sự những đảng phái của người Do Thái lập ra như Pha-ri-si, Sa-đu-sê…Trong tình hình phức tạp đó dân chúng mong chờ một Đấng cứu thế (Đấng Mê-si-a). Chính vì vậy khi Chúa Giê Su thi hành sứ mạng rao giảng về nước Thiên Đàng thu hút đông người nghe và họ đi theo để xem Chúa làm phép lạ, chữa bệnh, Điều này khiến cho chính quyền vua Hê-rốt lên phương án giết Chúa Giê Su.
Những người Do Thái mặc dầu biết Chúa Giê Su rao giảng về nước Thiên Đàng nhưng họ không thèm quan tâm đến. Điều đáng chú ý là Chúa Giê Su làm phép lạ cho họ xem, chữa lành cho con cháu họ khỏi bệnh hoặc khi nghèo đói được có bánh, cá Chúa cho họ ăn no nê. Tình trạng thờ ơ và vô cảm trong đời thường khiến cho họ mất cảm giác về một Đấng cao cả từ trời đến thế gian như những lời tiên tri trong Cựu Ước đã chép. Ni-cô-Đem là một trong những nhà lãnh đạo xứ Do Thái là Giáo sư Thần Học, Giáo sư Kinh Thánh nhưng ông vẫn nghi ngờ về những lời giảng dạy của Chúa Giê Su. Ông hỏi: “Tôi đã già rồi làm sao trở vào lòng mẹ để sinh lại?” Giăng 3:4 Ni-cô-Đem hoàn toàn không biết Chúa Giê Su đến thế gian để chết đền tội thay cho ông và cũng không biết Chúa Giê Su chịu chết đền tội cho giai cấp của ông - Những người Pha-ri-si công bình chính trực. Những người công bình chính trực thường chỉ quan tâm đến cuộc sống đời này mà không công nhận có cuộc sống đời sau, người theo phe Sa-đu-sê còn chế nhạo bằng cách hỏi trêu chọc rằng: “Một người đàn bà có nhiều đời chồng, vậy nếu có đời sau người đàn bà ấy sẽ làm vợ người nào?” Những người theo phe Pha-ri-si hay Sa-đu-sê đều cùng chung quan điểm “Luật Pháp” là trên hết, nếu vâng giữ theo luật pháp và điều răn họ sẽ vào được nước Đức Chúa Trời mà điều đó không có khó đối với họ. Họ là những người được học tập và rèn luyện từ lúc nhỏ. Một vị quan trẻ tuổi giàu có đến hỏi Chúa Giê Su “Làm cách gì để hưởng được sự sống đời đời?” Chúa Giê Su bảo hãy làm theo Luật pháp, người ấy trả lời “Tôi đã giữ các điều ấy từ thuở nhỏ!” Luca 18:18-21. Người giàu có này thật đáng thương vì Chúa Giê Su khuyên ông thêm một điều nữa mà ông không làm được: “Hãy bán hết gia tài mình phân phát cho kẻ nghèo! Thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo Ta” Người công bình chính trực thường muốn được người ta khen ngợi nhưng không muốn chia sẽ của cải vật chất cho người nghèo. Luật pháp đã biến tinh thần và tình cãm con người họ trở nên cứng cõi, mạnh mẽ, họ luôn miệng dạy đời và chê trách người khác trong khi những lời dạy của Chúa Giê Su họ bỏ ngoài tai, lời Chúa như gáo nước lạnh xối trên đầu họ, gây sốc đối với họ. Họ chẳng những không nghe, không thấy, không tin những phép lạ của Chúa làm mà còn tìm cách giết Ngài. Chúa Giê Su đã chết vì sự vô tín của họ, Chúa cứu nhân loại ra khỏi những hình thức vô tín mà vì những điều này khiến con người trở nên vô nhân với đồng bào, đồng loại của mình. Những người Do Thái bỏ lỡ cơ hội để sống theo tình thương hơn luật pháp, họ cố chấp, hung hăng đoạt lấy mạng sống của một con người hiền lành vô tội mà không biết đó là Đức Chúa Trời của họ. Chính vì vậy đất nước Do Thái đã bị kẻ thù chiếm lấy, tất cả tài sản của những con người công bình chính trực bị tước đoạt, cuộc sống của họ và vợ con đều sống kiếp lưu đày nhục nhã.
Trong khi những người Pha-ri-si, Sa-đu-sê tự hào về nếp sống công bình chính trực thì dân chúng trong xứ Do Thái lại suy đồi đạo đức trầm trọng, tình trạng tội lỗi trong xứ không thua gì hai thành Sô Đôm và Gô-mô-rơ. Một đoàn dân đông già có, trẻ có mang một người đàn bà tà dâm đến trước mặt Chúa để hỏi Chúa phải xử người đàn bà này như thế nào? Chúa Giê Su hỏi họ một câu: “Ai trong các ngươi là người vô tội, trước hết ném đá người đàn bà này?” Câu hỏi của Chúa đụng chạm vào nền tảng đạo đức suy đồi của những người đang đòi ném đá người đàn bà phạm tội tà dâm. Có phải người đàn bà này bị bắt quả tang đang phạm tội, còn các ngươi thật sự là những người vô tội không? Phản ứng của họ ra sao? Câu hỏi của Chúa Giê Su khiến những người đòi ném đá quay lưng bỏ đi, người lớn tuổi đi trước, thanh niên theo sau. (Giăng 8:1-9) Chúa Giê Su chết vì tình trạng sa sút đạo đức, suy đồi đạo lý của những người tự nhận là dân tộc được Đức Chúa Trời lựa chọn nhưng sống không thua gì những người ngoại đạo. Khi đạo đức suy đồi sự gian ác đã gia tăng, đó là qui luật tự nhiên, điều đó được chứng minh tại trường án của Phi-lát. Khi Phi-lát nói: “Vậy người này đã không có làm điều chi đáng chết nên ta sẽ đánh đòn rồi tha đi.” Chúng bèn đồng thanh kêu lên: “Hãy giết người này đi mà tha Ba-ra-ba cho chúng tôi.” Ba-ra-ba là một tên tù giết người và gây rối loạn trong thành. (Lu-ca 23:15-19). Vì cớ tội lỗi gian ác của con người mà Chúa Giê Su đã bị giết. Sự chết của Chúa Giê Su chính là sự đền tội thay cho những con người tội lỗi từ trong tâm hồn lẫn cả hình thức ngoại vi. Từ xưa đến nay không có một con người nào vô tội lại chết thế cho những người có tội, nhưng vì Chúa Giê Su đến từ trời nên sự hi sinh của Ngài khiến cho Đức Chúa Trời nguôi cơn thạnh nộ mà ban sự cứu rỗi cho những ai tin vào sự chết của Chúa Giê Su vì tội lỗi của riêng chính mình.
Thế gian có thể đưa ra nhiều giả thuyết về sự chết của Chúa Giê Su giống như người ta đưa ra nhiều giả thuyết về việc máy bay MH17 chở 298 hành khách vô tội bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine ngày 17/7/2014. Kết luận không gì khác đó là hành động gian ác của con người gây ra. Cầu xin Chúa cho thế gian ăn năn để tránh cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng xuống thế giới.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|