Đức Chúa Trời Làm Việc Qua Đức Tin

 Không có một vị quan nào kiêu ngạo xấc xược cho bằng Ha-man dưới đời vua A-suê-ru. Tất cả những triều thần đều phải cúi lạy lúc ông ra vào cung vua, nhưng trong số đó có một người giữ cửa không cúi lạy. Ông trở nên giận dữ và tìm cách hãm hại cả dân tộc của người tầm thường cho dầu ông biết rằng dân tộc này có thờ phượng Đức Chúa Trời. Ha-man toan tính  bằng hai cách: Mượn quyền lực của vua A-suê-ru và dùng tiền bạc đút lót để cho vua A-suê-ru ra quyết định. Không ai còn có thể khám phá ra mưu sâu kế độc của Ha-man, và Đức Chúa Trời của dân Giu Đa không thể nào giải cứu được Mạc-đô-chê, cả dân tộc của ông sẽ bị tiêu diệt. Kinh Thánh sách Ê-xơ-tê nói lên một nguyên tắc bất di bất dịch: “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”.

 

Có Đức Chúa Trời hay không là điều tranh cãi giữa hai thành phần trong thế giới loài người, những người tin có, những người không. Ha-man là thành phần thứ hai trong lịch sử nhân loại không tin có Đức Chúa Trời. Ông không tin sự thực hữu Đức Chúa Trời nhưng ông tin có quyền lực nhờ tiền bạc. Ha-man tin vào tiền bạc giải quyết được mọi việc, Kinh Thánh ghi lại lời của Ha-man nói như sau: “Nếu điều đó đẹp ý vua, xin ban hành sắc lệnh hủy diệt dân tộc đó. Hạ thần xin đóng bảy trăm năm mươi ngàn cân bạc vào quỹ nhà vua để lo chi phí cho việc thi hành sắc lệnh này.”1 Ha-man sau khi cầm được sắc lệnh của vua trong tay ông cảm thấy thật sung sướng thỏa mãn chờ đợi ngày ông hủy diệt cả dân tộc Giu Đa và Mạc-đô-chê. Người xưa mô tả những kẻ ngông cuồng bằng câu “Một tay chống trời” điều này thật đúng với Ha-man, ông không bao giờ tin rằng Đức Chúa Trời có thể cứu được Mạc-đô-chê cũng như dân tộc của ông.  

 

Mạc-đô-chê không đối phó lại với sắc lệnh của vua ra, ông không bao giờ có ý tưởng nổi loạn hay sách động dân Giu Đa phản đối sắc lệnh của vua A-suê-ru, bởi vì ông đã từng giải cứu cho vua A-suê-ru thoát khỏi âm mưu phản bội của hai hoạn quan Bích Than và Thê Rết. Trong lúc ấy ông không thể làm được bất cứ điều gì để giải cứu cho dân tộc của ông ngoại trừ ông kêu gọi dân tộc của ông hãy cầu nguyện. Cầu nguyện là một hành động của đức tin dẫn đến Đức Chúa Trời nơi quyền năng của sự giải cứu sẽ xuất hiện. Đức Chúa Trời hành động qua đức tin, nếu không có đức tin không ai có thể đến gần Đức Chúa Trời là Đấng có thưởng phạt công minh. Đức Chúa Trời là thần linh xuất hiện trong những chỗ con người không thấy như trong tâm trí, trong suy nghĩ, trong lương tâm đạo đức và trong linh hồn của những người được xưng công bình. Vì vậy dù cho dân tộc Giu Đa không phải tất cả đều là những người tin nơi Đức Chúa Trời nhưng họ có lương tâm đạo đức không muốn cho dân tộc của họ bị hủy diệt. Tất cả mọi người từ hoàng hậu Ê-xơ-tê cho đến những người bình dân đều để dành ba ngày cầu nguyện.

 

Nhiều người trong Chúa thường tự hỏi: Nếu không cầu nguyện Chúa có giải cứu cho dân tộc của Mạc-đô-chê không? Chúa đã lựa chọn dân này thì Chúa phải giải cứu họ. Câu trả lời của Mạc Đô Chê với bà Ê-xơ-tê xác định rằng phải cầu nguyện mới được giải cứu: “Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua, ngươi sẽ được thoát khỏi...” Thầm tưởng là một hình thức quen thuộc với nhiều người theo Chúa, trong tâm trí lúc nào cũng thầm tưởng có Chúa bảo vệ, có Chúa gìn giữ, có Chúa ban phước.v.v... nhưng không bao giờ nói với Chúa bằng lời cầu nguyện. Cầu nguyện tức là nói với Chúa, Chúa có thể biết tấm lòng mọi người, nếu họ nói bằng lời ra cho mọi người nghe thấy  hay nói thì thầm, lời nói đó bày tỏ đức tin và lòng tôn kính đối với Chúa. Người quan trọng khi cần nghe, họ cần người trả lời phải xác định, nếu không nói mà dùng cử chỉ, người nghe  không thể hiều người đối diện có thật sự xác quyết hay không! Có một người kể cho tôi nghe họ suýt bị từ chối phỏng vấn trong đợt xin visa đi Mỹ lần đầu tiên vì lúc trả lời phỏng vấn chỉ dùng cử chỉ gật đầu và lắc đầu để trả lời, thay vì trả lời bằng lời nói. Nhân viên phỏng vấn phải nhắc nhở:“Nên trả lời bằng miệng”.

 

Sau khi cầu nguyện, Đức Chúa Trời làm việc qua đức tin, điều mọi người tưởng rằng đức tin trừu tượng, không tưởng. Tuy nhiên sự kiện không bao giờ có lại xảy ra cách bất ngờ. Dân Giu Đa được giải cứu bởi sắc lệnh thay đổi của chính vua A-suê-ru. Trong đêm vua không ngủ được vua sai đem sách sử ký ra, vua đọc đúng chỗ Mạc-đô-chê giải cứu vua khỏi mưu phản của hai hoạn quan Bích Than và Thê rết, vua hỏi quan chép sử: “Mạc-đô-chê có được thưởng gì chưa? Vị quan này tâu rằng chưa!!!” Lúc ấy Ha-man cũng vừa đến cung để xin lệnh treo Mạc-đô-chê lên cây mộc hình. Trước khi Ha-man mở lời, vua hỏi ý kiến ông phải ban thưởng cho người có công với vua ra sao, Ha-man “thầm tưởng” ông sẽ nhận được phần thưởng đó, nhưng không ngờ người được thưởng lại là Mạc-đô-chê. Từ đó cho đến giờ phút bị treo lên cây mộc hình do chính ông dựng lên, Ha-man vẫn không hề biết Đức Chúa Trời là ai? Tại sao lại có sự thay đổi bất ngờ như vậy? Câu trả lời được mọi người chấp nhận: “Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.”

 

Những ai tin cậy Đức Chúa Trời, Ngài làm việc qua đức tin của họ, việc làm đầu tiên thể hiện đức tin của một tín hữu là lời cầu nguyện chân thành. Đức Chúa Trời luôn luôn cứu giúp con cái của Ngài và bày tỏ cho mọi người đường lối nhất quán. A-men.

 

                                                                                    Mục sư Nguyễn Quốc Dũng  

__________ 

1 Ê-xơ-tê 3:9, Thánh Kinh Bản Phổ Thông, NXB Tôn Giáo, 2011.    

Các bài khác :: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi