Niềm Vui Của Vâng Lời
Mỗi năm mùa Giáng Sinh lại về, nhân loại lại được dịp nhắc lại niềm vui Chúa Giáng Sinh. Niềm vui này xuất phát từ sự vâng lời của người thiếu nữ làng Na-xa-rét xứ Do Thái. Một niềm vui cô đơn và đầy bất trắc khi cô gái Ma-ri trả lời với Thiên sứ “Tôi đây là tôi tớ Chúa xin sự ấy xảy ra như lời người truyền” Lu-ca 1:38. Ma-ri chọn lựa vâng phục Chúa vào lúc này sẽ đón nhận sự cô đơn mà cô phải chịu. Trong lúc còn là thiếu nữ, lại là người nữ đang hứa hôn với Giô Sép mà phải mang thai không phải là chuyện vui mừng như bao nhiêu người con gái khác có ngày hôn lễ tưng bừng nhộn nhịp. Những người hàng xóm láng giềng sẽ khinh chê đàm tiếu rồi sau đó dẫn đến một kết cuộc bi thảm bị bà con dòng họ đem ra ném đá. Nhưng bởi sự vâng lời Đức Chúa Trời mà ngày nay nhân loại có một ngày lễ long trọng trong các thánh đường, tưng bừng nhộn nhịp bên ngoài đường phố hay trên khắp các nẻo đường.
Ma-ri đã được hứa hôn—hay—hứa gả cho Giô-sép (Ma-thi-ơ 1:18). Vào thời đại đó, hầu hết các cuộc hứa hôn xảy ra rất sớm trong cuộc sống của một người nữ trẻ, Ma-ri có thể là một thiếu nữ khi thiên sứ Gáp-ri-ên xuất hiện cùng cô ấy. Mặt khác, Giô-sép có thể là một người đàn ông lớn tuổi hơn. Giô-sép không bao giờ được đề cập đến trong suốt chức vụ cá nhân của Chúa Giê Su, cho thấy khả năng ông đã qua đời trước khi Chúa Giê Su ba mươi tuổi. Trong đoạn Kinh Thánh về "người phụ nữ với những phẩm giá đáng kính," được ghi chú rằng, "Con cái nàng chổi dậy, chúc nàng được phước" (Châm ngôn 31:28a). Kinh thánh bản dịch JKV diễn đạt tư tưởng này như sau: "Các con nàng chổi dậy, và chúc phước nàng." Những người mẹ rất đặc biệt. Trong truyện tranh Peanuts, Charlie Brown nói: "Mọi người cần một ai đó để yêu thương, để tin tưởng, để chăm sóc, để ủng hộ, để cười và khóc." Lucy trả lời: "Như vậy thì nhiều người lắm." Sau đó, Snoopy thêm vào," Hoặc chỉ là một người mẹ tuyệt vời duy nhất". Trong Lu-ca 1, chúng ta được khuyến khích gọi mẹ của một ai đó được phước. Trong câu 42 Ê-li-sa-bét nói với một người sắp làm mẹ: "Ngươi có phước trong đám đàn bà". Đây là một cách diễn đạt của người Do Thái có nghĩa là “Mẹ là người được phước giữa vòng những người nữ khác.” Trong câu 48 người nữ được nói trên trả lời: "Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước." Không chỉ con cái của người nữ này gọi cô có phước nhưng tất cả mọi người sẽ thừa nhận rằng cô đã được Đức Chúa Trời ban phước. Đoạn này nói về Ma-ri, mẹ của Chúa Giê Su.
Tất cả những người mẹ đều được phước, nhưng Ma-ri đã được phước một cách đặc biệt. Trong số những người nữ Do Thái sống tại thời điểm đó, Đức Chúa Trời đã chọn cô là mẹ của Chúa Giê Su. Khi xem xét sự kiện này, chúng ta hỏi: "Tại sao? Có điều gì đặc biệt về Ma-ri?” Đức Chúa Trời không ở dưới một sức ép nào khi chọn cô. Không có gì trong lời này chỉ ra rằng Ma-ri là một người rất tốt và hoàn hảo đến nổi Đức Chúa Trời buộc phải chọn cô ấy. Thay vào đó, chúng ta được biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn cô ấy để bày tỏ ân điển của Ngài. Thiên sứ chào đón Ma-ri bằng dòng chữ "Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi!" (Lu-ca 1:28). "Được ơn" được dịch từ chữ χαριτόω (charitoo), một hình thái của chữ χάρις (charis), tiếng Hy Lạp cho chữ "ân huệ"-và chữ "ân huệ" nói về "một đặc ân cho người không xứng đáng." Tuy nhiên, Ma-ri chắc hẳn phải có những phẩm chất đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một lần nữa: "Đó là những phẩm chất gì?" Chúng ta sẽ làm một cuộc khảo sát về cuộc đời của cô ấy để khám phá "Tại sao Đức Chúa Trời đã chọn Ma-ri."
Trước tiên hãy xem Lu-ca 1:26. Câu này bắt đầu, "Đến tháng thứ sáu . . ." Đây là thai kỳ tháng thứ sáu của Ê-li-sa-bét, mẹ của Giăng Báp-tít. "Đến tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê." Na-xa-rét là một ngôi làng nhỏ nằm mười lăm dặm về phía tây mũi phía tây Biển Galilee và hai mươi hai dặm từ Địa Trung Hải, trên một trong những sườn núi phía cực nam của dãy núi Li-băng. Thiên sứ đã được sai "tới cùng một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Đa-vít."(Lu-ca 1:27a). Giô-sép là con cháu của vua Đa-vít, nhưng dòng dõi hoàng gia này đã rơi vào những thời kỳ khó khăn. Giô-sép là một thợ mộc nghèo (Ma-thi-ơ 13:55) sống ở thành Na-xa-rét (Lu-ca 2: 4). Một trong những cách mà chúng ta biết Giô-sép và Ma-ri là những người nghèo là họ đã dâng những của lễ mà người nghèo được phép dâng (so sánh Lu-ca 2:24 với Lê-vi-ký 12:6-8). JW McGarvey chắc chắn đúng khi ông viết: "Nếu biết được sự vĩ đại của con, Giô-sép và Ma-ri sẽ không bao giờ sử dụng ít của lễ hơn khi họ có đủ khả năng dâng một của lễ bình thường và tốt hơn."
Vâng lời là một trong những của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời: “Vả sự vâng lời tốt hơn của lễ, sự vâng theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22b) Bởi sự vâng lời của Ma-ri mà nhân loại ngày nay có được niềm vui không có lễ hội nào trên thế giới có thể so sánh được. Đức Chúa Trời còn hứa ban cho tất cả mọi người niềm vui lớn hơn nữa khi ai nấy đều được ở chung trong nước Thiên đàng hưởng sự sống đời đời, lời hứa này dành cho những ai biết vâng lời làm theo lời Chúa.
Mủa Giáng Sinh 2014
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: TIN VÀO LỜI CHÚA
:: VỮNG LÒNG BỀN CHÍ TRÔNG ĐỢI NƠI CHÚA
:: ĐỨC TIN TỪ CẠN ĐẾN SÂU
:: TRÔNG CẬY SỰ CÔNG BÌNH CỦA CHÚA TRỜI
:: TRANG BỊ TÂM LINH
|
|