Chúa Giê Su Không Hề Thay Đổi

Trên thế giới này có nhiều lãnh tụ được tôn vinh, có những nhà cải cách kinh tế, văn hóa, xã hội làm thay đổi thế giới, cũng có các giáo chủ tôn giáo tạo ra những tôn giáo khiến con người sùng bái. Tuy nhiên không có nhân vật nào bước vào cửa tử rồi sống lại bước ra. Chúa Giê Su chẳng những sống lại rồi lên trời mà Ngài còn để lại lời hứa cho những ai tin nơi Ngài: “Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” Phúc âm Giăng 14:3. Trong thư tín Hê-bơ-rơ nhắc lại những lời Chúa hứa không bao giờ thay đổi theo thời gian: “Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.” Hê-bơ-rơ 13:8.

 

Điều đầu tiên mà con người tin nơi Chúa Giê Su không hề thay đổi là sự hiện hữu của Ngài qua từng trang sách vở, văn thư của mọi thời đại. Không ai không biết ngày tháng năm mà mọi người ghi vào  lý lịch của  đời mình  xuất phát từ năm Chúa Giê Su ra đời đã tạo thành công nguyên cho toàn thể nhân loại. Nhiều người nói với tôi tại sao trên thế giới có những loại lịch cổ xưa hơn như lịch người Maya, hay lịch Phật giáo, lịch La Mã… tại sao thế giới không sử dụng mà lại dùng niên lịch của Chúa Giê Su làm công nguyên? Như vậy lời Kinh Thánh chẳng phải đã ứng nghiệm Chúa Giê Su chẳng hề thay đổi trên tất cả mọi sinh hoạt xã hội loài người dầu cho lương hay giáo. Dòng lịch sử thay đổi nhưng dòng thời gian không thay đổi, những tờ lịch cứ rơi dần theo năm tháng, tuổi tác con người mãi cứ trôi theo thời gian nhưng không ai có thể làm một cuộc cách mạng sử dụng một niên lịch khác thay cho niên lịch bắt nguồn từ con người mang tên Giê Su và ngày nay còn được vinh dự gắn liền với chữ Công Nguyên. Mặc dù có nhiều người không thích nói về tôn giáo trong trường học nhưng nếu học sinh hỏi thầy cô giáo Trước Công Nguyên và sau Công Nguyên nghĩa là gì? Giáo viên sẽ trả lời đó là ” Trước Chúa Giáng Sinh và Sau Chúa Giáng Sinh”.

Điều thứ hai mà nhân loại không thể loại bỏ Chúa Giê Su ra khỏi những sinh hoạt trong đời sống thường nhật là dấu hiệu thập tự. Bất cứ nhà thương, hay bệnh viện nào trên thế giới này đều lấy biểu tượng thập tự để làm dấu chỉ cho biết đó là nơi cứu chữa bệnh nhân. Nhiều người không dám đưa thân nhân đi cấp cứu hay điều trị ở một nơi không có dấu thập tự trước cửa. Tại sao quy ước thế giới lại dùng hình ảnh thập tự  “Chữ Thập Đỏ” làm biểu tượng của bệnh viện mà không dùng một loại biểu tượng nào khác. Thật ra việc quan tâm đến những người đau khổ để kêu gọi thành lập Hội chữ thập đỏ đầu tiên do nơi Henry Dunan một thương gia Thụy sĩ mà một vài dòng tiểu sử của ông được ghi lại trên Wikipedia mạng Internet như sau: “Dunant sinh tại Genève, Thụy Sĩ, là con trai đầu lòng của nhà doanh nghiệp Jean-Jacques Dunant và vợ là Antoinette Dunant-Colladon. Gia đình Dunant rất sùng đạo Tin Lành hệ phái Calvin và có ảnh hưởng lớn trong xã hội Genève thời đó. Cha mẹ ông rất quan tâm tới giá trị của công việc xã hội, ông thường giúp đỡ các trẻ mồ côi cùng các tù nhân được tha theo lời hứa danh dự. Mẹ ông thì làm việc giúp các người bệnh tật, người nghèo khổ. Dunant lớn lên trong thời kỳ có phong trào "Thức tỉnh tôn giáo", gọi là Réveil. Khi lên 18 tuổi, ông gia nhập "Hội bố thí Genève". Các năm sau, cùng với bạn bè, ông lập ra cái gọi là "Thursday Association" (Hiệp hội ngày thứ Năm), một nhóm thanh niên họp mặt vào ngày thứ Năm hàng tuần để học hỏi Kinh Thánh và giúp đỡ các người nghèo. Ông dùng nhiều thời gian rảnh rỗi để vào thăm các tù nhân và làm việc xã hội. Ngày 30.11.1852, ông lập phân hội YMCA Genève và 3 năm sau ông tham dự cuộc họp mặt  Paris để thành lập tổ chức YMCA quốc tế.”

 

Điều cuối cùng cho thấy Chúa Giê Su không hề thay đổi là vì nan đề lớn của nhân loại “Những người tội ác, và tội ác lan tràn đầy dẫy khắp nơi”. Các nhà cầm quyền có nhiều cách đối phó với tội ác như ra những luật lệ thật nghiêm khắc, tăng thêm án tử hình, cải tạo thật lâu để giáo hóa tư tưởng.v.v…Nhưng trên thế giới lâu nay người ta thấy hiệu nghiệm nhất là truyền giảng Phúc Âm và sự cứu rỗi của Chúa Giê Su cho dân chúng, “Ai tin Chúa Giê Su thì được sự sống đời đời, ai không tin sẽ không thấy sự sống…” Giăng 3:36. Một biện pháp mà nhiều nước trên thế giới không tốn tiền xây dựng nhà tù, không tốn kém tài sản, ngân sách nhà nước vào việc nuôi tù nhân.v.v…Và còn hiệu nghiệm hơn là những con người chuẩn bị phạm tội còn có cơ hội tự giác quay đầu ăn năn hoặc thay đổi ý tưởng đen tối. Đời sống của một tội nhân khi va chạm với quyền năng nhiệm mầu của Chúa Giê Su, Đấng có mặt khắp nơi đang xem thấy mọi hành vi, ý tưởng trong cuộc đời của mọi người. Những ai có tâm tính lương thiện đều có cơ hội để tránh xa những sự cám dỗ của tội ác và điều đó chứng minh cho lời Kinh Thánh “Chúa Giê Su Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời không hề thay đổi.” A-men!

 

                                                                                    Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

           

 

 

 

 

    

 

 

Các bài khác :: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi