Gia Cốp Từ Tội Nhân Trở Thành Thánh Tổ

 

Trong lịch sử dân Israel có ba vị thánh tổ được dân tộc nầy tôn thờ, mỗi khi các tiên tri nói đến đều nhắc đến tên Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Áp-ra-ham được liệt vào hàng thánh tổ vì nhờ đức tin mạnh mẽ của ông đối với Đức Chúa Trời, dâng người con trai độc nhất của mình làm tế lễ cho Chúa. Y-sác được coi là thánh tổ vì ông đã có công mở rộng bờ cõi, khai phá miền đất cằn cỗi của xứ Ca-na-an đặt nền móng cho dân Israel làm miền đất hứa. Gia-cốp từ một tội nhân trở thành thánh nhân. Cuộc đời đầy mưu mô quỷ quyệt của Gia-cốp bị Chúa bắt phục phải thay đổi thành người thật thà qua một trận đấu tay đôi giữa ông và một vị thiên thần. Tên của ông từ chữ Gia-cốp là người nắm gót - người xấu tính - được thiên thần đổi tên là Israel có nghĩa “Người chiến thắng”, ông đã chiến đấu với thiên sứ bằng trận đấu vật và ông đã chiến thắng. 

Gia-cốp người em song sinh với Ê-sau có điểm đặc biệt ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ đã biết nắm gót của anh mình theo ra khỏi lòng mẹ. Sau đó trưởng thành ông thích ở trong trại gần gũi giúp đỡ cho mẹ là Rê-be-ca trong các việc nấu ăn, dọn dẹp nhà trại. Ê-sau anh của ông thích việc săn bắn thường giong ruổi trong các vùng rừng núi để săn bắn, ông được cha thương vì đem những món thịt rừng về làm những món hợp khẩu vị của cha. Hai anh em hai cá tính khác nhau, người thích tự do săn thú đồng, người chỉ chăm lo công việc bếp ăn, chuồng trại, vì vậy hai người con trở thành hai phe trong một nhà, người anh được cha là Y-sác yêu mến, người em được mẹ là Rê-be-ca thương yêu. Cho đến một ngày Ê-sau không hề hay biết mưu mô thủ đoạn của người em trai mình trong việc trao đổi một món ăn. Chỉ một món ăn mà Gia-cốp lấy được cả gia tài ơn phước của cha để lại cho con cái sau nầy. Câu chuyện được Kinh Thánh ghi chép lại như sau:
 
“ Một ngày kia Gia Cốp đang nấu canh, Ê-sau ở ngoài đồng về lấy làm mệt mỏi lắm liền nói cùng Gia-cốp rằng: Em hãy cho anh ăn canh gì đỏ đó với, vì anh mệt mỏi lắm. Gia-cốp đáp rằng: Nay anh hãy bán quyền trưởng nam cho tôi đi. Ê-sau đáp rằng: Nầy anh gần thác, quyền trưởng nam để cho anh dùng làm chi? Gia-cốp đáp lại rằng: Anh hãy thề trước đi. Người bèn thề; vậy người bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp. Rồi Gia-cốp cho Ê-sau ăn bánh và canh phạn đậu; ăn uống xong, người bèn đứng dậy đi. Vậy Ê-sau khinh quyền trưởng nam là thế.” Sáng 25: 29-34.
 
Gia-cốp biết lợi dụng cơ hội và tánh khinh xuất quyền trưởng nam của anh mình mà chiếm đoạt quyền lợi thừa kế tài sản của cha để lại. Việc tranh giành tài sản, đất đai giữa anh em trong gia đình không phải chỉ ngày nay mới có.
 
Cơ hội tiếp theo là gạt cha cướp phước của anh, Gia-cốp tiếp tục lấn lướt Ê-sau, mặc dầu lần sau này mọi việc đều do mẹ Gia-cốp, bà Rê-be-ca dàn xếp, nhưng vì Gia-cốp đã quá mong đợi giờ phút này nên ông không có ý kiến nào khác. Hãy xem cách Gia-cốp cướp phước lành của anh qua đoạn Kinh Thánh Sáng-thế-ký 27: 1-40. Việc này đã làm cho Ê-sau tức giận và thề sẽ giết Gia-cốp, ông phải bỏ nhà, bỏ xứ trốn sang quê ngoại và ở rể nơi đây trong suốt hai mươi năm. Bởi việc này mà ông không còn gặp lại cha mẹ trong ngày Y-sác và Rê-be-ca từ giả cõi trần.
 
Ngày trở về quê hương của đại gia đình Gia-cốp là ngày ông lo lắng nhất trong cuộc đời. Gia-cốp được tin Ê-sau dẫn gia nhân ra đón ông trên đường về quê hương khiến ông lo sợ và sầu não. Trong cơn nguy cấp này ông không biết sẽ ra sao? Vợ con và tài sản của ông sắp sửa bị anh mình trả thù bằng cách giết và cướp đoạt, ông cũng khó thoát chết? Gia-cốp nhớ lại các việc mà ông đã đối xử với anh mình hai mươi năm trước, bao nhiêu sợ hãi lo lắng trào dâng trong lòng.
 
Trong những giờ phút nguy nan nhất chỉ có Đức Chúa Trời mới cứu được mà thôi, nên sau khi sắp xếp cho vợ con đi trước xong, ông tìm chỗ vắng vẻ riêng tư trong một trại lớn không phải để tự vẫn, nhưng dành trọn đêm để cầu nguyện xin Chúa tha tội cho ông, cũng như nài xin Chúa thương xót gìn giữ gia đình ông tránh khỏi tai họa do những việc lầm lỗi mà ông đã gây ra trong thời trai trẻ. Giữa đêm ấy một người to cao lực lưỡng đến đánh ông, ông nắm được người này và vật lộn cho đến lúc trời gần sáng, người này tuyên bố thua và yêu cầu Gia-cốp thả ra để người ấy đi, lúc ấy Gia-cốp sực nghĩ rằng người vật lộn với mình cả đêm không ai khác hơn sứ giả của Đức Chúa Trời được sai đến để thử thách ông. Cho nên mặc dầu ông là người chiến thắng nhưng đã xin người thua cuộc cho ông một ân huệ, người nầy hỏi: “Tên ngươi là chi? Gia-cốp trả lời: Tên tôi là Gia-cốp. Người này nói tiếp: Tên ngươi sẽ chẳng phải là Gia-cốp nữa, nhưng tên là Israel, vì ngươi có vật lộn cùng sứ giả của Đức Chúa Trời và người ta, ngươi đều được thắng.” Sáng 32: 27-28. Tên Israel nghĩa là: “Người chiến thắng”.
 
Sự cầu nguyện thành khẩn của Gia-cốp đã khiến cho ông không còn sợ hãi lo âu, và Chúa đã làm việc trong lòng của Ê-sau anh của ông từ người hận thù trở thành người tha thứ, Gia-cốp từ người tánh nết xấu trở thành người biết xin tha thứ và ăn năn lỗi lầm. Đức Chúa Trời đã thay đổi cuộc đời một con người sống trong sợ hãi trở thành người chiến thắng sự lo sợ để cho dòng dõi của ông được sống trong thanh bình. Ngày nay người Israel mỗi khi gặp nhau đều chào “Shalom” nghĩa là bình an, hòa bình.
 

                                                                                                          Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

 

Các bài khác :: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi