Kẻ Yếu Thế
Lịch sử của một dân tộc nô lệ hay những kẻ tầm thường không ai để ý đến. Tuy nhiên lịch sử của dân Israel trong Kinh Thánh nói về giai đoạn nô lệ của họ dưới các triều đại của Pha-ra-ôn Ai-cập là sự công bình của Đức Chúa Trời đoái xem những kẻ yếu thế. Kẻ yếu thế này được Kinh Thánh mô tả là những người còn tệ hơn thành phần bần cố nông. Những người sống dưới quyền lực của kẻ cai trị có quyền sanh sát trên cuộc đời họ, con cái họ, dòng dõi họ mãi mãi là thân phận nô lệ không có tài sản, đất đai. Họ không đấu tranh mà Đức Chúa Trời xét lẻ công bình ban cho họ một miền đất hứa, con cháu họ đời đời được thịnh vượng.
Người Ai-cập đem lòng ghen ghét dân Israel, bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho dân ấy sống cuộc đời cay đắng về nỗi khổ nhồi đất, làm gạch và làm mọi việc khác ngoài đồng. Các công việc này người Ai-cập bắt dân Israel làm nhọc nhằn lắm. Những câu này được Môi-se ghi chép lại trong Xuất Ai-cập ký 1: 12b-14. Cuộc sống có thân thế, bà con dòng họ là những quan chức sẽ không bao giờ phải sống khổ sở như vậy cả. Trong giai đoạn Giô-sép người Israel làm thủ tướng nước Ai-cập dân Israel hưởng sung sướng, đầy đủ quyền lợi và vật chất không ai dám đụng chạm đến họ cả. Nhưng sau khi Giô-sép qua đời rồi họ đã bị đối xử rất tàn nhẫn như vậy. Điều này xảy ra như là một quy luật của cuộc đời, nhiều người đã từng trãi qua những giai đoạn mà “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Đức Chúa Trời là Đấng công bình nên Ngài không binh vực cho những người có những mối quan hệ “Con ông cháu cha” trái lại Ngài sẽ nâng đỡ những người cô đơn yếu thế.
Dân Israel trong cơn cùng cực họ không có một thế lực nào đứng ra binh vực, cũng không có vua chúa quyền thế nào bao che nên việc họ bị hà hiếp ngày càng trở nên thậm tệ. Những con người yếu thế này lo sợ cho một tương lai bị diệt vong, vì Pha-ra-ôn có ra một chiếu chỉ hể phụ nữ Israel sinh con gái thì cho sống, nhưng nếu sinh con trai phải giết đi. (Xuất Ai-cập ký 1: 16) thế nhưng lệnh Pha-ra-ôn đã bị Đức Chúa Trời vô hiệu hóa bằng cách khiến cho lòng của các bà mụ không thể nào tàn ác như hoàng đế Ai-cập. Họ tìm cách “Lách luật” để giúp cho nhiều con trai của người Israel được sống sót, trong đó có hai con trai của bà Giô-kê-bết là A-rôn và Môi-se. Sự công bình của Đức Chúa Trời khi Ngài bênh vực cho người yếu thế Đức Chúa Trời không dùng các vị hoàng đế, người có quyền cao chức trọng, trái lại Ngài dùng tình yêu thương của những người tầm thường gần gũi bên cạnh ra tay bênh vực, xóa bỏ những bất công mà người yếu thế phải chịu đựng.
Những người yếu thế bênh vực người yếu thế bằng tình thương và ý chí là quy luật công bình của Đức Chúa Trời. Khi Môi se một đứa con trai được cha mẹ giấu kín ba tháng trong nhà sau đó biết rằng không thể giấu con mình được lâu hơn, mẹ của Môi-se đã nảy sinh ra mưu tính rất hoàn hảo để bảo vệ cho con mình. Mưu kế này do nơi tình thương của người mẹ và ý chí quả quyết về niềm tin con bà sẽ được giải cứu. Vì lẽ đó mà bà Giô-kê-bết đã trét chai vào một chiếc rương mây, rồi đặt con trai mình vào chiếc rương mây này thả trôi bồng bềnh trong một bãi lau sậy, gần chỗ công chúa của Pha-ra-ôn tắm hàng ngày. Khi công chúa đi tắm. cô nghe tiếng con trẻ khóc nên sai người hầu đi kiếm đã thấy đứa con trai được thả trong rương mây gần đó. Kế hoạch của tình thương được hoàn hảo khi chị của cô bé xuất hiện đề nghị sẽ tìm một vú nuôi cho em bé này đến khi khôn lớn sẽ đem vào cung điện Pha-ra-ôn giao lại cho công chúa. Bà Giô-kê-bết tin cậy nơi Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ cho con cái mình nên Chúa ban cho bà sự khôn ngoan để sắp đặt mọi việc thật chu đáo.
Môi se sau khi vào cung điện Pha-ra-ôn trở thành một hoàng tử có cơ hội thừa kế ngai vàng. Thế nhưng ông vẫn xem mình là người của Đức Chúa Trời, ông không tham lam địa vị hay sự giàu có mà quên ân điển cứu chuộc mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông thuở hàn vi. Điều này đối với người không thật sự tin Chúa khó lòng giữ lấy, nhiều người đã chối bỏ cha mẹ nghèo nàn, yếu thế khi họ thành đạt có địa vị giàu sang quyền thế trong xã hội. Trong những câu chuyện mới đây trên Internet kể lại một ca sĩ lừng danh tại Đài Loan chối bỏ quá khứ của mình do một cha nuôi mù lòa cứu sống cô lúc nhỏ, nuôi cho ăn học và dạy cô những câu ca vào đời “Có ai mua ve chai không?” Khi cô thành danh cô không còn xem cha nuôi mù lòa là người thân thuộc cho đến lúc câu chuyện được phanh phui ra là lúc cha nuôi của cô sắp lìa trần. Những người ở trong Chúa dầu lúc nghèo khổ hay khi thành đạt đều không bao giờ quên ơn Chúa cũng không bao giờ quên việc cứu giúp cho người hoạn nạn, yếu thế như Môi se đã làm với dân tộc của ông dầu cho ông phải từ bỏ ngai vàng điện ngọc. A-men.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|