Người Công Bình sống bởi đức tin
Đức tin của người công bình xuất phát từ cội nguồn là Đức Chúa Trời. Không tin vào Chúa trên trời không ai có thể có đức tin chân thật. Nhiều người muốn biết đức tin của người công bình do trái tim hay xuất phát từ lý trí. Nếu lý trí không xác định có một Đức Chúa Trời chân thật thì niềm tin bằng trái tim chỉ là cảm xúc nhất thời. Nếu trái tim không cảm động về một Đức Chúa Trời của tình yêu thì con người giống như gỗ đá. Chính vì vậy đức tin vào Đức Chúa Trời làm cho người công bình hoàn thiện được hai lý tính mà trong cuộc đời thế gian không ai có thể làm sao hòa hợp được giữa lý trí và tình cảm.
Đức tin người công bình xuất phát từ lý trí rồi chuyển sang tình cảm do những nhận thức về sự hiện hữu Đức Chúa Trời trong tất cả những điều đặc biệt đang diễn ra chung quanh đời sống. Con cái hầu hết các gia đình đến tuổi trưởng thành có hiểu biết thường đặt ra nhiều câu hỏi với cha mẹ. Biểu hiện của lý trí là sự tìm hiểu, tò mò, học hỏi. Những đứa trẻ lớn lên không biết hỏi han về điều gì, chỉ biết ăn uống, vâng lời tuyệt đối “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cha mẹ sẽ bực tức vì sự chậm hiểu hoặc lo lắng về căn bệnh: “Thiểu năng trí tuệ”. Trong tín ngưỡng điều này đã xảy ra cho nhân loại từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người ngoại đạo hay có đạo đều lấy niềm tin tuyệt đối làm căn bản cho đời sống thay vì tìm hiểu, thắc mắc trước mỗi vấn đề của cuộc sống. Không ai tìm hiểu xem sự hiện hữu của Đức Chúa Trời có thật không? Người công bình sống bởi đức tin theo lời Kinh Thánh dạy không có đầu óc mù quáng như người thờ thần tượng, cúi đầu van vái trước thần linh. Đức Chúa Trời dùng lý trí của con người để giải thích cách trong sáng minh bạch về các hiện tượng khách quan hay chủ quan, từ thiên nhiên cho đến nội tâm. Thông qua lời Kinh Thánh và sự soi sáng của Đức Thánh Linh trong tâm linh, mỗi ngày lý trí con cái Chúa trở nên sáng suốt và có thể tìm thấy những lời giải thích thật rõ nét cho từng sự kiện trong cuộc sống. Nhờ vào tâm trí vững vàng, hiểu biết ý muốn của Chúa, dẫn đến đời sống tình cảm của người ấy hạnh phúc và thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh. Nhiều khi không cần ai thương hại giúp đỡ trái lại còn là chỗ nương dựa giúp đỡ cho những ai khác đang trong cơn hoạn nạn.
Người công bình luôn luôn cân nhắc giữa lương tri và tình cảm. Con cái Chúa đặt lên bàn cân của lương tâm thánh sạch để so sánh: “Nếu chúng ta biết tự xét đoán sẽ khỏi bị xét đoán.” I Cô-rinh-tô 11: 31. Những điều diễn ra trong tâm trí và tình cảm của con cái Chúa đều được Đức Chúa Trời giúp đỡ, cho nên những ai sống theo đức tính công bình của Đức Chúa Trời sẽ có lý trí sáng suốt và tâm linh mạnh mẽ. Lý trí và tình cảm của con cái Chúa kết hợp hài hòa với nhau và diễn biến trong sự đổi mới của sự tấn tới, tiến bộ mỗi ngày càng hơn. Khác với những người không phân biệt đâu là lý trí và đâu là tình cảm, những người thiếu sự sáng của Chúa nhiều lúc lẩn quẩn trong lương tâm không phân biệt được lý trí và tình cảm. Không biết làm cách nào giải quyết thấu đáo giữa “Tình và Lý”. Người công bình sống bởi đức tin là người sống vừa có lý vừa có tình, những suy nghĩ hay tình cảm con cái Chúa đều giữ theo đường lối Kinh Thánh. Nếp sống người Cơ Đốc “Có lý có tình” vì lời Chúa thật linh nghiệm và có quyền phép nằm sẵn trong tâm trí, biến đổi những tư tưởng hay những ý định trong lòng thành ra những hành động cụ thể.
Hơn thế nữa, người công bình sống bởi đức tin nhờ tình cảm chuyển hóa được tư duy và cách ứng xử tốt lên hơn nhiều. Có nhiều người khi theo Chúa chưa biết Chúa thật rõ là ai, tâm trí chưa khai mở hoàn toàn. Đối với họ việc theo Chúa bởi đức tin hoàn toàn chủ yếu do tình cảm yêu mến và lòng kính trọng. Các môn đồ đầu tiên theo Chúa như: Giăng, Gia Cơ, Anh Rê hay Phi-e-rơ khi được Chúa kêu gọi “Hãy Theo Ta” họ liền bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ gia đình để theo “Thầy” do lòng yêu mến và kính trọng Chúa Giê Su của những ngư dân này. Tư duy tình cảm trong Cơ Đốc giáo từ xưa đến nay đều phải có lòng kính trọng đi đôi. Tình cảm trong Cơ Đốc giáo xuất phát từ tình yêu của Chúa: “Đức Chúa Trời là Tình Yêu”. Con cái Chúa kính trọng Chúa là Đấng đã từ bỏ ngôi cao sang quyền quý để đến thế gian làm người thấp hèn. Con cái Chúa kính trọng Chúa vì Ngài lấy thân thể mình làm vật hi sinh trên thập tự để chuộc tội cho nhân loại. Con cái Chúa kính trọng Ngài vì những lời Chúa nói Ngài đều thực hiện được kể cả lời Ngài nói: “Sau ba Ngài Chúa sẽ sống lại”. Bởi lòng kính trọng và kèm theo lòng yêu mến đối với Chúa Giê Su mà con cái Chúa không xem Ngài như là “Vĩ nhân” hay “Giáo chủ” nhưng con cái Chúa xem Ngài như “Vua, Chúa, Cha, hay Bạn” trong đời sống của mình. Tình cảm của những con cái Chúa từ sự kính trọng qua sự tìm hiểu của lý trí trở nên dễ dàng chấp nhận hơn. Những người tìm hiểu Chúa bằng lý trí để rồi sau đó mới yêu mến Ngài thường khó tìm thấy điều này. Đức tin theo “Tình cảm của trái tim truyền cảm hứng sang lý trí” phù hợp với lời Kinh Thánh và truyền thống Cơ Đốc giáo từ trước tới nay. Chúa Giê Su phán với Thô Ma, môn đồ của Ngài như sau: “Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20: 29b). Trong tình cảm của người công bình đức tin luôn giúp cho thăng hoa, cách sống của nhiều người không còn khô khan, vô cảm trước cảnh ngộ đau khổ của con người. Tình yêu thương của những người có đức tin nơi Chúa giúp cho nhiều người dám dấn thân và hi sinh cho niềm tin. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều người noi gương Chúa hay các môn đồ của Ngài để rao giảng niềm hạnh phúc muôn đời cho nhân loại xuất phát từ lòng yêu thương.
Con người vì tiền bạc con người không còn tình yêu. Không có tình yêu con người không thể làm người công bình. Người công bình không bao giờ mất đức tin nơi Đức Chúa Trời vì người công bình sống bởi đức tin. Chúa còn sống, người công bình vẫn sống, người công bình có tình yêu thương của Chúa sẽ sống đời đời. I Cô-rinh-tô 13: 8.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|