Dư Âm và Dư Luận Sau Giáng Sinh
Dư âm và dư luận sau những ngày Chúa Giáng sinh là biến cố trọng đại của thành Bết-lê-hem. Các gã mục đồng làm chứng cho cả thành về con trẻ ra đời là con trời được các thiên thần báo tin nhưng chẳng ai buồn quan tâm đến. Nhưng sau đó các vị vua phương đông tìm đến dâng cho con trẻ những lễ vật quý giá là vàng, hương liệu, thuốc quý, không có một nhà giàu có nào trong thành Bê-lem không quan tâm đến. Chỉ trong vòng ngày hôm sau dư luận cả thành phố nhỏ này bàn tán xôn xao. Đức Chúa Trời biết dư luận của người đời không có ý tốt nên Ngài đã sai thiên sứ báo tin cho Giô Sép phải mang con trẻ rời khỏi thành Bết-lê-hem lánh nạn sang Ai-cập ngay lập tức.
Người thành tâm kính sợ Chúa như những gã chăn chiên để lại dư âm của lòng đơn sơ với tình yêu mến mọi người bằng cách trở về nhà ngợi khen và làm sáng danh Chúa, điều này đến ngày nay thế giới Cơ Đốc giáo vẫn bắt chước noi gương. Các vị vua phương đông để lại dư âm thật ấn tượng cho thành Bết-lê-hem về con trẻ vừa mới ra đời bằng những lễ vật rất quý giá và lòng cung kính chân thành. Những lễ vật của các vị vua phương đông làm cho cả thành phố nhỏ Bết-lê-hem giật mình sửng sốt, tin tức này ngay lập tức xáo động thành phố và được thông báo đến tai của vua Hê-rốt và các quần thần tại kinh thành Giê-ru-sa-lem. Giô Sép và Ma Ri được may mắn nghe các vị vua phương đông thuật lại việc thiên sứ hiện ra trong giấc chiêm bao khuyên bảo họ đừng trở lại nơi Vua Hê Rốt mà nên tránh xa vị vua hiểm ác đó. Ngay sau khi các vị vua này rời khỏi đó Giô Sép cũng nhận được tin thiên sứ báo trong giấc chiêm bao như vậy. Những dư luận của những người trong thành phố này và cả thành Giê-ru-sa-lem đang tạo ra tình thế rất nguy hiểm cho tính mạng con trẻ, “Hãy đem con trẻ đi lánh nạn” đó là lời truyền bảo của Thiên Sứ. Giô Sép một người thành tâm kính sợ Đức Chúa Trời nên ông không chút do dự mang con trẻ lánh qua xứ Ai Cập. Dư luận của thành Bết-lê-hem không ngờ lại trở thành tai họa cho chính họ theo như câu ngạn ngữ: “Ai đào hầm người đó sẽ rớt xuống hố” Vua Hê-rốt đã nhanh chóng ra lệnh giết tất cả con trẻ tại thành phố này theo ngày tháng các vị vua phương đông đã cho vua biết. Lời tiên tri trong Giê-rê-mi đã nói trước mà họ không hề đọc đến: “Người ta có nghe tiếng kêu la, phàn nàn, than khóc trong thành Ra-ma; Ấy là Ra-chên khóc các con mình, mà không chịu yên ủi, vì chúng nó không còn nữa.” Giê-rê-mi 31: 15.
Dư âm của mùa Giáng Sinh là sự bình an tuyệt vời của con trời giáng thế đến với nhân loại, điều đó ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của những người chăn nghèo khiến họ trở thành những người có uy tín, lời nói đáng tin khiến cho Ma-ri ghi nhớ mọi lời ấy trong lòng. Ngược lại những người giàu có thành Bê-lem khinh rẻ xem lời tường thuật của các gã mục đồng, họ xem câu chuyện thiên thần thiên binh như là chuyện thần thoại hoang tưởng, đến khi con trẻ của họ bị vua Hê-rốt giết hết họ mới thất kinh hoảng vía. Đấng bình an che chở mà họ không biết đã lìa khỏi gia đình của họ khi con trời Giáng sinh đã đi mất. Thói thường của người đời là khinh ghét ai, chẳng những không tin vào lời họ nói mà còn chế nhạo, nói phạm thượng và trêu chọc những người nói những chuyện trên trời. Đó là lý do thảm họa mà cư dân thành phố Bết-lê-hem nhận lấy. Hậu quả của những tiếng kêu la, phàn nàn, than khóc mà thành Bết-lê-hem không chịu yên ủi vì con người đã phạm thượng, chế nhạo con trời. Chúa đến không phải đem cay đắng đau buồn cho nhân loại nhưng bất cứ ai không tin mà còn tạo nên dư luận xấu để ngăn trở tin lành sẽ nhận lấy tin dữ không thể tránh được.
Dư âm việc cung kính thờ lạy con trẻ Giáng Sinh của các vị vua phương đông là việc an toàn ra về thoát khỏi lòng dạ hiểm ác của vua Hê-rốt. Các vị vua phương đông này không có thể hiểu được câu nói vô tình của họ mà không một vị vua nào trên thế giới có thể tha thứ đó là: “Vua dân Giu Đa mới sanh tại đâu?” Loài người từ xưa đến nay không thể thoát khỏi quan niệm; “Một nước không thể có hai vua, một khu rừng không thể có hai cọp” nhằm mục đích khẳng định bản chất của quyền lực không chia sẽ quyền với kẻ khác. Người báo tin có vị vua khác ra đời người đó không thể thoát khỏi tội chết. Vua Hê-rốt không giết được vua dân Giu Đa vì các nhà thông thái đã ra về theo đường khác không trở lại tường trình vì nhờ có thiên sứ báo mộng. Ngược lại ba mươi ba năm sau thống đốc Pontius Pilate làm vừa lòng vua Herod Antipas khi ghi bản án đóng đinh Giê Su trên cây thập tự với ba thứ tiếng: “Người nầy là Vua dân Giu Đa”. Dư luận thế gian xem con trời vô cùng nguy hiểm trái lại chỉ có dư âm trong tâm hồn người yêu mến con trời Giáng Sinh mới biết được ơn cứu rỗi mình nhận được.
Dư âm Giáng sinh là một làn sóng hạnh phúc mang lại niềm vui và tin tưởng trong lòng nhân loại hết năm này đến năm khác, hết thế hệ này tiếp nối thế hệ sau không bao giờ dứt. Những lời thánh ca giáng sinh mà các thiên thần đã ca hát để lại dư âm trong lòng biết bao thế hệ không chỉ chấm dứt sau câu chuyện kể của những kẻ chăn chiên. Dư âm cuộc hành trình đi tìm chân vương của những nhà thông thái theo ngôi sao dẫn đường không hề quản ngại đường xá xa xăm để lại cho nhân thế lòng khao khát tìm chân lý đi đúng đường lối. Những con người được Chúa soi đường dẫn lối không còn đi lạc vào những chốn đông vui, những người được lời Kinh Thánh dạy dỗ đi đến chỗ gặp được con trời không thể sai lầm.
Dư âm giáng sinh xuất phát từ lòng thành yêu mến Chúa không giống dư luận của thế gian đầy những thuyết âm mưu của những kẻ ác cùng những lời đồn đoán xuyên tạc của người vô tín. Niềm tin của sự thật mãi mãi vẫn là sự thật, hai mươi thế kỷ qua không hề lay chuyển.Câu chuyện Giáng Sinh không phải là câu chuyện cổ tích mà là câu chuyện của đức tin. Dư âm của Giáng sinh là những đổi mới kỳ diệu của người thành tâm kính sợ Chúa - Con trời Giáng Sinh. Ha-lê-lu-gia!
Kỷ niệm mùa Giáng Sinh 2016
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|