Lời Tiên Tri

 

Lời Tiên Tri Về Đấng Hi Sinh

Đứng trước những sự kiện quan trọng nhân loại thường hay để ý đến những lời tiên tri. Những ngày gần đây người ta chú ý đến những lời tiên tri của một người đàn bà mù Bungari tên Vanga. Phần lớn những lời tiên tri của bà đều đề cập đến những điều đen tối ghê gớm sắp xảy ra, khiến cho không ít người rùng mình kinh sợ. Trong khi đó lời tiên tri của Kinh Thánh về những điều đau khổ hi sinh của một Đấng đem nhân loại thoát khỏi cảnh tội lỗi đã ứng nghiệm từ lâu. Nhân loại từ xưa đến nay luôn lo sợ những thế lực đen tối thống trị toàn cầu, trong khi lời tiên tri về Chúa Giê Su hi sinh chịu đau đớn gánh vác đau khổ trên thập tự giá mở ra kỷ nguyên hòa bình.

Lời tiên tri trong thế gian là tiếng nói của tuyệt vọng, lời tiên tri của Kinh Thánh là tiếng nói của hi vọng. Mở đầu của lời tiên tri về Đấng hi sinh trong Ê-sai 53: 3 “Người đã bị người ta khinh dễ và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.” Nhưng đến cuối của lời tiên tri nói về kết cuộc hết sức vinh quang chói sáng: “Vậy nên ta sẽ chia phần cho người đồng với người lớn. Người sẽ chia của với những kẻ mạnh, vì người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội.” Ê-sai 53: 12. Lời tiên tri trong Kinh Thánh trước hết nói về những đau khổ hoạn nạn nhưng rồi những điều đó sẽ qua đi và sau đó là sự cứu rỗi. Nhìn về tương lai không ai thấy trước được điều gì, nhưng triết lý thế tục vẫn nhìn cuộc sống với đôi mắt bi quan: “Đời là Bể khổ” và ước mong của mọi người là “Diệt khổ”. Như một qui luật bất biến không ai thoát khổ, tuy vậy miễn trừ cho những ai có người đồng cam cộng khổ, hay có bạn đường cùng tâm tình chia sẻ đau khổ. Điều đó chính là lời tiên tri Ê-sai nói cho mọi người đau khổ trong trần gian.

Mọi người sinh ra đời đều ước mong được sung sướng tận hưởng cuộc sống, còn vua chúa sinh ra đời muốn có lời tiên tri cho mình trở thành vĩ nhân. Nhưng con trời đến thế gian bằng những lời tiên tri thương khó, hi sinh và chịu chết trên thập tự. Chính Chúa Giê Su đã biết điều đó nên Ngài nói với các môn đồ như sau: “Nầy chúng ta lên thành Jerusalem, mọi lời tiên tri về con người đều sẽ thành sự thật. Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, họ sẽ nhạo báng Người, mắng nhiếc Người, nhổ nước miếng vào mặt Người, sau khi đánh đòn rồi thì giết Người đi. Đến ngày thứ ba Người sẽ sống lại.” Lu-ca 18: 31-33. Với quyền năng của Chúa Giê Su Ngài có thể xin cả mười hai đạo quân thiên sứ đến để thống trị thế gian và bắt loài người làm nô lệ, thế nhưng điều ấy sẽ trái với lời tiên tri trong Kinh Thánh: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao? Nếu vậy thế nào lời Kinh Thánh đã chép được ứng nghiệm …” Ma-thi-ơ 26: 53, 54. Lời tiên tri trong Kinh Thánh chép về sự hi sinh của con Đức Chúa Trời phải được ứng nghiệm nhân loại mới được cứu rỗi. Sự kiện Chúa Giê Su chết trên thập tự không để lại tâm trạng sợ hãi bế tắc, nhưng lời Chúa đã mở ra cánh cửa hi vọng tươi sáng cho loài người. Con trời muốn cứu thế giới phải hi sinh trên cây thập tự, qua sự hi sinh đó Ngài sống lại. Con người từ đó nhìn thấy được tương lai, tương lai của loài người là sự sống đời đời, trong cõi tương lai này không còn phải chịu bất cứ sự đau khổ nào nữa.

Trong dòng thời gian của lịch sử nhân loại, lời tiên tri về Đấng hi sinh đáng lẽ đã trôi qua từ hàng ngàn năm trước, có thể nhân loại không còn nhớ đến câu chuyện hi sinh của Chúa Giê Su nếu không liên can đến cây thập tự.  Dòng đời có thể lãng quên nhưng môn đồ của Chúa không thể quên tình thương và sự hi sinh của Chúa trên thập tự giá. Hình ảnh cây thập tự mọi người có thể thấy tại các bệnh viện cũng như nhà thờ là bằng chứng hiển nhiên về việc quân lính La Mã đã đóng đinh Giê Su. Hình ảnh của Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự giá không làm cho loài người khiếp sợ luật pháp trái lại thập tự trở nên biểu tượng của tình yêu và hòa bình cho cuộc sống. Đến nay mọi người vẫn thấy lời tiên tri về Chúa Giê Su có ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi đau yếu bệnh tật người ta tìm đến bệnh viện, cũng có những người tìm đến nhà thờ để cầu nguyện xin Chúa chữa lành, cả hai nơi này đều có bóng dáng cây thập tự. Mỗi khi xe cứu thương chạy trên đường người ta đều biết có người cần đến  bệnh viện cấp cứu, cũng như người ta tìm đến nhà thờ khi có nan đề cuộc sống xin Chúa giúp đỡ, cả hai sự cấp cứu dầu là thân thể hay tinh thần con người tìm cách nhanh chóng chạy đến nơi có tình thương cứu giúp, nơi nào có sự hi sinh nơi ấy được tin tưởng, yêu thương.

 Lời tiên tri không làm nên lịch sử nhưng lời tiên tri Kinh Thánh vượt qua dòng lịch sử. Lời tiên tri về Đấng hi sinh tồn tại trong tất cả mọi thời đại. Đáng lý ra Chúa Giê Su bị đóng đinh trên thập tự đã hoàn tất lời tiên tri và lịch sử về sự chết của Chúa Giê Su đã khép lại. Nhưng cho đến ngày nay lời tiên tri trong Kinh Thánh về sự hi sinh của Chúa Giê Su vượt qua dòng lịch sử. Hình ảnh thập tự tại các thánh  đường, trong âm nhạc thánh ca, trong các lời bài hát, và trong tấm lòng của con dân Chúa khắp nơi đều chan hòa yêu thương mỗi khi mùa thương khó lại về. Trong khi cuộc sống ngoài đời đã làm cho nhiều người hụt hẩng niềm tin, thiếu mất tình yêu thì tại thập tự giá không phân biệt ai, tất cả đều được bình yên thỏa lòng. Thập tự giá tại các thánh đường biểu lộ cho tình yêu thương và sự tha thứ tội.

Đấng hi sinh bị treo trên thập giá khiến cho ai nấy đều ngước đầu lên nhìn, hầu hết mọi người thấy tội lỗi của mình tại đó. Lòng hung dữ, tính nóng giận, thói quen xấu trong tâm trí, trên đôi tay, bàn chân hành động phát sinh ra tội ác. Phản ánh những điều đó là chiếc mão gai, cái búa, cây đinh đóng xuyên qua bàn tay, đôi chân của Chúa. Những hình ảnh này không thể biến mất trong tâm trí nhân loại, nó hiện ra trong phút suy tư hay hằn sâu trong tấm lòng của những ai có tâm hồn cay đắng, buồn khổ. Lời tiên tri trở nên linh nghiệm khi mọi người cúi đầu xuống chấp nhận sự hi sinh của Chúa chết thay cho tội lỗi mình, mọi điều gian ác xấu xa trong quá khứ được bôi xóa sạch. “Tôi tớ công bình của Ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình, vì người sẽ gánh lấy tội lỗi họ.” Ê-sai 53: 11b.    

Lời tiên tri về Đấng hi sinh cứu rỗi cho loài người là lời tiên tri trọn vẹn, không có người thứ hai cũng không có một Đấng cứu thế nào trong ngày sau rốt sẽ xuất hiện giống như Chúa Giê Su. Lời tiên tri về Đấng hi sinh cho thế giới nói chung và chúng ta nói riêng đã hoàn tất. Con đường cứu rỗi là con đường hi sinh: “Chúa Giê Su mang sự đau ốm, gánh sự buồn bực cho chúng ta. Vì tội lỗi và gian ác chúng ta mà Ngài mang lấy những vết thương. Hết thảy tội lỗi chúng ta đều được chất lên cho Chúa…” Ê-sai 53: 4-9. Tạ ơn Chúa!

                                                                        Kỷ niệm mùa thương khó 2017

                                                                           Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

                                                                                                                           

           

    

Các bài khác :: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi