Giông Tố Rồi Sẽ Qua
GIÔNG TỐ RỒI SẼ QUA
KT Mác 4: 35- 41 CG: Mác 4: 39
Phương châm sống ở đời dựa vào những châm ngôn an ủi khi gặp giông tố khó khăn, điều nầy dân gian tưởng chừng như là phương pháp tâm lý hiệu nghiệm cho cuộc sống. Những người gặp thử thách không nơi nương tựa, thường tự an ủi “Sau cơn mưa trời lại sáng”, nhưng thật ra nhiều người đã phải than van “Sau cơn mưa trời lại tối!” Những thử thách trong đời sống không giống với những hiện tượng thiên nhiên, nhưng nó thay đổi theo hoàn cảnh của mỗi người. Tất cả những lời của con người không bao giờ làm thay đổi được hoàn cảnh, thời thế. Riêng lời của Đức Chúa Trời hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi. Lời nói của Chúa Giê Su có tác dụng trên thiên nhiên như thể nào cũng tác động mạnh mẽ trên mọi hoàn cảnh của đời sống con người như thế ấy.
Khi Chúa Giê Su đi cùng với các môn đồ trên thuyền qua biển Ga-li-lê, thình lình có cơn bão xuất hiện, giông tố gió rít trên không trung, dưới biển sóng dâng lên cuồn cuộn, những cuộn nước lớn xô nhau đập vào thuyền làm nghiêng ngã. Con thuyền nhỏ bé tưởng chừng sắp chìm. Các môn đồ cho dầu là những tay đánh cá chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm với bão tố trên biển cả, nhưng đứng trước cơn bão này họ thật sự sợ hãi khiếp kinh, các môn đồ thốt lên: “Thầy ơi thầy không lo chúng ta chết sao?”. Thật may mắn đối với họ, lần nầy Chúa Giê Su đi cùng với họ, không phải lần nào qua biển Chúa Giê Su cũng có mặt trên thuyền. Tiếng kêu hoảng hốt của các môn đồ đã khiến Chúa Giê Su thức dậy. Nhưng thực ra đây là cách thức Chúa nhìn xem thái độ của các môn đồ đối diện với thử thách như thế nào vì có ai trong cơn giông bão trên biển mà ngủ được sao?
Chúa Giê Su nhìn như một người tầm thường, nhưng đến lúc những môn đồ của Ngài cần được cứu giúp Ngài thể hiện uy quyền của Đấng tể trị trên trời dưới đất. Chúa Giê Su đứng trước ba đào sóng gió tuyên bố: “Hãy êm đi! Lặng đi!” hay nói cách ngắn gọn “Hãy biến đi”. Ngay tức khắc tình trạng sóng to gió lớn trên biển không còn, và dưới biển dòng nước trở lại hiền hòa như chẳng có gì xảy ra trước đó. Nếu không chứng kiến tận mắt chẳng mấy ai dám tin. Phép lạ của Chúa làm, nếu không chứng kiến tận mắt tình trạng thử thách, giông tố dồi dập, không ai dám nói quả quyết về quyền năng vô hình, sức mạnh dời núi, dẹp yên giông bão của Chúa Giê Su. Có những người tuyên bố về quyền năng của Chúa nhưng không bao giờ thấy, nhưng những người sống trong cảnh ba đào sóng dữ thấy rõ Chúa quở yên sóng gió. Giông tố của đời qua đi nhưng còn quay trở lại. Giông tố theo lời phán của Chúa sẽ biến đi mất biệt. Có thử thách mới chứng minh đức tin.
Các môn đồ theo Chúa lâu ngày nhưng họ không biết đến sức mạnh vô hình của đức tin. Chúa có những quyền năng siêu nhiên qua việc chữa bệnh, đuổi quỷ. Các môn đồ đã chứng kiến những sự kiện người mù sáng mắt, người câm nói được, người cùi hủi lành lặn… tưởng chừng bấy nhiêu đã làm cho họ tin Chúa tuyệt đối. Nhưng đứng trước thử thách đụng chạm đến sự sống chết của họ mới thấy niềm tin không phải dựa vào những phép lạ. Không phải nhìn xem những phép lạ chữa lành cho người khác mà các môn đồ có thể nói rằng họ quả quyết tin Chúa Giê Su từ trời đến. Khi các môn đồ đối diện với thử thách “Sống chết” họ không thể dám nói với mọi người “Sau cơn bão trời sẽ trong sáng”, trái lại khi thử thách đến với chính mình, các môn đồ mới biết những công việc hầu việc Chúa rao giảng tin lành, chữa lành người bệnh, làm được các phép lạ qua sự cầu thay.v.v… đều luống công nếu họ không qua khỏi cơn sóng gió.
Chúa Giê Su là thần nên Ngài thấy được trong tâm linh, tư tưởng và tấm lòng của các môn đồ Ngài. Sức mạnh vô hình mà Chúa có nhìn xuyên qua thể chất để thấy những gì trong linh hồn của mỗi môn đồ. Sức mạnh vô hình của Chúa điều khiển được thiên nhiên không giống như một người chủ gánh xiếc điều khiển những con sư tử bằng chiếc roi điện. Thiên nhiên khuất phục trước lời phán của Chúa Giê Su như một tôi tớ khiếp sợ vâng lời người chủ dưới thời kỳ nô lệ. Trước đây những người trong thế gian không nghĩ đến giông gió bão tố là do lòng gian ác của con người tạo ra. Nhưng với khoa học ngày nay cả thế giới đều biết giông gió, bão táp xảy ra do sự tàn phá, hủy hoại môi trường bởi vì lòng tham lam của con người đã gây nên tội tình. Giông tố do nơi tội lỗi mà ra sẽ không bao giờ chấm dứt, giông tố do thử thách Chúa sẽ làm cho nó biến đi.
Trong Chúa, các môn đồ học được bài học giông tố do thử thách khác với giông tố nhấn chìm cuộc đời. Nếu không có Chúa đi cùng, hành trình của các môn đồ đã chấm dứt dưới đáy biển. Có Chúa đi cùng, giông tố có lớn thế mấy rồi sẽ qua đi. Lời Chúa là lời thật cần thiết cho các môn đồ trong lúc họ sợ hãi, mất đức tin. Những môn đồ trong thuyền rất bối rối xen lẫn cả ngạc nhiên tại sao lời Chúa có uy quyền như vậy. Họ nói nhỏ với nhau: “Người nầy là ai mà gió và biển đều vâng lệnh người.” Lời Chúa có uy quyền thật lớn bắt phục được thiên nhiên mà các môn đồ chỉ tưởng lời Chúa chỉ có ảnh hưởng xã hội, như sự thay đổi đời sống hay chữa lành bệnh tật. Môn đồ của Chúa trong lúc thử thách hoạn nạn đôi khi vẫn còn thắc mắc “Người nầy là ai?” Nhưng họ không thể phủ nhận quyền năng giải quyết thử thách Chúa khi tận mắt chứng kiến Chúa chỉ nói vài lời giông tố liền biến mất.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|