Quăng Hết Gánh Nặng
QUĂNG HẾT GÁNH NẶNG
Hê-bơ-rơ 12: 1-3
Đời người có nhiều gánh nặng vô hình mà không ai có thể thấy. Gánh nặng nhất là gánh nặng gia đình, truyện Kiều của Tố Như tiên sinh nói về Thúy Kiều vì nặng gánh gia đình phải bán thân, chuộc cha. Gánh nặng hoàn cảnh không ai quăng đi được cả. Tôi từng chứng kiến có một gia đình con cái Chúa rất nghèo, vợ làm thuê, chồng sửa xe đạp dọc đường gần trường Trung Học Chu Văn An cũ, những người con cũng theo cha sửa xe đạp mỗi tối. Rồi đến một ngày vợ lao phổi không làm thuê được phải ở nhà điều trị, cuộc sống khó khăn trong gia đình càng ngày càng chồng chất, gia đình y như ở dưới đáy địa ngục. Tuy nhiên đến khi gánh nặng Chúa cất đi, không có gì vui sướng hơn. Dường như sáu năm sau, nhân dịp tôi sang Mỹ, gia đình này mời tôi đến ở nhà họ một tuần tại thành phố Detroit. Gia đình có căn nhà biệt thự lớn và đẹp, trong khi nhớ lại chúng tôi nói với nhau về giai đoạn quá cơ cực của gia đình tưởng chừng như hoàn toàn vô vọng.
Quăng hết gánh nặng không dễ dàng gì. Không ai trong đời lại cưu mang gánh nặng của người khác, người nghèo nếu mơ sẽ có người trả nợ thay cho minh điều đó không bao giờ đến. Tuy nhiên trong đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ này có nói đến nguyên nhân gây ra gánh nặng để mọi người tự giải thoát cho chính mình. Gánh nặng trong đời sống xảy ra vì cớ “Tội lỗi dễ vấn vương.” Quan niệm của đời không phải “Tội lỗi dễ vấn vương” mà là “Tình cảm dễ vấn vương”. Cuộc sống càng thiếu thốn con người càng có nhiều tình cảm. Người thiếu thốn tình thương hay lụy vì tình. Người thiếu trí khôn ngoan có khuynh hướng sống theo cảm tính. Tình yêu thương như Chúa Giê Su yêu thương nhân loại thì dầu có gánh hết tất cả tội lỗi của loài người trên thân thể của Ngài điều đó cũng không phải là gánh nặng. Chỉ có trong tình yêu thương của Chúa mới thật sự là tình yêu thương đem lại sự giài cứu mọi người ra khỏi gánh nặng của tình cảm xác thịt. Lời Chúa nói chung quanh con cái Chúa còn có vô số người vây lấy như đám mây rất lớn, đó là những người yêu thương khích lệ. Người thuộc về Chúa không sợ thiếu tình yêu thương chân thật.
Tình thương của loài người có thể làm đau khổ liên lụy, tình cảm xác thịt không thể dẫn dắt làm những việc đúng đắn, người đời thường nói: “Tình cảm làm cho mù quáng”. Trong giới trẻ điều nầy hoàn toàn đúng, những cuộc hôn nhân vội vàng, những quan điểm lệch lạc trong suy nghĩ xấu, người trẻ tuổi không thể tránh khỏi những tình cảm xác thịt dễ vấn vương. Có một nhà thơ diễn tả điều này như sau: “Người đi một nữa hồn tôi mất, một nữa hồn tôi bổng dại khờ.” Thế gian tội lỗi xui khiến mọi người tìm kiếm mục đích: “Tình cảm là chín, tiền bạc là mười”. Người ngây thơ tưởng rằng “Tình cảm là chính” tức là tình cảm quan trọng lắm, nhưng sau đó thời gian mở mắt ra khiến họ ngỡ ngàng khi biết một vị thần cao hơn tình cảm đó là “Thần tiền bạc”. Con cái Chúa dầu ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời cũng nhận lấy thập tự giá làm mục đích chính, không sống vì tiền bạc, không vì tình cảm xác thịt mà lao mình vào những việc sai trái. Chịu mang lấy thập tự giá tức là bằng lòng đóng đinh xác thịt và dục vọng của con người, đó là dấu chứng cho những ai là con cái thật của Chúa. Ga-la-ti 5: 24 “Vả những kẻ thuộc về Đức Chúa Giê Su Christ đã đóng đinh xác thịt cùng với những dục vọng tham muốn của mình vào thập tự giá rồi.”
Trong cuộc sống loài người còn có gánh nặng “Sỉ diện”. Ai cũng muốn được tôn cao, không ai muốn hạ thấp mình để chịu sỉ nhục và hi sinh để bị làm nhục. Chúa Giê Su khinh điều sỉ nhục tức là Ngài không cần sỉ diện, không bị mù quáng bởi tiếng khen. Trước khi bị đóng đinh, có nhiều người tôn cao Chúa bằng sự tôn vinh Ngài như một vị vua vào thành Jerusalem. Người lấy lá kè, người cởi áo ra trải trên đường cho con lừa của Chúa đi qua, người hô to “Hô-sa-na! Đáng tôn vinh cho Đấng trên cao” Ma-thi-ơ 21: 8,9 chép “ Bấy giờ phần nhiều trong đám dân đông trải áo mình trên đường; kẻ khác chặt nhánh cây mà rải ra giữa đường. Đoàn dân đi trước và theo sau đều kêu lên rằng: Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” Nhưng sau giờ phút vinh quang ấy, Chúa Giê Su đối mặt với một đám đông khác hung dữ hò hét la lớn: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự”. Đó là một điều sỉ nhục rất thậm tệ. Chúa Giê Su đã quăng đi gánh nặng sỉ nhục nầy xa khỏi ký ức, Chúa không còn để vấn vương trong lòng những tiếng khen ngợi hô vang: “Hô-sa-na”. Chúa không động lòng mà xuống khỏi cây thập tự bằng một quyền năng siêu phàm khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chúa Giê su đã khinh điều sỉ nhục để làm trọn con đường cứu rỗi cho chúng ta ngày nay.
Gánh nặng cuối cùng mà mọi người không thể bỏ được là “sự bình đẳng, bình quyền”, giàu nghèo đều có giai cấp cao thấp, chính quyền hay tôn giáo đều có cấp trên cấp dưới, gia đình dòng họ có người trên kẻ trước. Gánh nặng tiền bạc và địa vị khiến cho nhiều người đau khổ về thân phận. Nhiều người lấy lý do giai cấp mà than thở, cay đắng, bất mãn, làm thành gánh nặng gia đình. Tiền bạc là sự sống đã trở thành thần tượng. Địa vị trở thành một thế lực khiến cho con người bất kể đạo đức hay lương tâm. Với những gánh nặng này nếu không quăng đi thì không ai được cứu. Chúa Giê Su là gương mẫu để mọi người noi theo như Phi-líp 2: 6-9 nói: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,” A-men!
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|