Hãy Đến Xem
HÃY ĐẾN XEM
“Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm! Ngài không ở đây đâu, Ngài sống lại rồi, như lời Ngài đã phán.” Ma-thi-ơ 28: 6
Dư âm mùa Phục sinh để lại trong lòng con cái Chúa nhiều niềm lưu luyến. “Hãy Đến Xem” là câu của thiên sứ nói với các quý bà tại ngôi mộ trống lúc họ đến đó định xức thuốc thơm cho xác Chúa. Câu nói này nhắc nhớ đến các mục tử sau khi thiên sứ hiện ra nói với họ về con trẻ là Đấng cứu thế mới ra đời tại thành Bết-lê-hem, họ liền nói với nhau: “Chúng ta hãy đến thành Bết-lê-hem xem sự kiện xảy ra mà Chúa cho chúng ta hay.” Hãy đến xem là một mạng lệnh từ Đức Chúa Trời truyền báo, cũng là cách làm việc của tất cả những ai muốn khám phá sự thật. Mùa Phục sinh đã qua nhưng các con cái Chúa khắp nơi trên thế giới đều được vui mừng vì được hiểu ra sự thật về bằng chứng của một Đấng Sống. Nhưng con cái Chúa đâu cần nhìn xem ngôi mộ trống. Nhân loại ngày nay đang muốn nhìn xem Chúa Giê Su có phải là cội rể của đức tin và nhìn xem quyền phép của Đức Chúa Trời còn xảy ra hay không?
Khám phá ra sự thật Chúa Giê Su là cội rể của đức tin không phải dễ. Nhìn xem cảnh Chúa Giê Su lê từng bước chân lên đồi Gô-gô-tha dưới ánh nắng như đổ lửa không ai có thể chịu đựng được. Sau này lịch sử ghi lại hàng triệu người tin Chúa Giê Su đã đối diện trước những sự hành hình khủng khiếp của các hoàng đế La-mã trong những thế kỷ đầu tiên mà họ không hề rên siết. Ai đã đọc tác phẩm “Quo Vadis” nghĩa là “Thầy đi đâu” sẽ thấy được sự nhịn nhục là cội nguồn của đức tin, người có đức tin không hề thở than trong đau khổ. Tiếng Việt chữ “Bán than” theo nghĩa đen là người bán than củi, nhưng nghĩa bóng câu này ám chỉ những người hay than thở. Cơ Đốc nhân nếu nhìn xem Chúa Giê Su là cội rể của đức tin nên khác với người “Bán than”.
Nhìn xem Chúa Giê Su chẳng những trên vai vác cây thập tự mà trên đầu đội chiếc mão gai, những giọt máu trên đầu bị gai đâm cứ tràn đầy trên mặt mũi của Giê Su. Đi bên cạnh là những tên lính La-mã hung hăng dữ tợn dùng những cây roi da có móc sắt, một công cụ của lính La-mã thời bấy giờ, đánh liên tục vào lưng của tội nhân. Máu thịt rớt ra mỗi khi lính La-mã quất vào lưng Chúa Giê Su. Nhìn cảnh này ai có thể chịu đựng nỗi, những người đàn bà đứng hai bên đường đã bật lên khóc, nhưng Chúa Giê Su đã ngước mắt lên nhìn họ và nói: “Đừng khóc vì Ta nhưng hãy khóc cho ngươi và cho con cái các ngươi” (Lu-ca 23: 28) Chúa hi sinh sự đau đớn của Ngài để nhắc nhở cho mọi người biết rằng Chúa là cội nguồn sức mạnh của niềm tin. Trong Chúa không có sự đau đớn nào đáng sợ bằng sự đau khổ của bản thân chối bỏ đức tin và con cái đi theo đường lầm lạc. Sức mạnh của lòng hi sinh, nhân từ là cội rể của đức tin đối với những người đang lầm lỡ vì chưa nhận biết con Đức Chúa Trời. Chúa Giê Su thương yêu nhân loại bằng trái tim tan vỡ và tinh thần sáng suốt minh mẫn, Ngài khuyên lơn ai nấy phải biết giữ gìn đức tin và tình yêu thương. Đối với con người khi trái tim tan vỡ tinh thần sẽ xuống dốc, ý chí không còn. Tinh thần tuyệt vọng sẽ làm cho nhiều người trở nên tăm tối, tự hủy hoại mạng sống mình và để lại khoảng trống hụt hẩng cho những người thân yêu. Nhìn xem Chúa Giê Su mang lại niềm tin và hi vọng cho tất cả mọi người trên thế gian không chỉ trong vòng Cơ Đốc giáo.
Nhìn xem quyền phép của Đức Chúa Trời. Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc “Làm sao một người có thể sống lại được?” Nếu như Aristotle nói “Con người ai cũng phải chết, Giê Su là người, Giê Su cũng phải chết.” Vậy nếu muốn biết Giê Su là ai, có phải là Đấng tạo hóa hay không? Hãy nhìn xem sự sống lại của Ngài: “Đức Chúa Trời là Đấng sống, Giê Su đã sống lại, vì Giê Su là Đức Chúa Trời”. Sau ba ngày nằm trong mộ, thân xác Chúa không bị hư hoại nhưng đã sống lại dưới một hình thể vinh quang của thiên đàng. Một sự thực muốn khám phá phải nhờ đức tin. Điều này giống như các nhà hàng hải đi biển phải nhờ la bàn. Giữa biển cả, trời nước mênh mông muốn lái tàu đến bến an toàn thuyền trưởng phải có la bàn. Người không có đức tin nơi sự sống lại cũng giống như thuyền trưởng đi biển không có la bàn. Người không định hướng được tương lai sẽ buông trôi cuộc đời mình vô định. Nhìn xem sự sống lại để định hướng tương lai cuộc đời mình sẽ đi đâu và về đâu, không sợ mắc phải sai lầm trong cuộc đời.
Nhìn xem sự sống lại cũng là nhìn thấy quyền phép cứu rỗi cho tất cả những ai tin. Có một sự lầm lẫn của nhiều người khi dựa vào chỉ một chữ “Tin” mà giữ trong lòng đến mười chữ “Ngờ”, ngạn ngữ nói: “Một tin, mười ngờ”. Nhiều người đã mắc sai lầm chỉ biết nói “Tin” mà trong lòng vẫn nghi ngờ. Đức Chúa Trời cho các môn đồ Ngài biết muốn tin cần phải biết rõ sự thật để đừng nghi ngờ trong lòng. Khi Thiên sứ nói “Hãy đến xem” có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn cất bỏ tất cả mọi nghi ngờ trong lòng của mọi người sau khi biết sự thật. “Tin” theo cách Chúa kêu gọi môn đồ của Ngài là phải đến xem, tìm hiểu và quăng xa hết mọi nghi ngờ sau khi nhận thấy quyền phép của Chúa. Điều này làm biến đỗi tấm lòng, làm cho đời sống thỏa vui,tâm trí bình an và hạnh phúc. Trong niềm tin vào Chúa Giê Su mọi người đều phải trãi qua thử thách để xác nhận đức tin, đó là cách Chúa muốn mọi người “Hãy đến xem” quyền phép của Chúa có thật không? Đức Chúa Trời thử người tin Ngài, không phải theo cách của loài người “Thử Chúa để tin”. Con người sẽ mắc tội phạm thượng nếu nói với vị Vua: “Hãy cho tôi xem ông còn sống hay không, tôi sẽ tin ông.” Nhưng nếu triều đình ra lệnh “Hãy đến xem” thì đó là cách chứng minh sự thật. Nhờ đức tin vào sự sống lại của Chúa Giê Su qua sự kiện các môn đồ đã đến xem nơi để xác, Chúa không còn trong phần mộ, mộ đá trống rổng.Điều này đã đem đến sự cứu rỗi cho tất cả những ai tin vào sự sống lại. Đến xem quyền phép của Đức Chúa Trời là cách nói lên sự thật về niềm tin của mỗi chúng ta..
Dư âm mùa Phục sinh 2019
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Làm Sao Chúa Biết?
:: Niềm Vui của Mùa Xuân
|
|