Làm Điều Chân Chính
Chúa nhật 13/10/2019
LÀM ĐIỀU CHÂN CHÍNH
II SỬ KÝ 24: 1-14 Câu gốc II Sử ký 24: 13
Người đời ngày nay có quan niệm “Làm người tốt đã khó mà làm người chân chính lại càng khó hơn”. Biển đời mênh mông, tiêu chuẩn con người đặt ra vô tận. Có người vì muốn cầu toàn, tìm kiếm theo tiêu chuẩn của người khác vẽ ra thì không làm được việc gì cả. Ngày xưa có một người thợ đẽo cày, đem khúc cây ra ngoài lề đường đẽo gọt. Nhiều người qua lại, có người đứng nhìn, có người góp ý, anh thấy ai cũng có ý tốt. Người nói dài, người nói ngắn, người nói to quá, người nói nhỏ lắm..v.v...Dầu đã cố gắng, nhưng đến chiều tối, người xem lại cây cày mà mình đã sửa sau khi mọi người góp ý ông vẫn không thấy hài lòng, hôm sau ông đem ra đồng thử thì không xài được, chỉ có vất bỏ đi. Con cái Chúa sống chân chính, tin cậy quả quyết vào sự hướng dẫn sáng suốt của Đức Chúa Trời đã truyền lại từ hàng ngàn năm trước.
Vua Giô Ách nước Giu Đa lên ngôi lúc bảy tuổi, được thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa hướng dẫn cho về mặt đạo đức nên vua đã làm điều thiện trọn đời của thầy tế lễ này. Vua chúa trong đất nước Giu Đa hay Israel đều có người cố vấn về đạo đức và thông thạo luật pháp của Môi Se. Những vị vua nào nghe lời khuyên bảo đều làm những điều chân chính, nhưng những vị vua nào không nghe lời khuyên bảo đều trở thành những vị vua bạo ngược, ác độc, nhất là đối với những vị vua còn quá nhỏ. Làm điều chân chính không phải do tính tự nhiên nhưng phải do giáo dục và môi trường sống. Vua Giô Ách lớn lên dưới sự hướng dẫn về đạo đức của thầy tế lễ và đền thờ Jerusalem là nơi ông trú ẩn thoát khỏi bàn tay ác độc của hoàng hậu A-tha-li vì vậy khi lên ngôi vua cho tu bổ lại đền của Đức Giê Hô Va. Việc làm chân chính đầu tiên của vua Giô Ách là bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Chúa Trời.
Khi vua ra lệnh tu bổ đền thờ các người Lê Vi trì hoãn bởi vì họ không muốn đi thu tiền bạc trong dân chúng. Việc này thầy tế lễ thượng phẩm cũng không thể ép buộc, việc dâng hiến để làm công việc Chúa là công việc có ý nghĩa thiêng liêng nên phải xuất phát từ lòng yêu mến Chúa. Thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa đã làm việc chân chính - Làm thầy tế lễ mà sợ chiếu mạng của vua để ép buộc người Lê Vi phải bắt nhân dân nghe theo lệnh vua đóng góp tiền bạc xây dựng đền thờ thì điều đó không phải do ý Chúa mà ra. Tuy nhiên sau đó vua đổi lại bằng cách đóng một cái hòm để ngoài cửa đền Đức Giê Hô Va thì hết thảy các quan trưởng và cả dân sự đều vui mừng đem vàng bạc đến bỏ đầy trong hòm. Điều thứ hai của việc làm chân chính là nhận biết lẽ phải khi một mạng lệnh đưa ra không được nhân dân chấp nhận. Vua Giô Ách đã thu hồi lệnh bắt người Lê Vi phải đi thu thuế. Sau khi vua biết sửa chữa sai lầm thì lời Chúa nói rằng: “Khi người Lê Vi thấy trong hòm đựng nhiều bạc, bèn đem nó lên giao cho vua kiểm soát; thư ký của vua và người của thầy tế lễ thượng phẩm đều đến trút hòm ra, xong rồi đem về chỗ cũ. Mỗi ngày họ đều làm như vậy mà thu được rất nhiều.” II Sử ký 24: 11. Việc làm chân chính từ lẽ phải mang đến lòng tin trong dân, khiến cho họ tự nguyện mà không thấy khó chịu.
Sau khi có nhiều tiền bạc, vua và thầy tế lễ không ham muốn nhưng giao tiền bạc ấy cho những người đang coi sóc công việc tu bổ, để họ thuê mướn nhân công bắt tay vào việc sửa lại đền. Tham lam tiền bạc là sự cám dỗ rất lớn cho những người yêu thích nó. Tiền bạc càng có nhiều người ta càng muốn chi ra càng ít. Thật đáng buồn với câu chúc ngày tết âm lịch mà nhiều người thích thú: “Chúc cho năm mới tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê đen.” Tiền vào ngân quỹ ai cũng mừng, nhiều người thích giữ tiền nhiều hơn là chi ra cho người khác làm việc đúng mục đích và có ích lợi cho nhà Chúa. Tiền bạc sửa chửa đền thờ được giao cho người coi sóc là việc làm chân chính và vua tin cậy những người nầy, vua không cần phải lo lắng cho công việc sửa chữa để vua có thể lo nhiều công việc khác trong xứ, nên điều đó đẹp lòng Chúa. Khi tiền bạc được giao đúng người đúng việc thì không còn lo lắng, và sẽ thấy công việc trôi chảy, thành công như ý Chúa muốn. Quần chúng tin tưởng, hợp lực, khiến cho việc dâng hiến dư dật cho đến ngày tu bổ đền thờ được hoàn tất vẫn còn dư thừa tiền bạc.
Dân chúng dâng của lễ thiêu cho Đức Giê Hô Va cách trung tín và ngay thẳng trọn đời của thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa. Đời sống chân chính có ảnh hưởng rất lớn trên đất nước. Khi thầy tế lễ sống ngay thẳng, làm gương tốt, mọi người sẽ dâng cho Chúa không thiếu điều gì, nhất là mọi người đều dâng hiến đời sống mình cho Chúa. Của lễ thiêu là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của dân Israel. Khi lên đền thờ người nghèo cũng như người giàu đều phải mang theo lễ vật để làm tế lễ chuộc tội. Đời sống được tha tội, ý thức về luân lý đạo đức được xem quan trọng. Sinh hoạt hàng ngày của đất nước yên ổn. Sự ổn định xã hội giúp cho mọi người có thể chào nhau “Salom” và hàng ngày họ gặp nhau trong thành phố bằng nụ cười thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong lúc cơ hàn. Việc dâng của lễ thiêu sau nầy mất đi ý nghĩa cao quý đó nên thánh Phao Lô đã phải nhắc lại trong thư Rô-ma 12: 1 như sau: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” Người muốn sống chân chính trong Chúa phải làm theo lời dạy của Chúa: “Đừng bắt chước theo thói hư tật xấu của đời, nhưng phải đổi mới theo tâm linh của mình để biết được ý muốn tốt lành và trọn vẹn, đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12: 2).
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
:: Niềm Vui của Mùa Xuân
|
|