Những vấn đề đáng quan tâm
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG QUAN TÂM
Không có xã hội nào không có vấn đề. Nhưng điều đáng quan tâm là có nhiều người quan tâm đến xã hội hay không. Mỗi năm cứ đến kỳ thi Đại Học rất nhiều thí sinh đăng ký thi vào các ngành Kinh tế, Y, Dược hoặc Kỹ thuật…Nhưng các ngành xã hội hay sư phạm có rất ít thí sinh dự thi, những ngành này luôn thiếu chỉ tiêu tuyển sinh vì lớp trẻ không thích học các ngành này, mỗi năm số lượng cứ giãm đi. Cơ Đốc nhân có quan tâm đến các vấn đề này không? Về phần các môn đồ, thì đi ra giảng đạo khắp mọi nơi… Mác 16:20
Muốn đi ra giảng đạo phải hiểu thật sâu rộng các vấn đề xã hội. Giảng đạo không phải là người làm công tác xã hội nên một số nhận định chủ quan đã cho rằng giảng đạo là làm công tác tôn giáo, sự hiểu biết hạn hẹp trong lảnh vực kiến thức tôn giáo nên nhiều người chỉ được đào tạo sử dụng phương pháp ăn nói lôi cuốn. Sau khi thuyết phục được những người vào đạo họ không còn biết làm gì hơn là giao tín đồ mới cho nhà thờ để xây dựng cho tín đồ giữ gìn truyền thống của “Người tu hành” giống với các tôn giáo hiện đang có trong thế gian. Chúa Giê Su khi đi giảng đạo mặc dầu Ngài là con Đức Chúa Trời nhưng các vấn đề về xã hội của nước Do Thái Chúa hiểu biết cách tường tận. Nhờ đó Chúa Giê Su đã giúp cho những người trong xã hội thật nhiều, Chúa có thể nói chuyện với bất cứ thành phần nào trong xã hội, từ giáo sư Ni-cô-đem một trong những lãnh tụ của người Do Thái đương thời cho đến những thành phần bị xã hội ruồng bỏ như người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước Si-kha. Khi Chúa Giê Su dùng các ẩn dụ Ngài đã dùng sự hiểu biết của Ngài về các công việc của xã hội loài người để hướng dẫn người ta đến với nước Thiên đàng. Trong luận văn về Đạo Tin Lành tại Đông Nam Á mà tôi đã viết cho Khoa Đông Nam Á học Đại Học Mở Thành phố năm 1995 tôi đã có đề cập đến các vấn đề này. Những người Tin Lành là những người học theo gương của Chúa Giê Su nên có thể hòa đồng với bất cứ thành phần nào trong xã hội, nếu mọi người muốn hiểu nhiều lãnh vực trong xã hội nên nghiên cứu Kinh Thánh thí dụ như:
Về nông nghiệp: Chúa Giê Su dùng ví dụ về người gieo giống đi ra gieo những hạt lúa, có bốn vùng đất mà Chúa Giê Su nêu ra: Đất nền gieo xuống chim trời ăn mất, Đất đá sỏi chỉ có thể mọc chút ít nhưng khi có nắng sẽ héo queo, Đất đầy gai góc, hạt giống không thể phát triển mà bị nghẹt ngòi, chỉ có đất tốt được cày cấy, vun xới, vô phân, tưới nước đầy đủ mới có thể thu hoạch lúa thật nhiều. (Ma-thi-ơ 13:3-9) Muốn gieo giống tốt Chúa khuyên đừng đầu tư vào đất nền, đừng đặt tiền của vào đất đá sỏi, đừng chọn loại đất rừng vì sẽ bị gai góc làm cho nghẹt ngòi đạo.
Về ngư nghiệp: Chúa Giê Su dùng những người đánh cá để hướng dẫn và thay đổi cuộc đời của họ trở thành tay đánh lưới người. Những ngư phủ này hiểu biết nhiều về các loại cá, những nơi có cá, phương pháp đánh cá tùy theo khu vực đánh bắt và cuối cùng là thu hoạch cá bao giờ cũng là bội phần. Chúa Giê Su bảo Si Môn hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá. Si Môn vâng lời Chúa làm theo đúng sự chỉ dẫn của Chúa Giê Su nên ông phải gọi thêm thuyền của đồng bạn mà ra chở cá, hai chiếc thuyền đầy cá đến nỗi gần chìm. (Lu-ca 5:4-7) Người giảng đạo như những ngư phủ lúc nào chịu khó nhọc cũng sẽ gặt hái nhiều thành tích lớn lao.
Về thương mại: Chúa Giê Su dùng thí dụ về nước thiên đàng giống như người chủ đi xa kêu các đầy tớ lại mà giao cho người năm ta lâng, người hai ta lâng, người một ta lâng tùy theo tài sức của mỗi người, khi những người giữ năm ta lâng và hai ta lâng biết làm lợi ra chủ đã thưởng cho họ gấp đôi. Người được giao một ta lâng không làm lợi thêm mà còn có những ý tưởng tiêu cực nên đã bị lấy lại tài sản và còn bị hình phạt. (Ma-thi-ơ 25:14-30) Người giảng đạo là người làm việc rất tích cực được hưởng lộc của Chúa ban cho, người giảng đạo có cách suy nghĩ tiêu cực nghĩ đó là tài sản riêng sẽ bị chủ lấy lại và còn bị hình phạt đời đời.
Về công nhân thợ thuyền: Chúa Giê Su dùng thí dụ về những công nhân thất nghiệp được chủ vườn nho thuê mướn vào làm công cho vườn nho, bất cứ làm bao nhiêu giờ vẫn được chủ trả một giá giống nhau. Nhiều công nhân bất mãn và cho rằng chủ bất công. Nhưng Chúa Giê Su đã giải thích cho họ hiểu, giá trị mà Chúa trả là giá của tình thương khi chủ thấy họ thất nghiệp. Người làm nhiều đòi hỏi thêm cũng không được do chủ đã cam kết với họ, người làm ít không nên sung sướng vì đó là giá của chủ thương xót cứu giúp cho trong lúc xế chiều. (Ma-thi-ơ 20:1-16) Trong Chúa có luật công bằng dành cho công nhân trong vườn nho của Đức Chúa Trời: Người nương cậy nơi lòng thương xót của Đức Chúa Trời có giá trị hơn người nhờ cậy nơi công lao và thời gian đã cống hiến.
Với các thành phần bị xã hội ruồng bỏ: Chúa Giê Su không muốn một người nào bị gạt ra bên ngoài xã hội nên Ngài đã thương xót khuyên những người này đừng tiếp tục đi trong con đường xấu nữa, nên từ bỏ đường xưa lối cũ mà đi theo Chúa. Chúa Giê Su thấy người thâu thuế đang ngồi thâu bạc góp thuế, Ngài biểu “Hãy theo Ta” người thâu thuế bỏ công việc không mấy tốt đẹp này mà theo Ngài. (Mác 2:14). Với người đàn bà có nhiều đời chồng bên giếng Si-kha trong xứ Sa-ma-ri không dám gặp ai vì mang tai tiếng, Chúa lấy lòng nhân từ nói chuyện với người đàn bà này: “Đức Chúa Trời là thần nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24) Người đàn bà nhận biết Chúa là Đấng Mê Si nên đã bất chấp sĩ diện chạy vào thành Si-kha kêu gọi mọi người trong thành đến gặp Chúa.
Chúa Giê Su ngày nay kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến nhau trong xã hội, nếu muốn thay đổi được xã hội mọi người cần quan tâm đến nước thiên đàng. Theo lời dạy của Chúa nếu người lớn biết quan tâm đến Thiên đàng những người trẻ sẽ biết quan tâm đến xã hội.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|