Đường lối thờ phượng Chúa
ĐƯỜNG LỐI THỜ PHƯỢNG CHÚA
Dân tộc nào cũng có đường lối thờ phượng riêng, tín ngưỡng dân gian gắn liền với sự phát triển xã hội, nên người ta nghĩ rằng nhờ sự thờ phượng tâm linh- con người đặt ra- trở thành đạo đức tốt. Người đàn bà Sa-ma-ri đối thoại với Chúa Giê Su bên miệng giếng Si Kha đã bộc trực cho biết giữa dân Israel và dân Sa-ma-ri có hai đường lối thờ phượng tâm linh khác nhau, dân Israel thờ phượng tại thành Jerusalem, còn dân Sa-ma-ri thờ phượng “trên núi này” vậy ai đúng? Ai sai? Chúa Giê Su trả lời người thờ phượng thật phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng.
Người lấy tâm thần thờ phượng, có lẽ sẽ có người hiểu lầm với người bệnh tâm thần ngày nay đang được điều trị trong bệnh viện hay đi lang thang ngoài đường phố. Tâm thần là phần cao trọng trong tâm trí ai ai cũng có, những người bệnh tâm thần do tâm trí bị rối loạn vì suy nghĩ quá nhiều, tư tưởng phức tạp, tình cảm không bình an nên sinh ra bệnh tâm thần. Người lấy tâm thần thờ phượng là người dâng phần lý trí, tư tưởng, tình cảm của mình cho Đấng tạo hóa kiểm soát và hướng dẫn, nhờ đó tâm thần được định hướng rõ ràng và mục đích sống trở nên sáng suốt.
Tâm thần thờ phượng nhiều người lầm lẫn với “Tinh thần”, tinh thần lệ thuộc vào thân thể còn tâm thần chủ động điều khiển thân thể. Người Hi Lạp cổ đại có câu danh ngôn về tinh thần: “Tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện”. Muốn có tinh thần minh mẫn phải tập luyện thể thao đó là điều mà người Hi Lạp muốn đề cao việc tập thể thao làm cho mọi người tập luyện thân thể tham gia phong trào thể thao Olympic. Tâm thần ngược lại với tinh thần, không thể tập luyện thể dục thể thao để có được một tâm thần sáng suốt. Tâm thần do những suy nghĩ tư tưởng của con người mà ra. Từ những xuất phát của những dây thần kinh, từ những luồng tư tưởng trong tâm trí mà sinh ra những tư duy ngược đời, những người nghiên cứu hoặc tìm hiểu về những điều cao siêu thường bị tâm thần. Những người chơi bùa, ngậm ngải, hay những nhà triết học đều có thể bị tâm thần như nhau. Giáo sư Đại Học Văn Khoa nổi tiếng về triết học như Bùi Giáng cuối đời là một người bị tâm thần lang thang trên đường phố vì những nghiên cứu triết học của ông quá cao siêu đến nỗi khó có người hiểu nỗi và ông cũng quá chán đời vì không ai hiểu được kiến thức siêu thoát của ông. Một người như ông Hồ văn…tín hữu nhà thờ Tin Lành Cao Lãnh bỏ đạo để theo đuổi việc nghiên cứu “Thiên Linh Cái” giúp cho ông có khả năng làm thầy chữa bệnh, nhiều năm cuối đời sống lang thang trên hè phố nói cười riêng một mình, lìa bỏ vợ con gia đình sống bơ vơ vất vưởng đầu đường xó chợ đau khổ trăm chiều. Tâm thần là nguồn cội của hạnh phúc hoặc bất hạnh. Nếu mọi người lấy tư tưởng, suy nghĩ của mình phục vụ cho những điều cao cả, những điều tốt lành trong xã hội, mọi người yêu mến, được mọi người bắt chước noi theo, người đó sẽ rất hạnh phúc. Nhưng người nào dù có kiến thức cao, học vấn rộng nhưng những tư tưởng chỉ gieo rắc hận thù, tranh cạnh, dối trá, làm lầm lạc những người đi theo, làm rối loạn cuộc sống tốt đẹp trong xã hội, điều đó cho thấy tâm thần của người ấy không ổn định và chắc chắn sẽ gặt lấy bất hạnh của cuộc đời. Cơ Đốc nhân là những người hạnh phúc khi lấy tâm thần của mình thờ phượng Đức Chúa Trời để làm những việc phải lẽ cao trọng.
Lẽ thật, thờ phượng Đức Chúa Trời là một lẽ thật vì sự thờ phượng này đã có từ lúc con người có mặt trên trái đất. A-Đam và Ê-va thờ phượng Đức Chúa Trời mỗi ngày bằng cách trò chuyện với Đức Chúa Trời, một hình thức của sự cầu nguyện của Cơ Đốc nhân ngày nay. Tất cả những hình thức khác của sự thờ phượng đều là giả dối do con người tạo ra. Thí dụ như A-rôn sau khi thấy Môi Se lên núi Si-nai lâu ngày không xuống, ông liền muốn nổi danh nên kêu mọi người lấy vòng vàng đưa cho ông đúc thành một con bò vàng để thờ phượng. Sự thờ phượng này do A-rôn tạo ra không phải do Đức Chúa Trời chỉ dẫn, nên sau đó bò con vàng đã bị Đức Chúa Trời bảo phải đập bỏ và thiêu thành tro bụi, những ai dâng cúng vàng bạc vào việc thờ phượng này chẳng những mất cả tiển của mà còn bị hình phạt đời đời. Những hình thức thờ phượng bò vàng như vậy sau này được vua Giê-rô-bô-am lập lại cho dân Israel và dân tộc này phải chịu cảnh lưu đày qua xứ Ba-by-lôn nơi người ta thờ thần bò. Lẽ thật tức là chân lý, những gì thuộc lĩnh vực đạo đức, luân lý, lương tâm chính đáng được toàn thể nhân loại tôn trọng phải biết gìn giữ đó là tôn trọng lẽ thật. Những gì do con người tự đặt ra, vô lương tâm khi thờ phượng hay chối bỏ đạo đức luân lý trong các nghi thức thờ phượng đó không phải là lẽ thật và chắc chắn nó sẽ bị Đức Chúa Trời hủy diệt. Có một tổ chức tôn giáo nọ khi trang trí cho ngày đại hội, những người trong ban tổ chức đặt hình cây thập tự giá dưới sàn biểu diễn để cho mọi người đi trên đó, sau khi có phản ánh người ta giải thích đó là con đường thập tự mà ai cũng phải trãi qua để được vinh hiển. Lời giải thích xem chừng hợp lý nhưng trong lời Chúa dạy không bảo phải làm thập giá để dưới chân cho mọi người giẩm đạp, hình thức như vậy chẳng khác nào khinh dễ cách thờ phượng Đức Chúa Trời của biết bao nhiêu con dân của Chúa từ lúc hình thành Hội Thánh. Từ xưa đến nay các giáo hội tin kính Chúa trên thế giới căn cứ vào lương tri, đạo đức, luân lý Cơ Đốc đều thờ phượng Chúa bằng cách đặt hình thập tự lên chỗ cao nhất cho mọi người nhìn xem bắt chước theo gương hi sinh và chịu đau khổ của Chúa Giê Su. Khi người ta đặt ra hình thức thờ phượng khác với đạo đức, lương tâm, tình cảm điều đó chứng tỏ họ không còn tôn trọng lẽ thật nữa.
Ngày nay Chúa đang kêu gọi các Cơ Đốc nhân hãy lấy sự thờ phượng thật mà thờ phượng Chúa: “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.” Giăng 4:23
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|