Nỗi buồn của một người con
LUCA 15:11-32
Mỗi khi thất bại trong cuộc đời người ta tìm chỗ nương dựa. Những lúc lầm lỗi con người mong được yêu thương tha thứ, đó cũng là tâm trạng của người con mà Chúa Giê Su dùng làm ẩn dụ trong sách phúc âm Lu Ca chương 15. Ẩn dụ nói về người con trai sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng vì muốn được tự do ăn chơi với bạn bè nên người con đã xin Cha chia gia tài. Sau khi được chia gia tài người con đi xa ăn chơi và tiêu hết sạch tiền mình có. Điều không ngờ đến là một trận đói kém xảy ra trong xứ, người thanh niên giàu có này phải đi chăn heo để kiếm sống, vì quá đói nên trong lúc chăn heo người con trai này lấy vỏ đậu của heo để ăn cho no. Nhưng người chủ phát hiện ra và ngăn cấm. Lúc bấy giờ người con mới nghĩ đến cha mình: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà Ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Lu ca 15:17-19.
Tâm hồn của người thanh niên bắt đầu thấm thía nỗi buồn từ lúc bắt đầu hết tiền bạc. Những người bạn lúc có tiền thì họ vây quanh lôi cuốn vào biết bao những cuộc vui, những tiếng cười đùa thâu đêm suốt sáng, những cô gái đẹp lúc nào cũng kề cận bên mình. Nhưng khi không còn một xu dính túi chàng thanh niên thấy rõ bộ mặt thật cuộc đời. Những đêm cô đơn, những tháng ngày lang thang cô độc không ai gần gũi, mở miệng than van là bạn thân nhất cũng quay lưng đi. Tình đời bất cứ thời nào cũng thế thôi: “Còn bạc, còn tiền, còn bạn hữu, hết cơm, hết rượu, hết ông, tôi!!!”. Người thanh niên nhớ đến những bộ mặt giả dối của những kẻ trước đó xưng hô “Anh anh, em em” ngọt hơn mía lùi. Bây giờ tìm đâu lại được cảnh ngày xưa ấy! Người thanh niên này không thể oán trách bạn bè được, nhưng chàng buồn vì chính mình đã quá tin lời bạn mà không nghe lời cha. Lời cha khuyên tiền bạc không thể mua được tình nghĩa, chỉ có tình nghĩa mới sinh ra tình nghĩa thôi, thế nhưng đến giờ phút trắng tay người thanh niên mới hiểu ra được chân lý này.
Nỗi buồn tiếp theo là lúc đói khổ không ai thương chàng, xứ bị đói kém ai cũng phải tự lo cho bản thân. Chàng thanh niên cảm thấy một nỗi buồn vô tận khi nghĩ lại những lúc chàng có tiền ai chàng cũng giúp đỡ, nhưng đến khi chàng gặp đói nghèo người ta lại bảo đi ra ngoài đồng chăn heo để kiếm ăn. Một nỗi nhục nhã ê chề xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn của người trai trẻ. Chăn heo đâu phải là nghề xấu, nhưng những người từng biết người thanh niên này là một người giàu có, người ta đã từng ngấm ngầm ganh tỵ với chàng. Người ganh tỵ về những bộ quần áo đẹp, người ganh tỵ về những món đồ dùng sang trọng, người ganh tỵ với những cảnh ăn chơi hào phóng của chàng thanh niên. Từ những sự ganh tỵ trong lòng sanh ra đố kỵ trong lời nói, qua ánh mắt, trong những lúc trà dư tửu hậu người ta không tiếc lời chê bai, nói xấu chàng thanh niên, việc ra đồng chăn heo làm tăng thêm trong lòng chàng những suy nghĩ về những lời chế nhạo, chê bai trong vòng những kẻ trước đây đã từng ganh tỵ với chàng.
Nỗi buồn của người con từ đỉnh cao kiêu ngạo rơi xuống chốn nhục nhã ê chề. Người đã mất hết danh dự, không còn biết xấu hổ là gì. Lúc có tiền bạc người thanh niên rất kiêu căng, đến khi không còn tiền chỉ là người đi xin xỏ. Sự hoang phí tiền bạc do lòng háo thắng và ham mê danh vọng dẫn đến chỗ người thanh niên coi khinh người nghèo, lười biếng lao động. Cuộc sống trượt dài trong cơn mê của hào quang ảo ảnh đến khi bước vào hiện thực cuộc đời người thanh niên nếm trãi được nỗi buồn của một kẻ trắng tay, làm kẻ chăn heo muốn ăn vỏ đậu của heo ăn mà cũng còn bị đánh đập mắng chửi. Cuộc sống của chàng thanh niên trong lúc tuyệt vọng mới thấy những ngày tháng kiêu ngạo về tiền bạc, sự kiêu căng phách lối trong lúc tiền đầy túi tạo thành duyên cớ cho tình cảnh đau buồn lúc sa cơ thất thế, mọi người đều xa lánh!
Nhưng có một nỗi buồn đã cứu vớt lại cuộc đời của thanh niên này: “Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà Ta đây phải chết đói?” Tại sao còn có nhiều người làm mướn, những người lao động vất vả mà vẫn sống sung sướng hạnh phúc? Trong khi chàng thanh niên là con trai nhà giàu có, cha của anh đang còn cai quản một cơ sở sản xuất, hình ảnh xuất hiện trong tâm trí anh rất rõ rệt về người cha nhân từ đã đối xử với các công nhân bằng cách chu cấp cho họ lương bổng đầy đủ, cơm ăn áo mặc không ai thiếu thốn. Vậy tại sao anh không quay trở về ăn năn tội và xin cha tha thứ, xin cha đối xử với anh như một kẻ làm thuê cũng được rồi. Nỗi buồn này làm ray rứt lương tâm anh từng giây phút. Một người đã lỡ phạm tội có còn được tha thứ hay không? Một đứa con đã đoạn tình, đoạn nghĩa với cha để giành lấy gia tài có đáng được để cha nhìn nhận lại hay không? Nếu trở về mà cha xua đuổi khinh dễ còn con đường nào để sống - Có một câu chuyện kể về một thanh niên sau chiến tranh bị cụt mất đôi chân và mù đôi mắt. Trước khi trở về chàng gọi điện thoại cho cha là một nhà giàu có quyền thế, chàng báo tin có một chàng trai như vậy sẽ về ở với gia đình cha nghĩ sao? Người cha quyền thế quát tháo bằng giọng gắt gỏng ông không thể chấp nhận một người cụt chân mù mắt sống trong nhà của ông. Điện thoại cúp, sau đó vài ngày người cha nhận được giấy báo tử con trai của ông chết, ông ngạc nhiên không hiểu sao vài ngày trước con ông còn gọi điện thoại báo tin sắp sữa trở về. Ông đến tại nhà xác để nhận xác con lúc ấy ông mới thấy con ông là người cụt hai chân, mù đôi mắt. Nguyên nhân chết do người thanh niên này đã tự tử kèm theo lá thơ tuyệt mệnh gởi đến cho cha.
Không phải nỗi buồn nào cũng qua đi, chỉ những nỗi buồn có niềm tin và hi vọng mới cứu vản được tình thế sa sút tinh thần, ngăn cản trạng thái trầm cảm, tự vẫn. Trong cơn buồn nhờ có niềm tin và hi vọng con người nhận được ánh sáng quay đầu trở về, biết ăn năn và xin tha tội, mọi việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng, tình thương của người cha lúc nào cũng sẳn sàng dang rộng vòng tay đón đứa con lạc mất trở về.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|