Tình thương của cha
Một người nông dân giàu có sống với hai người con trai. Người con lớn siêng năng làm việc đồng áng và biết giúp đỡ gia đình. Người con út không được như người anh, trái lại thường tụ tập bạn bè, ăn chơi, nhậu nhẹt. Cha già buồn phiền, anh cả không vui, trong nhà thường hay gây gổ nên người con trai út quyết định xin cha chia gia tài để đi phương xa làm ăn lập nghiệp, nhưng mục đích riêng là để ăn chơi cho thỏa thích không còn bị cha hay anh rầy rà la mắng. Ban đầu người cha không muốn cho con cái đi xa, nhưng người con theo nài xin và hứa hẹn sẽ thay đổi lối sống nên cha đồng ý mặc dầu ông biết tương lai của con sẽ khổ sở hơn ở nhà. Vì tình thương nên người cha đã chia gia tài cho con trai út của mình mà lòng đau như cắt.
Người con trai út cầm được số tiền lớn trong tay liền vui mừng hớn hở lên đường đi phương xa. Đúng như điều người cha đã tiên liệu, đứa con út của ông không hề lo làm việc chỉ thích ăn chơi đàn đúm với những cô gái chân dài phấn son, phẩm hạnh đạo đức không tốt. Những thanh niên theo cậu là những thành phần lêu lỏng, lười biếng, có người con nhà giàu có, có người con nhà nghèo khó mà cũng đua đòi ăn chơi. Người con trai út nắm lấy số bạc ăn mười đời không hết nên cậu không ngần ngại gì trong việc tiêu xài bằng cách “quăng tiền qua cửa số”.
Những ngày tháng “ăn chơi xả láng, coi trời bằng vung” khiến cho số tiền của cha cho không còn nữa. Những ngày tiếp theo là những ngày khổ sở nhất trong đời của một “công tử” trở thành kẻ ăn mày, cậu mượn tiền người này đến người khác, hầu hết những người bạn của cậu đều đã quay lưng khi cậu đến hỏi vay mượn tiền của họ. Có người còn lòng thương hại bố thí cho một ít tiền ăn vài bữa đạm bạc qua ngày. Đến một lúc cậu nhận thấy trời cũng không thể nào dung túng cho kẻ ăn chơi sa đọa nên tai họa một lần nữa đổ xuống trên đầu, cả xứ lúc bấy giờ rơi vào cảnh đói kém, nhiều người thiếu ăn, thiếu mặc, cuộc sống quá sức cơ cực, kinh tế quá khó khăn không ai giúp đỡ cho ai. Người bạn thân nhất của cậu cũng bỏ đi, cậu út chơi vơi trong cảnh sống dỡ chết dỡ không một đồng xu dính túi. Lúc ấy quá đói nên cậu phải đi kiếm việc làm để có cơm ăn qua ngày để sống. Nhưng cảnh đói kém quá lớn nên cậu không kiếm được việc gì đế làm. May mắn có một nông dân có nuôi một đàn heo - Heo là con vật dơ bẩn hôi hám nên phong tục tập quán của họ không nuôi heo trong nhà mà nuôi ngoài đồng, xa hẳn với những nhà chung quanh để tránh mùi hôi hám. Cậu thiếu gia này bị sai ra ngoài đồng chăn heo, cơm được chủ sai đầy tớ mang ra nhưng không đủ ăn, ngày qua ngày sống trong cảnh chăn heo mà thân hình tiều tụy vì đói lả Một ngày kia chịu đựng không nỗi, “thiếu gia” này mới lấy những vỏ đậu cho heo ăn bỏ vào miệng nhai cho đỡ đói, đúng lúc ấy người chủ ra đồng thăm đàn heo. Thế là cậu phải bị một trận đòn dữ dội với lời hứa “từ nay xin chừa”.
Kể từ lúc cậu bị chủ đánh “thừa sống thiếu chết” ấy, ngày ngày cậu trông ngóng về nơi quê nhà. Cậu tự nghĩ trong lòng: “Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà Ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy.”
Từ ngày đứa con hư hỏng rời khỏi nhà, người cha cảm thấy căn nhà rộng lớn của ông trở nên trống trải, tâm hồn ông trở nên trống vắng buồn bả. Ông không còn thiết tha với công việc, mọi việc trong nhà ông giao cho người con trai lớn lo liệu, hàng ngày ông tựa cửa chờ trông mong thấy bóng đứa con trai út trở về. Một ngày kia từ đàng xa ông nhìn thấy hình dáng đứa con tiều tụy đang lầm lủi bước trên đường trở về nơi chốn cũ. Không chờ đợi lâu ông đã từ hiên nhà chạy ào ra ôm lấy đứa con, đứa con trai út gỡ tay cha ra và quỳ xuống nói rằng: “Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa.” Người cha không ngờ đứa con trước lúc ra đi hồng hào khỏe mạnh dáng người cao ráo trắng trẻo mà ngày nay lại trở về trong thân hình còm cỏi đen đúa như một người ăn xin. Lúc ấy gia nhân trong nhà nghe tin “công tử” trở về nên kéo nhau ra chào hỏi, người cha bảo đầy tớ rằng: “Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng Ta hãy ăn mừng, vì con Ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Ðoạn, họ khởi sự vui mừng.”
Niềm vui của người cha không có gì kể xiết, nhưng điều ấy làm cho người con trai lớn ganh tỵ. Người con trai từ ngoài đồng về nghe tiếng đờn ca, hát múa, tiếng cười nói của nhiều người trong nhà, người con trai lớn kêu một gia nhân ra hỏi, người đầy tớ kể lại cho cậu cả hết mọi chuyện, cậu cả nổi cơn giận không vào nhà khiến cho người cha nghe thấy vội vàng ra khuyên bảo, cậu cả tức giận lớn tiếng: “Nầy, tôi giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép, mà cha chẳng hề cho tôi một con dê con đặng ăn chơi với bạn hữu tôi. Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn hết gia tài cha với phường điếm đĩ rồi trở về, thì cha vì nó làm thịt bò con mập!” Người cha hết sức buồn giải thích cho con biết lòng yêu thương rộng lượng của cha đối với cả hai người con không có thiên vị nào cả: “Người cha nói rằng: Con ơi, con ở cùng cha luôn, hết thảy của cha là của con. Nhưng thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được.”
Viết theo câu chuyện Kinh Thánh Lu-ca 15:11-32
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|