Từ một chính trị gia trở thành sứ đồ
Phao Lô tên thật là Sau Lơ, sinh tại thành Tạt Sơ, Xứ Silicia, Tiếu Á, thuộc địa của La Mã, ngày nay là Thổ Nhỉ Kỳ trong gia đình thương gia giàu có người Israel có hai quốc tịch: La Mã và Israel. Mặc dầu là người Do Thái chi phái Bên-gia-min nhưng chịu ảnh hưởng văn minh Hi Lạp, biết các ngoại ngữ Hi Lạp, La tinh, A-ram. Cha mẹ gởi ông đến thành Jerusalem học luật dưới sự hướng dẫn của Rabi nổi tiếng tên Ga-ma-li-ên, sau đó tham gia đảng phái Pha-ri-si là một trong những đảng có quyền lực trong đất nước Israel vào những năm đầu công nguyên dưới triều đại vua Hê-rốt.
Có hai giả thiết về năm sinh và năm mất của Phao Lô. Giả thiết thứ nhất cho rằng Phao Lô sinh năm thứ 3 TCN và mất năm 67-68 SCN. Giả thiết thứ hai cho rằng Phao Lô sinh năm 14 TCN và mất năm 69 SCN. Với những giả thiết này Phao Lô sống cùng thời với Chúa Giê Su và các môn đồ của Ngài, nhưng vì con đường của ông là bậc thang danh vọng chính trị nên ông không quan tâm đến Chúa, thậm chí còn nghi ngờ Chúa Giê Su là một giáo chủ của một giáo phái mới âm mưu chống lại Do Thái giáo là tôn giáo đang được giới cầm quyền ủng hộ trong xã hội lúc bấy giờ. Vì vậy ông đã ngồi chỉ huy cho những người ném đá Ê-Tiên một môn đồ của Chúa Giê Su cho đến chết, rồi sau đó ông chỉ huy một toán quân La Mã sang xứ Sy-ri để truy nã những môn đồ của Chúa Giê Su. Trên đường gần đến thành Đa Mách thủ đô nước Sy-ri ông đang ngồi trên lưng ngựa thình lình một luồng hào quang rất mạnh xuất hiện khiến ông hoảng sợ té xuống đất, bên tai ông nghe tiếng nói rõ ràng: “Hỡi Sau Lơ, Sau Lơ sao ngươi bắt bớ ta?” Ông hỏi lại: “Lạy Chúa! Chúa là ai?” Tiếng phán trong vầng hào quang trả lời: “Ta là Giê Su mà ngươi bắt bớ, hãy đứng dậy vào trong thành, người ta sẽ nói cho ngươi mọi điều phải làm.” Sự kiện này xảy ra quá đổi lạ lùng làm ngẩn ngơ đoàn tùy tùng cùng đi chung với ông vì họ nghe tiếng nói mà không thấy người. Sau đó ông bị mù, các tùy viên quân sự của ông cầm tay dẫn ông vào thành Đa Mách, tại đó ông quá buồn bả không ăn, không uống gì được trong ba ngày, sức khỏe kiệt quệ. Nhưng một môn đồ của Chúa Giê Su tên là A-na-nia được Chúa hiện ra bảo với ông hãy đến cầu nguyện cho Sau Lơ để ông được sáng mắt lại, và Chúa sẽ dùng Sau Lơ làm một sứ đồ của Chúa. Thật ngạc nhiên trước một việc khó tin, nhưng A-na-nia vẫn vâng theo lời Chúa phán dạy, ông tìm đến nơi ở của Sau Lơ và cầu nguyện cho ông. Phép lạ của Chúa xảy ra, ngay lập tức Sau Lơ cảm thấy như có một vảy đen được quăng ra khỏi mắt, ông nhìn thấy trở lại. Niềm vui và hi vọng đã trở lại với cuộc đời của Sau Lơ, những giờ đầu tiên ông sáng mắt lại ông đã đuổi tất cả tùy tùng quân lính ra khỏi chỗ của ông để ông được nghe A-na-nia giảng dạy về giáo lý của Chúa Giê Su, sau đó ông chịu lễ Báp têm. Bây giờ ông tin Chúa Giê Su là một Đấng chân thần, từ trời đến thế gian, ông lập tức từ bỏ quan niệm Chúa Giê Su như là một giáo chủ tôn giáo tập hợp con người thành giáo hội để chống phá nhà cầm quyền. Cuộc đời ông bắt đầu một bước ngoặc mới, từ một chính trị gia trở thành một sứ đồ của Chúa Giê Su.
Từ bỏ đỉnh cao danh vọng quyền thế chuyển sang một người đi rao giảng về Chúa cứu thế Giê Su con Đức Chúa Trời không phải là điều dễ dàng. Phao lô sau một thời gian ngắn trở thành môn đồ giảng dạy trong các nhà hội thành Đa Mách về Chúa Giê Su là Đấng cứu thế, ông bị những người Do Thái cực đoan âm mưu ám sát. Ông phải trốn ra khỏi thành Đa Mách tại cổng Kisan nơi các môn đồ dùng một cái thúng dòng ông xuống trong đêm tối. Từ đó ông tỵ nạn sang vương quốc Nabatea*, thuộc Ả rập, sống riêng biệt một mình với Chúa trong sa mạc A-ra-bi để suy ngẫm, học hỏi những lời của Chúa theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh. Gần ba năm sau ông trở về thành Đa Mách trước khi trở lại Giê-ru-sa-lem để ở chung với Phi-e-rơ trong nửa tháng và trò chuyện với sứ đồ Gia Cơ em của Chúa Giê Su. Mỗi ngày ông học hỏi về Chúa Giê Su ông càng thấy sự diệu kỳ của Đấng đã thương xót ông một nhà chính trị nhưng thật ra là một đại tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, ông đã viết những lời đó trong thư Ti-mô-thê thứ nhất chương 1 câu 15 như sau: “Chúa cứu thế Giê Su đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là người đứng đầu.”
Để tỏ lòng biết ơn Chúa ông hi sinh hoàn toàn cuộc đời của mình cho Chúa, ông không nghĩ đến chuyện lập gia đình, không màng đến công danh sự nghiệp, đối với ông mọi sự trong cuộc đời chỉ là phù du, mọi sự trong thế gian sau khi con người rời bỏ trần thế đặt lên cán cân công lý của Đức Chúa Trời chỉ có lỗ mà không có lời. Sau khi nhận biết Chúa và thờ phượng Ngài ông đã biết chắc được sự sống đời đời là phần thưởng mà Chúa trên trời đã dành sẳn cho ông. Từ đó trở đi ông đã đi vòng quanh thế giới từ châu Á sang châu Âu để rao giảng về Chúa Giê Su và nước trời của Ngài. Ông thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo, lần thứ nhất khoảng từ năm 46-48 SCN, chép trong sách Công vụ 13:1-14:28. Lần thứ hai khoảng từ năm 50-52 SCN, chép trong sách Công vụ 15:6-18:22. Lần thứ ba khoảng từ năm 53-57 SCN, chép trong sách Công vụ 18:23-21:17. Hành trình cuối cùng trước lúc ông bị bắt giữ tại thành Giê-ru-sa-lem rồi giải lên La Mã trong khoảng thời gian năm 60 SCN được chép trong sách Công vụ 21:27- 28:31. Sau hai năm bị quản thúc tại La Mã ông được thả ra, ông có một cuộc hành trình chăm sóc các Hội Thánh mà ông đã thành lập từ năm 62-67 SCN. Trong giai đoạn cuối cùng dưới triều hoàng đế La Mã Nero bắt bớ đạo dữ dội, sứ đồ Phao Lô đã bị bắt giam sau đó bị chém đầu vào khoảng năm 67-68 SCN. Ông đã dâng hiến cuộc đời của mình trọn vẹn cho Chúa do nơi ông tin Chúa là quan án công bình đã để dành mão triều thiên sự sống cho ông trong nước trên trời vinh hiển đời đời. II Ti-mô-thê 4:8.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|