Phước Cho Người Hay Thương Xót
Phước cho những người hay thương xót vì sẽ được thương xót. (Mathiơ 5: 7)
Kinh Thánh Ru-tơ 2:1-23
Xứ Mô Áp quê hương của Ru-tơ là một xứ trù phú xinh đẹp có những cành cây chà là che nắng giữa sa mạc, có những đồng lúa tiểu mạch và đại mạch mênh mông bạt ngàn. Cô gái Ru-tơ không bao giờ nghĩ đến tương lai sẽ rời bỏ quê cha đất tổ để về xứ Do Thái là nơi cô không hề có bà con thân thuộc. Cô lại càng không nghĩ đến việc được Đức Chúa Trời chọn lựa làm tổ mẫu của một vị vua lừng lẫy đất nước Israel. Người con gái này được vinh dự lớn lao trong cuộc sống do điều gì? Không phải do sắc đẹp, cũng không do nơi trí thông minh nhưng do nơi cô có lòng thương xót khác với nhiều cô gái đương thời trong xứ sở Mô Áp. Cô Ru-tơ góa chồng còn trẻ lúc chưa có con cái, cô có thể tiếp tục chọn lựa hạnh phúc riêng cho mình, nhưng cô thương xót bà mẹ chồng lớn tuổi không có ai an ủi săn sóc trong tuổi già nên bằng lòng theo Na-ô-mi về xứ Do Thái để săn sóc cho bà.
Ru-tơ và Ọt-ba là hai nàng dâu của Na-ô-mi đều yêu quý bà mẹ chồng. Chồng của Na-ô-mi chết và hai con trai của bà cũng chết. Cái chết đột ngột của ba người đàn ông trong gia đình của bà là điều hết sức đau đớn, bà cay đắng trong lòng vì hi vọng của bà khi di cư sang xứ Mô Áp để tránh nạn đói kém của quê hương nhưng có ngờ hạnh phúc đâu không thấy bà chỉ thấy tai họa. Trong căn nhà không còn bóng dáng đàn ông, chỉ còn lại ba người đàn bà góa, Na-ô-mi không biết phải sinh sống làm sao cho những ngày sắp đến. Bà đi đến quyết định phải quay trở về quê hương nơi còn có những người bạn và những người bà con quen biết để tạm sống qua ngày. Quyết định này càng làm cho Na-ô-mi buồn lòng hơn khi phải xa hai cô con dâu yêu mến, nhưng không còn cách nào khác hơn phải trở về nơi quê hương nên tại biên giới phân chia hai nước Mô-áp và Israel bà Na-ô-mi bảo hai cô con dâu quay trở lại lo kiếm chồng khác để nương tựa, còn bà sẽ đi nốt chặng đường còn lại một mình. Ọt-ba khóc lớn ôm chầm lấy bà gia rồi nói lời từ biệt, nhưng Ru-tơ lại khác, cô không khóc lóc, không nói lời từ biệt nhưng nói những lời từ đáy lòng, từ trái tim của cô: “Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu,tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi! ” (Ru-tơ 1: 16,17)
Những lời nói từ tấm lòng luôn luôn là những lời nói chân thành khác với lời nói từ môi miệng chỉ là những lời nói giả dối. Những lời nói chân thành là những lời có tình thương, có sự quý mến tôn trọng, có lòng thương xót. Bởi lời nói chân thành của Ru-tơ mà bà Na-ô-mi không thể từ chối người con dâu của mình, bà đã chấp nhận cho con dâu đi theo bà về xứ sở. Ai gieo sự thương xót sẽ gặt được sự thương xót. Lòng thương xót khác biệt với lòng thương hại. Trong các sách Phúc Âm nhiều lần ghi lại “Chúa Giê Su động lòng thương xót”. Mỗi khi Chúa làm phép lạ hay chữa bệnh đều do Ngài “động lòng thương xót”. Con người ở đời mỗi khi cứu giúp cho một người nghèo hay một người khốn khổ trong trí của họ chỉ hiện ra hai chữ “thương hại” hay “tội nghiệp”. Những hành vi cao cả nhưng không thực hiện bởi những động lực cao cả khiến cho nhiều người phải hối hận, đó là lý do dân gian có câu tục ngữ: “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán”. Tất cả mọi hành động của tín hữu không có Chúa Thánh Linh cai trị đều chuốc lấy nhiều điều đau khổ hơn là ơn phước của Chúa ban, việc giúp đỡ lẫn nhau hay cứu giúp lẫn nhau trong Hội Thánh do bản chất “tốt” của con người mà không đến từ Đức Chúa Trời đều dẫn đến nhiều điều phiền não. Khi nào việc làm của tín hữu thành thật, lòng đầy dẫy sự thương xót đến từ Chúa khi đó hãy nói và làm như Ru-tơ sẽ được Chúa ban phước cho một tương lai hết sức tốt đẹp, vinh hiển.
Người làm điều nhân nghĩa mà mong sẽ được người đời trả ơn là điều hiếm có, người xưa có câu “Thi ân bất cầu báo”. Ngày nay phương châm của đời theo luật nhân quả “Cho đi rồi sẽ được nhận lại” như vậy có giống với câu Chúa Giê Su nói về “Phước cho người hay thương xót vì sẽ được thương xót”? Cách Chúa nói không giống với triết lý ở đời vì Chúa muốn đề cập đến sự thương xót được đền đáp này là do chính Đức Chúa Trời ban thưởng. Chúa Giê Su dạy cho các môn đồ của Ngài khi thực hành lòng thương xót đừng bao giờ tìm cách nhận lại sự đền ơn của con người hay phải tích đức chờ đợi tương lai tốt lành cho con cháu, con cái Chúa hãy tin rằng mọi việc làm đúng với lòng chân thật, tin nơi Chúa chắc chắn Chúa sẽ ban phần thưởng nhãn tiền: “Song khi ngươi bố thí, đừng cho tay tả biết tay hữu làm việc gì, hầu cho sự bố thí được kín nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:3,4) Đó là điều mà Ru-tơ đã nhận được sau vài tháng đi mót lúa về nuôi mẹ chồng, Ru-tơ đã được Bô-ô chủ ruộng giàu có cưới về làm vợ và chuộc lại tất cả tài sản cho bà Na-ô-mi mẹ chồng của cô. Sự thương xót đến từ Đức Chúa Trời luôn là phần thưởng cao quý, tốt đẹp, đầy đủ nhất cho bất cứ ai có lòng tin nơi Ngài.
Những người thương xót theo ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là những người chỉ có lòng bố thí, hay chỉ biết chia sẻ những gì có dư, của thừa cho người khác nhưng là những người biết hi sinh vì người khác. Câu chuyện về người đàn bà góa Sa-rép-ta là một thách thức lớn cho những ai muốn nhận được phần thưởng từ nơi Chúa. Người đàn bà góa này đi ra đồng lượm củi về nấu bữa ăn cuối cùng cho bà và con trai theo lời của bà kể như sau: “Tôi chỉ mạng sống của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông mà thề, tôi không có bánh, chỉ có một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình; nầy tôi lượm hai khúc củi, đoạn về nấu dọn cho tôi và con trai tôi; khi ăn rồi, chúng tôi sẽ chết.” (I Các Vua 17:12) Nhưng khi tiên tri Ê-Li bảo với bà hãy về nhà làm bánh rồi đem ra cho Ê-Li ăn vì ông đang đói, bà lập tức vâng lời không suy nghĩ lo sợ cho việc gia đình bà chết đói mà lo cho tiên tri của Đức Chúa Trời đang khó khăn. Phần thưởng cho việc hi sinh của bà đó là ông tiên tri đã nói cho bà biết “Bột sẽ không hết trong vò, dầu sẽ không hết trong bình”, một phép lạ diệu kỳ đã xảy ra ngay liền sau đó, giúp cho bà chẳng những nuôi sống gia đình mà còn nuôi sống tiên tri Ê-Li suốt những năm đói kém. Ngày nay phép lạ vẫn còn xảy ra cho những ai có lòng thương xót, vì Đức Chúa Trời sẽ ban sự thương xót cho những ai sống thật chân thành.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|