Phước Cho Kẻ Làm Cho Người Hòa Thuận
Lu-ca 19 :1-10. Câu gốc Ma-thi-ơ 5: 9
Người ta hằng mơ ước vinh dự cao quý nhất trần gian làm “Con Trời”. Các triều đại phong kiến nhà vua tự xưng là “Thiên Tử” nghĩa là “Con Trời” Tuy nhiên vinh dự này đã được ban cho con người ngay đầu công nguyên qua lời Chúa Giê Su công bố “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời (con trời)” (Ma-thi-ơ 5:9). Con trời qua lời Chúa trong Kinh Thánh là một người bình dân khác với “Con Trời” của thế gian đó là kẻ có quyền hành cao tột bực và thuộc hạng quyền quí cao sang. Con trời theo lời Chúa là người trung gian làm cho nhân loại hòa thuận với Đức Chúa Trời. Chúa Giê Su được gọi là con trời và Ngài là con người đem tình yêu thương đến cho mọi người tại thế gian để nhân loại được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Làm cho mọi người hòa thuận với Đức Chúa Trời là vinh dự cao quý nhất.
Không phải tự nhiên ai cũng ghen ghét nhau, cũng không phải tự nhiên lại đi tìm người giải hòa. Yếu tố quan trọng trong việc làm cho người hòa thuận là hiểu biết lẫn nhau, vì vậy muốn làm cho người hòa thuận phải xây dựng sự hiểu biết. Trong gia đình thuận hòa êm ấm do nơi mọi người hiểu biết lẫn nhau, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thường hay cãi lẫy gây gổ, và những lúc ấy gia đình như địa ngục trần gian. Tuy nhiên vì không ai giúp đỡ xây dựng sự hiểu biết nên hiện nay rất nhiều gia đình luôn có mối bất hòa giữa những người thân trong nhà. Trong mối làm ăn giao dịch hai bên đối tác phải hiểu biết nhau rõ ràng bằng không dễ xảy ra nghi kỵ lẫn nhau để rồi tranh chấp và làm ăn thua thiệt. Theo nguyên tắc “hai bên cùng có lợi” giúp hai bên đối tác thương mại hiểu biết lẫn nhau rất dễ thành công vượt trội, nhờ nguyên tắc này các nhà kinh doanh tại các nước tiên tiến phát triển thành công việc thương mại hóa toàn cầu. Cuộc sống rất cần có sự quan tâm hiểu biết lẫn nhau để có thể có được một xã hội văn minh tiến bộ. Chính vì muốn mọi người hiểu biết mà Chúa Giê Su đã đến thế gian làm thay đổi thế giới trước hết là cho những người tin theo Ngài.
Xa-chê là trưởng ban thu thuế tại thành Giê-ri-cô và giàu có, nhưng không có ai yêu mến, cũng không ai thông cảm cho ông về nghề nghiệp thu thuế, trái lại người đương thời còn căm ghét ông vì ông làm công việc này tiếp tay với đế quốc La mã bóc lột đời sống dân chúng Do Thái. Chính bản thân của Xa-chê cũng biết như vậy và không giao thiệp với ai. Nhưng có một ngày người ta thấy sự biến đổi lạ lùng nơi Xa-chê khi ông tuyên bố với mọi người công khai: “Lạy Chúa, nầy tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư.” (Lu-ca 19: 8) Câu nói của Xa-chê đến ngày nay chưa ai dám mạnh dạn nói như vậy! Xa-chê đã làm cho mọi người hiểu biết tấm lòng của ông trước mặt Chúa Giê Su, đó là tấm lòng nhận biết sự cứu rỗi của Chúa Giê Su quý giá hơn tiền bạc của cải. Trước khi gặp Chúa ông là người ham tiền, ham danh lợi, và ky cóp để trở thành một người giàu có nhưng bất nhân. Với nghề nghiệp của ông mà làm đúng lương tâm nghề nghiệp thì không bao giờ trở thành người giàu có. Nhưng ông đã thay đổi hoàn toàn, ngay lập tức, không chờ đợi thời gian cho đến khi về hưu. Chúa Giê Su vào nhà của ông không coi ông như là người đáng khinh, Xa-chê đã được hòa thuận với Đức Chúa Trời nên Ngài đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Nếu Chúa Giê Su không đến thế gian giữa giai cấp của Xa-chê và quần chúng Do Thái là hai thế lực thù địch lẫn nhau, mặc dầu cùng là người Do Thái nhưng giữa Xa-chê và dân chúng nghèo khổ hoàn toàn không thể nào hiểu biết lẫn nhau. Nếu có một cuộc nổi loạn thì dân chúng sẽ hảm hại Xa-chê trước nhất vì ông không hề biết quan tâm đến kẻ nghèo mà chỉ biết sống trên xương máu dân nghèo. Nhờ có Chúa Giê Su đem sự cứu rỗi cho cuộc đời mà giữa người giàu và người nghèo đã xóa bỏ được những mâu thuẩn và lòng hận thù. Chúa Giê Su đã làm nhiệm vụ con trời giúp cho nhân loại hiểu được phương pháp thay đổi lòng người không cần dùng biện pháp mạnh.
Những môn đồ của Chúa Giê Su noi theo gương của Ngài mà làm cho mọi người hòa thuận khi họ bày tỏ lòng yêu thương nhân từ và hi sinh. Những môn đồ của Chúa Giê Su và những người tin theo Chúa Giê Su ngay trong những thế kỷ đầu tiên đã thể hiện những nét đặc thù của lòng yêu thương nhân từ và hi sinh qua cuộc sống trọn đời của họ. Con cháu, dòng dõi của họ cũng được khen ngợi là những con giòng cháu giống của những người hiền lành nhân đức. Hễ nói đến Cơ Đốc nhân là người ngoại đạo nể phục vì có những người Cơ Đốc hiền lành bước ra giữa đấu trường La Mã chịu cho sư tử, cọp beo vồ xé. Có những vỏ sĩ giác đấu chẳng thà hi sinh mạng sống còn hơn phải giết người khác thế mạng cho mình. Sự yêu thương và hi sinh của Chúa Giê Su trên thập tự giá cho họ thấy con trời là những người nhân từ chứ không phải là những con người ngang tàng, hung dữ. Làm cho người ta hòa thuận với Đức Chúa Trời chỉ có một con đường duy nhất là sống yêu thương và nhân từ, không ai có thể cảm hóa người khác bằng bản chất nóng nảy, hung ác hay gian manh xảo quyệt...Làm người cảm hóa người khác hay còn gọi là môn đồ hóa muôn dân phải là những người thật sự được Chúa cảm hóa chính bản thân người ấy trước nhất, phải là người hòa thuận với Đức Chúa Trời mới có thể hiểu được ý nghĩa của việc hòa thuận. Xa-chê đã được hòa thuận với Chúa trước hết qua việc mời Chúa vào nhà, tôn trọng Chúa và sau đó đã biết cách làm hòa với chính đồng bào của ông. Nếu ông chỉ mời Chúa vào nhà và tôn trọng Chúa với tư cách của một vị quan quyền chắc ông không thể nào tuyên bố “Vì người nghèo” hoặc cho dầu ông có tuyên bố “Vì người nghèo” chắc cũng chẳng có ai tin. Chúa Giê Su muốn cho mọi người được hòa thuận khi những Cơ Đốc nhân là những con trời hạ mình, một con trời có “thần thế, lộng hành” không thể nào giống được Chúa Giê Su. “Phước cho người làm cho người hòa thuận vì sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời.” Ma-thi-ơ 5:9.
Chúa nhật cuối năm âm lịch 2014
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|