Phước Cho Người Chịu Bắt Bớ Vì Sự Công Bình
Ma-thi-ơ 5:10
Năm mới là những bài học thực tiễn, bắt bớ mà Chúa Giê Su nói là chương trình huấn luyện đức tin của những Cơ Đốc nhân về sự chịu đựng để làm việc công bình. Chịu bắt bớ vì sự công bình đối với nhiều người tưởng rằng đó là điều đau khổ, sỉ nhục, cực hình, đau đớn vì ai cũng nghĩ đến những điều buồn phiền, sợ hãi, lo lắng. Nếu như vậy làm sao Chúa Giê Su nói phước cho những người bị ngược đãi bắt bớ. Lời Chúa nói “Phước có nghĩa nói về điều tốt lành không phải tai họa. Phước lành thứ tám này Chúa mang đến sự công bình và nước thiên đàng cho những con cái của Ngài qua việc chịu bắt bớ như là thử thách rèn luyện đức tin để xứng đáng nhận phần thưởng lớn của Chúa trên trời.
Mức độ thử thách tùy thuộc vào chương trình luyện tập của Đức Chúa Trời dành cho từng người để chuẩn bị cho tương lai, không dựa trên đức tin con người theo như nhiều người nghĩ. Người trãi qua thử thách nhẹ nhàng do Chúa muốn sử dụng người ấy trong công việc đối nội, săn sóc cho những người có hoàn cảnh bình thường. Người được Chúa sử dụng cho công việc hầu việc Chúa với nhiều đối tượng thì những bài học sẽ phong phú hơn. Tuy nhiên lời Chúa bảo đãm rằng; “Những sự cám dỗ (thử thách) đến cho anh em chẳng có cám dỗ (thử thách) nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ (thử thách) quá sức mình đâu, nhưng trong cám dỗ (thử thách), Ngài mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (1Cô 10: 13). Khi Chúa chuẩn bị sử dụng Đa-ni-ên trở thành một nhân vật tôn cao danh Đức Chúa Trời cho toàn thể thế giới được biết thì ông được rèn luyện thử thách qua việc bị quăng xuống hang sư tử, nhưng suốt một đêm ở chung trong hang với bầy sư tử đói mà ông không hề hấn gì, nên ông đã từ dưới đáy hang trả lời cho vua Darius và quần thần của ông như sau: “Đức Chúa Trời tôi đã sai thiên sứ Ngài, và bịt miệng các sư tử, nên chúng nó không làm hại chi đếntôi, bởi tôi đã được nhận là vô tội trước mặt Ngài. Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì.” (Đa-ni-ên 6: 22). Qua thử thách mà một con cái Chúa làm những việc công bình cho đất nước bị hãm hại, mọi người tưởng rằng đó là tai họa nhưng trở thành một chiếu chỉ như sau: “Bấy giờ, vua Darius viết cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng ở khắp trên đất rằng: Nguyền cho sự bình an các ngươi được thêm lên! Ta ban chiếu chỉ rằng trong khắp miền nước ta, người ta phải run rẩy kính sợ trước mặt Đức Chúa Trời của Daniel; vì Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống và còn đời đời. Nước Ngài không bao giờ bị hủy diệt, và quyền Ngài sẽ còn đến cuối cùng. Ngài cứu rỗi và giải thoát, làm những dấu lạ sự lạ ở trên trời dướt đất, đã cứu Daniel khỏi quyền thế sư tử. Daniel cứ được thạnh vượng luôn trong đời vua Darius và Siru của nước Ba-tư.” (Đa-ni-ên 6: 25-28).
Phước của người bị ném xuống hang sư tử là không bị sư tử xé xác mà còn được phục chức lại cao trọng hơn, thịnh vượng suốt đời điều đó như lời Chúa Giê Su nói: “...Nước thiên đàng thuộc về những kẻ ấy.” Khi chịu bắt bớ vì sự công bình những người thuộc về Chúa không hề đau khổ, hay than vãn kêu than, oán trách ai vì biết rõ đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Đây là nguyên tắc của người sẽ nhận được phước và nhận được thiên đàng. Phao Lô và Si La là hai nhà truyền giáo trong lúc đi cầu nguyện họ thấy một người đầy tớ gái bị quỷ ám. Nhưng ngặt một nỗi là mặc dầu bị quỷ ám nhưng người tớ gái này lại bói khoa tài tình đem lại sự phát tài cho gia chủ. Khi Phao Lô và Si La cảm thấy tội nghiệp về tình trạng đáng thương của cô gái ấy nên cầu nguyện Chúa đuổi quỷ ra khỏi cô ta và quỷ đã bị trừ diệt. Cô gái này trở lại đời sống bình thường như bao cô gái khác thì tà linh của bói khoa cũng không còn xuất hiện nên chủ nhân của cô bất mãn vì bị mất quyền lợi. Chủ nhân người tớ gái này cùng nhiều người khác quay lại bắt Phao Lô và Si La đem đến trước chính quyền tố cáo: “Những người nầy gây rối loạn trật tự công cộng trong thành phố...” vì cớ đó nên Phao Lô và Si La bị xé áo ra trước công chúng, bị đánh nhiều đòn roi sau đó đem giam vào ngục tối. Tuy nhiên lời Chúa cho chúng ta thấy người công bình khi bị bắt bớ vu oan như vậy đã cư xử như thế nào? Vào khoảng giữa đêm Phao Lô và Si La vừa cầu nguyện, vừa hát ngợi khen Chúa. Những người bị bắt bớ làm sao có thể ca hát ngợi khen, nhưng những người chịu bắt bớ vì sự công bình lại có thể làm được điều đó. Điều chắc chắn mà người làm những việc công bình tin đó là họ được Đức Chúa Trời thêm sức ban ơn và sử dụng vào những mục đích công bình tiếp theo. Phao Lô và Si La nghe tiếng động đất, xiềng rớt khỏi tay, cùm rời khỏi chân và cửa ngục mở toang. Nhưng là người giúp việc cho sự công bình của Đức Chúa Trời nên hai ông không bỏ chạy trốn mà vẫn ở yên tại chỗ để giúp cho người cai ngục thoát tội chết mà còn đem lại sự cứu rỗi cho cả gia đình người cai ngục này.
Phước của người bị bắt bớ, vu oan, đánh đập, bị giam cầm hành hạ do nơi làm những việc công bình là mang lại niềm vui cho mọi người và cứu rỗi cho chính kẻ thù của mình. Đây là Thiên đàng phước hạnh của những người làm theo lời Chúa.
Chúc mừng năm mới 2015
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: KHÔNG SỢ BỆNH TẬT KHI CÒN HI VỌNG
:: ƠN CỨU RỖI THA TỘI
:: Làm Điều Chân Chính
:: Hãy Đến Xem
:: Làm Sao Chúa Biết?
|
|