Hội Thánh Là Một Gia Đình

Trước hết, là một gia đình, Hội Thánh phải là một nơi tràn ngập niềm vui tươi mới. Nếu bạn hỏi tôi, “Đâu là đặc điểm quan trọng nhất của một gia đình tốt?” thì câu trả lời của tôi sẽ là, “Hạnh Phúc”. Trên hết tất cả mọi thứ, gia đình phải là một nơi người ta muốn đến và ở lại. Và nếu quả thật như thế thì đó phải là một nơi chất chứa niềm vui.

Tôi nhận thấy gia đình phải là một nơi có kỷ luật, nhưng kỷ luật là nhằm đem đến hạnh phúc. Gia đình phải là một nơi có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm là cần thiết để mang lại hạnh phúc. Gia đình phải là một nơi có sự tôn trọng, và sự tôn trọng là thiết yếu để tạo nên hạnh phúc. Gia đình phải là một nơi có tình yêu thương, vì yêu và được yêu là hai yếu tố không thể thiếu để dẫn tới hạnh phúc. Gia đình là một nơi có sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, những người biết chăm lo cho nhau là những người hạnh phúc. Vì thế, nếu gia đình là một nơi hạnh phúc thì nhất thiết nó phải là một nơi có kỷ luật, trách nhiệm, sự tôn trọng, tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau.

 

Vậy nên, nếu Hội Thánh là gia đình của Đức Chúa Trời thì nó cũng phải là môt nơi tràn ngập tiếng cười, một nơi vui vẻ và là một nơi người ta muốn đến gia nhập. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Ở nhiều nhà thờ, các Mục sư nói bằng một giọng to như quát tháo trên tòa giảng khiến bạn có cảm tưởng bầu trời sắp sập đến nơi; ngược lại Hội chúng hát thì hát với một nhịp điệu chậm chạp đến nỗi tiếng nhạc nghe giống như ở lễ tang; gương mặt các tín hữu thì lạnh lùng và chẳng có chút thân thiện nào.

 

Một thanh niên mới đây nói với tôi là anh nhóm ở một nhà thờ nọ gần cả năm và không một ai ở đấy nói với anh một lời nào. Anh điền vào phiếu dành cho người mới đến bốn lần nhưng từ Mục sư cho đến ban trị sự hoặc là một tín hữu trong Hội Thánh, không ai gọi điện, viết thư hay đến thăm anh dù chỉ một lần. Liệu một gia đình có thể là một nơi hạnh phúc chăng nếu những người khách không được tiếp đón hoặc tại nơi đó người ta không nói chuyện với nhau ? Vẫn có những nhà thờ là nơi xảy ra nhiều mâu thuẫn và xung đột. Các tìn hữu thường xuyên cãi nhau vì những chuyện vặt vãnh. Không ai muốn làm  thành viên của một gia đình luôn luôn có sự xào xáo, than phiền và cãi lẫy.

 

Chúng ta có thể không đồng ý với nhau nhưng không nên gắt gỏng trong cách nói. Chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến khác nhau nhưng không nên tranh cãi gay gắt. Nếu chúng ta là gia đình của Chúa thì chúng ta phải là những người cùng sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Phẩm chất quan trọng nhất của một Hội Thánh tăng trưởng đó là tình yêu thương và sự vui mừng luôn chào đón những ai bước qua ngưỡng cửa nhà thờ. Không có những bức tường ngăn cách hay những khuôn mặt giả tạo, hoặc trơ như đá; mọi người đều sẵn sàng mang lấy gánh nặng cho nhau. Tại nơi đó, lòng yêu thương của Mục sư được bày tỏ, được đón nhận và được đáp trả. Đó thật sự là một nơi hạnh phúc.

 

Tác giả Thi Thiên đã nói, “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng : Chúng ta hãy đi đến nhà Đức Gie-hô-va” (Thi Thiên 122:1). Hội Thánh sẽ không giống như một gia đình và sẽ không tăng trưởng trừ phi những người trong Hội Thánh nói được như vậy. Hội Thánh, nếu là một gia đình, thì cũng phải như vậy. Đó là một chỗ mà “bạn hảnh diện.” Đó sẽ là một nơi có niềm hy vọng, sự chữa lành và sự xác nhận; một nơi mà mọi người đều biết mình có một chỗ và không phải lo lắng về con người xấu của mình. Nhờ Đức Chúa Giê-su, mọi người đều có được một chỗ trong gia đình của Đức Chúa Trời. Con người có thể dựng lên những rào cản nhưng Chúa Giê-su thì không bao giờ. Lời mời gọi cuối cùng trong sách Khải Huyền là một lời mời dành cho mọi người đến và dự phần, “Thánh Linh và vợ mới cùng nói: Hãy đến ! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: “Hãy đến ! Ai khát, khá đến; Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không” (Khải huyền 22:17).

 

Một thời gian trước đây, một phụ nữ tôi biết đang hấp hối vì căn bệnh ung thư đã gọi người cháu trai kêu bằng dì đến bên cạnh. Cậu đã quay lưng lại với Hội Thánh và với Chúa. (Và, nhân tiện, tôi cũng muốn nói rằng, nếu bạn quay lưng lại với Hội Thánh tức là bạn đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời). Bà có một mối quan hệ đặc biệt với cậu thanh niên ấy và muốn nói lời cuối cùng với cậu ta. Bà đã nói rằng, “Con trai của ta, con hãy bám chặt vào Hội Thánh, vì khi con không còn gì cả thì Đức Chúa Trời vẫn nắm chặt lấy con.”

 

Đó cũng chính là những gì tôi muốn nói với bạn. Hãy khắng khít với Hội Thánh, vì khi bạn mất hết tất cả thì Hội Thánh vẫn ở lại bên bạn. Đó là gia đình thuộc linh của bạn.

 

Cuối cùng, mọi điều bạn yêu mến sẽ tuột khỏi tay bạn. Đó chỉ là vấn đề về thời gian. Gia đình, hôn nhân, tiền bạc, con cái, bạn bè - tất cả đều sẽ chết hoặc sẽ mất hết. Tôi muốn nhấn mạnh tất cả đều sẽ qua đi ngoại trừ mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời là không bao giờ mất. Ấy là một sản nghiệp, một thực tế không gì có thể lay chuyển. Và đằng sau mối quan hệ của chúng ta với Chúa là mối quan hệ của chúng ta đối với Hội Thánh, là gia đình của Đức Chúa Trời.

 

                                                                   ( Hoàng Phong sưu tầm từ Internet )

Các bài khác :: Thiết Tha Cầu Xin
:: Cầu Nguyện Chung
:: Hiệp Một Cầu Xin
:: Cộng Đồng Biến Đổi
:: Biết Chắc Sự Ban Cho Của Chúa

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi