Nhà Cầu Nguyện

 

 NHÀ CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là cách bày tỏ niềm tin, lòng thành thật, ước muốn, nguyện vọng qua lời nói của con cái Chúa đến với Ba ngôi Đức Chúa Trời. Sự cầu nguyện thật luôn được linh nghiệm, nhiều phép lạ xảy ra, gia đình hạnh phúc, tâm linh con cái Chúa được vững mạnh, Hội Thánh được phát triển. Cầu nguyện phát huy mối giao thông giữa các tín hữu với Chúa trên trời thêm gần gũi, gắn kết như một gia đình. Chúa Giê Su vào đền thờ Jerusalem đã công bố: “Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện.” Các sứ đồ nhóm họp tại tư gia cầu nguyện: “Người suy nghĩ lại điều đó, rồi đến nhà Ma-ri…là nơi có nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện.” Công Vụ 12: 12.  Trong nhà chỉ có vợ chồng, Chúa phán “Nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin bất cứ việc gì, Cha ta ở trên trời sẽ cho.” Ma-thi-ơ 18: 19.

 Nhà cầu nguyện không phải chỗ giảng dạy như nhà thờ, không dâng hiến, có thể hát thánh ca mà không cần nhạc cụ. Chúa Giê Su cùng các môn đồ hát thánh ca sau khi ăn bữa tối cuối cùng trên phòng cao tại nhà riêng của một môn đồ, trước khi Ngài lên thập giá: “Khi đã hát thơ thánh rồi, Đức Chúa Giê Su và môn đồ đi ra mà lên núi Ô-li-ve.” (Ma-thi-ơ 26: 30).  Những nhà riêng dành cho Chúa ở cùng thật ấm áp tình yêu, nhiều nhà tín hữu ngày nay có câu khẩu hiệu treo trên tường: “Chúa Giê Su là chủ nhà này, là khách vô hình dự mỗi bữa ăn, là Đấng im lặng nghe mọi lời nói.” Dựa theo lời Kinh Thánh sách Ma-thi-ơ 18: 20. Nếp sống hàng ngày của các tín hữu đầu tiên là “Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng.” (Công vụ 2: 46-47)

Nhìn vào câu Kinh Thánh trên đạo Tin Lành ngày nay khác với Hội Thánh đầu tiên vì chỉ còn giữ lại mấy chữ “Chăm chỉ đến đền thờ” còn lại toàn bộ tất cả những chữ khác đều biến mất khỏi sinh hoạt của Hội Thánh. Những lời ghi chép của các sứ đồ như: “Ngày nào cũng vậy…ở nhà bẻ bánh dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng.” không còn thấy trong nhà thờ. Những “Nhà Thần Học” hay các “Nhà giải kinh” giải thích câu “Ở nhà bẻ bánh dùng bữa chung với nhau” là cách tổ chức lễ tiệc thánh giống như bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê Su. Thực ra đây là cách tổ chức gia đình của các tín hữu, nhà riêng của họ thực hiện như “Nhà cầu nguyện”, nơi đọc lời Chúa và yêu thương lẫn nhau để sống “Tốt đạo đẹp đời”.

Câu Kinh Thánh Công Vụ 2: 46-47 nói về hai bổn phận  thờ phượng Chúa mà các tín hữu đầu tiên thực hiện thật tốt và đầy phước hạnh: Một là  “Chăm chỉ đến đền thờ”, hai là “Ở nhà”. Ngày nào cũng như ngày ấy, bẻ bánh ăn chung với nhau tại nhà. Chúng ta thấy sinh hoạt tư gia của Hội Thánh ban đầu rất yêu thương. Trong những bữa ăn họ biết chia sẽ cho nhau từng miếng bánh, từng ly nước cho từng thành viên trong gia đình của mình. Một trong những phong tục của người miền Bắc đến nay vẫn còn duy trì và rất lịch sự đó là khi mọi người trong gia đình ngồi vào bàn ăn đều không quên nói “Xin mời xơi cơm”. Nhà riêng của các tín hữu khó qua mắt những người ngoại đạo, những người láng giềng chung quanh luôn luôn suy nghĩ tốt về những người “Theo đạo Tin Lành” chính vì vậy trong những nhà của tín hữu nếu không quan tâm đến nhau lại còn thiếu tình yêu thương, hàng xóm láng giềng đều chê cười và việc làm chứng tốt về danh của Chúa trở nên vô ích. Người tín hữu ngày nay không chỉ có bổn phận “Chăm chỉ đến đền thờ” mà còn có bổn phận tại tư gia.

Ngày nay để phục hồi bổn phận yêu thương ở nhà riêng các tín hữu, mọi việc đều đến từ cầu nguyện. Mỗi nhà có thể xin Chúa và hứa với Chúa nhà riêng của mình sẽ là “Nhà cầu nguyện”. Ai nấy trong nhà đều trung tín mỗi ngày hiệp nhau lại cầu nguyện và đọc Kinh Thánh theo giờ giấc mà mọi người đều có mặt. Trong thời buổi công nghiệp nhiều gia đình đều bận rộn, giờ giấc đi lại đều khác nhau, nhưng nếu có một người chịu đứng ra làm “Giám Đốc” sẽ nghiên cứu giờ giấc thích hợp và điều hành giờ cầu nguyện trung tín cả năm. Người làm “Giám Đốc” là người được Chúa chúc phước nhiều nhất, có đức tin mạnh mẽ nhất và có tình yêu lớn nhất trong nhà.  Việc điều hành “Nhà cầu nguyện” trung tín như vậy chẳng bao lâu nhà đó sẽ thấy “Ơn phước Chúa ban không chỗ chứa” và mọi người khác trong nhà sẽ nhìn thấy hạnh phúc lây lan. Chúa đổ đầy khắp trong nhà và mọi thành viên trong gia đình theo nhiều lời Chúa hứa. Phục Truyền 28: 8 “Đức Giê Hô Va sẽ khiến phước lành ở cùng ngươi tại trong vựa gạo và trong các công việc của ngươi; Ngài sẽ ban phước cho ngươi trong xứ mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi.”   

“Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.”  Hê-bơ-rơ 10: 25. Lời Chúa bảo hãy siêng năng kêu gọi người nhà mình nhóm lại hàng ngày để lúc Chúa trở lại không ai bị bỏ quên. Việc nhóm hiệp gia đình lại trong cùng một đức tin và cầu nguyện trước ngày Chúa trở lại không nên bỏ qua. Muốn thật hết lòng.

                                                                        Mục sư Nguyễn Quốc Dũng 

      

Các bài khác :: Thiết Tha Cầu Xin
:: Cầu Nguyện Chung
:: Hiệp Một Cầu Xin
:: Cộng Đồng Biến Đổi
:: Biết Chắc Sự Ban Cho Của Chúa

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi