Kẻ Ở Người Đi
KẺ Ở NGƯỜI ĐI
Cuộc đời chẳng khác vở bi hài kịch. Bốn mươi năm về trước những thuyền nhân ra đi tìm cuộc sống mới coi như không có ngày về, những người thân yêu chia tay nhau lệ ướt bờ mi. Hai mươi năm sau, những cuộc chia tay với những dòng bà con đưa tiễn người thân đoàn tụ nước ngoài đông nghẹt tại phi trường với những nụ cười rạng rỡ trên môi. Bước sang thế kỷ 21 chuyện ra đi hay ở không còn là đề tài thời sự nóng bỏng, mọi việc trở nên bình thường. Những người xưa cũ ra đi giờ trở lại, những thế hệ trẻ mơ ước tương lai lại ra đi. Nhưng trong đời có cảnh chia ly mà không ai tin có bao giờ gặp lại, trong khi lời khuyên của Chúa Giê Su từ bao đời nay mọi người rồi sẽ gặp lại nhau. Những người gặp lại nhau sẽ không còn xa nhau, thời kỳ đó sắp đến khi lời Chúa ứng nghiệm.
Thiên đàng và hỏa ngục đối với con người dường như không có thật vì con người cho nơi ấy quá xa xôi. Chỉ có người đi mà không có ai về, thiên quốc hay hỏa ngục trong tâm trí con người giống như những nhà thiên văn nói về một ngôi sao cách xa trái đất hàng tỷ năm ánh sáng. Những người ngày xưa khi mất đi không ai còn thấy mặt ra sao, nhưng ngày nay những người chết rồi vẫn còn hát còn nói bình thường. Mỗi khi xem lại những bài nhạc trên Youtube của nữ ca sĩ Ngọc Lan, Nhạc sĩ Văn Cao, Nhạc sĩ Phạm Duy có ai nghĩ rằng những người ấy đã chết rồi đâu. Điều này chứng tỏ một bước văn minh trong đời sống nhân loại mà ngày nay khác với ngày xưa rất nhiều. Con người vẫn còn thấy nhau qua hình ảnh lưu lại trong kỷ thuật số. Vậy tương lai con người còn thấy nhau qua điều nào khác chăng? Thật thú vị khi ngày nay những người yêu thích khoa học viễn tưởng có thể xem những bộ phim chiến tranh giữa các vì sao mà trong đó con người có thể di chuyển bằng tốc độ ánh sáng, con người mới thấy ở đây, thoạt biến đến chỗ khác theo tốc độ ánh sáng. Nếu một ngày nào đó việc này trở thành hiện thực thì những người nhà quê sẽ lên tiếng thế giới này đảo lộn hết rồi. Lúc ấy ai có đi đâu mặc kệ, còn họ vẫn bảo thủ với những quan niệm truyền thống và vĩnh viễn chịu mọi thiệt thòi không gì lay chuyển.
Chúa Giê Su đem đến ánh sáng mới cho mọi người về cuộc sống: “Vì Đức Chúa Trời chẳng tiền định cho loài người bị hình phạt nhưng cho sự giải cứu, thông qua Chúa Giê Su Christ. Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ đều được đồng sống với Ngài.” I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 9-10. Sống bằng thân thể giống Chúa đó là thân thể phục sinh mà Kinh Thánh mô tả. Ngài hiện ra trong phòng đóng kín cửa có các môn đồ đang họp mặt, hay Ngài thoạt biến mất sau khi đi một chặng đường dài trò chuyện với hai môn đồ tại làng Em-ma-út, đến khi ngồi vào bàn ăn lúc Chúa bẻ bánh ra hai môn đồ này không thấy Ngài đâu. Thân thể Chúa Giê Su còn làm ngạc nhiên cho hàng trăm người đứng ngắm xem lúc Chúa thăng thiên tại làng Bê-tha-ni. Chúa Giê Su ra đi để các môn đồ ở lại trong tinh thần phấn khởi vì được Chúa cho tận mắt chứng kiến những điều quá sức tưởng tượng. Đó là điều làm nên sự kỳ diệu của một Hội Thánh được kết hợp lại trong tấm lòng vâng phục chờ đợi Thánh Linh hiện ra tại thành Giê-ru-sa-lem mà họ không hề sợ hãi quyền lực bắt bớ của thế lực Do Thái giáo hay quân đội La mã vừa mới đóng đinh Chúa của họ trên thập tự giá.
Những người có thân nhân ra đi đều khóc lóc đau thương, nhưng các môn đồ thân yêu của Chúa Giê Su sau khi Ngài thăng thiên họ hợp nhau lại cầu nguyện và yên lặng đợi chờ điều kỳ diệu về Thần Linh mà Cha đã hứa ban cho họ. Tấm lòng của các môn đồ thật sự mong chờ Chúa Thánh Linh như là họ đang mong chờ Chúa Giê Su trở lại. Không ai bàn bạc gì về cách sẽ tổ chức Hội Thánh tương lai ra sao, không ai cãi lẫy với nhau về thần học hay giáo điều…Tất cả đều hiệp chung nhau cầu nguyện trong sự yên lặng thật lạ thường trên phòng cao. Sự yên lặng cầu nguyện của họ trong mười ngày chẳng khác nào đoàn quân Israel khi đi vòng quanh thành Giê-ri-cô trong bảy ngày chờ cho đến lúc Giô-suê bảo họ hãy la lên lúc ấy bức tường thành Giê-ri-cô mới đổ xuống. Trong Hội Thánh ban đầu sau khi Chúa Giê Su ra đi không có gì xào xáo cũng không ai tỏ lòng khóc thương la hét, mọi người đều bình an như lời Chúa đã căn dặn họ “…Ta ban cho các ngươi sự bình an chẳng giống như sự bình an của thế gian cho, lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” Giăng 14: 27. Ngày nay trong những giờ phút sau rốt lúc Chúa Giê Su sắp trở lại ai nấy cũng đang trông chờ, nhưng Ngài mong Hội Thánh trông đợi Ngài như các môn đồ ngày xưa, yên lặng và hiệp chung nhau cầu nguyện chờ đợi điều Chúa Giê Su đã hứa, điều gì đến sẽ phải đến.
Ngày xưa người ra đi dường như đi biền biệc, phương tiện liên lạc không có, thư từ gửi đi hàng tháng sau mới nhận được, có khi thư đến mà người gửi thư không còn trên đời. Thế nhưng với phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay mọi người mất đi cảm giác xa cách những người thân yêu cách lạ lùng. Những đứa con du học nơi phương xa nhớ nhà chỉ cần mở mạng Internet kết nối Facetime hay vào Messenger của Facebook vừa nói chuyện vừa khoe chuyện ở xứ xa. Dù hai phương trời xa cách nhưng nhiều cặp tình nhân nhờ iPhone, iPad, v.v… cảm giác họ dường như ở bên cạnh nhau. Những điều này xuất phát từ các kỹ thuật gia, các khoa học gia Cơ Đốc, những người tin kính yêu Chúa đã rút ra kinh nghiệm về lòng yêu Chúa. Họ biết rằng tình yêu và khoảng cách không phải là vấn đề quan trọng khi mọi người được nghe tiếng, thấy mặt nhau hàng ngày. Con cái Chúa ngày xưa hay ngày nay đều chuyện trò với Chúa giống như con cái phương xa hay những đôi lứa yêu nhau nói chuyện trên Internet. Có người nói chuyện với Chúa chỉ nghe tiếng như Môi Se, Sa-mu-ên, Đa-ni-ên.v.v…Nhưng có những người nói chuyện với Chúa mà thấy mặt Ngài đối mặt như các môn đồ đi theo Chúa trong hơn ba năm qua các làng mạc của xứ Do Thái. Chúa Giê Su nói với Phi-líp như sau: “Hỡi Phi-líp ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta tức đã thấy Cha.” Giăng 14: 9. Những điều mà nhân loại thừa hưởng ngày nay đều đến từ sự ban cho của Đức Chúa Trời là Đấng vẫn liên lạc với con cái của Ngài qua những lời trong Kinh Thánh và những giờ phút yên tĩnh cầu nguyện giao thông giữa con người với Chúa trên trời.
Người đi kẻ ở tạo nên những thiên tình sử trong văn chương thơ phú, âm nhạc, nghệ thuật nhưng tuyệt đối không có trong lòng những con cái Chúa Giê Su. Cơ Đốc giáo không tạo ra những con người thất vọng nhưng luôn hướng mọi người đến hi vọng. Niềm tin nơi Chúa Giê Su chẳng những cứu rỗi linh hồn mà còn đem lại sức mạnh tâm linh cho người đau khổ. Nhờ có Thần Linh của Chúa con cái Ngài có sức mạnh tâm linh, điều đó giúp cho Cơ Đốc nhân khắp nơi trên thế giới có niềm vui thêm hơn trong lúc mong đợi Chúa mau trở lại như lúc Ngài lên trời vậy.
Kỷ Niệm Chúa Thăng Thiên 2017
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: Thiết Tha Cầu Xin
:: Cầu Nguyện Chung
:: Hiệp Một Cầu Xin
:: Cộng Đồng Biến Đổi
:: Biết Chắc Sự Ban Cho Của Chúa
|
|