Hiệp Một Cầu Xin
HIỆP MỘT CẦU XIN
Kinh Thánh Mác 2: 1-13
Người xưa nói ba bà họp lại thành cái chợ, trong những công ty xí nghiệp chín người có mười ý. Còn trong nội bộ các tôn giáo ngày nay lập ra đủ thứ lễ nghi, khiến cho người ngoài nhìn vào như “Mê cung”, không ai biết đúng sai cũng như không thể đếm hết các giáo phái hiện đang có trên thế giới. Chúa Giê Su không lập ra tôn giáo nào vậy mà ngày nay có người tự nhận là môn đồ, là giáo chủ của tôn giáo do Ngài lập ra? Chúa Giê Su nói rằng “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước Thiên đàng đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4: 17). Các sách phúc âm và thư tín của các sứ đồ đều nói đến niềm tin của người theo Chúa không hề gây chia rẽ, hay lập bè kết đảng. Mọi người tin Chúa đều hiệp một cùng nhau trong đức tin, trong Hội Thánh vô hình không có biên giới hay một nhân vật nào làm lãnh tụ. Hội Thánh là sự hiệp một, nơi nào có sự hiệp một nơi đó có phép lạ, có quyền năng của Chúa dầu chỉ có đôi ba người. (Ma-thi-ơ 18: 19).
Con cái Chúa được nhìn thấy những phép lạ mà Chúa làm trên đời sống sau khi tin nhận Chúa: Chịu báp têm, siêng năng học lời Chúa, đời sống đổi mới.v.v... Không khó nhận ra quyền năng cứu rỗi ở những nơi có Chúa ngự, và cũng dễ dàng nhận thấy những bê bối, lộn xộn ở những nơi tổ chức con người lập ra. Bốn người bạn khiêng người bệnh bại đến cùng Chúa Giê Su không nản lòng bỏ cuộc bởi nhiều người đang tập hợp quá đông chung quanh Chúa Giê Su mà sách Mác 2: 1-13 có thuật lại. Nhà hội nơi Chúa đang giảng đạo có rất đông người tập trung nghe giảng đạo, không còn chỗ trống nơi lối ra vào. Họ cố len vào nhưng không được, họ xin một con đường để đưa người bại vào nhà không ai cho. Đây là nhà người Do Thái lập ra để dạy luật pháp Cựu Ước, có những thầy thông giáo hay những thầy dạy luật mỗi ngày thứ bảy (Ngày Sa bát) đến nơi đó giảng dạy cho dân chúng. Chúa Giê Su cũng đến đây giảng dạy trong ngày Sa bát, nhưng khác với các thầy thông giáo và thầy dạy luật, ngoài việc giảng về nước Trời, Chúa Giê Su còn thương xót con người qua việc chữa lành cho những người hoàn toàn bất lực trước bệnh tật.
Bốn người khiêng người bệnh bại trên chiếc cáng mang đến nhà hội nhưng không thể vào được. Ở dưới đất không có lối vào nên họ đã khiêng người bại lên nóc nhà, loại nhà nóc mái bằng của người Do Thái, có cầu thang bên ngoài đi lên. Quá trình mở nóc nhà để tạo ra được lổ trống dòng chiếc cáng của người bại xuống chỗ Chúa Giê Su quả thật là một kỳ công. Chỉ có sự hiệp một của người thân hay bạn bè thương mến người nầy lắm mới làm một công việc rất khó nhọc đòi hỏi nhiều hi sinh, mất thời gian, công sức và sự hiệp lực của bốn người bạn này bỏ ra. Bốn người bạn quyết tâm chuyển chiếc cáng từ nóc nhà xuống đến trước mặt Chúa Giê Su vì tin tưởng cách quả quyết chỉ có Chúa mới chữa lành bệnh bại mà thôi. Tuy nhiên nếu có một người trong bốn người này không tin thì sẽ ra sao? Xưa nay chưa từng có người bại nào đứng dậy vác chiếc cáng mà mình đã nằm đó lên vai mà đi bao giờ! Chỉ cần một người không tin, công việc dòng chiếc cáng người bại đến trước chỗ ngồi của Chúa Giê Su không thể nào thực hiện. Nhưng tất cả đồng tâm hiệp một nhờ vào đức tin nhìn xem Chúa và tình yêu thương họ dành trọn cho người bạn đang nằm liệt đã lâu mong được chữa lành. “Chúa Giê Su thấy đức tin của họ bèn nói với người bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi con đã được tha.” Mác 2: 5. Chúa Giê Su nhìn thấy đức tin qua hành động của họ, và Ngài chữa lành bệnh qua việc tha thứ tội. Người bại này mang bệnh bại liệt lâu ngày nhưng không biết căn nguyên của bệnh, người bại cứ nằm một chỗ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt bất lực. Thật đáng thương khi tội lỗi làm tê liệt mọi hoạt động của cơ thể, cho nên Chúa Giê Su cởi trói cho người bại này bằng lời tuyên bố “Tội lỗi con đã được tha” rồi sau đó Ngài mới bảo người ấy “Hãy đứng dậy, vác chiếc cáng ngươi nằm đó đi về nhà đi.” Ngay lập tức người bệnh bại đứng dậy, xếp chiếc cáng đặt lên vai, đi ra khỏi nhà trong lúc đám đông đứng trố mắt nhìn và xì xào bàn tán về phép lạ mà họ vừa chứng kiến ngay trước mắt.
Sự cầu xin hay cầu nguyện rất linh nghiệm khi có nhiều người hiệp một. Trong thư Gia Cơ có đề cập đến việc cầu nguyện linh nghiệm khi người bệnh mời các “Trưởng lão” đến hiệp một xức dầu cầu nguyện, Chúa sẽ chữa lành cho người bệnh. (Gia cơ 5: 14). Những người được mời chữa bệnh trong Hội Thánh phải là những “Trưởng lão” – Thuật ngữ chỉ về những người được Chúa xức dầu, ban nhiều ơn, có đức tin mạnh mẽ trong những ân tứ và quyền năng mà Chúa ban cho hầu việc Chúa. Sự hiệp một này khác với bốn người bạn đem người bại đến cho Chúa. Bốn người bạn của người bệnh bại nầy trước khi được chữa lành là những người ngoại đạo, nhưng nghe nói về quyền năng chữa lành bệnh của Chúa nên hiệp nhau giúp đỡ. Người bệnh trong thư tín Gia Cơ 5: 14 nói đến là các tín đồ trong Hội Thánh chẳng những biết mình bệnh tật mà còn biết rõ về tội của mình phát sinh ra bệnh tật. Người bệnh tin lòng yêu thương, sự hiệp một trong vòng những người được Chúa xức dầu nên mời đến nhà để xức dầu cầu nguyện và xưng tội ra, kết quả là bệnh tật sẽ lành và tội lỗi được tha. Nhiều người trong Hội Thánh tưởng rằng tội lỗi phát sinh bệnh tật, nhưng không thấy Chúa Giê Su cứu người ra khỏi bệnh tật bằng việc tha thứ tội cho họ. Cho nên trong Hội Thánh nếu có những lý thuyết bắt mọi người đang bệnh tật phải thú nhận mình đã phạm tội gì? Hay bắt buộc một ai phải ăn năn xưng tội rồi mới được cầu nguyện chữa bệnh đó là việc làm của “Anti-Christ”. Sự hiệp một cầu xin Chúa chữa lành bệnh luôn phát xuất từ tình yêu thương, lòng nhân ái hơn là nghi lễ đức tin của một tập thể nào đó gán một gánh nặng tội lên cho người đang trong cảnh bệnh tật yếu đau. “Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bệnh. Người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều.” Gia cơ 5: 16.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: Thiết Tha Cầu Xin
:: Cầu Nguyện Chung
:: Cộng Đồng Biến Đổi
:: Biết Chắc Sự Ban Cho Của Chúa
:: Phép Lạ Chữa Lành Bệnh
|
|