Cầu Nguyện Chung
CẦU NGUYỆN CHUNG
KT: Ma-thi-ơ 6: 1-15
Hạnh phúc khi cuộc sống có người yêu thương, những người cô đơn là người không có ai chia ngọt sẻ bùi. Tình thương của Chúa Giê Su dành cho loài người từ ngàn xưa đến ngày nay vẫn tồn tại khi con cái Chúa cùng rập ràng nói lên “Lạy cha chúng tôi ở trên trời.” Lời nói tôn trọng sự uy nghiêm của loài người dành cho Đấng cao cả từ trên cao nhưng vẫn như một người cha yêu thương nhân từ lắng nghe lời cầu nguyện của con cái Ngài. Khi con cái tôn kính cha trên trời người ấy sẽ không giống như người mê tín, thế gian giống âm phủ, cứ đến rằm tháng Bảy “Vu Lan Báo Hiếu” nhiều người nói: “Dương sao, Âm vậy” do đó phải cho người chết ăn, cho đồ mặc, cúng vàng đô-la, cho nhà cửa, và còn thêm những hình nhân gái đẹp xuống cõi âm phục vụ. Trên trời ngược với cõi âm, người về Trời không có ai lợi dụng, xem thường, và chữ danh Cha được tôn thánh nhắc đến ơn phước Chúa cho dòng dõi con cháu sống đạo đức, được kính trọng.
Nước cha được đến, ý cha được nên dưới đất cũng như trên trời! Nước Chúa vô hình không hiện hữu ở một nơi mà hiện rõ trong tâm trí hoặc tấm lòng, có thể trên đất nhưng cũng có khi ở trên trời cao. Nước Chúa được đến với lòng con người qua lời Chúa chỉ dẫn giúp đỡ, không nhờ Thánh Linh hướng dẫn không người nào có thể thấy được nước Chúa. Ý cha cũng vậy, nếu hỏi một người mới theo đạo, hay một người theo đạo lâu năm nhưng chẳng bao giờ cầu nguyện sẽ không bao giờ biết ý cha là gì. Nhưng nếu mọi người giao thông với Chúa hằng ngày qua lời cầu nguyện, suy ngẫm và hướng lòng về những điều thiện, chắc chắn người ấy sẽ thấy rõ ý muốn của Chúa và đường lối của Ngài, vì ý của Chúa sẽ được hiển hiện trong tâm trí hoặc tấm lòng. Những giờ phút Chúa nói, con cái Chúa nghe và hiểu ý, tất nhiên sẽ làm được những việc tốt lành ngay tại trần gian hay cả những việc lớn lao của Chúa trên trời.
Xin cho chúng tôi đồ ăn hằng ngày! Lời cầu xin của con cái Chúa bao giờ cũng chứa đựng niềm tin chân thật, Chúa muốn con cái Chúa dâng lên niềm tin trong lời cầu nguyện chớ đừng lo lắng. Thoát được tính tham lam sẽ không xin Chúa cho thật nhiều đồ ăn, không lo lắng chỉ xin Chúa cho đồ ăn hằng ngày. Lời cầu xin này giống với lời của con trẻ nói với cha mẹ vì muốn được tình thương hơn là muốn làm người lớn rồi có tiền trong tay, muốn ăn gì cũng được, không cần phải xin cha mẹ gì nữa. Có người hiểu lời cầu nguyện “Xin cho có đủ đồ ăn hàng ngày” vì ai biết ngày mai sẽ ra sao! Vậy thì tốt nhất xin Chúa cho đủ ăn hàng ngày, đủ dùng cho các nhu cầu sống mỗi ngày như vậy là quá hạnh phúc.
Xin tha nợ cho chúng tôi cũng như chúng tôi tha cho những kẻ mắc nợ với chúng tôi! Lời Chúa nhắc cho người cầu xin Chúa phải luôn biết trả nợ và biết ơn khi được tha nợ. Loài người nợ Chúa rất nhiều, nợ hơi thở, sự sống cần có máu huyết, quả tim giúp cho máu lưu thông, ý chí tình cảm cần có những dây thần kinh mạnh mẽ, kết nối với nhau.v.v… vì vậy tạ ơn Chúa mỗi ngày là cách xin Chúa tha nợ, đồng thời biết ơn Chúa để có thể vui lòng tha thứ cho những lỡ lầm của người khác và kết nối với nhau trong tình yêu thương để làm cho đức tin thêm mạnh mẽ. Bản dịch cũ “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi cũng như chúng tôi tha tội cho những kẻ phạm tội cùng chúng tôi” không được chính xác. Trong Chúa không ai tha tội cho ai, chỉ có Chúa mới có quyền tha tội.
Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác. Lời cầu xin này không có nghĩa xin Chúa cấm ma quỷ đừng cám dỗ con cái của Ngài nhưng xin Chúa gìn giữ con cái Chúa khỏi bị những sự cám dỗ lôi cuốn phạm tội. Một nhà thần học ví sánh sự cám dỗ như những con chim bay ngang qua đầu, khi chúng ta xin đừng để bị cám dỗ có nghĩa chúng ta được phép dùng những biện pháp ngăn không cho chim đáp xuống đầu chúng ta làm tổ. Nhiều người vì không tránh xa sự cám dỗ mà phạm vào những điều gian ác. Vua Đa Vít khi đi dạo trên nóc đền vua, tình cờ nhìn thấy Bat-sê-ba đang tắm, nhưng sau đó hình ảnh của người thiếu nữ xinh đẹp có chồng là tướng lĩnh của vua Đa-vít không được xua đuổi khỏi tâm trí ông, khiến ông phạm tội tà dâm với Bat-sê-ba, sau đó dẫn đến việc làm gian ác là giết chồng của bà này để hợp pháp hóa cho hôn nhân bất chính của ông. Trong lời cầu nguyện xin chớ để bị cám dỗ hàm ý là xin Chúa đừng để chúng ta có những tư tưởng bất khiết, tham muốn, hay bất cứ ý định xấu xa đen tối nào trong tâm trí. Nếu nhờ Chúa quăng xa những điều cám dỗ khỏi đầu óc chúng ta, thì tội ác mới không có cơ hội đi vào tấm lòng được Thánh Linh canh giữ.
Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về cha đời đời. A-men! Con cái Chúa hết sức biết ơn Chúa vì lời cầu xin của mình được Chúa đẹp lòng. Khi kết thúc lời cầu nguyện Chúa Giê Su nhấn mạnh đến ba điều hiệp lại là Nước! Quyền! Vinh hiển! không là của ai cả mà thuộc về Cha đời đời. Nước nào có Chúa, nước đó được phước lâu dài. Quyền nào do Chúa ban, quyền đó đắc thắng tội ác. Đức Chúa Trời không nhường sự vinh hiển cho bất cứ ai, vì vậy nếu chúng ta đã làm được những điều gì tốt và nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời chúng ta sẽ cùng đứng chung, hưởng chung sự vinh hiển với Ngài trong cõi đời đời của nước Thiên đàng vinh hiển. Chúa không thể nào quên những người đã vì nước quyền vinh hiển của Ngài. Chúa Giê Su nói: “Ta đến mau chóng và mang phần thưởng theo với Ta để trả cho mỗi người tùy theo việc của họ làm.” Khải 22: 12.
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: Thiết Tha Cầu Xin
:: Hiệp Một Cầu Xin
:: Cộng Đồng Biến Đổi
:: Biết Chắc Sự Ban Cho Của Chúa
:: Phép Lạ Chữa Lành Bệnh
|
|