Tạ Ơn Chúa Hội Thánh Baptist Công Bình
Chưa bao giờ tôi thấy thời gian qua nhanh như thế này. Mới ngày nào trong cơn hoạn nạn thử thách của chức vụ hầu việc Chúa tôi không có gì trong tay, mười năm trôi qua như gió thoảng mây bay. Ngày nay bởi ơn của Đức Chúa Trời mà tôi được phục vụ một bầy chiên thật tốt lành, yêu thương gắn bó cùng nhau đi đến đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh. Mỗi đời sống của một con chiên trong Hội Thánh Công Bình là phép lạ hoặc do tình yêu Chúa đã đem tất cả bầy chiên đến với Chúa Giê Su Christ và hầu việc Chúa trong các mục vụ đúng như lời Chúa nói: “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta quen nó và nó theo Ta.” Giăng 10: 27. Những điều phước hạnh và sống động mà tôi được nhận lấy không sao kể hết, tôi chỉ kể ra vài điều tiêu biểu sau đây:
Trước tiên phải nói đến đời sống thuộc linh của Hội Thánh. Hàn thử biểu để đo mức độ thuộc linh trong Hội Thánh là sự trung tín trong giờ nhóm họp của Hội Thánh. Nếu như một Hội Thánh lúc đông lúc vắng, lúc lên lúc xuống như thủy triều, Hội Thánh sẽ không được kể là có phước. Nếu vào dịp cuối năm âm lịch hay Tết nguyên đán nhà thờ vắng bóng bầy chiên, điều ấy cho biết bầy chiên chưa có cuộc sống ấm no. Nếu nhà thờ có số tín hữu vãng lai đông hơn số tín hữu cơ hữu điều này cho biết thực trạng sự hầu việc Chúa và lòng tin kính Chúa trong ngôi nhà thờ ấy chỉ là sơ giao, khách vãng lai không bao giờ là chiên trong bầy của Chúa, họ chỉ là những người “Cưỡi ngựa xem hoa” Tạ ơn Chúa bầy chiên tại Hội Thánh Công Bình trong suốt mười năm qua vẫn giữ sự ổn định trung tín trong sự nhóm họp đều đặn bình an mà không có một biến cố nào làm giảm bớt số tín hữu nhóm thờ phượng Chúa trong ngày thánh nhật. Có lúc ma quỷ đứng ngay giữa chợ ngăn trở đức tin của một ít người, rồi có những cơn sóng ngầm lay động căn nhà xây trên nền đá là Chúa Giê Su Christ, nhưng Chúa vẫn che chở bình an.
Biểu hiện thứ hai của một Hội Thánh phước hạnh là số người hầu việc Chúa và số tín hữu đi nhà thờ ngang bằng nhau. Nếu có một trăm tín hữu đi nhóm thì phải có năm mươi người phục vụ, làm việc thì Hội Thánh sẽ sống động và tràn đầy niềm vui. Mỗi một người gánh nặng thay cho một người, việc này thật dễ dàng hơn là một người phải cõng trên vai năm sáu người, hay phải dìu dắt cả chục người, làm sao Hội Thánh có thể tiến lên hay đi đường xa được. Nhìn lại Chúa ban cho những người đi nhóm thờ phượng trong mười năm qua phân nữa là những nhân sự công tác trong các mục vụ hoặc các ban nhóm nên không ai phải dìu dắt ai ngoại trừ những người mới tin Chúa cần có tôi tớ Chúa chăm sóc kỷ lưỡng để dìu dắt cho đến lúc trưởng thành trong đức tin. Việc hầu việc Chúa của nhân sự trong các mục vụ không có chồng lấn lên nhau. Một người phụ trách đãm đương công việc một mục vụ, có nhiều nhóm công tác nhưng không có ai chỉ đạo, có sự hiệp một phân công mà không cần phải có chức vụ trên dưới. Các con cái Chúa trong Hội Thánh Công Bình tự ý thức được trách nhiệm của mình để chỉ tham gia vào một mục vụ và làm trọn trách nhiệm ấy. Nhân sự không ai ôm đồm nhiều việc như “Ca sĩ chạy sô” lấy tiếng hay lấy tiền. Các mục vụ trong Hội Thánh không ai đụng chạm ai, vì “Ai ở riêng nhà nấy”, mục vụ nào có mục đích riêng của mục vụ ấy, công việc đã được Thánh Linh của Chúa “Lập trình” rồi không ai chen lấn, giành giựt công việc của nhau.
Biểu hiện thứ ba Hội Thánh không bao giờ thiếu thốn tài chính, nhân sự. Khi một Hội Thánh sa sút thuộc linh tài chính sẽ là một gánh nặng và nhân sự cũng không có. Trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh đều cần có các chi phí, tuy nhiên nếu tài chính trong Hội Thánh được sử dụng như một loại lương tiển, hay như là bổng lộc ban phát cho những người làm việc nhà Chúa, điều đó sẽ mất phước và mất ơn thiêng liêng. Nếu dùng tiền để trả công cho nhân sự mà một Hội Thánh có năm mươi người hầu việc Chúa sẽ cần có bao nhiêu cho đủ? Vì vậy một Hội Thánh mạnh mẽ là nhân sự vừa hầu việc Chúa vừa dâng hiến cho Chúa. Càng có nhiều người hầu việc Chúa thì ngân quỹ tài chính của Hội Thánh càng lên cao đó chính là dấu hiệu của một Hội Thánh trưởng thành và có kết quả. Lý do việc này là vì những người hầu việc Chúa trong Hội Thánh không phải vì tiền mà vì lòng biết ơn đối với những phước hạnh mà Chúa đã ban cho mỗi người trong cuộc đời, mà những ơn phước ấy luôn đầy đủ, đều đặn như một dòng sông nước chảy không ngừng.
Dấu hiệu thứ tư của Hội Thánh được phước hạnh của Chúa là những việc thuộc linh và những việc xã hội đều quân bình. Thập tự giá Chúa bị treo lên có hai chiều rất quân bình, chiều đứng dài hơn tượng trưng cho việc giao thông với Đức Chúa Trời, chiều ngang ngắn hơn tượng trưng cho việc giao thông giữa con người với nhau. Hình ảnh Chúa giang tay trên thập tự nói lên tình thương của Chúa dành cho tất cả mọi người không phân biệt ai. Từ ngày thành lập đến nay Hội Thánh Công Bình trong tinh thần yêu kính Chúa đã thực hiện được việc mở rộng vòng tay nhân ái đến với rất nhiều đối tượng trong xã hội, từ người khuyết tật cần một chiếc xe lăn, trẻ em đau yếu cần một chén cháo, bát cơm, các em học sinh nghèo cần một cuốn tập đi học, các em sinh viên cần có một khoản tiền nhỏ hổ trợ trong học tập, các em mồ côi cần có một số tiền nhỏ an ủi tinh thần hàng tháng, những người lao động xa quê được nghe một tiếng hát, một bản nhạc nâng đỡ tinh thần.v.v…Những việc làm này không sao kể hết và cũng không thể kể hết bao nhiêu kinh phí đã bỏ ra để thực hiện, nhưng Chúa ban cho các mục vụ trong Hội Thánh làm từ năm này sang năm khác mà không bao giờ thiếu hụt, không lạ gì năm cái bánh và hai con cá trong tay Chúa Giê Su cung cấp cho đoàn dân năm ngàn người ăn mà còn dư lại mười hai giỏ bánh đầy.
Ngày nay ai muốn hiểu về cách Chúa làm việc như thế nào xin hãy đến những giờ học Kinh Thánh và cầu nguyện của các mục vụ trong Hội Thánh Baptist Công Bình sẽ nhận thấy được quyền năng lớn lao của người hầu việc Chúa và biết cách dâng hiến cho Chúa. A-men!
Lễ Tạ Ơn Chúa 10 năm HTBT Công Bình
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: NHỜ SỨC TOÀN NĂNG CỦA CHÚA
:: MỖI NĂM CẢM TẠ VỀ NHỮNG ƠN PHƯỚC MỚI
:: Ơn Phước Vô Hạn Của Chúa (Phần cuối)
:: Ơn Phước Vô Hạn Của Chúa
:: Mục Vụ Biến Đổi Cộng Đồng
|
|