Niềm tin và văn hóa
NIỀM TIN VÀ VĂN HÓA
Gia Cơ 2:12 “Hãy nói và làm dường như phải chịu luật pháp tự do đoán xét mình.”
Ba tuần lễ xa vắng dự lễ tốt nghiệp Đại Học của con trai tôi tại Mỹ mà lòng tôi mong ước sớm được trở về để nói lên những tâm sự của mình qua chuyến đi này. Hiểu biết về niềm tin và văn hóa của Cơ Đốc nhân đối với cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ nói lên về sự tấn tới và sự thụt lui của giáo hội Tin Lành. Cơ Đốc nhân bất cứ nơi đâu đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhờ một câu nói của nhân vật quyền lực giáo hội tại Việt Nam nói với tôi: “Ông đi Mỹ được, Tôi không đi Mỹ được sao?” từ đó tôi hiểu ra niềm tin và văn hóa liên quan với nhau: Niềm tin và văn hóa yếu tố phát triển Hội Thánh ngày nay.
Tôi được dự phần hầu việc Chúa với ba Hội Thánh, hai Hội Thánh thuộc giáo hội Baptist tại San Fransisco và một Hội Thánh thuộc giáo hội C.M.A tại Atlanta. Các Hội Thánh này đều nhóm lại vào thời gian mà tại Việt Nam nắng đã lên cao. Giờ nhóm chính vào lúc 11 giờ, trước đó có giờ Trường Chúa nhật. Đời sống tín đồ rất vất vả và cố gắng làm việc để lo trả tiền nhà, tiền xe, tiền điện, tiền nước hàng tháng, thời giờ đối với tín hữu tại Mỹ là một thứ hàng hóa xa xỉ trong cuộc sống. Nhưng các tín hữu khi đã đi nhóm, họ có những giờ phút bên cạnh nhau rất vui vẻ và an ủi khích lệ. Đời sống càng khó khăn họ vẫn không mất niềm vui với những nụ cười hồn nhiên, mọi người có những giờ thông công học Kinh Thánh trong các gia đình trẻ với nhau cho dầu đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Cuộc sống con cái Chúa đang đi nhóm trong nhà thờ được yên ủi hơn những người ngoài Chúa rất nhiều. Các tín hữu cũ ngày xưa mà tôi biết thật tường tận về gia cảnh nay tôi gặp lại không còn ai nghèo khổ, nhiều người dư thừa tiền bạc đã bảo lãnh được thân nhân của mình sang sống trên đất nước mà mọi người bị “bắt buộc” phải lao động. Với một hoàn cảnh mọi người phải lo làm việc và nếp sống văn hóa tự lập nên không ai còn có giờ giấc cho rượu chè, ăn chơi. Nơi ăn chốn ở không còn có quán xá lề đường để tự do mua bán. Tất cả chỗ ăn uống tập trung vào một nơi, chợ búa vào một chỗ, cửa hàng dịch vụ ở một chỗ khác. Muốn đi ăn tiệm hay uống cà phê phải đi xa hàng chục cây số, muốn đi nhóm họp phải mất cả một ngày trời. Con cái lớn lên đến tuổi vào Đại Học tách rời khỏi cha mẹ gia đình mà vào ký túc xá tự lo liệu cho bản thân. Có những thanh niên thành đạt nhưng cũng có thanh thiếu niên hư hỏng, phần nhiều thanh niên chỉ đạt được mức sống trung bình. Với nhiều khó khăn trở ngại trong cuộc sống nên có những tín hữu Việt Nam không còn sốt sắng trong công việc Chúa, trách nhiệm và công việc đổ dồn lên những tôi tớ Chúa, những người hầu việc Chúa có tính hi sinh và sự nhu mì thật cao mới có thể giữ được Hội Thánh, chưa nói đến sự phát triển lâu dài.
Có thể nói con cái Chúa không một người nào không có xe hơi, không có nhà cửa rộng rãi, tuy nhiên những thứ này không phải là thứ phô trương khoe mẻ giàu có của tầng lớp thượng lưu ngoài xã hội, nhưng là phương tiện đi lại sinh hoạt của gia đình. Phương tiện giao thông nói lên nền văn hóa bình dân hiện đại không phân biệt sang hèn. Trong mỗi căn nhà, trong mỗi chiếc xe không thể thiếu máy lạnh, máy sưởi để cung cấp nhu cầu tối cần thiết bảo đãm cuộc sống cho mỗi người trong điều kiện thời tiết có những mùa rất lạnh lẽo cũng có mùa rất nóng bức. Nhờ các tiện nghi này mà cuộc sống con người yên tâm làm việc tạo ra của cải vật chất hay đi nhóm lại thờ phượng Chúa. Sinh hoạt tâm linh thật nhẹ nhàng, giờ nhóm dầu ngoài trời nắng gắt lúc ban trưa nhưng bước vào nhà thờ ai nấy đều cảm giác mát lạnh. Mùa đông ngoài trời lạnh rét nhưng tín đồ bước vào nhà thờ cảm thấy ấm ấp hưng phấn. Với điều kiện vật chất như thế nên Hội Thánh cũng mong ước và cần có những nhu cầu tâm linh giống như vậy hoặc cao hơn thế nữa. Trong xã hội hiện đại mọi nhu cầu đều thay đổi theo chiều hướng cấp tiến, nếu bài giảng của Mục sư vẫn luôn đơn điệu, không có gì cần phải suy nghĩ sâu xa, tín hữu mời Mục sư đi khỏi Hội Thánh. Sinh hoạt Hội Thánh tiếp sức cho tín hữu, các tín hữu dầu mỏi mệt vẫn hấp dẫn họ đến nhà thờ. Hội Thánh Sống Tin và Hi vọng tại San Jose có những sinh hoạt thờ phượng âm nhạc sống động được giới trẻ yêu thích, Mục sư quản nhiệm Hội Thánh, Kiều Tuấn Huệ có giờ truyền giảng trên đài phát thanh San Jose hàng tuần giúp cho nhiều người biết đến Chúa, bà Lan Võ chủ của tiệm ăn Danh Garden tại Jan Jose là một tân tín hữu mới tiếp nhận Chúa và gia đình bà hay tiếp trợ cho buổi ăn thông công trưa Chúa nhật tại nhà thờ. Tại Hội Thánh South Bay thuộc thành phố Los Angeles, ngày thứ Tư sau khi cầu nguyện xong tại nhà thờ, Ông Lê Văn Bi dẫn tôi đến thăm những ông bà lớn tuổi học vi tính do ông thư ký cũng đã già biết rành về vi tính hướng dẫn lại cho những người lớn tuổi khác chưa biết trong một căn phòng phía sau nhà thờ. Niềm tin của con cái Chúa trở nên năng động trong xứ sở có nền văn hóa năng động.
Một Hội Thánh tại Virginia không có Mục sư quản nhiệm, tín đồ trong Hội Thánh này kể với tôi hiện nay ở Mỹ có phong trào “Mục sư Trí Sự” thực ra đó là phong trào đua đòi bằng cấp của các Mục sư Việt Nam thích được xưng hô là “Mục sư Tiến Sĩ”. Hai chữ này viết tắt giống nhau “MS.TS.” Những vị Mục sư Việt Nam này không hiểu văn hóa xứ Mỹ, nếu xưng hô người ta chỉ gọi một trong hai hoặc là Mục sư hoặc là Tiến Sĩ không ai gọi “MS.TS.” Vì cớ hám danh nên xảy ra các trường hợp Mục sư có văn bằng Tiến Sĩ đòi phải có bổng lộc, lương hướng cao. Muốn mời Mục sư đến quản nhiệm phải như Hội Thánh lớn có nhiều tín đồ, còn Hội Thánh nhỏ đừng mơ tìm được một người chăn bầy chiên. Điều tất yếu xảy ra bầy chiên không có người chăn, còn Mục sư trở thành người hưu trí vì không ai dám mời. Đứng trước tình trạng tha hóa về danh, lợi, quyền hiện nay đã và đang làm cho Hội Thánh ngày càng thụt lùi trong xã hội, nhiều vị Mục sư không còn biết văn hóa, sỉ diện là gì mà chỉ biết đến bằng cấp, học vấn. Những người đua đòi bằng cấp không ai hiểu rằng việc học hỏi để có niềm tin vào lời Chúa và sống giống như Chúa cứu thế mới thật là người có văn hóa. Bầy chiên của Chúa không cần những người chăn thuê lúc nào cũng đòi hỏi bổng lộc cao, nhưng bầy chiên của Chúa cần những người có ý tứ, biết quan tâm và tinh thần trách nhiệm để chăm lo bầy chiên của Chúa. Đó chính là niềm tin và văn hóa của những người hầu việc Chúa và là phương hướng phát triển cho Hội Thánh ngày nay.
Mùa hè năm 2012
Mục sư Nguyễn Quốc Dũng
Các bài khác
:: NHỜ SỨC TOÀN NĂNG CỦA CHÚA
:: MỖI NĂM CẢM TẠ VỀ NHỮNG ƠN PHƯỚC MỚI
:: Ơn Phước Vô Hạn Của Chúa (Phần cuối)
:: Ơn Phước Vô Hạn Của Chúa
:: Mục Vụ Biến Đổi Cộng Đồng
|
|