Thánh Kinh phong tục

Mục-Lục

 

C h ư ơ n g   T h ứ   N h ứ t

Tiểu dẫn

C h ư ơ n g   T h ứ   H a i

Khí hậu, thời tiết, phong cảnh

C h ư ơ n g   T h ứ   B a

Người chăn chiên và dân quê

C h ư ơ n g   T h ứ   T ư

Các nghề nghiệp

C h ư ơ n g   T h ứ   N ă m

Sự sinh hoạt trong gia đình và những dây liên lạc trong gia đình

C h ư ơ n g   T h ứ    S á u

Xã hội, chính trị và tôn giáo

 

================================

 

T h á n h   K i n h   P h o n g   T ụ c

 

C h ư ơ n g   T h ứ   N h ứ t

 

T i ể u   D ẫ n

 

"Người sanh trước anh một ngày ắt khôn hơn anh một năm"

Tục ngữ xứ Sy-ri ngụ ý phải kính trọng người già cả.

 

1.  Luận đề. -  Giải rõ Kinh Thánh bởi các phong tục và lề thói hiện thời ở các xứ có chép trong Kinh Thánh, - đó là luận đề của quyển sách này.

Trong xứ Pha-lê-tin và xứ Sy-ri kim thời có nhiều sự thuộc về khí hậu, phong cảnh, cây cối, thú vật, cùng thói quen, công việc, y phục và ngôn ngữ của cư dân, vẫ đúng in như xưa kia Kinh Thánh đã ghi chép.

Trải qua một thời gian dài đằng đẵng mà phong tục vẫn y nguyên không đổi, kỳ lạ như thế là vì những duyên cớ hệ trọng sau này:

(1)  (1)  Cư dân xứ Ca-na-an hiện nay có liên lạc về huyết thống với người Y-sơ-ra-ên thuở xưa;

(2)  (2)  Tiếng Hê-bơ-rơ giống hệt với tiếng A-rạp, là tiếng cư dân đương dùng;

(3)  (3)  Phong tục xưng hiệp với khí hậu cùng các kỹ nghệ trong xứ;

(4)  (4)  Cư dân không thích và không chịu thay đổi chính thể tộc trưởng, theo chính thể ấy thì các sheikhs, hoặc người đứng đầu các gia tộc cường hào, cứ cha truyền con nối cai trị nhiều địa phương.

Cảnh trí thiên nhiên, y phục, công việc, dư luận dân chúng, quan niệm về đời sống, công việc, gia đình và tôn giáo, ngày nay thật giống như xưa, đến nỗi nếu các sự ấy lại diễn ra trong xứ Pha-lê-tin và các lẽ thật của Kinh Thánh bây giờ mới được rao truyền lần thứ nhứt, thì sự mô tả và công bố không khỏi đúng như khuôn mẫu chúng ta đã quen biết trong Kinh Thánh.

2.  Sách này hệ trọng thể nào? - Kê cứu các phong tục và lề thói trong Kinh Thánh, thì được ba điều lợi cốt yếu:

            (1)  Nó giúp ta hiểu rõ hơn đời sống và tánh tình của những nam, nữ danh nhân trong Kinh Thánh.-  Kê cứu loài cây cối và súc vật, nhà bác học nhận biết nguyên tắc nầy: Các loài ấy trước hết vì mình mà sống, rồi sau cùng mới ứng dụng vào những sự nhu cầu của chúng ta. Như vậy, màu và hương của đóa hoa, mật của con ong, điểm óng ánh trên cành của con chim, ngà của con voi, "các dấu hiệu riêng" của con bò câu và con sơn dương, - ta chỉ có thể cắt nghĩa những cái đó theo nguyên tắc rằng nó trước hết giúp ích cho các sinh vật và thực vật có nó, rồi sau mới được đánh giá cao trên thị trường và dùng làm món ăn, áo mặc cho chúng ta. Cũng một lẽ ấy, chúng ta chẳng nên từ chối không cho những nhơn vật trong Kinh Thánh được quyền trước hết vì chính mình mà sống. Chúa dùng họ để giục lòng và răn dạy hậu thế, nhưng họ thật có cuộc đời cá nhânmà họ đã sống trong chính thời ấy, - các cơ hội và bước khó khăn đương thời ấy đã có ảnh hưởng trên đời họ. Chúng tôi muốn luận về các nhân vật ấy, chẳng phải như những tên trong sách, song như những người thật đã sống. Nếu trước hết họ không sống trong thời đại mình và vì thời đại mình, ắt họ cũng không sống vì chúng ta. Chúng ta càng biết cuộc bình sinh của họ và các tình trạng của bình sinh ấy, thì càng hiểu những việc mà Lời Đức Chúa Trời đã làm cho họ và bởi họ.

            (2)  Nó giải nghĩa và làm nổi những lời nói bóng của Kinh Thánh.-  Như vậy, khi Đấng Christ phán rằng: "Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh", và rằng: "Ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được" (Giăng 15:5), thì trong hai trường hợp ấy Ngài đều tỏ ra cái lẽ nhờ cậy, nhưng trong trường hợp thứ nhứt, Ngài dùng một hình bóng, tức là gốc nho và nhánh. Ai muốn nêu cao sự so-sánh ấy lên và tỏ cho kẻ khác thấy những lẽ thật thiêng liêng dầy đủ, thì nên đi thăm một vườn nho và xem xét công việc của người trồng nho khi cày đất, tỉa cành, đóng cọc và hái quả, vân vân. Nhờ cách đó, ta sẽ hiểu rất rõ ý nghĩa từ Đấng giảng dạy truyền qua kẻ nghe khi Ngài dùng các tiếng ấy lần thứ nhứt.

            Người phương Đông rất ham chuộng và hay dùng lối nói hình bóng như thế. Họ có thể dùng những danh từ chuyên môn và trừu tượng; cần nhứt phải xác thực, nhưng họ dùng theo nghĩa bóng khi muốn gợi tư tưởng, hứng-thứ và muốn thuyết phục. Vậy nên khi ta nói: "Sự cần yếu không có luật pháp," thì họ nói: "Đói là một kẻ vô tín," nghĩa là: "Kẻ đói không ngần ngại trái phạm luân lý." Họ nói rằng: "Tay hắn mạnh" để tỏ ra một người nào đó được chủ tin cẩn. Cách lý luận đanh thép hơn hết ở phương Đông là tỏ ra rằng một đặc điểm của hành vi hoặc của tâm tánh phù hợp với một vật gì trong cỏi thiên nhiên. Cả trong tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp, tục ngữ có nghĩa là giống, và sự giống ấy là gốc rễ của tất cả châm ngôn phương Đông. Khi giảng đạo, nếu giáo sĩ trưng dẫn một tục ngữ xứng hợp như thế, thì sẽ được thính giả chăm chú và tin-cậy cái điều ông dựa theo tục ngữ ấy mà giải luận. Khi Đấng Christ dạy-dỗ và có ảnh hưởng đến dân chúng, bởi những thí dụ kỳ diệu, thì Ngài dùng "bùa ếm" của sự tương tựa và năng lực của lối văn tục ngữ đó. Ngài chỉ vào những sự vật trong cỏi thiên nhiên, những thói tục và công việc mà thính giả quen biết; như vậy, những kẻ có mắt, có tai bèn vừa khâm phục, vừa vui thích nhận thấy rằng lời Ngài phán có chỗ giống với một vật trong cõi thiên nhiên. Ngoài ra quyền phép do thánh đức và từ tâm của Ngài, sự Ngài dụng ý như thế là một việc khôn khéo sinh ra hiệu quả soi sáng trí khôn kẻ nghe. Đương khi họ chăm chú và có thiện cảm với một truyền thuộc về đời sống và công việc của loài người, thì trước mắt họ hiện lên sự Cứu rỗi, sự Thánh khiết và sự Hầu việc. Tuy vậy, hai cái vẫn giống nhau. Vì Kinh Thánh đầy dẫy cách nói hình bóng như thế, nên khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần biết những sự vật, cơ hội và phong tục làm gốc rễ cho những lời chép trong Kinh Thánh.

            Kê cứu các cổ tích trong Kinh Thánh như vậy sẽ luôn luôn tỏ ra một phương diện mới mẽ. Đang khi xem xét cuộc sinh hoạt ở phương Đông trong đó có Đức Chúa Jêsus đã tìm thấy những sự tương tựa mà Ngài có cần đến, chúng ta cũng phải cố bắt chước Ngài mà tìm thấy những sự tương tựa đó trong chính cuộc sinh hoạt của mình. Những thí dụ như thế hiện lên như chớp nhoáng trong tấm lòng đầy dẫy tình yêu thương đối với Ngài và đầu phục trọn vẹn để hầu việc Ngài. Bấy giờ những việc nhỏ mọn mà trước kia ta không để ý tới sẽ "đứng lên""đi" trong các thí dụ. Nhiều việc nhỏ mọn trong cuộc sinh hoạt hằng ngày của chúng ta sẽ được ánh sáng thiêng liêng mới mẻ chiếu vào, và bắt đầu nói bằng những miệng lưỡi khác.

                        (3)  Nó giải nghĩa sự tương quan giữa các yếu tố của Đức Chúa Trời và của loài người trong Kinh Thánh.-  Điều nầy hệ trọng vì cớ hai lẽ sai lầm. Vì cớ trong Kinh Thánh có rất nhiều điều đầy tính cách phương Đông, nên một vài người dám tuyên bố rằng Kinh Thánh hoàn toàn là văn chương trần gian, và cho lời quả quyết rằng Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời bất-quá như hàng nội-hóa mạo nhận là hàng ngoại-quốc. Kẻ khác lại coi động-lực của loàn người ở trong Kinh Thánh như dân Y-sơ-ra-ên coi dân Ca-na-an ở trong Đất Hứa; phải tránh xa và trừ diệt đi. Lời tuyên bố ấy có ý làm cho Kinh Thánh hóa ra không chân chính và vô vị, chẳng qua như một sự bí mật trong tay một hạng người đặc biệt. Thật ra thì Lời Đức Chúa Trời bao giờ cũng là một nơi thánh, một hiện diện thánh, có loài người đi lại chung quanh và cốt để giúp ích loài người. Khi dân Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng, Lời Đức Chúa Trời đã đóng vai trò quan trọng như thế. Quả thật khi ấy có một nơi mà ít người đến được, nhưng nơi ấy ở trong Đền tạm của hội chúng. Cũng như Ngôi lời Hằng sống, Kinh Thánh "ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian." Đức Chúa Trời cũng truyền cho tín đồ phải cư xử như vậy.

            Lời nói thích đáng của loài người phải có những điều kiện xứng hợp về thì giờ, nơi chổ và trường hợp. Lời Đức Chúa Trời phán với loài người cũng phải như vậy. Người ta đặt quả táo bằng vàng ở trên đĩa bạc tinh xảo. Đĩa cũng bằng kim khí quí giá; muốn làm nên nó, phải dùng nhiều thỏi bạc, nung đúc cho đẹp đẽ và hữu ích. Nhưng mục đích của nó là để hầu việc, và nó kém quả táo bằng vàng. Cũng vậy, lời khải thị chói sáng trong một cái "đĩa" làm bằng tính cách loài người, công việc gia đình, phong tục xã hội; nó cũng chói sáng giữa khí hậu, xứ sở và chủng tộc đặc biệt.

            Khi ta đã nhận biết các yếu tố của loài người ở trong giới hạn của nó, thì đồng thời ta lại nhận biết càng rã ràng hơn cái quyền phép thiêng liêng hành động ờ trong Kinh Thánh và bởi Kinh Thánh, mặc dầu Kinh Thánh được ta đặt tên là gì, giải nhgĩa thế nào và luận theo những lý thuyết nào. Đằng sau Kinh Thánh vẫn có vô số người làm chứng, và Kinh Thánh vẫn nâng đỡ con cái Đức Chúa Trời và khiến họ nên thánh. Đương khi gắng sức để biết rõ hơn về các vai chủ động trong Kinh Thánh, để hiểu rõ hơn cách nói thiêng liêng trong Kinh Thánh, để học biết thể nào là ân điển Đức Chúa Trời đã chứa trong các bình bằng đất, thể nào quyền phép Ngài lưu qua loài người như nước chảy qua sông đào, thì chúng ta được hứng-thứ và ích lợi bởi kê cứu về khí hậu, tình hình, những phong tục còn sót, những sự mê tín thông thường, những tục ngữ phổ thông của dân chúng đương sống trong xứ thánh.

3.  Sắp đặt.-  Trong khi khảo sát các thí dụ và hình bóng trong Kinh Thánh, chúng tôi phải mô tả hình thể thiên nhiên của Xứ Thánh: Ở địa giới có đồng bằng và thung lũng, còn ở trung ương thì có đồi, núi. Ấy là chúng ta phải kê cứu:

            (1)  Phong cảnh, khí hậu và thời tiết trong xứ Pha-lê-tin.

            (2)  Đời nông phu và mục đồng.

            (3)  Các nghề nghiệp.

            (4)  Gia đình và tình máu mủ.

            (5)  Đại lược tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo trong xứ Pha-lê-tin.

4.  Có một điều kiện hệ trọng, nếu thiếu thì cuộc viễn du này sẽ mất hứng thú và vô ích nữa. Ấy là khi xem xét Xứ Thánh, chúng ta cũng phải ham thích một cuộc đời thánh. Một ngày kia, có hai người bạn đến thăm Turner, một nhà họa sĩ trứ danh, để xem các tác phẩm của ông. Ông bảo đầy tớ dẩn họ vào ngồi trong phòng tối một lúc, rồi mới đưa họ lên lầu, vào phòng vẽ. Bấy giờ ông xin lỗi họ về cái cử chỉ dường như khiếm nhã kia; ông nói rằng mắt họ phải thôi tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài, rồi mới xem rõ màu sắc các tác phẩm của ông được. Vậy, chúng ta hãy dọn sẵn tấm lòng bởi cầu nguyện trong phòng kín và suy gẫm về cuộc đời thánh khiết.

 

================================


C h ư ơ n g   T h ứ   H a i

 

K h í   H ậ u,  T h ờ i   T i ế t,  P h o n g   C ả n h

 

"Phong tục là nguyên tố thứ tư trong vũ trụ" Tục-ngữ xứ Sy-ri.

 

            Dẫu chịu ảnh hưởng lớn do kỹ nghệ và các chế độ, những cuộc sinh hoạt trong xứ Pha-lê-tin vẫn còn có quan hệ mật thiết với những điều kiện thiên nhiên ở ngoài quyền kiểm soát của loài người, tỉ như khí hậu và thời tiết. Người A-rạp ngày nay nhận biết lẽ đó khi họ nói rằng vũ trụ cấu tạo bằng đất, khí trời, lửa, nước, - và phong tục. Vì Kinh Thánh thường nhắc đến khí hậu và phong cảnh xứ Pha-lê-tin, nên nếu ta biết rõ hai cái đó, ắt sẽ để ý đến và biết đúng nghĩa của Kinh Thánh.

            1.         Khí hậu.-  Pha-lê-tin là một xứ có mặt trời chói sáng, ai nấy có thể sống nơi không khí quang đãng. Dẫu mấy tiếng thường dùng: "Từ Đan đến Bê-e-sê-ba" chỉ bao hàm một miền đất nhỏ bằng quận Galles của nước Anh, nhưng thời thiết thay đổi khác nhau nhiều lắm, vì đất đai cao, thấp không chừng: Núi Hẹt-môn phủ tuyết giữa mùa hạ, cao hơn mặt biển ngót ba ngàn thước; còn Biển Chết lại thấp hơn mặt biển hơn 400 thước. Nhưng, trên hết mọi sự, Pha-lê-tin có đặc sắc là một xứ có bầu trời xanh biếc và ánh nắng mặt trời. Tuyết không sa xuống trên đồng bằng dọc theo bờ biển, và mặt trời chói sáng không dứt từ đầu tháng năm đến cuối tháng chín. Vậy nhơn dân có hội hợp rất đông đảo tại Giê-ru-sa-lem để dự lễ này lễ khác, và cũng có thể ở lâu với Đấng Christ trong các nơi vắng vẻ.

            2.         Thời tiết. -  Tính trong một năm, thì tháng ngày kế tiếp nhau mà nóng hoặc lạnh cũng như ở nước Anh, duy ở xứ Pha-lê-tin thì bao giờ cũng nóng hơn nhiều. Bốn mùa không phân chia rõ rệt như trong các xứ ở quá về phương Bắc. Các đặc sắc hệ trọng một năm thì ta đã thấy trong lời Đức Chúa Trời hứa với Nô-ê - "Mùa gieo giống cùng mùa gặt hái, lạnh và nóng, mùa hạ cùng mùa đông" (Sáng thế ký 8:22). Mùa không mưa chiếm hết từ năm đến bảy tháng, và dân A-rạp thường nói một năm là mùa hạ và mùa đông. Muà xuân có tên đặc biệt là "mùa lớn lên", nhưng mùa thu thì khác bên Âuchâu: Ở Âu châu thì khi ấy quả nho, quả ô-li-ve và các thứ quả khác chín, nhưng ở xứ Pha-lê-tin mùa gặt ngũ cốc lại vào tháng năm và tháng sáu. Đó chính là mùa gặt hái có nói đến ở Giô-suê 3:15 và I Sa-mu-ên 12:17. Cũng cách ấy, khi nói đến mùa gặt, đấng tiên tri cũng theo thứ tự của sự vật, vì ông nói rằng: "Mùa gặt đã qua, mùa hạ đã hết" (Giê-rê-mi 8:29).

            3.         Tháng.-  Luận qua về mỗi tháng, chúng ta sẽ thấy một năm đem lại những gì cho người già, người trẻ trong xứ Pha-lê-tin.

                        (1)  Tháng giêng.-  Tháng này lạnh hơn hết, có những ngày tối tăm hơn hết và những trận mưa nặng hạt hơn hết. Mưa sa trên núi Li-ban và trên những dãy núi cao hơn hết, và cứ đóng ở đó cho đến khi tiết nóng tháng ba, tháng tư làm cho tan chảy, đổ vào các ngọn suối cho dân chúng dùng trong mùa hạ.

                        (2)  Tháng hai.-  Mưa dào và trời nắng kế tiếp nhau mau chóng. Người A-rạp gọi tháng hai là "anh một mắt", - là bộ mặt một bên tối, một bên sáng. Họ cũng nói rằng: "Tháng hai chẳng có luật lệ nào cả"; và rằng: "Mặc dầu tháng hai có bảo tố kinh động, nhưng nó cũng có mùi vị mùa hạ". Cây hạnh nhân trổ hoa, và người ta cũng gieo lúa mạch nha.

                        (3)  Tháng ba.-  Gió to nhưng cũng nắng hơn. Mưa dào tháng ba tháng tư tức là "mưa cuối mùa" của Kinh Thánh, (xem Giê-rê-mi 3:3; 5:24), thường không thấu đến rễ đâm sâu của các cây có quả, nhưng nhuần tưới những cánh đồng lúa mạnh nha và lúa miến trước khi nó chín trắng xóa, sẵn sàng để gặt hái. Nhưng có khi tháng nầy trời mưa to hơn hết. Cây mơ cũng "trang sức màu trắng" như cây hạnh nhân, chẳng khác chi những hàng rào sơn tra tử (aubépine) ở nước Anh vậy.

                        (4)  Tháng tư.-  Tháng này hoa đua nở, đất đai trông xanh tươi và đẹp đẽ hơn mùa nào khác trong cả năm. Thỉnh thoảng luồng gió nóng và hanh từ sa mạc xứ Sy-ri thổi vào, có khi suốt ba ngày, làm cho tuyết tan chảy và mọi loài thảo mọc mau lớn. Mùa gặt bắt đầu ở thung lũng sông Giô-đanh và ở đồng bằng gần bờ biển. Các thứ cây có quả - như táo, lựu, ô-li-ve, v. v... - thường nẩy hoa và lá tươi.

                        (5)  Tháng năm.-  Mặt trời nóng hơn; không mưa chừng năm tháng. Hoa rụng, cỏ khô. Mùa gặt ở đồng bằng và thung lũng. Các quả mùa xuân đã chín, tỉ như hạnh nhân, mơ và mận. Cây nho trổ hoa.

                        (6)  Tháng sáu.-  Mùa gặt cứ tiến hành ở miền đất cao hơn. Đất đai trơ trụi và cháy xém, trừ những khu cây có quả và cây nho, những vườn tược có tát nước để trồng các thứ rau.

                        (7)  Tháng bảy.-  Gió mát hiu hiu từ phương tây thổi lại, là dịu bớt tiết nóng mùa hạ. Tháng nầy và tháng sau, dân quê bận rộn đạp lúa.

                        (8)  Tháng tám.-  Tháng nóng nhất trong cả năm; ở miền đồng bằng gần biển thì giữa trưa, nơi bóng rợp trung bình là 36 độ (96,75 độ F). Còn ở biển Ga-li-lê và thung lũng của hạ lưu sông Giô-đanh, hàn thử biểu còn lên cao hơn nhiều. Trái nho, vả, đào, táo và lê đều chín.

                        (9)  Tháng chín.-  Tiết nóng mùa hạ thường dội lên vì cớ những luồn gió từ sa mạc thổi vào lâu hơn lúc mùa xuân; hàn thử biểu lên từ 38 đến 40 độ (100,50 - 104,25 độ F). Người ta phơi vả khô để đến mù đông đem dùng; nho cũng phơi khô, làm nước đường và rượu. Lựu mướp và chuối đều chín. Sau cơn hạn hán suốt mùa hạ, đến cuối tháng này bắt đầu có mưa dào, rồi có chừng nửa tháng nắng và nóng.

                        (10)  Tháng mười.-  Hết mùa hái nho và hái vả. Người ta hái quả ô-li-ve, giết chiên béo, tích trử lương thực để dùng trong mùa đông. Mía và quả chà là đương chín. Mưa dào nặng hạt hơn, tức là "mưa đầu mùa" trong Kinh Thánh (xem Giê-rê-mi 5:24). Bắt đầu cày ruộng, vì đất cứng và khô đã có nước mưa làm cho mềm.

                        (11)  Tháng mười một.-  Cứ cày ruộng. Gieo lúa mạch nha và lúa miến.

                        (12)  Tháng chạp.-  Mưa to hơn, tiết trời mát hơn. Cuối tháng có tuyết trên núi Li-ban. Cam, chanh và chấp đều chín. Tỉa sửa cây nho tháng nầy và tháng sau.

            4.         Ngày và đêm.-  Trong xứ Pha-lê-tin, ngày ngắn nhất và dài nhất trong năm hơn kém nhau chừng bốn giờ. Lúc mặc trời mọc là một lúc đặc biệt, thay đổi cảnh vật rất mau chóng, không ai lầm lẫn được. Các ngôi sao biến đi mau chóng, phía trời đông nhuộm màu hồng, có nhiều tia sáng đỏ sẫm phát ra từ một trung tâm màu vàng mỗi lúc mỗi sáng láng hơn. Rồi đột nhiên - người ta tưởng có tiếng nổ theo sau - mặt trời nổi bật lên sau dẫy đồi, trông như một đĩa tròn sáng rực trên từng trời không mây. Liền đó "bóng tối trốn đi", biến mất không ai thấy, dường như bị khám phá khi đương làm việc phi pháp. Ta có thể thấy một đường vụt mau phân cách ánh sáng với bóng tối: Ánh sáng rực rỡ, chói lọi, còn bóng tối buồn thảm, mập mờ. Đương khi mặt trời lên cao hơn mau chóng, chiếu tia sáng trên đồng bằng, thung lũng và trũng núi, thì ta thấy những chòm cây thông, những sườn núi trồng ô-li-ve, những làng xóm màu xám đột nhiên hoạt động dường như mới ngủ dậy. Những đoạn Kinh Thánh nói đến ánh sáng hiện ra và bóng tối tiêu tan (hoặc trong cõi thiên nhiên hay trong cõi thiêng liêng) đều do cảnh mặt trời mọc ở phương Đông. Những đoạn ấy có sức mạnh hầu như không thể phát biểu ở các nước phương bắc, vì hừng đông ở đó tuy đẹp đẽ theo cách riêng, nhưng chỉ dần dần biến thành một vùng sáng dịu hơn. Trong Ê-sai 60: 1, 2, có chép: "Hãy dấy lên và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến!" Trong câu nầy ta thấy sức mạnh của mặt trời mọc, một tiếng kêu gọi thình lình, một sự phân cách giữa sáng với tối rất rõ rệt. Cũng hãy xem Thi Thiên 139:12; Ê-sai 58:8; Ma-thi-ơ 5:14; Công vụ các sứ đồ 26:18; II Cô-rinh-tô 4:4; 6:14; Ê-phê-sô 5:8. Cũng một thể ấy, lời chúc phước của A-rôn (Dân số Ký 6:24-27) là do cách thức mặt trời mọc; nó bao gồm ý rằng linh hồn được cùng một thứ phước lành mà mặt trời ban cho thế giới. Đối với tinh thần phương Đông. thì ánh sáng mặt trời có nghĩa là sự Sáng, sự Sống và sự Thanh sạch. Về sự thanh sạch họ có một tục ngữ rằng: "Con mắt của mặt trời không cần màn che," nghĩa là mặt trời không cần giấu tội lỗi vì nó trong trẻo cực điểm. Đó cũng là ý tưởng chính trong Thi Thiên 19:7, 8, tại đó tác giả so-sánh luật pháp của Chúa với ánh sáng mặt trời. Ánh sáng mặt trời cũng làm thí dụ tốt đẹp về người cai trị công bình (II Sa-mu-ên 23:4).

            Từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều là lúc nóng hơn hết (Ma-thi-ơ 20:12). Các tia sáng gay gắt từ trên chiếu xuống, ánh sáng từ đất lổn nhổn những đá rọi lên, không khí rung rinh, núi non vì sức nóng nên hình như dẹp xuống. Cây cối dủ xuống, trông như uể oải; chim thôi hót líu lo trong những cành cây; thỉnh thoảng ve sầu lại ngừng tiếng kêu ra rả, làm cho có sự yên tỉnh kinh dị. Gã chăn chiên thâu nhóm bầy chung quanh mình ở dưới bóng cây hột giẻ, hoặc cầm sáo thổi một lúc rồi ngủ quên dưới bóng vần đá: giờ ấy làm linh dộng và thực hiện nhiều câu, nhiều lời bóng bẩy thường dùng. Đối với một người nghỉ trong bóng mát để khỏi nóng bức gay gắt, thì những lời nầy có một ý nghĩa mới mẻ, dồi dào - "Ngài bổ lại linh hồn tôi" (Thi Thiên 23:3); "Ở dưới bóng của Đấng Toàn năng" (Thi Thiên 91:1); "Mặt trời sẽ không gọi ngươi lúc ban ngày" (Thi Thiên 121:6); "Chói lói hơn mặt trời" (Công vụ các sứ đồ 26:13); "Cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại mình" (Khải huyền 7:16).

            Càng về chiều, không khí càng mát mẻ; các sắc đẹp đẽ bấy giờ thế chổ màu xám và màu cánh gián, nhứt là ở nơi mà ánh sáng dội xuống núi Li-ban cao chót vót, các đồi chung quanh hồ Ga-li-lê và các gềnh đá sừng sững phía sau Biển Chết.

            Mặt trời lặng cũng mau chóng như nó mọc. Đương khi ngắm xem vầng thái dương chìm đắm xuống Địa-trung-hải, thì lời dản dị này lại xuất hiện trong trí: " Mặt trời biết giờ lặn" (Thi Thiên 104:19). Và mỗi người trong xứ biết điều đó, chẳng những nông phu ở giữa đồng ruộng, song cả đến người thợ làm việc trong phố xá chật hẹp. Không cần có đồng hồ của thành phố hoặc chuông của công xưởng để báo thì giờ. "Bấy giờ loài người đi ra, đến công việc mình, và làm cho đến chiều tối" (Thi Thiên 104:23). Khi mặt trơi lặn, thì công việc nào cũng thôi cả.

            Khoảng thì giờ ngắn ngủi trước và sau khi mặt trời lặn tức là lúc mát buổi chiều. Khi ấy gió khô hanh bắt đầu thổi, và chỉ trong chóc lát đã mát hơn luồn gió ẩm hiu hiu từ biển thổi vào lúc ban ngày. Y-sắc đã đi hưởng ngọn gió ấy. Hiện nay ở thành Beyrouth, Đa-mách, Si-đôn và Giê-ru-sa-lem, vào giờ ấy cư dân cũng còn đi chơi để giải trí và bổ sức.

            "Các thú rừng" (Thi Thiên 104:20) bây giờ phần nhiều đã chịu số phận của rừng xanh; nhưng trong các làng miền núi, khi bóng tối giăng trên thung lũng, thì những con chó rừng bò ra, gầm gừ nhau và khiêu khích đàn chó trong làng.

            Nửa giờ sau khi mặt trời lặn, các ngôi sao hiển hiện và lắp lánh trên khung trời không một án mây thưa. Nhìn lên các ngôi sao, thì thấy trời tối hơn, sao lớn hơn, êm dịu hơn và sáng láng hơn ở những nước phương Bắc. Các ngôi sao dường như "bước ra" và "nhìn xuống" để được người ta chú ý đến mình. Khi Gia-cốp nằm nghỉ ở Bê-tên, chơn đau và thân mỏi, dưới vùng trời bao la, thì nào có gì lạ, lời hứa của Đức Chúa Trời có hình và có nghĩa nhờ hai vật mà ông đã bắt buộc phải chú ý đến - bụi mù mịch trên mặt đất và vinh quang của các ngôi sao trên trời. Khách bộ hành trong sa mạc thường thích đi ban đêm vì mát mẽ và bình yên hơn. Cũng như các bác sĩ, họ cũng còn nhờ các ngôi sao dắt dẫn.

            Nhứt là về mùa thu, mặt trang chói sáng lạ lùng, nên lời hứa: "Mặt trăng cũng không hại ngươi ban đêm" (Thi Thiên 121:6) có nhiều ý nghĩa quí báu trong một xứ tại đó có sự nguy hiểm vì ngủ dưới tia sáng mặt trăng và tại đó khách bộ hành thỉnh thoảng phải dương dù để che khỏi ánh sáng gay gắt của mặt trăng.

Vì người phương Đông tính thì giờ theo tháng của mặt trăng, nên lúc mặt trời lặn là khởi điểm và tận điểm của một ngày. Như vậy, ban đêm thứ bảy là buổi tối thứ sáu ở nước Anh. Giờ làm việc hằng ngày cứ tính từ lúc mặt trời mọc; như vậy, tính lúc mặt trời mọc là sáu giờ, thì giữa trưa là giờ thứ sáu, còn giờ thứ mười một là một giờ trước khi mặt trời lặn. Thì giờ ít thay đổi từ ngày nọ qua ngày kia, còn tối với sáng thì vụt chốc thay đổi, đến nỗi những sự hẹn hò vào lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn đều đúng lắm, khác hẳn ở một xứ nhiều mây và có giờ hoàng hôn dai dẳng.

            5.         Bầu không khí.-  Vì xứ Pha-lê-tin không có sương mù và mỏ, nên khí trời trong trẻo lạ lùng. Du khách đi một ngày đường chừng 25 hoặc 30 dặm, ắt thấy cái đích cuộc du hành rõ trước mặt mình, và thoạt đầu phải lấy làm lạ vì dường như mình không hề đến gần đích hơn. Một người đứng trên núi Ê-banh thuộc xứ Sa-ma-ri, nhìn xuống phương nam sẽ thấy núi non chung quanh thành Giê-ru-sa-lem, nhìn lên phương bắc sẽ thấy rõ núi Hẹt-môn. Núi Hẹt-môn này ở phía nam dãy núi Li-ban , nhô lên sau thành Đan và các nguồn sông Giô-đanh. Lại nữa, từ núi Hẹt-môn có thể nhìn thấy dãy núi Li-ban chạy dài và thu hẹp lại cho tới cửa thành Ha-mát. Đứng trên mỗi một hòn núi của dãy Li-ban đó, ta thấy rõ miền cao nguyên ở phía đông sông Giô-đanh, và ở phía tây thì thấy một phần miền duyên hải bằng phẳng của Địa Trung Hải. Dưới ánh sáng chói lọi này các vật ở đằng xa tỏ rõ; trái lại, ở nước Anh các vật ấy bị sương mù màu xanh che khuất.

            Du khách đến thăm xứ Pha-lê-tin phải tưởng tượng rằng xứ ấy nhỏ hơn vị trí thật của nó; ấy vì họ bị bầu không khí trong trẻo làm cho lầm lộn. Cũng vì cớ ấy, dãy núi Li-ban cao hơn mặt biển từ 700 đến 2.300 thước tây, nhưng trông không hùng tráng bằng các ngọn đồi xứ Tô-cách-lan, vì rất ít là về mùa hạ, hình thể nó không được ảnh hưởng của khí trời ẩm thấp và của mây bọc kín trên đỉnh.

            Trong Kinh Thánh, mọi đoạn nói về đường xa đều xưng hiệp trọn vẹn với bầu không khí trong trẻo lạ lùng.

            Áp-ra-ham thấy núi Mô-ri-a "ở lối đằng xa" (Sáng thế ký 22:4); Môi-se thấy rõ xứ mà mình không được phép vào (Phục Truyền luật lệ ký 34:1-3). Khi Sứ đồ Giăng nói về thành Giê-ru-sa-lem mới rằng: "Ở đó tôi không thấy đền thờ nào" (Khải huyền 21:22), thì ta có cảm tưởng rằng ông đã từng thấy thành Giê-ru-sa-lem ở trên đất, là nơi mọi vật nổi bật lên, chói lọi, đặc biệt, không thể lẫn lộn, dưới ánh mặt trời rực rỡ và vòm trời không một áng mây.

            Trong các thí dụ của Đức Chúa Jêsus, người cha cũng thấy con phóng đãng "ở đằng xa" (Lu-ca 15:20). Cũng một thể ấy, người giàu nhìn qua vực sâu thấy La-xa-rơ ở trong lòng Áp-ra-ham. Khi Đấng Christ bị ma quỉ cám dỗ, có lần Ngài từ trên núi thấy các nước thế giới. Ở xứ Pha-lê-tin, các vật ở đằng xa hiện rõ là thường quá đến nỗi người phương Đông không để ý tới; người phương Tây ở đó ý lâu, cũng nhận thấy sự "hiện rõ" như thế, mặc dầu là chẳng ưa chuộng bằng bóng xanh sẫm êm dịu ở chơn trời nước Anh, sự truyền thanh qua vùng không khí trong trẻo và có đàn lực (élastique) ở xứ Pha-lê-tin cũng lạ lùng lắm. Các du khách mới tới xứ ấy phải nghĩ rằng những tiếng ở ngoài phố đương nói ở trong nhà. Đứng trên mái nhà của viên lý trưởng, người ta có thể rao báocho cả làng nghe. Trong thành phố thì tiếng thầy tế lễ đạo Hồi-hồi từ trong miếu thờ kêu gọi nhơn dân chung quanh nghỉ việc hoặc thức dậy mà cầu nguyện; còn dân quê thì đứng trên hai bờ thung lũng rộng rãi mà nói chuyện với nhau.

            Kinh Thánh cũng nói đến sự đứng trên mái nhà mà báo cáo cho công chúng như thế (Lu-ca 12:3). Lại nữa, khi Môi-se và Giô-suê từ trên núi đi xuống, thì họ phân biệt rõ tiếng kêu la chiến tranh với điệu hát rập ràng với sự nhảy múa thờ hình tượng (Xuất Ê-díp-tô ký 32:17, 18). Cũng một thể ấy, Sau-lơ nhận biết tiếng nói của Đa-vít ở hòn núi xa xa (I Sa-mu-ên 26:13, 17; tham khảo Các quan xét 9:7). Có thể trưng ra nhiều trường hợp khác, tỉ như sự đọc luật pháp trên núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim (Giô-suê 8:33), những lời tuyên bố giữa trời của vua Sa-lô-môn (II Sử ký 6), của Ê-xơ-ra (Nê-hê-mi 8), và như Đức Chúa Jêsus thường giảng dạy đoàn dân đông đúc.

            6.         Phong-cảnh.-  Thấy xứ Pha-lê-tin lần thứ nhứt, con mắt ta phải say mê vẻ xán lạn, rõ ràng của mọi vật, cùng màu xanh biếc đẹp đẽ của trời, biển. Rồi ta cảm thấy thất vọng vì tìm mà không thấy những đặc sắc yêu quí của những phong cảnh đẹp đẽ trong các xứ khác. Không có các trại như những chấm trên phong cảnh, không có các đồng cỏ rộn lớn, không có ngựa và súc vật ngốn cỏ tự do, và không có rừng bát ngát. Trong trũng sông Giô-đanh có những hồ nông; sông thì nhỏ, suối rạch khô cạn suốt mùa hạ. Đâu là cây bá hương, cây nho, cây vả, và vẻ đẹp của cây ô-li-ve? Phải chăng đây là Đất Hứa? Phải chăng đây là sản nghiệp của tuyển dân Đức Chúa Trời? Dẫu xứ Pha-lê-tin đã bị tàn phá đương thời nước Y-sơ-ra-ên và đế quốc La-mã, nhưng nó vẫn còn đẹp đẽ miễn là con mắt học tộp tìm những cái nên tìm ở đó.

            Sự vinh hiển tối cao của xứ Pha-lê-tin là các màu sắc - các màu sắc đẹp đẽ buổi sáng và buổi chiều - cùng bầu không khí trong trẻo. Ta được say ngắm và hưởng lấy nhiều cái trong dãy núi Li-ban chót vót mà êm ả, trong vẻ hùng vĩ của các đèo, trong vẻ hiu quạnh huyền ảo của đồng vắng, trong rừng ô-li-ve rộng lớn ở Beyrouth, trong cây ccối xanh dờn của thành Đa-mách và Nablous (Si-chem) trong đồng bằng nhan nhản những cây chà là của miền AcreJaffa, trong lúc mặt trời lặn đẹp tuyệt trên hồ Ga-li-lê và Biển Chết.

            Có bao giờ anh em tự hỏi tại sao Kinh Thánh ít khi mô tả phong cảnh theo cách của những nhà du lịch kim thời chăng? Tại sao Kinh Thánh không ghi chép nhiều hơn về ảnh hưởng của thắng cảnh trên tâm trí, ảnh hưởng của sự giao cảm với "vẻ vui, buồn" của cõi thiên nhiên? Để đáp lại câu hỏi ấy, chúng tôi xin trưng ra ba bằng cớ sau đây:

            (1)  Mục đích đặc biệt của Kinh Thánh.-  Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời; sứ mạng của Kinh Thánh là từ Ngài mà có, là luận về Ngài, và trên hết mọi sự là vì cớ Ngài mà có, mặc dầu đã nói về sự cứu rỗi chúng ta. Kinh Thánh không dành địa vị đầu nhứt cho cõi thiên nhiên, nhưng dành cho Đức Chúa Trời của cõi thiên nhiên và của linh hồn loài người. Khi nào nhắc tới vẻ đẹp đẽ, hùng vĩ của cõi đời ngoại vật, ấy là cốt để tuyên bố rằng Đức Chúa Trời lấy công việc Ngài làm thỏa thích và cai trị mọi sự. Dây liên lạc tối cao ấy không khi nào mất, mặc dầu có khi cõi thiên nhiên được mô tả như một ngôi vị đặc biệt đương tự lấy làm vui thỏa (Thi Thiên 29; 65; 114). Cho nên ở trong Thi Thiên 104, tác giả xem xét sự xứng hôp lạ lùng trong cõi thiên nhiên đến nỗi bật tiếng hát ngợi khen sự khôn ngoan và quyền phép của Đấng Tạo Hóa: "Hỡi Đức Giê-hô-va, công việc Ngài nhiều biết bao!" (câu 24; tham khảo Gióp 28; Thi Thiên 147; Ê-sai 9; Hê-bơ-rơ 3). Cũng theo một cách đó, khi ta chỉ cho người phương Đông xem một vật đẹp đẽ hoặc kỳ diệu trong cõi thiên nhiên, thì người ấy thường kêu rằng: "Ngợi khen Đấng Tạo Hóa!" Sự trước hết mãi nghĩ đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và đời đạo đức, đó là lời cắt nghĩa tại sao trong các Thi Thiên, các sách tiên tri, các sách Tin Lành và các thơ tín chỉ luận về mục đích và ảnh hưởng của phong cảnh thiên nhiên khi nào cốt dùng làm thí dụ. Cũng vì liên lạc mật thiết với các vấn đề nghiêm trọng và thiêng liêng đó, nên trong xứ Pha-lê-tin, các vật thiên nhiên, các đồ tầm thường dùng làm công nghệ, các phần đặc biệt và các đồ trong nhà, đều có một vẻ thánh khiết và một ý nghĩa hình bóng mà ta không tìm được ở nơi khác. Người phương Tây ngụ ở xứ Pha-lê-tin xem nhơn dân làm công việc thường ngày, bèn nhận ra một nghĩa thiêng liêng cao quí, một thí dụ, nhưng nhơn dân thường chẳng để ý đến. Nhơn dân dùng khí cụ thông thường, song người phương Tây lại cho đó là cách bày giãi đạo Tin Lành và sự bất diệt.

            Kìa, dân quê miền Li-ban đứng trên sân lúa đạp, cầm quạt hoặc cái chĩa ba (fourche) bằng gỗ mà phân lúa với rơm. Dân quê đi đến lạch sông Giô-đanh, lội qua nước đến nửa mình, một người đứng giữa dòng sông nhìn lại phía sau xem bọn kia lội qua thể nào. Nhưng người ấy chẳng hề nghĩ đến dị tượng của Bunyan và hi vọng của tín đồ đương hấp hối. Cũng một cách ấy, tay ngư phủ vá lưới trên bờ hồ Ga-li-lê nhưng chẳng nghĩ rằng linh hồn mình cần được Chúa "đánh lưới." Người làm vườn trồng những trụ đá lởm chởm trong vườn nho, quét một nước vôi trắng để soi lối ban đêm và đuổi xa đàn chó rừng, nhưng không suy nghĩ rằng có những chùm nho hệ trọng, quí báu hơn cần phải che chở. Cũng một thể ấy, thành Giê-ru-sa-lem tấp nập, rộn ràng, đương mở mang, có nhiều phái đạo và nhiều mưu chước giả dối kia, còn có bức thành lũy rộn hơn các nhà khảo cổ đào bới lên được danh hiệu Si-ôn của nó nay thuộc về nhiều nước, và thành của Đức Chúa Trời bao gồm cả thế giới.

            (2)  Tinh thần của phương Đông đối với phong cảnh.-  Sự say mê vẻ đẹp của phong cảnh là một sự sản xuất tân thời của cuộc sinh hoạt Âu Tây; người dân thường ở phương Đông không có con mắt mỹ thuật ấy. Người ấy có tinh thần thực tiển, chớ không có tinh thần thảm mỹ và khoa học. Người chỉ nhận các sự lợi ích của cõi thiên nhiên, chớ không xét xem cõi thiên nhiên cấu tạo thế nào. Người hững hờ với môn thảo mộc học, địa chất học và khảo cổ học. Người coi sự khảo cứu các nguyên nhân phiền phức và sự giãi bày cõi thiên nhiên là một việc vô lý. Người chú ý đến cây cối để được đồ ăn và vị thuốc; đến rừng xanh để được than, củi; đến núi non để được mạnh khỏe và phòng thân; đến các đóng hoang tàn thượng cổ để được của báu chôn vùi; đến các ngôi sao để biết dò lối và dò số mệnh. Vậy nên ông Lót là một nhà mỹ thuật theo lối Đông phương khi ông nhìn xem đồng bằng Sô-đôm và thấy là nơi "có nước chảy tưới khắp" (Sáng thế ký 13:10); ấy cũng như nàng c-sa khi nàng xin những suối nước làm cơ nghiệp, và Y-sác khi "mùi rừng núi" của áo Ê-sau nhắc cho ông nhớ "cánh đồng mà Đức Giê-hô-va đã ban phước cho" (Sáng thế ký 27:27).

            Chắc người Y-sơ-ra-ên bình thường đời xưa cũng như người Sy-ri đời nay, đều hay nhìn xem thế giới quanh mình theo phương diện công nghệ mà thôi. Thế giới ấy đã đượcchỉ định cho loài người trồng tỉa và bắt phục; vì cớ tội lỗi nên sự làm lụng khó nhọc mới có trong thế giới ấy như một án rủa sả hoặc một sự ngang trái. Người Sy-ri ngày nay chỉ thấy trong cõi thiên nhiên những cái mà các vai chính trong thi ca của HomèreVirgile vẫn tìm kiếm, tức là sự phì nhiêu, vẻ đẹp của mùa màng phong phú, sự khoan khoái nơi bóng cây và suối mát. Người Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng y như thế. Lại còn sự tha thiết tríu mến những nơi họ quen biết: Tỉ như ta thấy hết cả dân Y-sơ-ra-ên tự cao về thành Giê-ru-sa-lem, Na-a-man hùng dũng binh vực những con sông của thành Đa-mách, và người đờn bà Sa-ma-ri khoe khoang giếng của Gia-cốp.

            (3)  Phong cảnh và sự thờ lạy hình tượng.-  Lẽ thứ ba có ảnh hưởng đến sự xem xét cõi thiên nhiên chính là những dân ngoại chung-quanh thờ-lạy các năng lực trong cõi thiên nhiên, cũng như nạn cờ-bạc cướp mất những cuộc giải-trí thanh-tao trong gia đình và ngoài xã hội. Những "nơi cao" của thần Ba-anh và thần Át-tạt-tê chiếm mất những chỗ có cây xanh, khí trời mát mẽ, suối lấp lánh và phong cảnh hữu tình. Trong những nới thần tiên ấy, xa các sự cổ hủ thông thường, không có mặt trời gắt gao thiêu đốt, lại thêm suối nước từ trong hầm đá chảy đến đâu thì rải sự sống và sự đẹp đến đấy, thì dường như có sức thúc giục từ trong linh-hồn và tiếng gọi từ trời cao bảo ta phải buông lòng vào cõi vui vẻ, thỏa mãn. Người Y-sơ-ra-ên có di tích kỷ niệm tổ tiên ở dưới giàn nho và cây vả thơm ngát, họ cũng vui vẻ, giữ lễ Ngũ tuần và lễ Lều tạm. Nhưng, nguy hiểm thay, lòng họ vẫn ngấm-ngầm hướng về các lễ nghi thờ lạy cõi thiên nhiên. Sự giữ luật pháp là cách tư vệ về phương diện chính trị và binh vực kẻ yếu đuối với kẻ mạnh, đã làm cho lòng người bình thường phải trống trải và thiếu sự yêu thương. Luật pháp đảm bảo đạo đức, nhưng không gây dựng được tấm lòng vui vẻ, thanh sạch.

            Sự bó buộc không phải là sự dễ chịu, luật pháp không phải là sự sống. Phải có lời cấm đoán nghiêm ngặt trong điều răn thứ hai, phải có các đấng tiên tri cảnh cáo luôn luôn, mới làm cho Pha-lê-tin thành ra Xứ Thánh, nghĩa là tất cả phong cảnh, công nghệ và các cuộc tổ chức phải biệt riêng cho Đức Giê-hô-va mà thôi. Vì vậy, có một tiếng khiêu khích hòa lẫn với sự cung kính thờ lạy trong khi tác giả Thi thiên nói rằng: "Các từng trời rao truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời" (Thi Thiên 19:1), - chớ không phải sự oai-nghiêm của thần Ba-anh hoặc sự kỳ-quặc của thầy bói ngoại-đạo.

            Đầu tháng tư tây là lúc xứ Pha-lê-tin xanh dờn và đẹp-đẽ hơn hết (Nhã-ca 2:11-13). Bấy giờ trăm hoa đua nở, - hoa cúc, hoa phù dung và hoa bạch đầu ông (anémone) đỏ nhan nhản không biết bao nhiêu mà kể. Phong-cảnh xanh tươi đó không được lâu, vì đến tháng năm tây nó đã biến mất: Cây hoa khô héo vì thiếu mưa, và mùa màng chín cả. Vì tình trạng do khí hậu mà ra đó, nên thường có so-sánh đời người ngắn ngủi với hoa, cỏ, và cũng làm nổi bật tiếng kêu-gọi rằng: "Loài cỏ ngoài đồng là giống cây nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!"  (Ma-thi-ơ 6:30). Ngày nay người A-rạp cũng nhận thấy hoa, cỏ ngắn ngủi, nhiều nhan-nhản và đẹp đẽ như thế; họ thường dùng các tục ngữ: "Con-cái xác thịt ví như cỏ," - "Con trẻ là hoa của thế giới."

            7.         Thời-tiết thay đổi. - Người phương Đông ít khi nói chuyện về thời tiết. Khi ta nói người nhà quê xứ Sy-ri: "Thời tiết hôm nay có chắc đẹp đẽ không?" thì người thường đáp rằng: "Tùy theo ý Chúa muốn"; hoặc sau khi lơ đãng nhìn chung quanh, người nói: "Hiện bây giờ chắc không mưa". Người không suy nghĩ đến vấn đề ấy, và cũng chẵng phát-biểu ý-kiến gì. Khi chào hỏi khách cùng đi đường, họ không đả-động tới những vấn đề như thế. Sự nói năng dè dặt ấy có nhiều cớ:

            (1)  Trong khoảng mấy tháng và mấy thời kỳ nhật định trong một năm, thời-tiết có những đặc-sắc chẳng hề thay đổi, nên không cấn phải xem-xét. Khi trời mưa, người phương Đông nói rằng: "Thời-kỳ của nó đã đến". Khi nóng bức gắt gao, họ lau trán mà rằng: "Lệ thường như thế, biết làm thế nào?" Tháng sáu bắt đầu mùa gặt lúa mì, khi ấy lại đổ một trận mưa dào thì lạ-lùng lắm (I Sa-mu-ên 12:17).

            (2)  Nhập-cảng một vài thói tục mới mẻ của cuộc sinh hoạt kim thời thì thật không xứng hợp với những cách chào hỏi trịnh trọng nhưng khô khan của phương Đông. Thời tiết chẳng thuộc về ai cả: nhắc đến thời tiết thì chẳng gợi thiện ý, chẳng mong được giúp đỡ hoặc lợI lộc.

            (3)  Kẻ nào xem xét các điềm trên trời bèn bị nghi là biếng nhác và vô tín. Ý tưởng của sách Truyền đạo 11:4 được diễn lại trong một tục ngữ A-rạp: "Kẻ biếng nhác trở nên một nhà chiêm tinh." Trời mưa to, một giáo sĩ che ô (dù) rảo cẳng về nhà, thấy một người đạo Hồi-hồi đội mưa mà đi, bèn nói rằng: "Hôm nay mưa to quá!" Nghiêm nghị nhìn lên, ông cụ kia đáp: "Ông tưởng Thượng Đế không hiểu-biết công việc Ngài sao?" Ông cụ thật đã chung một ý tưởng với ông Gióp: "Sự phước mà tay dt ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai-họa mà Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?" (Gióp 2:10).

            Thời-tiết không phải lả đầu-đề câu chuyện ở phương Đông, nhưng các điềm hệ trọng của thời-tiết, vẫn được người ta hiểu biết và làm theo. Trong một xứ nhỏ-hẹp như xứ Pha-lê-tin, chung quanh là biển, sa mạc và dãy núi, thì mọi sự quan hệ đến nóng, lạnh, khô hanh, ẩm thấp, đều do hướng gió mà ra.

            Gió tây khoan khoái, mát mẻ hơn cả. Nó kéo mây và mưa từ Địa Trung Hải đến (I Các Vua 18:44; Lu-ca 12:54). Cuối mùa hạ thường có diễn lại việc xảy ra khi Ê-li cầu nguyện và Ghê-ha-xi xem ngắm trên núi Cạt-men. Một đám mây nhở màu xám nhô lên trên mặt bể trong trẻo, về phía tây nam, và vùng trời tối đen rất mau chóng vì những đám mây dày bị gió cuốn đi; rồi có sấm, chớp. Khi gió bắt đầu thổi vào thời kỳ đặc biệt đó, những cánh đồng trơ trụi, thì dân quê biết sắp có gì xảy ra. Họ vội vàng đi vào vườn nho và lên trên mái nhà để cất trái nho và vả đương phơi khô trước khi mưa như trút nước.

            Gió bắc còn có một đặc tánh, là "sanh ra mưa" (Châm Ngôn 25:23). Gió bắc rải chất ẩm thấp trên núi Li-ban và núi Taurus, nhưng dọc đường nó cuốn theo những mùi không tinh khiết, mà đổ xuống các thành thị và các đîa hạt độc địa. Khi thổi vào xứ Sy-ri, gió bắc là một luồng mát mẻ, thổi từng cơn và hay sinh ra bão tố. Nó có một khu vực riêng, thường là những đồng bằng gần bờ bể và những dồi, núi không xa lắm. Thổi vào miền trung ương, nó tan mất trong tiết nóng như thiêu đốt, hoặc bị nhập với luồng gió đông mạnh mẽ. Chắc vì những mùi không tinh khiết đó và vì gió lạnh lẫn lộn một cách bất thường với ánh nắng gay gắt, nên hay làm cho nhức đầu, đau mình đau mẩy, và có khi làm tàn héo những cây yếu ớt, như sương mù ngoài bể vậy. Người A-rập gọi luồn gió ấy là "gió độc." Khách bộ-hành, mã-phu và nông-phu luôn luôn nhơn dịp khi thời tiết còn tốt đẹp mà lo việc riêng.

            Gió đông thường thổi luôn ban đem, nên mát mẻ và khô hanh. Nhưng nếu nó thổi ban ngày hoặc thổi luôn nhiều ngày, thì nóng gắt và khó chịu, nhất là khi nó thổi hướng đông nam. Bấy giờ nó cuốn bụi cát theo, làm cho vùng trời như một kim khí sáng láng, - vùng trời như ở sách Phục Truyền luật lệ ký 28:23. Cũng có khi luồn gió đông phủ từng trời bằng mây ảm đạm (Ê-sai 25:5; Giu-đe câu 12). Càng lên cao càng nóng, cũng như ờ hành-lang của rạp hát hoặc nhà thờ đông nghịch. Trong bóng mát ở bờ bể thì nóng độ 36 độ (96,75 độ F), còn trên núi Li-ban thì nóng tới 39 độ (102,37 độ F). Vì khô hanh, và ban đêm cũng gần nóng như ban ngày, nên sanh vật và thực vật mòn mỏi lắm. Các bông lúa lép trong giấc mộng của Pha-ra-ôn chính là bị "gió đông thổi háp" (Sáng thế ký 41:6). May thay, gió ấy ít khi thổi lâu; và những cuộc thăm viếng ngắn ngủi của nó thường được "hoan nghinh" vào tiết xuân vì làm cho cây cối mau mọc trên đất còn ướt, và vào tiết thu nữa là lúc trồng tỉa đã xong và cần có ánh nắng để phơi quả khô dùng suốt mùa đông.

            Gió nam là dấu hiệu của nóng-bức (Lu-ca 12:55); nó thổi hướng đông nam thì khô hanh, còn thổi hướng tây nam thì dịu và làm cho khoan khoái. Nó thổi đều hơn, và không thình lình nổi lên, không làm ra bão tố như gió tây bắc và gió đông. Người ta rất sợ gió tây trên hồ Ga-li-lê: Nó thường thình-lình nổi lên rất mạnh khiến cho thuyền bè không trở lại bờ phía tây của hồ được.

            Gió thường thổi từ hướng tây về lúc gần trưa, từ hướng bắc về buổi chiều, và từ hướng đông về buổi tối; rồi nó thổi vòng về hướng nam, đến sáng lại trở về hướng tây, sau khi mặt trời đã chiếu mặt đất suốt mấy giờ. Gió đều mực như thế là một sự hư không và lao khổ (Châm Ngôn 1:6) của tâm trí mòn mỏi chăm tìm thú vui riêng trong cõi thiên nhiên chớ không phải trong sự hầu việc Đức Chúa Trời (Truyền-đạo 12:13). Mặt trời lặn nhuộm đỏ (Ma-thi-ơ 16:2) tỏ ra đương có gió đông, và là dấu hiệu sắp có thờI tiết nóng bức.

            Mực nước mưa hằng năm chừng 95 phân tây. Mưa dào thường vẫn to hơn ở các nước phương Bắc. Về mùa xuân và mùa thu, thường thấy những cây nước vọt lên giữa biển, có khi đổ vào miền đất, làm hư hại tài sản của nhơn dân. Máy đo mưa có khi nghi một hoặc 13 phân tây trong một giờ, nhờ đó ta có thể hiểu tánh chất của "mưa to" (Ê-xê-chi-ên 13:11) làm cho tường vây bọc các vườn phải xiêu đổ (Thi Thiên 62:3), cuốn sạch chuồng bò, làm rung nền nhà ở (Lu-ca 6:48-49), và có thể làm nguy cho mạng loài người và loài vật vì cớ những dòng nước thình lình lên cao (Thi Thiên 18:16; 90:5; Ê-sai 28:2; 59:19). Nhưng thường thì mưa dào là một phước lành và thuận tiết (II Sa-mu-ên 23:4; Thi Thiên 72:6; Ê-xê-chi-ên 34:26). Mùa hạ không có mưa, hơi biển bốc lên, bay vào lúc ban ngày, và đến đêm yên lặng, mát mẻ, thì đọng thành giọt sương êm dịu trên vườn nho, cây vả, cây ô-li-ve và loài thảo-mộc. Hơi ấy cũng đóng thành áng mây buổi sáng, trải ra như bức màn trắng trong các thung-lũng suốt một hoặc hai giờ sau khi mặt trời mọc.

            Trong xứ mặt trời chói-lọi gay-gắt đó, người ta coi quí chất ẩm-ướt trong mọi hình trạng của nó, đến nỗi hiện naytrong những bức chạm nổi trang hoàng các mạch nước nơi thành-thị ta còn đọc được câu cách-ngôn xưa: "Nhờ nước, chúng ta làm sống mọi loài".

            Đó là một vài tình trạng thiên nhiên có ảnh hưởng đến sự sinh sống trong xứ Pha-lê-tin.

 

==================================


C h ư ơ n g  T h ứ  B a

 

N g ư ờ i   C h ă n   C h i ê n   v à   D â n   Q u ê

 

"Hi vọng của cánh đồng chẳng phải là đống lúa trong sân đạp lúa"

Tục ngữ xứ Sy-ri.

 

I.  Đời mục đồng

1.  Người chăn chiên và kẻ làm ruộng, những sự tương quan của hai hạng người nầy.-  Chăn chiên và trồng tỉa bao giờ cũng là hai công việc chính trong xứ Pha-lê-tin. Việc nọ bổ khuyết việc kia, một đằng cung cấp quần áo, một đằng cung cấp đồ ăn. Kinh Thánh chép rằng hai việc ấy có từ thời thái cổ (Sáng thế ký 4:2). Hai việc ấy có ảnh hưởng đến sự sanh hoạt trong gia đình; nó gây nên các nghề nghiệp, và đào tạo nề văn minh trong các làng xóm và tỉnh thành. Khi Kinh Thánh dùng các vật liệu hữu hình để cắt nghĩa và làm nổi bật các chơn lý thiêng liêng, thì luôn luôn nhắc đến các phận sự và nổi nguy hiểm của kẻ chăn chiên, các phương thức và khí cụ của kẻ làm ruộng.

            Tuy hai nghề nảy nở cạnh nhau, lâu đời như nhau và giúp ích lẫn nhau, nhưng lại cạnh tranh nhau về đất đai. Nơi nào có phái chuyên chăn chiên tiếp xúc với phái chuyên làm ruộng, thì đối với nhau có ngay sự nghi ngờ và bất tín nhiệm. Đó chính là vì địa chất của xứ Pha-lê-tin và vì địa vị của dân Y-sơ-ra-ên trong xứ ấy.

            Có đồng bằng và thung lũng để trồng lúa mì, nhưng các chổ ấy lại trống trải tứ phía, tiện cho chiên và dê chạy vào. Trừ vườn nho và vườn rau ra, còn thì đồng ruộng không hề có tường và hàng rào che chở. Đất ruộng của mỗi người có đá làm mốc hoặc có giới hạn thiên nhiên. Mùa màng không có thay đổi mỗi năm để đất sẽ không mất hết chất tươi (như hay làm ở Âu Mỹ), người ta không biết cỏ khô là gì, và cũng không có đồng ruộng bỏ cho cỏ mọc. Có những ngọn đồi và đồng vắng tiện cho sự chăn chiên, song những chỗ đó thuộc về ai? Nếu người lạ muốn chiếm những chổ đó, ai có thể ngăn trở họ? Ý tưởng cốt yếu của người chăn chiên là cho bầy mình ăn cỏ, và vì mục đích ấy, người tự nhiên muốn có đất đai, càng nhiều càng tốt. Người không ở luôn một chổ, nhưng đổi chỗ luôn theo thời tiết quanh năm: Mùa hạ nóng bức thì dẩn bầy lên các ngọn đồi cao hơn, đến mùa đông thì xuống phía nam, đến những đồng bằng ấm áp hơn. Gia-cốp để bầy mình cách bầy của La-ban ba ngày đường, và các con trai của Gia-cốp từ Hếp-rôn đi về phía bắc, đến tận Si-chem và Đô-than.

            Dân làng nào cũng có quyền khai khẩn các cánh đồng hoang ở chung quanh; vì chủ bầy hoặc kẻ được chủ thuê chăn bầy phải chịu trách nhiệm về chăn chiên, nên nếu phạm đến các đồng lúa trong làng hoặc thi hành thủ đoạn hà hiếp, thì bị luật pháp trong làng trừng trị. Nhưng trường hợp lại trái hẳn mỗi khi có một bầy chiên lớn dời trại đến giáp giới các đồng ruộng, tỉ như Áp-ra-ham dẫn theo hơn ba trăm người. Những đoàn chăn chiên như thế dùng trách nhiệm dùng sức mạnh mà xấn vào, và lúc trẩy qua, họ chẳng ngần ngại cho bầy xông vào ruộng lúa, gặt và đem theo mùa màng chín vàng của gã nông phu.

            Những đoàn chăn chiên ấy là Con cái của phương Đông, nay gọi là Bédouins[1][1]: Kinh Thánh luôn luôn nhắc đến họ, coi như một sức ngăm dọa hủy phá cuộc đời văn minh và các quyền lợi trong xã hội. Nơi nào không có chính phủ trung ương cai trị mọi người, thì mỗi giai cấp phải chăm lo binh vực quyền lợi của mình, và "võ lực tức là quyền lợi."  Ấy là án phạt dân Y-sơ-ra-ên phải chịu vì đã không làm chủ tất cả Đất Hứa, đã để cho các bộ lạc vô pháp vô thiên ở địa giới phía đông: Mỗi khi nước Y-sơ-ra-ên suy đồi vì cớ nội loạn hoặc chiến tranh với các nước láng giềng, thì bọn kia lại hăm hở xông vào chiếm lại những đất đai đã mất.

            Ấy đấy, sự phân biệt giai cấp và sự tranh giành quyền lợi về đất đai đã chia rẽ người làm ruộng với người chăn chiên. Vì sự nguy hiểm do nguyên cớ đó, nên công dân trong làng hợp thành đoàn quân nghĩa dũng để chóng nạn ngoại xâm, hơn là hợp thành một thị xã để lo nội trị. Tù trưởng của bộ lạc du mục phải được lãnh tụ trong làng tiếp đón, và như vậy, làng có thể đối đãi người lạ hoặc như khách quí đáng được hoan nghinh, hoặc như kẻ thù đáng bị đánh đuổi.

            Cho nên ngày nay, khi nào ta hỏi dân số trong một làng nào là bao nhiêu, thì họ trả lời theo lối nhà binh rằng làng ấy có bao nhiêu cây súng. Sức mạnh chiến đấu tức là nhơn dân. Về phía những kẻ chăn chiên từ xa đi đến, tỉ như các tộc trưởng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, đem theo tôi tớ và bầy đông đúc, thì phải lập giao ước với các nhà cầm quyền trong địa hạt. Áp-ra-ham làm cho địa vị mình thêm hùng cường vì kết đồng minh với Nam-rê, Ếch-côn và A-ne. Còn Lót dường như đã nhập tịch dân Sô-đôm, trở nên giống như những điền chủ ở đó, vì đã bỏ trại mà ở trong một nhà gần cổng thành.

            2.         Trang cụ (équipement) của người chăn chiên.-  Trong Kinh Thánh, những đoạn điển cố về sự sinh hoạt của người chăn chiên và những danh từ hình bóng mượn của sự sinh hoạt đó, vẫn cốt chuyên chú vào những phương diện ôn hòa. Kẻ thù của người chăn chiên chỉ là thú dữ và trộm cướp. Cơ hội gây nên tranh giành hơn hết giữa người chăn chiên, cũng như giữa người làm ruộng, chính là nước, chính là quyền được đến những giếng, rạch và suối nước (Sáng thế ký 13:7; 29:8; Ê-xê-chi-ên 2:17). Sự giữ bầy chiên và sự làm ruộng cùng phát đạt cạnh nhau. Người chăn chiên thuộc về hàng xã, và được quyền cho bầy chiên, bầy dê ăn cỏ trên những ngọn đồi tiếp cận và trong những ruộng lúa sau mùa gặt tháng năm.

            Bộ diện của người chăn chiên phương đông ít thay đổi, cũng như chiên của họ và những bổn phận giản dị của họ đối với chiên.

            (1)  Áo mặc.-  Người vẫn mặc áo rộng làm bằng da chiên, hoặc bằng vải dày dệt bằng lông chiên, lông dê, hoặc lông lạc đà. Áo đó ban ngày che chở người khỏi lạnh và mưa, đến đêm lại dùng làm chăn. Túi bên trong ngay trước ngực rộng đủ chứa một con chiên hoặc dê mới đẻ khi nó cần được đem qua nơi mấp mô chơm chởm, cần được đem đến nơi ẩn núp hoặc đem về nhà chăm nom vì cớ mắc bịnh hay trái thời tiết (Ê-sai 40:11).

            (2)  Cái túi.-  Mùa hạ, người chăn chiên có khi ở trên núi suốt một tháng, chỉ giao thông với hàng xóm khi nào có ai đem lương thực đến cho mình. Người để lương thực vào cái bị lủng lẳng bên cạnh sườn, ấy tức là "cái túi chăn chiên" (I Sa-mu-ên 17:40); mã phu và nhiều người khác cũng dùng cái túi ấy khi đi đường xa. Túi ấy làm bằng da dê con đã đánh bóng, dùng để đựng bánh, trái ô-li-ve, phó mát (fromage), nho và vả khô.

            (3)  Bầu nước.-  Còn đồ đựng thức uống, như nước hoặc sữa, thì người chăn chiên dùng một cái "vò" nhẹ không vỡ được, làm bằng quả bầu. Hình quả bầu nầy dường như làm kiểu mẫu cho các vò bằng thủy tinh và bằng đất.

            (4)  Gậy.- Cái gậy hoặc côn bằng gỗ cây dẻ bộp lủng lẳng bên cạnh sườn, hay đựng trong cái túi nhỏ mà dài buộc liền với áo dài. Phải lựa chọn kỹ càng, có khi phải nhổ một cây non và thẳng để làm côn, và chỗ rễ cây phình to phải đẽo gọt để làm đầu côn. Chỗ tay cầm phải gọt, và có khoan một cái lỗ ở dưới cùng để buộc vào thắt lưng, hoặc để treo lủng lẳng nơi cổ tay như cái roi đánh ngựa. Trên đầu thì đóng đinh có đầu to như thứ đinh dùng ở miếng sắt móng ngựa. Đó là "cây gậy" ở Thi Thiên 23:4. Trong khoa điêu khắc của nước A-si-ri, cây gậy ấy ở trong tay vua là biểu hiệu của uy quyền; nó là nguyên hình của cây phủ việt, cái chùy và cái ba-toong.

            (5)  Trượng.-  "Cây trượng" chép chung với "cây gậy" ở Thi Thiên 23:4, cũng làm bằng một thứ gỗ ấy, nhưng dài chừng hai thước tây, nhẵn nhụi, ít khi có chĩa hoặc móc ở một đầu. Nó giúp người chăn chiên leo lên dóc đá, đập lá và cành nhỏ, sửa trị những con chiên hay đi la cà và những con dê hay đánh nhau. Khi đứng canh giữ bầy mình, thì người chăn tựa vào cây trượng.

            (6)  Trành.-  Cái trành của người chăn chiên làm bằng lông dê. Đa-vít rất quen dùng trành, còn người chi phái Bên-gia-min dùng trành rất khéo (Các quan xét 20:16). Cái túi lắp viên đá hình tròn như viên ngọc bích, giữa có một khe nhỏ để khì lắp đá vào, thì túi phủ đá như cái bao. Tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp đặt tên cái túi đó theo hình dệt nó hơi lõm vào. Nó chính là "chỗ trũng của cái trành" (I Sa-mu-ên 25:29 - theo bản tiếng Anh đã sửa lại). Hai cái dây có vận thêm lông dê đen và trắng trông rất mỹ thuật, và rất ít là một dây có vòng thắt nút ở đầu để cho ngón tay vào. Chẳng những dùng để đánh trộm cướp và thú dữ, cái trành còn làm việc như con chó chăn chiên ở phương Tây: ấy vì người chăn có thể dùng trành bắn một viên đá rơi gần một con chiên đi lờ phờ ở đằng sau, làm cho nó giựt mình mà nhận biết mình cô độc và bị nguy hiểm. Ngày nay, khi bọn trai trẻ trong làng lân cận có sự xung đột, chúng thường đứng từng hàng dài, dùng trành mà ném đá vào nhau.

            Theo nghĩa bóng, thì cái trành của người phương Đông cốt ý chỉ về khoảng đường hơn là chỉ về sự đúng hướng. Có một tục ngữ của người A-rạp tả vẽ kẻ hay nói hành như kẻ đựng sự bí mật trong một cái trành. Hắn thử xem mình có thể sự xấu của kẻ khác xa đến đâu.

            Công dụng của cái trành trái hẳn với công dụng của cái bầu nước. Cái trành ném ra, còn cái bầu thì giữ lấy. Chắc đó là ý của A-bi-ga-in muốn nói cùng Đa-vít khi nàng đem "bọc những người sống" và mạng sống trong đó để đối chiếu với "trành ném đá" (I Sa-mu-ên 25:19). Người đứng trước mặt nàng chắc có cả trành ném đá lẫn túi đồ ăn; linh hồn của những kẻ thù nghịch như viên đá trong trành, đáng bị ném đi, còn linh hồn của người thì được Đấng Chăn Cao cả che chở và giữ gìn như các thứ cần dùng trong cái túi nuôi sống. Trong trường hợp nầy ý nghĩa rõ ràng và đẹp đẽ đến nỗi trong trường hợp kia cũng cần có một điển cố (allusion) thật đúng và thật rõ ràng.

            3.         Cai quản bầy chiên.-

            (1)  Sự hiện diện của người chăn chiên.-  Ngày cũng như đêm, người chăn chiên luôn luôn ở với bầy mình. Như chúng tôi đã giải luận rồi, sự đó là cần yếu vì cớ xứ trống trải, luôn luôn có nỗi nguy hiểm do thú dữ và kẻ trộm. Một cảnh tượng quen mắt và đẹp mắt hơn hết ở phương Đông chính là người chăn chiên dẫn đưa bầy mình đến đồng cỏ. Người chăn thường có một hoặc hai con chó, nhứt là ở các đồng cỏ xa xôi, hiu quạnh của miền núi. Nhưng loài chó nầy to lớn, hung tợn, có thể giao chiến với muôn sói, và ban đêm có thể báo hiệu quân trộm mon men đến gần. Người chăn mong chiên theo mình, còn chiên thì mong người chăn không lìa bỏ chúng. Nếu người dường như đi xa chúng, thì chúng chạy theo người. Khi nào không thấy người hoặc thấy một kẻ lạ thay vì người, thì chúng hoảng sợ. Từng hồi từng lúc người gọi chúng để cho chúng biết rằng người đương ở gần. Chiên nghe và cứ ăn cỏ. Nhưng nếu có ai khác thử bắt chước giọng của người chăn, thì chúng nhớn nhác nhìn quanh và bắt đầu chạy tán loạn.

            (2)  Sự che chở của người chăn chiên.-  Vì người ở luôn với chiên, nên người luôn luôn chăm chút đến chúng. Chẳng những sẵn sàng che chở chúng, người còn dẫn chúng đến cách đồng thuận tiện nhứt do con đường tốt nhứt. Người cho chúng nghe điệu nhạc của cái sáo, có khi những con chiên nhỏ đáp lại bằng cách nhảy nhót chung quanh người. Người bẻ lá trên cành cây; lúc giữa trưa, người dẫn chúng đến dưới bóng ghình đá, hoặc dưới bóng cây hạnh đào hoặc cây liễu, gần bên giếng hoặc suối nước. Người dùng hết cách để sống với chiên và vì chiên. Lúc mặt trời lặn, người dẫn chúng trở về chuồng; tại đó, ban đêm chúng nằm ngủ bình yên chung với nhiều bầy khác nữa.

            Chuồn chiên thường là một cái hang đá lớn hoặc khu đất trũng có mái che, chung quanh xây tường đá. Khắp cả bờ tường cắm cây gai có chận đá cho khỏi sai chỗ. Ở miệng hang, hoặc ở góc tường gần cửa vào, người chăn có một chỗ làm bằng cành cây có mái, như cái trại mà Phi-e-rơ muốn dựng trên núi Hóa Hình. Ở đó, tỉ như đêm Đấng Christ giáng sanh tại Bết-lê-hem, họ canh giữ bầy mình ban đêm. Bầy chiên cần được che chở loàn toàn luôn luôn như thế, vì chúng không nghĩ đến sự tự vệ. Khi muôn sói đến, bầy dê liền chạy lại đứng sát nhau, giơ sừng ra cự địch; nhưng chiên liền tan lạc và dễ làm mồi cho muôn sói (Giăng 10:12).

            Trong cuộc đời chăn chiên có một cảnh tượng thú vị hơn hết, là khi bầy chiên đi qua suối nước. Người chăn chiên vẫn dẫn đầu, chiên đi hàng một theo người, nhưng đến giữa dòng thì chúng trợt chơn, trôi theo dòng nước. Người chăn vội tiến lên phía trước, bồng một con nầy rồi một con khác, đẩy chiên đi trước mình, kéo chiên cho khỏi sức ép của nước. Vừa đến bờ bên kia, người chăn vội chạy dọc theo mé nước để kéo những con đã bị cuốn đi nhưng đã vùng vẫy đến được bờ bên kia, mệt mỏi lắm. Chiên nào đứng ngần người chăn hơn hết thì được bình yên hơn hết. Dường như Thi Thiên 18:16 ngụ ý đến sự giải cứu như thế - "Từ trên cao Ngài giơ tay ra nắm tôi, rút tôi ra khỏi nước sâu."

            (3)  Sự hiểu biết của người chăn chiên.-  Vì luôn luôn ở với chiên và rất chăm lo đến chiên, nên người chăn quen biết chiên rất thân mật. Nhiều chiên được đặt tên riêng, hoặc do tánh tình của nó, hoặc do một việc nào có quan hệ đến nó. Lúc mặt trời lặn, người chăn đếm chiên, thường tính từng đôi một. - Nhưng dường như theo một luật định, khi chiên nhóm chung một chỗ người chăn liền cảm thấy có con nào thiếu chăng. Ấy chẳng phải vì thiếu một con chiên mà thôi, nhưng cũng vì vẻ mặt cả bầy lộ sự thiếu thốn cái chi đó. Sự hiểu biết này rất thân mật và tự nhiên đáng tin cậy, đến nỗi thường khi không cần theo lệ đếm từng con một.

            Ngày kia, một giáo sĩ gặp một gã chăn chiên ở chỗ hẽo lánh nhứt của dãy núi Li-ban, bèn hỏi hắn nhiều câu về bầy chiên, có câu hỏi rằng hắn có phải đếm chiên mỗi buổi tối chăng. Hắn đáp: "Không," thì ông lại hỏi hắn làm thế nào mà biết rằng chiên đủ hay thiếu. Hắn đáp; "Thưa ông, nếu ông lấy vải bịt mắt tôi, rồi đem bất cứ con chiên nào đến cho tôi rờ mặt nó, chỉ một lát tôi sẽ có thể nói rằng nó thuộc về tôi hay không." Đó là ý nghĩa đầy đủ của lời Đấng Chăn Nhơn Lành đã phán rằng: "Ta quen chiên Ta, và chiên Ta quen Ta" (Giăng 10:14).

            Nhưng có người chăn thuê, và hắn nổi danh về sự bất trung (cũng như người chăn thật nổi tiếng về sự trung thành với phận sự). Vì hay dùng cách phỉnh gạt, nên lời chứng của hắn, cũng như của người nuôi chim bồ câu, không được các tòa án ở phương Đông công nhận. Hắn ở trong vòng phận sự, mà không hiểu phận sự, và chẳng có ai xét xem hắn làm phận sự thể nào. Hắn bạo dạng cũng chẳng được nhợi khen, và có thể nói dối để che đậy sự xao lãng phận sự. Được trả công rất ít, hắn có nhiều cơ hội bán dê con và chiên concho những khách đi qua, hoặc giao cho bà con đem đi chợ bán. Và đến cuối mùa, hắn trình rằng những con vật ấy đã bị người Bédouins ăn trộm, bị muông sói ăn, hoặc ngã xuống vực sâu.

            Những ngày hội hè của người chăn chiên nhằm kỳ hớt long chiên, vào tháng năm và tháng sáu. Bầy đông thêm vì những chiên con mới đẻ trong một vụ; sữa, bơ và phó mát tràn trề; đồng cỏ vẫn còn nhiều miễn là biết chỗ tìm liếm, và tiết nóng mùa hè làm cho sự sinh hoạt ở nơi khoáng đãng thành ra dễ chịu cả ngày lẫn đêm. Ấy là thời kỳ mời nhau dự tiệc giữa những người Bédouins và những người chăn chiên trong làng. Chắc các con trai của Gióp đã hội hợp chè chén trong thời kỳ ấy.

            Từ cuộc đời đồng mục ta có thể rút ra nhiều sự so sánh và nhiều bài học, thật như ta có thể trông mong như thế nơi một nghề nghiệp rất hệ trọng và thông thường của người Y-sơ-ra-ên. Người chăn luôn luôn có mặt giửa bầy chiên và che chở chiên, ấy là những đặc điểm hiển nhiên có thể khiến ta liên tưởng đến những dây liên lạc cao hơn một cách dễ dàng. Thi Thiên 23 vẫn bày tỏ lòng tin cậy Đức Chúa Trời một cách đơn sơ và tha thiết hơn hết. Chiên phục tùng người chăn, ấy chẳng phải chỉ là bước đầu của đời thiêng liêng, - bước đầu đáng được quên bỏ khi chúng ta sẽ biết như Chúa đã biết mình vậy; những kẻ được cứu chuộc và được vinh hiển vẫn còn được dẫn đến những suối nước hằng sống (Khải huyền 7:17).

            Dây liên lạc chặt chẽ đến nỗi dân Y-sơ-ra-ên ngỗ nghịch có thể kêu vang rằng: "Nhơn sao cơn giận Chúa nổi phừng cùng bầy chiên của đồng cỏ Chúa?" (Thi Thiên 74:1). Mọi sự có quan hệ đến sự yêu thương tận tụy, sự hiểu biết thân mật và quyền phép che chở, đều được gồm tóm trong phẩm tước này: "Đấng chăn chiên lớn là Đức Chúa Jêsus" (Hê-bơ-rơ 13:20). Các thí dụ ở Lu-ca 15:3-7 và Giăng 10:1-18 cũng có một tính cách như thế. Cũng hãy tham khảo Thi Thiên 79:13; 95:7; Ê-xê-chi-ên 34:8. Khi Phi-e-rơ vui mừng và mạnh mẽ vì được tha thứ và được phục hưng, thì Đấng Christ lại giao chức vụ mới cho ông theo một cách đầy những ý tưởng cao thượng - "Hãy chăn chiên Ta" (Giăng 21:16).

            Kinh Thánh rất hay nói đến sự yếu đuối trọn vẹn của con chiên không có người chăn. Kinh Thánh dùng sự đó làm hình bóng mà ứng dụng đầy đủ vào những vấn đề đạo đức và tôn giáo, tỉ như người ta rất dễ bị che khuất, đi dông dài và lầm lạc trong đồng vắng của cuộc đời; nào những sự thua mất và sầu thảm xảy ra khi ý chí không đầu phục và không được dắt đưa một cách cương quyết; nào những tai hại cặp theo sự cảnh cáo sai lầm cùng sự nguy hiểm thiết thực (Dân số Ký 27:17; I Sa-mu-ên 25:7; I Các Vua 22:17; Thi Thiên 119:117; Ê-sai 53:6; Giê-rê-mi 50:6, 17; Ê-xê-chi-ên 34:6, 12).

            Rốt lại, con chiên con câm miệng mà đầu phục khi bị hớt lông và gần bị giết. Đó là biểu hiệu về sự lẳng lặng cam chịu và về số phận tuyệt vọng. Dân Y-sơ-ra-ên thường có thể ví địa vị của mình với số phận nhứt định và sự âm thầm tuyệt vọng của con chiên. Hình bóng này được dùng trong lời tiên tri quan trọng ở sách Ê-sai, đoạn 53. Đấng sai môn đồ ra đi "như chiên vào giửa bầy muôn sói" (Ma-thi-ơ 10:16), thì chính Ngài trước hết là "Chiên Con đã chịu giết" (Khải huyền 5:12).

 

II.  Đời canh nông.

            Khi nghe báo cáo rằng các toa xe lửa của người Pháp thay cho đoàn lạc đà mà chở lúa mì của các đồng bằng phì nhiêu ở phía nam thành Đa-mách, rằng một viên kỹ sư Mỹ xây những giếng phun (puits artésiens) ở Si-đôn để tưới đồn ruộng, rằng cứ đến mù hạ các tàu Anh đậu gần thành Ga-xa để chở lúa mạch về xứ Tô-cách-lan, thì ta tự nhiên ngờ rằng người làm ruộng ở xứ Pha-lê-tin đã tấn bộ hơn người chăn chiên, và đời người làm ruộng không còn là di tích của chế độ tộc trưởng nửa. Nhưng xứ ấy vẫn là nơi sản xuất lúa mì, rượu và dầu. Sự gieo và gặt, sự ép trái nhi nơi bàn ép, sự đập cây ô-li-ve cho trái rụng xuống, - mọi sự đó và nhiều sự tỉ mỉ khác trong đời người nông phu thì ngày nay vẫn in như khi Ru-tơ mót lúa và Ê-li-sê cày ruộng.

            1.  Ngũ cốc.-  Các cánh đồng bát ngát hơn hết là đồng bằng của xứ Sy-ri, ở giữa miềng Li-ban và miền đối ngang Li-ban; đồng bằng Hauran ở phía đông xứ Ga-li-lê; các đồng bằng Ách-ra-ê-lôn và Sa-rôn; cao nguyên ở chung quanh Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem và Hếp-rôn. Đất ruộng bằng phẳng không có tường hoặc hàng rào, thì giống như một biển rộng xanh dờn. Trên miền thoai thoải cũng như trên bờ mọi thung lũng có nước chảy qua, gọi là wadies, thì đất ruộng trải ra từng hàng như nấc thang, hàng nào cũng tiếp giáp với hàng trên và hàng dưới, thành ra có thể cày tất cả luôn một lúc không ngừng. Các thứ ngũ cốc người ta gieo nhiều hơn hết là lúa mì (hai thứ), mạnh nha (lúa mạch), và độc dật mạch (épeautre) hoặc dã đậu (vesce) mà Xuất Ê-díp-tô ký 9:32; Ê-sai 28:25 và Ê-xê-chi-ên 4:9 dịch là "tiểu mạch" và "đại mạch". Người ta không biết là gì cả. Ngoài những thổ sản kể trên, còn có đậu, biển đậu, và kê (Ê-xê-chi-ên 4:9), cũng có rau (Đa-ni-ên 1:12). Loài "rau" gồm mọi loài đậu, nghĩa là mọi thứ hột dùng làm đồ ăn, trừ ra lúa mì và mạch nha (lúa mạch).

            (1)  Gieo.-  Thời kỳ gieo giống nhằm khi đất đã mềm, dễ cày, nhờ những trận mưa đầu tiên vào tháng mười tây. Nhưng kê thì gieo vào mùa hạ trên đất ruộng đã tưới nước. Khi mùa đông lạnh lẽo và ẫm thấp đã đến mà chưa kịp trồng mạch nha (lúa mạch), thì phải đợi đến đầu tháng hai tây mới gieo được. Khi đấp mấp mô lắm, thì có lệ cày hai lần, nhưng thường thì người ta gieo hột giống rồi cày cho nó lọt vào trong đất. Người làm ruộng đi trước mà rắc hột giống, rồi người nhà hoặc một đầy tớ cày theo sau. Trong thí dụ về người gieo giống, phần hột giống rơi dọc đường bị chim ăn mất vì không được che lấp như những phần khác (Ma-thi-ơ 13:4).

            Sự ban bằng đất ở những nơi mấp mô thường làm cho nhiều vùng đá bị phủ bằng một lượt đất mỏng. Đâu đâu cũng có gai, nó mọc mau lắm và mạnh lắm. Gai hoặc bị lượm và đốt giữa cánh đồng, hoặc dùng làm củi, hoặc nghiền tán trên sân đạp lúa làm đồ ăn cho bò (Ma-thi-ơ 13:5-7).

            Mạch nha (lúa mạch) chín vào tháng tư hay tháng năm; lúa mì chín vào tháng năm hay tháng sáu; về kỳ hạn thì chẳng nhất định gì cả, vì từ trũng sông Giô-đanh cho tới các đồng ruộng ở chung quanh những cây hương nam, mặt đất cao lên cho tới hơn 1.800 thước trên mặt biển. Những trận mưa cuối mùa vào tháng ba tây nhuần tưới mùa màng, làm cho mùa gặt chậm lại, nhưng thóc lúa nhờ đó mà chắc hơn cho đến khi chín hẳn. Cánh đồng lúa mì hoặc mạch nha (lúa mạch) có màu trắng xanh như lúa hương mạch ở trong nhà. Sẽ không mưa trong ba tháng, nhờ đó cộng lúa và bông lúa có thể khô hẳn (Giăng 4:35).

            (2)  Mùa gặt.-  Các cộng lúa hoặc cắt bằng liềm, hoặc nhổ bật rễ lên; các bó lúa được chở về sân đạp lúa, - chở bằng lưng người, lừa, ngựa và lạc đà, chớ không dùng xe vào việc này như ngày xưa (A-mốt 2: 13). Ngoài tánh chất của đất và tay của kẻ trộm, mùa màng còn hay bị hại vì tiết trời ẩm ướt làm cho mục nát, hoặc ngọn gió vừa hanh vừa nóng từ phía đông thổi đến làm cho khô héo (Phục Truyền luật lệ ký 28:22; II Sử ký 4:28; A-mốt 4:9). Cũng có khi bị hại vì châu chấu.

            Mặc dầu mùa màng ở xứ Sy-ri không có vẻ một "khối đặc" như mùa màng ở xứ Ai-cập, nhưng ở nhiều chỗ đất đai phì nhiêu quá bội, và hoa lợi xứng hiệp với những con số ở trong thí dụ về người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:8).

            (3)  Đạp lúa.-  Sân đạp lúa là một khu đất bằng, hình tròn, đường kính chừng ngót mười thước tây, ở một khoản trống gió gần làng. Đất ban bằng cẩn thận và quét dọn sạch sẽ, chung quanh có một hàng đá lớn chất lộn xộn, cho rơm khỏi bay ra khắp nơi. Các bó lúa cỗi ra và rải khắp sân cho đến khi rơm cao độ 30 phân tây. Cách đập lúa giản tiện hơn hết là cho bò và lừa giày xéo trên rơm khô, nhưng người ta hay dùng đến bàn đạp lúa. Bàn đạp nầy làm bằng những tấm ván dày đóng đinh liền với nhau, thành ra một tấm dài chừng một thước rưỡi, và rộng chừng một thước hai, mặt dưới có giắt những viên đá đen chơm chởm. Bàn đạp ít khi là một khung gỗ có những bánh xe nhỏ ở dưới. Họ buộc một cặp bò mang ách vào bàn đạp, và một người đứng lên trên bàn đạp, tay cầm đót bò, và đánh bò đi xung quanh từ sáng đến tối. Những con bò này không bị khớp miệng lại, nhưng được tự do lượm rơm mà ăn tùy thích (Phục Truyền luật lệ ký 25:4; I Cô-rinh-tô 9:9; I Ti-mô-thê 5:18). Khi đã đạp đủ rồi, thì rơm, hột lúa và rơm vụn chất đống ở giữa sân; người ta lại rải thêm bó lúa trên sân, rồi lại bắt đầu đạp cho đến khi xong việc, hoặc khi không còn chỗ chứa ở giữa sân vòng tròn nữa.

            (4)  Sàng sảy.-  Công việc này người ta làm bằng xẻng và bồ cào (Ê-sai 30:24). Bồ cào làm bằng gỗ, rất đơn giản. Bồ cào tung rơm, hột lúa và rơm vụn lẫn lộn lên trên không. Rơm vụn bay trên sườn đồi (Thi Thiên 1:4), còn nếu chất đống ở những sân đạp lúa công cộng thì người ta đốt hết. Rơm thì người ta chất đống cách đó mấy thước, còn hột lúa thì rơi xuống nơi chơn người sàng sảy. Trong đống hột lúa này cò có nhiều trấu và rơm, và lúc việc sàng sảy gần xong, người ta dùng cái nia mà sàng sảy suốt ngày ở sân đạp lúa, kể từ mùa gặt cho đến tháng tám tây, là khi nho đã chín cần phải giữ gìn; ở những nơi trồng nhiều lúa, thì người ta sàng sẩy cho đến hết tháng chín tây. Ông chủ ngủ ở gần sân đạp lúa, hoặc cắt người canh gác. Khi lúa chất đống cao rồi, thì người ta đóng dấu. Họ dùng con dấu to bằng gỗ mà đóng vào khắp đống lúa. Nếu ai toan lấy bớt lúa đi, thì dấu sẽ mờ đi, không rõ như trước nữa. Sự đóng dấu cốt để giữ của cho chủ hoặc những người làm ruộng chung nhau, hay là giữ nguyên vẹn mùa màng cho tới khi các nhà chuyên trách đến thu một phần mười. Đống lúa bị đóng dấu cho tới ngày nhứt định cân hay đo. Kinh Thánh thường nói đến con dấu khi luận về các giấy tờ quan hệ, các kho tàng và các sân đạp lúa. Con dấu bao gồm nhiều ý nghĩa thiêng liêng sâu xa (Đa-ni-ên 12:9; Rô-ma 15:28; Ê-phê-sô 1:13, 4:30). Nếu ngày nay ta khuyên dân quê ở xứ Pha-lê-tin dùng máy sàng sảy, thì họ trả lời ngụ ý trách rằng tổ tiên họ đã sàng sảy theo cách nầy và đến mùa sàng sảy thì chẳng còn làm việc chi khác. Rốt lại, hột lúa còn phải rây cho sạch, nhưng chúng tôi sẽ luận về việc nầy trong mục "Đồ ăn và sinh hoạt trong gia đình."

            2.  Vườn nho.-  Cây nho luôn  luôn chiếm một địa vị quan trọng trong các công nghệ của xứ Pha-lê-tin. Sự trồng nho là một đặc sắc bậc nhứt trong xứ ấy (Phục Truyền luật lệ ký 8:8; Thi Thiên 8; Ê-sai 5; Ê-xê-chi-ên 17).

            (1)  Nơi có vườn nho.-  Khắp xứ có vườn nho, nhưng nơi thuận tiện hơn hết là sườn đồi, hoặc khu đất thoai thoải ở chân đồi. Cây nho ưa đất đai trống trải quang đãng, để có thể đâm rễ sâu xuống cho tới chất ẩm ướt từ mặt núi thấm xuống. Trên mặt đất, cây nho cần có rất nhiều không khí và ánh mặt trời; ban đêm, sương móc đậu trên lá nó cho tươi mát; nhưng nguồn đồ ăn và sức mạnh của cây nho ở trong những khe đá mà ánh nắng mặt trời không thấu đến được.

            (2)  Dự bị.-  Vườn nhocần phải sửa dọn nhiều lắm. Phải xây một bức tường chung quanh vườn. Đất không bằng phẳng thì phải nện những bậc như nất thang, rộng từ 1 đến 4 hoặc 5 thước; những tảng đá lớn phải đập vỡ hết, xây chung với những viên đá khác, thành những bức tường gồ ghề nối với nhau, cao từ 60 phân đến 1 thước tám. Đoạn, đất phải trừ hết gai và tật lê, phải dọn sạch các thứ đó hơn là để đất trồng lúa. Nếu là vườn nho rộng, thí phải đục một bàn ép nho, và phải làm một căn phòng cho người canh giữ. Phải dùng cái cuốc mà xan phẳng đất, cũng phải lo sửa chữa toàn khu vườn nho nữa. Vì phải luôn luôn chăm chút vườn nho như vậy, nên chúng ta có đọc đoạn chép rằng khi Giu-đa bị bắt làm phu tù, thì có một số dân nghèo hơn hết được để lại đặng gieo lúa và chăm vườn nho (II Các Vua 25:12).

            Vườn nho bị bỏ hoang thì Kinh Thánh mô tả là có gai và cỏ lùng cứng mạnh mọc đầy, còn tường đã đổ vì mưa xói (Châm Ngôn 24:30, 31).  Ta thấy tất cả công làm lụng khó nhọc trong  câu hỏi nầy: "Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng?" (Ê-sai 5:4).

            (3)  Cây nho mọc lên.-  Nó mọc rất mau chóng và rườm rà. Người ta trồng chồi xuống đất, chồi nọ cách chồi kia chừng bốn thước hoặc hơn nữa để đủ chổ cho cành đâm lên. Cây nho non bị chặt luôn, và người ta không để nó kết quả trước khi nó được đủ ba năm. Tháng tư và tháng năm thì cây nho thì cây nho trổ hoa thơm nhẹ nhàng (Nhã-ca 2:13). Các cành đầy la to xanh dờn mau tỏa khắp mặt đất; các cành leo dủ xuống bức tường của vườn, leo lên những vầng đá, hoặc quấn lấy một cây dẻ bộp, làm cho lá lặng lẽ của cây nầy bật tươi sáng óng ánh. Trên những cành cao nhứt của cây dẻ bộp, những cành nho rung rinh, đầy sự sống và sức mạnh vô cùng. Cây nho làm hình bóng về một cuộc đời rất dư dật, sung sướng và toàn thắng - "Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh" (Giăng 15:5).

            (4)  Quả.-  Có thể có nhiều thứ quả nho, vừa màu tía, vừa màu xanh, mặc dầu là ở cùng một vườn. Có mấy làng nổi tiếng vì có nhiều thứ quả nho khác nhau, trong vường nho có từ 12 đến 20 thứ quả khác nhau; làng khác lại nổi tiếng vì làm cho một thứ quả nho đặc biệt được mười phân vẹn mười. Nho có nhiều hình và nhiều vị khác nhau. Tên đặt tùy theo hình nho to nhỏ, hoặc màu sắc của quả nho, hoặc toàn thể chùm nho. Vậy nên trên núi Li-ban có "Ngón tay của cô dâu" (hình dài, nhọn, rất trơn và trong); "Má cô con gái" (quả nho mỗi bên có chấm ửng đỏ); "Đầu con la" (quả nho to, màu tía, trông thô); "Gà mái và gà con" (Chùm nho có những quả to và xanh, chung quanh có nhiều quả nhỏ không hột, gần bằng quả nho đen).

(5)  Công dụng của quả nho.- 

(a)    (a)     Nho tươi và chín ăn với bánh mì, là món ăn cốt yếu trong tháng chín và tháng mười.

(b)   (b)    Nho khô. Nho nầy phơi khô ở một góc vườn nho đã ban bằng và sửa soạn kỹ càng. Đương khi phơi dưới ánh nắng mặt trời, các quả nho thường bị đảo lên trộn xuống và tưới dầu ô-li-ve cho vỏ cứ ướt. Nho phơi từng chùm, hoặc vãi khắp mặt đất. Nho khô là món ăn cốt yếu chứa trong kho của dân quê lúc mùa đông; và trong thời kỳ của Kinh Thánh, nho khô được coi quí như một món ăn vừa miệng và bổ sức (I Sa-mu-ên 25:18; 30:12; II Sa-mu-ên 16:1; I Sử ký 12:40).

(c)    (c)     Rượu nho và nước nho.- Hai thứ nầy làm ở bàn ép rượu nho nho, khi quả nho đã chín hẳn, và mùa hái nho sắp hết, vào đầu tháng mười.

            Bàn ép rượu nho làm bằng hai cái hố trong dốc đá cứng, cách nhau chừng mười phân tây. Hố nọ cao hơn hố kia, và cái hố ở trên rộng lớn, bằng phẳng, hình vuông và sâu chừng ba bốn mươi phân tây. Họ ném quả nho vào đấy, rồi đàn ông, đàn bà và con trẻ cùng nhau lấy chơn đạp,- thường là những người cùng một nhà, hoặc bà con có chung quyền lợi trong vườn nho. Đương khi đạp nho dưới chơn, họ vỗ tay hoặc ca hát làm nhịp (Ê-sai 16:10; Giê-rê-mi 48:33). Cảnh tượng vui mừng trong xã hội đó khác hẳn cảnh hiu quạnh, buồn bã mô tả ở Ê-sai 63:3. Sau giày đạp nho đạp nho bằng chân như thế, họ lượm các vỏ quả nho lại thành một đống, rồi người ta lấy một tảng dẹp mà chận lên trên, và lại có một cái cần như khi ta giã gạo. Nước nho chảy vào cái hố ở dưới, do một đường ăn thông xuống. Hố nầy nhỏ hơn nhưng lại sâu hơn. Nếu cái hố ở trên dài chừng hai thước và rộng một thước sáu, thì cái hố ở dưới dài chừng một thước ba và rộng chừng bảy mươi phân, nhưng sâu chừng một thước. Nếu hình thế dốc đá ấy thuận tiện, thì người ta đục một lỗ ở gần đáy hố nầy để cho nước nhochảy vào những thùng chứa nó. Một phần nước nhont để cho chua, dùng làm giấm.

            Nước của quả nho màu đen thường dùng làm rượu vang (vin) mùi hơi chua. Nước của quả nho trắng và nho xanh, thì người ta đun sôi ít lâu và dùng làm rượu ngọt. Cũng cất nước nho nầy làm rượu mạnh mà người Do Thái ngày nay gọi theo tên Hê-bơ-rơ có nghĩa là "rượu đốt cháy".

            Dân trong xứ không biết chút gì về rượu không men. Họ không có thói quen uống nước nho mới ép, như ta có tháy trong giấc mộng của quan tửu chánh trong triều vua Pha-ra-ôn (Sáng thế ký 40:11). Người phương Đông chẳng chiều theo sự ham mê ăn uống. Tiết trời nóng bức, nên kẻ ham mê ăn uống dễ bị khó ở và hay đau yếu. Người phương Đông hay hung tợn, nên nếu uống rượu, thì dễ bị cám dỗ mà cãi nhau, đánh nhau và phạm trọng tội. Người ta coi sự say rượu là một nết xấu đáng thẹn. Ít khi xảy ra có kẻ say rượu, và nếu có, thì người ta giấu giếm đi (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:7).

            Người theo đạo Hồi hồi bị cấm ngặt không được uống rượu, vì cớ những thương tổn đạo đức thường do rượu gây nên. Trong các thi ca và truyện tích tả cuộc đời các bậc anh hùng của đạo Hồi hồi, cũng hay nói đến rượu, nhưng chỉ coi rượu như một hình bóng, không có gì liên lạc với đời thực tế. Trong các châm ngôn của người Á-rạp có nói rằng rượu trừ diệt lý trí và đem sự hối hận thay vào. Người phương Đông uống rượu lúc mùa đông và khi ăn cơm. Dầu có khi người ta nhận thấy rượu bổ sức khỏe, nhưng thói quen uống rượu thường cập theo tiệc tùng vô độ và sự chửi rủa gây lộn.

            Trong sách cầu nguyện của người Do Thái có một lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã dựng nên cây nho. Buổi sáng họ để bụng đói đi đến nhà hội, và khi trở về nhà riêng, họ uống một cốc rượu nho và đọc lời cảm tạ kia. Chắc trong ngày lễ Ngũ tuần, Phi-e-rơ có lẽ ngụ ý nói đến phong tục ấy để chứng tỏ rằng không ai có thể say rượu lúc 9 giờ sáng, là giờ người Do Thái vừa mới đi cầu nguyện về (Công vụ các sứ đồ 2:15).

            Nước nho làm bằng nước quả nho nấu sôi cho đến khi quánh như mật ong. Chất này ngọt lắm, và vì cùng một màu và đặc như mật ong, nên trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng gọi là mật ong.

            (6) Những sự nguy hiểm cho vườn nho.-  Kẻ thù ghê gớm nhất là châu chấu; là gió hướng đông nóng và hanh, làm héo quả nho; là gió tây nam đem sương mù êm dịu và sự nóng ẩm từ biển tới; là những thú rừng như chó rừng, chồn và gấu; là bọn trộm cắp và khách bộ hành hay ăn cắp vặt. Có người giữ một hay nhiều vườn nho để đề phòng kẻ trộm và thú dữ. Người ở đó ngày đêm để xua đuổi thú dữ và dọa đánh kẻ trộm hoặc báo tin có kẻ trộm. Ban đêm người dò đi đây đó, còn ban ngày người có một cái lều ở nơi địa lợi (Ê-sai 1:8). Lều làm bằng bốn cái cột cứng trồng xuống đất, có tường bằng gỗ lên cao chừng một thước rưỡi, và lợp toàn bằng lá cây dẻ bộp. Trong lều có người canh giữ ban ngày. Khi mùa nho đã hết và vườn nho trơ trụi, thì lều bị gió mưa dồi dập, thật là một bức tranh điêu tàn, hiu quạnh.

            Đó là con gái của Si-ôn đương đời Ê-sai (Ê-sai 1:8). Có khi một căn phòng xây bằng đá thay chỗ cái lều kia. Căn phòng nầy vừa là chòi canh, vừa là nơi ẩn núp, trong đó có thể nấu rượu nho và nước nho nếu gặp lúc trời mưa, lạnh. Đó là cái tháp trong thí dụ của Chúa (Ma-thi-ơ 21:33).

            Tỉa sửa cây nho vào tháng chạp hoặc tháng giêng tây, chớ không tỉa sửa lúc cây trổ lá và hoa; nếu làm lúc ấy, cây nho sẽ mất nhiều nhựă quá.

            Vườn nho hoặc do chủ vườn trồng lấy, hoặc cho tá điền lĩnh canh; tá điền được một nửa hoa lợi.

            Lời hứa ban mùa màng phong phú (Lê-vi ký 26:5) làm cho mùa đạp lúa nhằm tháng bảy và tháng tám liên tiếp với mùa hái nho nhằm tháng chín và tháng mười, cùng mùa cày ruộng và gieo giống nhằm tháng một.

            3.  Cây ô-li-ve.-  Cây ô-li-ve là một đặc điểm của phong cảnh phương Đông. Nó màu xám lẫn bạc, lấm tấm bụi, tương phản với màu xanh dờn của cây dâu, cây mơ, cây cam và nhiều cây khác. Cây ô-li-ve thay đổi màu sắc luôn tùy theo ánh sáng rọi trên cây hay rọi qua cây, và tùy theo buổi sáng, trưa và chiều. Khóm cây ô-li-ve giống như một đám cây liễu hoặc cây bạch dương (bouleau) đương trổ lá, mặc dầu hình dáng không đẹp bằng và các nhánh không dập dờn đầy thi vị bằng. Thân cây màu thẫm sáng loáng qua những nhánh; khu đất đỏ lợt hiệp với cây ô-li-ve hơn hết, làm cho cây có một màu tươi chói mà cây vốn không có. Đó là vẻ đẹp của cây ô-li-ve. Trồng được bảy năm thì cây ô-li-ve sinh quả; được mười bốn năm, thì cây đầy sức mạnh sinh quả sai lắm. Cứ cách một năm, cây ô-li-ve lại sai quả, và khi ấy một cây sinh được từ 50 đến 90 lít dầu ô-li-ve.

            Người ta hái những quả ô-li-ve vào tháng mười, chừng lúc dân Do Thái giữ lễ Lều tạm. Vì cây ít khi có tường rào chung quanh, và những cây ở trong hàng rào có thể thuộc về nhiều chủ, nên viên tù trưởng nhất định một ngày hái quả ô-li-ve hầu cho ai nấy có thể chăm lo phần riêng của mình.

            Cây cao chừng hơn sáu thước tây và dễ leo lên lắm; người ta đứng dưới đất, cầm một cành chà là trụi lá mà đập các cành ô-li-ve (Ê-sai 17:6; 24:13). Sau ngày đã nhứt định kia.ai cũng có phép mót những quả còn sót trên cây (Phục Truyền luật lệ ký 24:20; Ê-sai 17:6).

            Những cây ô-li-ve già có chồi từ gốc đâm ra, gần sát đất. Sáu, bảy hoặc mười hai chồi, hoặc hơn nữa, đâm ra thành một vòng tròn chung quanh thân cây có mắt và thường khi nứt vỡ. Đó là những "chồi ô-li-ve" mọc lên để thế chỗ chính cây đã sinh ra chúng (Thi Thiên 128:3). Người ta tháp một nhánh ô-li-ve thật vào cây ô-li-ve rừng đã chặt cụt sát đất, chỉ còn rễ và gốc thôi. Cho nên sự tháp dân ngoại vốn thờ hình tượng vào gốc của dân Y-sơ-ra-ên vốn đã học hiểu Kinh Thánh, là một sự trái với luật thiên nhiên hoặc phong tục (Rô-ma 11:24). Nếu lấy chồi của cây ô-li-ve sinh quả mà trồng xuống đất, rồi cắt cụt và đem tháp, thì chồi ấy cũng tốt hơn. Ta nhận thấy chồi ấy làm rụng hết hoa (Gióp 15:33). Người làm lụng khó nhọc hay ăn quả ô-li-ve với bánh mì cho thêm vị. Bánh mì và quả ô-li-ve ở xứ Sy-ri cũng như xúp và sữa ở xứ Tô-cách-lan. Những người làm công cho Hi-ram được cung cấp hai món ấy (II Sử ký 2:10). Dầu ô-li-ve dùng nhiều để nấu xúp và nhiều món ăn khác. Sa-lô-môn dùng gỗ ô-li-ve để xây cát đền thờ (I Các Vua 6:31), và ở thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn dùng gỗ ấy làm các đồ trang hoàng.

            4.  Cây vả.-  Cây vả đứng sau hàng cây nho và cây ô-li-ve về số nhiều và về sự sinh quả, mặc dù ngày nay sau lúa mạch và lúa miến thì cây dâu là quan hệ hơn hết vì lá nó dùng nuôi tằm.

            (1)  Hình dáng.-  Khi trụi lá, cây vả trông chỉ như những thừng (dây lớn) chằng chịt với nhau, nhưng trên những cành nhỏ ấy có vô số chấm phơi dưới ánh mặt trời; đến mùa hạ, cành cây vả nhan nhản quả và có lá to che kín. Cây vả đủ bóng mát ở bên cạnh nhà, về phương diện nầy, cây vả df Kinh Thánh chép chung với cây nho leo (I Các Vua 4:25; Mi-chê 4:4; Giăng 1:48).

            (2)  Quả.-  Có thể nói rằng có ba mùa vả:

(a)    (a)     Vả đầu mùa.-  Thứ vả nầy có ít, và chẳng phải cây nào cũng có. Thứ nầy chín một tháng trước mùa hái vả. Thật không tốt hơn loài vả thường có mùa hạ, vì dẫu to và nhiều nước, nhưng phải cái kém vị; thế mà vẫn được coi là vật quí, vì là quả đầu mùa và có ít thôi. Chủ vườn thường đêm thứ vả nầy biếu bạn bè. Thứ quả nầy được đem biếu như vậy và dễ rơi rụng, đều có ghi chép trong Kinh Thánh để so sánh với những thực sự trong cõi đạo đức (Ô-sê 9:10; Giê-rê-mi 24:2; Na-hum 3:12).

(b)   (b)    Những quả vả thường mùa hạ.-  Thứ nầy phần nhiều dùng làm đồ ăn trong tháng tám và tháng chín tây. Người ta cũng phơi khô trên mái nhà bằng phẳng, để dành ăn lúc mùa đông (I Sa-mu-ên 25:18; 30:12).

(c)    (c)     Quả vả mùa đông.-  Thứ nầy chín chậm, và cứ còn trên cây với những lá xanh thẫm cho đến cuối mùa thu và có khi đến cuối năm. Quả nầy to và nhiều thịt, nhưng vị thì kém những quả mùa hạ. Thứ quả nầy to và nhiều thịt, nhưng vị thì kém những quả mùa hạ. Thứ quả nầy có ít, mặc dầu là lớn hơn những quả đầu mùa.

            Quả vả ngon thì thật ngon, mà dở thì thật dở. Quả vả có thể khô đi, quắt lại, dính và không có mùi vị, và bị sâu nhỏ ăn (Giê-rê-mi 24:8).

            (3)  Cây vả là dấu chỉ thời tiết.-  Cây vả trổ lá sau cây hạnh nhân, cây mơ, cây đào. Khi những lá non của cây vả đã nở, thì to ra và đậm màu hơn, đó là dấu hiệu mùa hạ gần đến (Ma-thi-ơ 24:32; Mác 13:28). Vào thời kỳ hoa nở, cây vả tỏa một mùi đặc biệt, như mùi nhang thơm. Dường như mùi thơm nầy được liệt chung vào các dấu hiệu rằng mùa hạ đã tới, theo sách Nhã ca 2:13. Trong câu Kinh Thánh đó, chữ dịch là "chín" nguyên văn có nghĩa là tỏa mùi thơm.

            (4)  Cây vả khô (Ma-thi-ơ 21:19; Mác 11:13).-  Thỉnh thoảng chúng ta thầm thương cảm cây nầy cũng như thỉnh thoảng đã thầm thương cảm Ê-sau, Sau-lơ, Giô-áp và một số người nữa. Muốn hiểu trường hợp của cây vả nầy, trước hết phải chú ý đến công lệ lớn lên và kết quả của nó. Công lệ thế nào? Ấy là lá và quả "hiện ra" và "biến đi" cùng một lúc. Khi lá bắt đầu nảy chồi, thì quả cũng bắt đầu kết.

            Đến cuối mùa hạ, khi lá đã rụng rồi, thì vẫn còn sót ít nhiều quả vả ở đầu cành; nhưng hễ còn lá tất nhiên phải còn quả. Ta được dạy dỗ nhiều nếu đem so sánh cây vả nầy và số phận của nó với một cây vả khác có chép trong thí dụ (Lu-ca 13:6-9). Cây vả của thí dụ cũng không ra quả trong ba năm, mặc dầu nó ở vào trường hợp và kỳ hạn thường như mọi cây vả khác, tức là sự kiên nhẫn và sự tin cậy dễ giục lòng mạnh dạn.

            Nhưng đối với cây vả trên núi Ô-li-ve, thì Kinh Thánh cho ta hay rằng chưa tới mùa vả (Mác 11:13). Thoạt đầu thực sự nầy dường như binh vực cây vả; nhưng chính thực sự ấy cho nó bị đoán phạt. Nếu không phải thời kỳ ra quả, thì không phải thời kỳ ra lá. Cây ấy trổ lá trước những cây khác, và chính bởi công lệ sinh sống của nó, tức là có lá và quả cùng một lúc, nó đáng phải kết quả trước cũng như đã "tốt mã" trước. Nhưng Ngài "chỉ thấy những lá mà thôi" (Ma-thi-ơ 21:19). Thật là một tòa công luận "bằng cây!" Nó dường như bị "ám ảnh" bởi tinh thần đã tạo nên cái áo dài và cái hộp đựng đoạn Kinh Thánh[2][2]. Đảng Pha-ri-si phạm nhiều tội ác nghịch cùng Đức Chúa Trời, thế mà lại tự nhận là hành động vì danh Đức Chúa Trời. Người Pha-ri-si và cây vả nầy gần giống nhau về chỗ "năng thuyết bất năng hành". Chỉ có cái đó làm cho Đấng Christ nổi dạ bất bình nghiêm khắc.

            Các thầy thông giáo, các người Pha-ri-si và cây vả đều là một bọn giả hình. Chúa phán rằng: "Ta là Lẽ Thật" (Giăng 14:6). Kính mến Ngài tức là trở nên giống như Ngài. Trong các sự mà Phao-lô khuyên bảo chúng ta nên suy nghĩ đến, thì trước hết ông kể "điều chi chơn thật" (Phi-líp 4:8).

            5.  Vườn.-  Vườn ở phương Đông thường là những khu đất có tường bao bọc để trồng cây có quả, cũng như vườn nho để trồng cây nho vậy. Người ta không nghĩ đến hoa, đến những lối đi hai bên đắp cao hoặc cỏ xanh. Đất thì san phẳng, hoặc chia làm nhiều khu cách nhau bằng những mô đất; các khu ấy hẹp, không sâu mấy, người người ta tát nước vào. Khi nào các khu đã được tát đủ nước rồi, thì người ta lấp lại bằng cái mai và bằng chân không. Có lẽ việc  nầy có liên lạc với sự tưới bằng chân chép ở Phục Truyền luật lệ ký 11:10; hoặc giả sự khác nhau giữa xứ Pha-lê-tin và xứ Ai-cập tỏ ra trong đoạn sách nầy có lẽ là sự dùng chơn đạp bánh xe vận nước từ sông lớn hoặc sông đào lên để tưới ra khắp một miền đất. Gần các thành phố, và ở những nơi có nhiều nước, có vườn trồng rất nhiều thứ rau khác nhau.

            Các thứ cây thường trồng trong vườn là ô-li-ve, vả, cam, chanh, chấp, lựu, chà là, hột giẻ, mơ, đào, chuối, có khi có cả táo và lê. Cây ô-li-ve và cây vả thì trồng cách xa nhau đủ để có thể trồng lúa mì và mạch nha ở giữa. Vậy, ta thấy các cây ô-li-ve ở trong vườn nơi chơn "đồi xanh," tại đó có một phần mộ đục trong đá. Nhiều người tưởng đó là mộ phần của Đức Chúa Jêsus (Giăng 19:41).

            Cây hạnh nhân trổ hoa nhằm ngày ngắn, tối và lạnh của tháng giêng, và những liồng gió lớn lúc đầu tháng hai. Vì hoa của nó trổ trước khi lá mọc, nên "bộ áo tuyết" của nó dường như càng làm lộ vẻ tiêu sơ, trơ trụi của cảnh vật chung quanh nó (Truyền đạo 12:5).

            Người ta hay tưởng rằng quả táo trong Kinh Thánh chính là quả chanh hoặc quả mộc qua (coing); có lẽ là một chữ chung chỉ về ba thứ quả đó, vì lối dịch của Kinh Thánh được xác chứng bởi một lẽ rằng chữ ấy trong tiếng A-rạp có nghĩa là quả táo. Cây chà là mọc cao vót giữa những cây của đồng bằng gần bờ biển. Nó mọc rất đẹp mắt giữa những làng của các trũng thấp. Trong thi ca và lời chúc tụng của người A-rập, người ta dùng cây chà là làm biểu hiệu cho sự oai vệ và trang nhã (Thi Thiên 92:12; Nhã-ca 7:7;Giê-ru-sa-lem 10:5).

            Cây hột giẻ và cây caroubier thường thấy ở phía ngoài hàng rào vườn, hoặc thuộc về chủ đất hoặc là của công của làng. Quả cây caroubier hình như đậu bồ kếp thì trộn với quả vả để mùa lạnh dùng. Nhiều nơi có cây hột giẻ,nhưng nó thường mọc ở những thung lũng, đâm rễ gần suối nước (Thi Thiên 1:3). Bóng nó rất kín và dễ chịu, vì lá có một mùi thơm ngát (Nhã-ca 4:11).

            Người ta thường thấy cây vả rừng mọc một mình ở bờ đường, hình vóc rất to và cành lá sum suê.

            Trái vả rừng chẳng có mùi vị gì cả, lớn gần như quả mơ nhỏ, và mọc rất nhiềutrên những cành con không có lá; cành con thì đâm ra từ thân cây và những cành to. Chỉ có những người nghèo hơn hết mới ăn trái vả rừng (A-mốt 7:14).

            6.  Mót lúa.-  Các luật lệ ngàn năm xưa về sự mót lúa thì bây giờ người ta không gìn giữ cẩn thận như ngày xưa. Ở những ấp nhỏ, chủ ruộng thường mót hết lúa, nhưng thường để lại một khu không gặt vì cớ sự tín ngưỡng dè dặt. Mới đây có một viên kỹ sư người xứ Tô-cách -lan đem một cái máy gặt chế tạo ở bên Mỹ đến đồng lúa minh mong ở dãy núi Li-ban để bày tỏ năng lực của máy ấy cho các nhà chuyên trách và các chủ đất họp lại xem. Những người này lấy làm lạ lùng và thỏa thích lắm; song các nông phu nghèo khó và các đờn bà mót lúa la ó viên kỹ sư kia vì công việc nhanh chóng của cái máy ấy cướp hết phần của họ.

            Trong khu trồng cây ô-li-ve thuộc về nhiều chủ, mà lại không có vườn để ngăn sản nghiệp của người nầy với sản nghiệp của người kia, thì họ để cho mót quả ô-li-ve sau một ngày hoặc những ngày đã công bố để đập cây cho rụng quả mà lượm (Phục Truyền luật lệ ký 24:20). Ở các vườn nho và vườn vả cũng thường có lệ cho phép như thế sau một ngày gọi là lễ Thập tự, vào khoảng cuối tháng chín tây.

            Dựa theo các điều luận trên đây, ta thấy rằng nhơn dân xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin chẳng cần ai giải nghĩa cho biết rõ cuộc đời du mục và canh nông trong những thời đại Kinh Thánh. Các phong tục truyền tử lưu tôn và hoàn cảnh của họ giải thích và chứng quyết cho những vấn đề luận trên, và cũng làm cho sự dạy dỗ thiêng liêng do những vấn đề ấy càng thêm hứng thú và cảm động.

 

==========================

 


C h ư ơ n g   T h ứ   T ư

 

C á c   N g h ề   N g h i ệ p

 

"Bàn tay Danh dự là một cái cân. Đường nào cũng dẫn đến cối xay lúa."

Tục ngữ xứ Sy-ri.

 

            Một cảnh tượng sướng mắt hơn hết  trong cuộc gia đình sinh hoạt chính là xem đứa trẻ thức dậy một cách tỉnh táo và đột nhiên, và lấy làm vui thỏa vì đêm tối đã qua và bước sang một ngày mới. Cuộc sinh hoạt trong các thành phố ở phương Đông cũng bày ra một đặc sắc ngây thơ như thế. Lúc hừng đông, các ngôi sao vụt biến mất trong ánh sáng càng lâu càng lộ ra; và vừa lúc mặt trời mọc, thì các công việc hằng ngày đã bắt đầu rồi. Người thức dậy trước nhất là các thợ làm bánh: họ nướng bánh để đem ra ngoài phố bán với sữa nóng cho những người đi làm sớm. Những kẻ phải chăn ngựa, la, lừa và lạc đà ruỗi người ra và thức dậy, mặc áo sẵn sàng để dọn đồ ăn cho các súc vật đương nhẫn nại chờ đợi. Những người làm công đem theo đồ dùng hay là không đem theo gì cả, bắt đầu hội họp ở nơi nhứt định, chào hỏi nhau và chờ người đến thuê. Dân lao động ở ngoài châu thành, hoặc đi bộ, hoặc cỡi lừa. Ta nghe tiếng cái đe kêu chan chát, tiếng gõ của người thợ làm thùng, tiếng quay của cái bánh xe ở giữa sân làm thừng (dây), rồi tiếng vặn ống khóa ken két khi người A-rạp mở cửa hàng. Ngày mới ồn ào, tưng bừng, bận rộn bắt đầu như vậy đó. Vừa khi mặt trời lặn thì công ngừng ngay, các cửa hàng đóng lại, phố xá vắng tanh, và thành phố chìm vào sự yên nghĩ và lặng lẽ của một đêm khác (Thi Thiên 104:23).

            Người Bédouins chuyên nghề chăn chiên kinh ngạc, sửng sốt khi bước vào thành phố và thấy cách sinh hoạt khác hẳn cách sinh hoạt của mình. Những sự nhu cầu của người rất ít và giản dị biết bao; đồ ăn, quần áo và đồ dùng làm việc phần nhiều do chính tay người và tay vợ con, anh em người làm ra. Nhưng ở thành phố mỗi nghề nghiệp có một phố riêng hoặc một khu chợ riêng; thợ làm thùng, thợ bạc, kẻ bán thóc lúa, gỗ, rau, thịt chiên, vải, thợ đóng giày và làm đệm, đều phối họp với nhau, mỗi nghề có riêng một chỗ. Khi sự sinh hoạt thêm phiền phức, thì luôn luôn có sự nỗ lực và sự phát triển tài khéo đặc biệt.

            Các công nghệ ở phương Đông đáng chú ý ở chổ tài khéo được bày tỏ trong sự dùng những khí cụ đơn giản, và công việc tốt nhứt lại do những máy móc thô lỗ. Lịch sử các công nghệ ở phương Đông là một lịch sử của những tay thợ chuyên môn hơn là những phương pháp cải thiện. Bàn tay mềm mại, bức vẽ dễ dàng, con mắt tinh tường để nhận thấy vẽ cân đối và sự tự nhiên biết trước hình nào sẽ ra sao, mọi sự đó phần nhiều do những nghiệp đoàn đời xưa; trong những nghiệp đoàn ấy cha con thường cùng làm một nghề, cứ truyền tử lưu tôn, hết đời nọ sang đời kia. Còn như làm cho nghệ thuật hoàn hảo hơn, thì một bí mật của nhà nghề cũng là một bí mật của một gia đình, và người ta hết sức giấu giếm. Mối lợi riêng đó thật lợi cho gia đình ấy, nhưng nguy hiểm cho quần chúng, vì ngày nay ta thấy nhiều nghề bí mật đã bị quên mất rồi (thí dụ như nghề sơn theo lối cổ, cùng nghề tôi thanh đồng).

            Mới đây trong xứ có tiếp xúc với máy móc và cách chế tạo của Âu châu, nên có thêm một vài nghề mới, và những nghề cũ cũng thay đổi ít nhiều. Ở xứ Pha-lê-tin và xứ Sy-ri cũng như ở mọi nơi khác, nghệ thuật chẳng phải vì nghệ thuật mà thôi, nhưng cũng còn vì mối lợi có thể do nghệ thuật mà được. Đó là trách nhiệm về phần tinh thần mà các công cuộc sáng chế phải chịu. Bấy giờ người phương Đông ham thích các thuốc nhuộm lộng lẫy và nhạt chế bằng chất phẩm tử (aniline) của người phương Tây, cũng như người phương Tây ham thích những màu sắc dồi dào và bền bĩ của vải và thảm do người phương Đông làm ra. Công nghệ quan trọng mà ngày nay thiếu hẳn chính là nghề làm hình tượng. Có lẽ ta thấy dấu tích cuối cùng của nghề ấy ở các đền  và đồ thờ bằng bạc do tín đồ Hội kia dâng vào các nhà thờ Chúa và nhà thờ các thánh, và ở các ngọn nến to lớn trên bàn thờ mà mặt trời xứ Sy-si không rọi tới.

            Bấy giờ chúng ta hãy chú ý đến một vài công nghệ và kỹ nghệ; làm vậy, chúng ta sẽ ngạc nhiên vì thấy là hợp vNê-hê-mi nhiều đoạn trong Kinh Thánh, và những điển cố ấy sẽ có hứng thú và bổ ích cho mình là dường nào.

            1.  Dệt, nhuộm và thêu.-

                        (1)  Nghề dệt.-  Còn theo cách thức giản dị hơn hết trong những người đã bắt đầu dệt trước hết, tứ là những người chăn chiên nay đây mai đó, gọi là người Bédouins. Người đàn bà Bédouin cặp một mớ lòng dê nơi cánh tay, kéo một túm ra và buộc vào một tảng đá. Nàng quây sợi và dần dần thêm lông dê vào. Như vậy, nàng được một thứ sợi không đều đặng lắm, một thứ dây tết, sau dệt thành vải lông dê, dùng làm túi đựng thóc cho lừa, ngựa, lạc đà, và làm túi đựng lúa mì và bột. Còn vải lông dê rộng hơn thường thì họ nối lại với nhau để làm những "nhà bằng lông" đen, tức là những trại của người Bédouins. Đó là "bao gai" mà Kinh Thánh nói đến, người ta mang bao gai để tỏ dấu buồn thảm và ăn năn, bao gai cũng dùng để làm mẫu so sánh những thứ gì đen thẫm. Vải lông lạc đà thì hơi mềm hơn; còn mềm nhứt và quí giá nhứt thì là len (laine). Vì cừu và dê có màu đen và trắng, còn lạc đà có màu vàng nhạt hoặc cách gián thẫm, nên người ta dệt vải có những dọc to thẫm và nhạt. Tất cả các thứ vải dệt ở phương Đông đều có hai đặc sắc nầy: Dùng hòn đá khi kéo chỉ, và sự thích có dọc sặc sỡ. Giữa vòng những bộ lạc chăn chiên, đàn bà vẫn còn dệt vải may trại, áo choàng rộng và một ít thứ giống như vậy. Ở vùng thôn quê, ta cũng thường thấy đàn bà tết chỉ bông hoặc chỉ lông chiên đương khi đi đường, nhưng vải dùng bấy giờ phần nhiều do những xưởng dệt ở các thành phố như Aleppo, Beyrouth và Đa-mách, hoặc nhập cảng của Âu châu. Trong khung dệt của phương Đông, các sợi dọc của tấm dệt. buộc vào cái cột gần mái nhà và chạy xuôi về phía trước, thành những hàng tương đối (parallèles), cho đến một cái cột ngang quay được ở nơi chân người dệt. Những sợi ấy làm ra bề dài và bề ngang của tấm vải, và những sợi ngang của bông, vải, lụa hoặc len thì cho vào từng cái một, qua những sợi dọc, từ đầu nọ tới đầu kia; có một tấm gỗ chận trên tấm vải đương dệt, làm cho những sợi ngang và dọc được thẳng hàng. Người thợ dệt ngồi để làm việc.

                        (2)  Nhuộm.-  Rất nhiều thuốc nhuộm của phương Đông tốt và bền cực điểm. Màu tía sáng chói là màu họ ưa hơn hết, thì trong tiếng A-rạp cũng như trong tiếng Hê-bơ-rơ đều gọi theo tên một con sâu bọ đóng tổ ở trong một thứ cây dẻ bộp. Thuốc màu chàm thì chế bằng vỏ quả lựu. Nay ở bờ biển Acre người ta còn thấy một loài sò xưa người Phê-ni-xi dùng làm "thuốc màu tía" mà bà Ly-đi đã chuyên bán (Công vụ các sứ đồ 16:14).

            Màu tía sáng chói, màu xanh dịu và nhạt, màu đỏ như "huyết rồng" (theo cách gọi của người Thổ nhĩ kỳ), màu vàng của chim hoàng yến, màu chàm, và thỉnh thoảng có màu xanh tinh khiết của dân Hồi giáo làm cho dịu bớt, từng ấy màu dập dìu luôn nhưng bao giờ cũng vẫn thế. Đó là quang cảnh sặc sỡ của một đám người phương Đông.

            Người phương Đông rất có tài phân biệt màu nhạt với màu đậm, màu tươi với màu dịu, nhưng không giống như người phương Tây trong chỗ nhận biết sự tương quan của các màu sơ đẳng (couleurs primaires) với các màu trung đẳng (couleurs secondaires). Người ta luôn luôn đặt những màu hồng và tía xanh da trời và xanh lá cây ở cạnh nhau (Xuất Ê-díp-tô ký 26:1). Nếu có một người đờn bà Hồi giáo ăn mặc áo lễ mà lại đứng chung với phụ nữ Âu, Mỹ trong một phòng khách, thì phụ nữ Âu Mỹ sẽ coi người đờn bà ấy là một dị trang, còn người đờn bà ấy sẽ tự hỏi một vài bậc phụ nữ Âu Mỹ đó đã làm tội hoặc chịu tội gì mà phải ăn bận nhũn nhặn như thế. Trong xứ của người đờn bà Hồi giáo ấy, cách phục sức như thế hiệp với ánh nắng chói vốn dung hòa được mọi màu. Cả đến con ngựa vằn ở trong sào huyệt nó cũng nhờ có vằn mà không bị người ta xem thấy. Cùng với những màu sắc lộng lẫy và thường khi chói mắt ấy, các nhà chế tạo ở phương Đông còn có nhiều màu sắc dịu dàng nữa.

                        (3)  Nghề thêu.-  Đó là cách tô điểm mọi thứ vải, bông, lụa hoặc len theo nhiều màu sắc và kiểu mẫu. Có hai thứ chính.

                        A.  Các kiểu nguyên một màu, hoặc ảnh hưởng của một kiểu không có màu khác thêm vào. Hạng nầy cũng chia làm hai thứ.

                               a.  Trên vải.-  Thật là một việc rất rắc rối và phiền phức của mũi kim; ít khi người người ta làm việc nầy, trừ khi làm áo dài cho người đàn ông ở phương Đông mặc bên ngoài. Áo dài làm bằng vải hoặc lụa màu trơn bóng; người ta cắt áo ấy và trải trên lần lót bằng vải trắng. Rồi người ta để các sợi chỉ to ở giữa lụa và vải theo kiểu đẹp và người ta khâu nó vào, mũi nhỏ hai bên của chỉ to giấu ở trong: như vậy chỉ ở trong nổi lên cao, dầu thật không thấy chỉ ấy được, và hai bên đều giống nhau. Dươi ánh mặt trời, đường thêu trên vải hoặc lụa như thế trông rất lộng lẫy, còn như thêu trên vải dệt bằng vàng, thì trông chói lọi hết sức (Thi Thiên 45:13 theo nguyên bản).

                               b.  Trong vải.-  Đây ta lại thấy những màu dọc, vuông, tròn, ngòng ngoèo, và chìa khóa do cách dệt không làm nổi trên mặt vải. Thứ hàng nầy dệt ở thành Đa-mách, có rất nhiều kiểu đẹp đẽ khác nhau, và là thứ hàng nội hóa thông dụng. Một vài thứ hàng nầy (hạng "a" hoặc hạng "b") chắc đã là vật liệu kiểu mẫu dùng may áo cho thầy tế lễ thượng phẩm (Xuất Ê-díp-tô ký 28:39). Cách thêu đó có hình như bàn cờ.

                        B.  Kiểu mẫu có nhiều màu sặc sỡ.- 

                               a.  Thứ mặt nổi.-  Chính là kiểu mẫu thêm vào, dùng chỉ vàng và có nhiều màu khác nhau. Hình nó như vàng và bạc chạm nổi, như khi một bộ áo cưới ở phương Đông làm bằng lụa tốt và nặng, có thêu những hoa huệ to và nổi bằng vàng.

                               b.  Trong vải.-  Trong trường hợp nầy, người ta làm kiểu có màu trong khi dệt, vì cách trang hoàng cốt yếu là các dòng dọc, như trong các bức màn của đền tạm.

            Những vải vóc ở phương Đông thường là hai mặt giống nhau. Kinh Thánh gọi những vải ấy là "những bức thêu sặc sỡ" khi người ta có ấn tượng rằng những vải vóc ấy có màu sắc lộng lẫy và khác nhau. Đó là phần việc của người pha màu (Xuất Ê-díp-tô ký 26:36; Ê-xê-chi-ên 16:10).

            Chữ "cực xảo" nghĩa là việc thêu chớ không phải đẹp vì đồ dùng mà thôi, mà cũng đẹp vì kiểu tỉ mỉ lẫn các hình loài người, thú hoa và những hàng dọc ngang, và tréo. Đó là công việc của người thợ vẽ (Xuất Ê-díp-tô ký 26:1; 28:6; 36:8).

            2.  Nghề thợ nề.-  Phần nhiều những cổ tích lạ lùng hơn hết của phương Đông đều do công việc của người thợ nề; ấy cũng như các đặc sắc hiện thời của phương Đông. Những khí cụ và cách thức làm việc của người thợ nề rất có bổ ích cho người kê cứu Kinh Thánh, vì Kinh Thánh hay nói đến người thợ nề để làm thí dụ hoặc để dạy dỗ.

            Người làm ruộng ở khắp mọi nơi có tài xây cất những tường thấp bằng đá chồng chất lên để rào ruộng lúa mì và vườn nho; nhưng khi phải xây bằng đá và vôi, thì cần có sự kinh nghiệm của người thợ cả. Có nhiều làng nổi tiếng vì những tay thợ nề, họ đi khắp xứ để làm khoán.

                        (1)  Cái nền.-  Phải rất thận trọng về cái nền vì đất hay co vào và giản ra nhơn cớ sự khô ráo của mùa hạ và mùa đông. Cần lập nền sâu trong tầng đá, nên thường khi phải mất nhiều công phu và tiền bạc, và đó thường là cớ thất vọng có nói đến trong sách Lu-ca 14:29.  Người ta đào nhiều hố sâu rộng, rồi xây những tường dày bằng đá và vôi. Tường xây cao hơn mặt đất và để ít lâu cho khô và bền. Tự nhiên về sau tất cả công việc ấy không ai thấy nữa; cho nên Kinh Thánh có nói đến sự bất nhã do sự xây dựng trên nền của kẻ khác (Rô-ma 15:20; I Cô-rinh-tô 3:10).

                        (2)  Hòn đá góc nhà.-  Khi đã đặt hòn đá dài nhứt trên nền dự bị sẵn rồi, thì người ta chọn một vầng đá vuông lớn cho mỗi góc để cái nền được vững chắc hơn tại chỗ hai tường giáp nhau (Ê-sai 28:16; Thi Thiên 118:22; Ma-thi-ơ 21:42). Người ta thường đặt một vầng đá vuông giống như thế nhưng mỏng hơn, trên mỗi góc của lớp đá cao nhứt, trên lớp đá đó có đặt các sà của mái nhà. Vì vầng đá nầy không có hình dáng đẹp đẽ, nên tự nhiên các thợ nề bỏ qua nó trong khi đặt những viên đá dài thường, cho đến lúc một sự cần dùng đặc biệt tỏ ra vầng đá ấy rất xứng đáng nối liền hai bức tường. Khi xây nền của một tòa nhà hệ trọng, như công sở hoặc học đường, khi người theo Hồi giáo hay giết một hay nhiều con chiên để thết tiệc người nghèo. Đó tức là lễ khánh thành.

                        (3)  Cái gậy để đo.-  Khi xây nền, và thỉnh thoảng trong khi xây tường, người cai thợ nề dùng một cái gậy thẳng và dài độ sáu thước tây để đo các bức tường và khoảng giữa những cửa sổ và cửa lớn (Ê-xê-chi-ên 40:3; Khải huyền 21:16). Cũng dùng một cây gậy ngắn hơn một chút, - dùng một cách rất đơn sơ nhưng đúng lạ lùng - trong khi xây cất các vòm cửa có rất nhiều trong nền kiến trúc của phương Đông.

                        (4)  Dây rọi (Ligne à plomb).-  Nó là một cục chì hình cái phễu lật ngược, buộc bằng một sợi dây vào một miếng gỗ đường kính cũng như thế, để khi đặt miếng gỗ vào viên đá mới trát theo một hàng, thì miếng chì ở dưới chỉ hơi đụng đến tường. Người ta luôn luôn dùng dây rọi cho tường được thẳng. Tường có chịu thử nghiệm như thế thì mới được vững bền lâu dài. Cái gì "không ngay thẳng" thì sẽ đổ sụp xuống đất, mặc dầu khi làm lễ khánh thành, người ta đã dâng nhiều con chiên làm tế lễ (Ê-sai 28:17; Giê-rê-mi 22:13). Về phần đạo đức, thì sự dạy dỗ về lòng ngay thẳng nầy ứng dụng đặc biệt cho "nhà của Đức Chúa Trời xây" (I Cô-rinh-tô 3:9), cho sự xây dựng trên nền đức tin (Giu-đe 20), và sự xây dựng "nhà thiêng liêng" (I Phi-e-rơ 2:5).

                        (5)  Dây đo bề ngang.-  Dây đo bề ngang dùng chung với dây rọi. Khi nào cần phải xây một hàng đá mới, thì người thợ đặt hai viên đá cao bằng nhau ở mỗi đầu tường, hoặc cách nhau chừng sáu thước tây, mỗi viên đá cũng dùng dây rọi thử xem có thẳng xuống không.

            Rồi người ta tháo lấy một sợi dây gai, quấn nhiều lần quanh một viên đá, rồi giăng thẳng từ đầu viên đá ấy sang đầu viên đá bên kia, rồi cũng buộc chặt lại ở đó. Người thợ cũng dùng dây rọi mà đo ở quãng giữa dây ấy, rồi mới xây cả một hàng đá; như vậy cả bề ngang và bề dọc đều được ngay thẳng. Dường như ở II Các Vua 21:13 có nói đến cái dây đo bề ngang, vì ở đó có nói tiên tri rằng cái dây đã dăng trên xứ Sa-ma-ri và trên nhà A-háp cũng sẽ giăng trên thành Giê-ru-sa-lem; ấy có nghĩa là thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị san phẳng như mặt đất.

            Sách Gióp 38:4-7 có ngụ ý nói đến cái nền đã bị đo, sự dùng dây rọi và các cuộc vui khi làm lễ khánh thành.

                        (6)  Các đồ dùng của người thợ nề.-  Những đồ dùng nầy cốt để bổ, đập và trát đá. Cái búa có cạnh răng cưa đáng chú ý đặc biệt, vì những tảng đá lớn của Baalbek chứng tỏ một công việc đập đá chắc phải do một thứ đồ dùng như thế.

            Cái rổ con để mang đất đi cũng đáng chú ý; hơn nữa là vì người ta tìm thấy cái rổ ấy chung với các thừng để nhắc lên, - cả rổ và thừng đã vùi xuống đất hằng mấy chục thế kỷ ở nơi những thợ thuyền xứ Ai-cập xưa kia đã đặt.

            3.  Nghề thợ mộc.-  Phong tục phương Đông không cần đến người thợ mộc bằng người thợ nề. Công việc cốt yếu của người thợ mộc là làm mái nhà, cửa, cánh cửa sổ, song cửa sổ và đi-văng (divan). Dọc theo bờ biển còn có nghề đóng thuyền.

            Kinh Thánh có nói đến bàn và nghế; nhưng có lẽ những dân quê ngày xưa cũng như ngày nay chỉ ngồi và ăn trên sàn nhà và trên đi-văng. Để chở hàng nặng, người ta dùng ngựa thay vào xe gỗ, còn giới hạn của các vườn thì phân định bằng các tảng đá, tường, hoặc hàng rào bằng cây xương rồng hoặc lau sậy; thành thử người ta chẳng cần đến công việc của người thợ mộc. Vì cớ ở nhiều nơi thiếu gỗ làm rầm nhà, tỉ như ở thành Giê-ru-sa-lem, cho nên nhiều nhà phải lợp mái hình vòng cung bằng đá, chớ không lợp bằng mái gỗ.

            Các bia cổ của xứ Ai-cập tỏ ra cái rìu, cái cưa, cái thước thợ, cái dùi và lọ keo là những đồ dùng cốt yếu của người thợ mộc ngày xưa. Với những đồ dùng nầy và một vài đồ dùng khác nữa, người thợ mộc hiện thời ở phương Đông cũng làm công việc giản dị cũng như người thợ mộc ngày xưa. Công việc khéo léo hơn hết của người thợ mộc là khắc kiểu đẹp trên gỗ trần nhà, làm khung cửa sổ và chạm trổ cửa lớn theo kiểu A-rạp. Người thợ mộc rất hay dùng cái rìu. Khi dùng cưa mà xẻ một tấm gỗ, thì người thợ mộc ngồi trên tấm gỗ mà cứ cưa tới đằng trước.

            Người A-rạp so sánh kẻ hà tiện với một cái cưa dài, có hai tay thợ cầm, dùng để xẻ cây gỗ thành tấm, vì nó "ăn" cả khi kéo lên và khi kéo xuống.

            4.  Nghề làm kim khí.-  Hết thảy sử ký ở phương Đông chứng thực cho Kinh Thánh một cách dồi dào, bởi tỏ ra rằng từ đời thượng cổ người ta đã biết làm những đồ trang hoàng trơn bằng các loại kim khí khác nhau, tức là các loại kim khí mà hiện nay công nghệ cần dùng. Công việc trang hoàng thì gọi là nghề khắc, - khắc vào gỗ, đá, kim khí và đồ nữ trang, ấy cũng như thêu thùa trên vải vóc (Xuất Ê-díp-tô ký 28:11; I Sa-mu-ên 13:19; II Sa-mu-ên 5:11). Hiện nay nghề khắc vẫn còn giữ nguyên những trạng thái có nói đến trong Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô ký 32:4; 39:14; I Các Vua 6:18; Ê-xê-chi-ên 8:10; Công vụ các sứ đồ 17:29).

            Đông phương bao giờ cũng nổi tiếng về những công trình xây cất đồ sộ, nhưng cuộc khảo sát ở Ai-cập mới đây có tỏ ra rằng công việc tỉ mỉ, phiền phức hơn hết của người thợ kim hoàn cũng khéo léo như thế. Chẳng có gì trong nền mỹ thuật ngày nay có thể trổi hơn tinh thần sáng kiến kiểu mẫu, sự làm việc mềm mại và sự chạm trổ trên mặt vàng, bạc rắn. Người thợ kim hoàn ở phương Đông ngày nay vẫn giữ được sự mềm mại khéo léo của người thợ kim hoàn sắc sảo ngày xưa, nhưng có điều họ thường lấy làm thỏa lòng mà rập lại các kiểu mẫu sẵn có từ xưa. Người thợ làm kim khí ngày nay cũng dùng những khí cụ mà tổ phụ họ đã dùng ngày xưa, - họ cũng dùng theo một cách ấy và để làm những đồ vật như xưa. Người thợ kim khí nào cũng dùng dao trổ, kìm, búa, đe và bễ, chỉ khác về bề lớnnhỏ và sức mạnh tùy theo họ dùng làm đồ sắt, đồ đồng, hoặc đồ vàng, đồ bạc.

            Cái đe ngày xưa (Ê-sai 41:7) là một khối sắt đặt vào trong một tấm gỗ cây dẻ bộp, còn cái bễ (Ê-sai 54:16; Giê-rê-mi 6:29) thì làm bằng da dê hoặc da bò để nguyên cả lông.

            (1)  Sắt.-  Người thợ rèn ngày nay làm nhiều đồ vật bằng sắt mà ngày xưa thì làm bằng đồng hoặc bằng thanh đồng (bronze). Người làm ruộng và thợ nề là khách hàng quen của người thợ rèn. Thợ rèn thường làm những cày, cuốc quặp (houe), cuốc, liềm, móng ngựa, đinh, song cửa sổ, và các đồ dùng của người thợ nề. Khi quân Phi-li-tin ức hiếp dân Y-sơ-ra-ên, thì chúng cấm ngặt nghề thợ rèn (I Sa-mu-ên 13:19), ấy cũng như trong cuộc chiến đấu để được tự do tín ngưỡng, người ta cũng cấm đọc Kinh Thánh.

            (2)  Đồng.-  Đồng hạng xoàng cốt để làm các đồ dùng trong bếp, các thùng lớn dùng ở bàn ép rượu, bàn ép trái ô-li-ve và các thùng lớn của người thợ nhuộm. Người ta dùng búa mà đập các tấm đồng tròn và dẹp cho thành hình khí cụ. Để giữ đồng cho khỏi dỉ, người thợ đúc bèn treo nồi ấy trên than hồng mà nung, rồi tráng bằng một nước thiếc. Tráng thiếc như thế nầy: Để thiếc tan chảy trên đồng đã nung nóng, rồi dùng miếng vải và dục khinh toan (nước đái quỉ) mà xát khắp lượt. Thiếc dùng ở Âu châu thì không phải là của phương Đông đâu. Người ta chỉ dùng thiếc ấy để tráng những bình và thùng bằng đồng. Cũng trộn thiếc với đồng để làm ra thau, mà người A-rạp gọi là đồng vàng (cuivre jaune). Người ta dùng thau làm những đồ trang hoàng lịch sự hơn, như mâm, đèn, bình đựng nước và bình cắm hoa.

            (3)  Vàng và bạc.-  Người ta tự nhiên dùng bạc rất nhiều hơn vàng. Thấy có nhiều bạc ở những đồ cặp tóc và những đồ trang sức lối cổ của người Bédouins và người dân quê. Luyện lọc vàng và bạc bằng chất liểm (alcali); gỉ và chất pha bị loại ra như có mô tả ở Ê-sai 1: 25; Giê-rê-mi 6:29-30; Xa-cha-ri 13:9; Ma-la-chi 3:3.

            Những đồ trang sức thông dụng hơn hết là như sau nầy:

                        (a)  Hoa tai  (Sáng thế ký 35:4; Xuất Ê-díp-tô ký 32:2; Ê-xê-chi-ên 16:12).  Hao tai có hình viên tròn, hình dài buôn thõng, hình bán nguyệt và hình mặt nguyệt. Những hoa tai lớn hình bán nguyệt có một sợi dây quàng trên tai, rồi thường buộc vào một lọn tóc.

                        (b)  Vòng cổ  (Ê-sai 3:19). Những "dây xúc xích" nầy hiệp nên bởi những hột tròn, hột vuông, hoặc những ống tròn rỗng do các chỉ vàng, chỉ bạc nhỏ tết thành; hoặc những "dây xúc xích ấy" toàn là do những dây vàng, dây bạc to tết thành, hay là "đan" rất tỉ mỉ. Vòng cổ thường là biểu hiệu của chức việc (Sáng thế ký 41:42). Hiện nay con lạc đà còn đeo vòng cổ có buộc lẫn những hình lưỡi liềm (Các quan xét 8:26).

                        (c)  Nhẫn (I Các Vua 21:8). Kinh Thánh hay nói đến nhẫn. Nhẫn chẳng những nạm ngọc dùng để trang sức mà thôi, song cũng còn dùng làm ấn tín. Những nhẫn dùng ấn tín ấy thì thường xỏ vào một sợi dây mà đeo vào cổ.

                        (d)  Xuyến (Sáng thế ký 24:22; Ê-sai 3:19). Nhẫn cũng có nhiều kiểu như kiềng đeo cổ; người ta rất hay đeo nhẫn bằng vàng, bạc, đồng và thủy tinh mùi.

                        (e)  Vòng vàng đeo cánh tay (II Sa-mu-ên 1:10). Thứ vòng nầy bằng dây vàng đặc tết thành, hoặc bằng vàng dẹp có chạm trổ theo kiểu mẫu, thỉnh thoảng cũng nạm kim cương. Vòng bám chặt cánh tay vì vàng giẻo, và cũng có một chỗ hở độ hai phân tây. Người A-rạp hay đeo vòng nơi cánh tay hơn hết: ấy vì họ vẫn mặc áo thụng như xưa, mỗi khi làm việc thì phải buộc tay áo ngược ra phía sau cổ, để lộ ra cánh tay trần. Như vậy, đồ trang sức trên cánh tay được bày ra.

                        (f)  Vòng mắt cá (Ê-sai 3:18) là những vòng bằng dây vàng trơn tết lại, có dính nhạc và các hình tròn, nay người đàn bà A-rạp còn đeo.

                        (g)  Khoen đeo mũi (Ê-sai 3:21; Châm Ngôn 11:24) cũng chỉ là những chiếc vòng trơn đeo giữa mũi. Trong Kinh Thánh, thượng hạ văn (contexte) không quyết định luôn luôn rằng khoen nói đó là để đeo tai hay là để đeo mũi; trong những trường hợp ấy bản Kinh Thánh tiếng Anh (Revised Version) chỉ dịch là "khoen" mà thôi. Khoen đeo mũi dường như là cổ sơ hơn hết, và có lẽ ban đầu người ta đeo nó làm đồ trang sức để làm biểu hiệu cho sự tin đạo và làm dấu hiệu của sự phù hộ của thần minh.

                        (h)  Bùa đeo (Ê-sai 3:20). Đối với tinh thần người phương Đông, thì tất cả đồ trang sức kể trên đây đều có hiệu lực như bùa chú hoặc nhiều hoặc ít nhứt là che chở, giữ gìn cho khỏi con mắt của quỉ sứ. Có mấy thứ trang sức làm ra chỉ để vì mục đích đó, - tức là những mặt tròn và hộp bằng bạc; nhưng vì bùa cũng làm bằng nhiều vật khác nên chúng tôi sẽ luận đến trong mục: "Đời tôn giáo".

            5.  Thợ làm bánh.-  Trong vòng dân quê và người Bédouins, thì sự làm bánh là một phận sự cốt yếu trong gia đình, nhưng trong thành phố và các làng đông đúc thì cần có lò bánh lớn của người thợ chuyên môn làm bánh. Tánh chất ngon lành hơn của thứ bánh nầy đã hàm trong câu tục ngữ của người A-rạp, dạy rằng đến cuối cùng vật tột hơn hết vẫn là vật rẻ hơn hết. - "Hãy đưa bánh đến lò của người thợ làm bánh, mặc dầu hắn ăn mất một nửa".

            Dường như theo một lệ chung, người thợ làm bánh ở phương Đông ngày nay không nhào bột, nhưng chỉ nướng bánh của người khác đã làm sẵn và giao cho mình nướng. Một cảnh tượng thường thấy trong thành phố phương Đông là cậu con trai giúp việc người làm bánh đội một khay bánh mới cho nhàn nầy, và cặp cạnh sườn một khay bánh mới cho nhà khác. Bột bánh thì viên tròn sẵn ở nhà, rồi đem đến nhà người làm bánh; người làm bánh nhào lại những bánh dẹp để hấp trong lò. Người đàn bà Do Thái có thói tục lấy một nắm bột, để cho người thợ làm bánh ném vào lửa ở cạnh lò hấp bánh. Đó có lẽ là di tích của thói tục dâng tế lễ (Lê-vi ký 6:15), và cốt để tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời. Nhưng kẻ mê tín lại đặt cho nắm bột đó tên khác hẳn, theo tiếng A-rạp có nghĩa là "phần của quỉ Sa-tan". Họ cho rằng làm như thế thì con mắt của ma quỉ không dòm dỏ mình nửa.

            Cái lò bánh.-  Lò bánh ở phương Đông xây bằng đá, có hình vòng cung, dài và thấp, như một nửa nồi súp de (chaudière) của toa máy xe lửa; ở giữa có xây đá dốc xuống, và mỗi bên có một cái lề dài và hẹp để chất củi dùng đốt lửa. Buổi tối người ta đổ tro ra, và con cái nhà nghèo thường mang đến một miếng thiếc hoặc một mảnh vò vỡ để đem vài cục than hồng về nhà nấu bửa cơm tối (Ê-sai 30:14). Ban đêm người ta xếp cũi sẵn sàng để sáng hôm sau nướng bánh; cửa lò thì đóng lại để giữ cho lò được nóng ấm và cho củi không mau cháy hết. Sách Ô-sê 7:4, 6 nói đến việc ấy, lại hơi bao hàm ý nầy: người thợ làm bánh vừa lo nhồi bột, vừa nướng bánh. Thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa có "Phố Hàng Bánh" (Giê-rê-mi 37:21). Ngoài bánh mì thường ăn, còn có nhiều thứ bánh ngọt, kẹo, và món ăn có gia vị cũng hấp trong những lò công cộng nầy, nhứt là nhằm các ngày trước và sau khi khiên ăn theo luật pháp tôn giáo.

            6.  Người bán thuốc.-  Có bản dịch chữ "người bán thuốc" là "thợ hòa hương" (xem Truyền đạo 10:1). Chữ ấy trong nguyên văn gồm cả hai ý nghĩa, và ngụ ý nói đến tánh chất làm thuốc của một vài cây cỏ, cùng các dầu thơm cất được bởi hoa và hột của những cây đó, luôn với sự dùng các cây đó, làm sáp thơm và làm gia vị các món ăn. Hết thảy thành phố lớn ở phương Đông, như Alexandrie, Beyrouth, đều có phố bán dầu thơm, như phấn, viên thuốc thơm, dầu sáp, luôn với bột, lá và vỏ cây.

            Kinh Thánh chép các thứ dầu thơm ấy khi luận về dầu thánh và hương xông trong Đền tạm (Xuất Ê-díp-tô ký 30:25, 35), sự thờ phượng thần Ba-anh rất huy hoàng (Ê-sai 57:9), sự ướp xác người chết và lễ tống táng (Sáng thế ký 50:2; II Sử ký 16:14; Lu-ca 23:56). Bước vào trong một nhà thờ ở phương Đông, ta ngửi ngay mùi hương, và lư hương tỏa khói luôn luôn  kèm với đám táng. Người phương Đông rất ham thích các hương thơm; có một vài thứ hương thơm họ ưa hơn hết, nhưng người Âu châu lại cho là nặng mùi và ngào ngạt quá. Khi cây cam, cây hoa thủy thảo (violette), cây hoa hồng trổ hoa, thì phụ nữ làm nước hoa, đựng trong những bình lớn và nút chặt, để mùa hạ dùng làm nước đường, uống cho mát. Đem ra mời khách, họ đựng vào cốc lớn, để trên mâm đồng và mâm bạc. Các người đàn bà làm "thợ chế dầu thơm" (I Sa-mu-ên 8:13) cho nhà vua phải lo chế và pha những thứ nước hoa như thế. Một cảnh đẹp mắt trong các phố của một thành phố phương Đông lúc mùa hạ, chíng là người đàn ông đi chỗ nầy chỗ nọ, với các bình bằng da hoặc bằng thủy tinh, bán nước đá có pha nước thủy thảo, nước hoa hồng, nước cam thảo, hoặc nước nhũ hương. Hắn mời chào kẻ biếng nhác và kẻ hoạt đông, những người buôn bán ngồi nơi cửa hàng, những thợ mộc, thợ rèn đương làm lụng. Để cám dỗ, hắn gõ các chén và đĩa bằng đồng mà rao rằng: "Hè! Ai khát nào! Không đắt tiền mà! Không đắt tiền mà!" Lời rao của hắn gần như là thật, vì uống một cốc nước thấy mát mẻ trong người mà chỉ mất có nửa xu! Sự đó khiến chúng ta suy nghĩ đến sách Ê-sai 55:1.

            Châm Ngôn 27:9 và Nhã-ca 1:3 có luận đến người ta ưa thích dầu thơm. Sự ưa thích dầu thơm có liên lạc đặc biệt với các hội hè và các nơi tụ họp đông đúc. Trong nhà hội của dân Do Thái, nhằm một buổi sáng nóng bức của mùa hạ, người đầy tớ trông coi nhà hội rảy một ít dầu hoa hồng ở giữa những người đến thờ lạy Chúa.

            Khi một xe ngựa chạy qua, trên có những bà phương Đông xức dầu thơm, thì có một luồng thơm phảng phất lâu trong không khí, chẳng khác gì dòng nước Gulf Stream ở giửa đại dương. Vậy thì cái võng của Sa-lô-môn cùng với đám quân hộ vệ mặt mày bám bụi đã tỏa tr không khí của đồng vắng một hương thơm ngào ngạt (Nhã-ca 3:6). Có mấy thứ dầu thơm trước kia và cả bây giờ giá rất đắt. Có thứ dầu nầy đựng trong những bình đẹp bằng đá hoa trắng trong suốt (albâtre transparent), bằng kim khí hoặc bằng nhiều chất khác. Khi nói rằng cái bình bị đập vỡ ra (Mác 14:3), thì có nghĩa là đập vỡ cái ấn đóng vào miệng bình. Người ta tìm được những bình dầu thơm như thế ở trong các mồ mả thái cổ, và vẫn còn một ít hương thơm dính vào. Sự biết hiệu lực chữa bịnh của một vài thứ cỏ chính là phần của các y sĩ Do Thái và A-rạp đã hiến vào nền y học Âu châu.

            Khi nào chúng ta hiểu biết giá trị cao quí mà người phương Đông để cho các thứ dầu thơm, thì chúng ta mới nhận biết hết ý nghĩa trong lời nói nầy của nhà Truyền đạo - "Danh tiếng hơn dầu quí giá" (Truyền đạo 7:1).

            7.  Người đánh cá.-  Kinh Thánh nói đến cá của sông Ni-lơ (Ê-sai 19:8), và của biển (Nê-hê-mi 13:16; Ô-sê 4:3; Sô-phô-ni 1:3). Song những đoạn nói về nghề đánh cá nhiều hơn hết thì lại có tương quan với hồ Ga-li-lê. Cá ở đây tự nhiên là cá nước ngọt. Hồ nầy có rất nhiều cá, và thỉnh thoảng người ta vẫn còn gặp sự nguy hiểm vì đứt lưới và đắm thuyền (Lu-ca 5:6). Có ba cách đánh cá cốt yếu.

                        (1)  Lưới thả.-  Khi dùng lưới, thì người đánh cá đứng trên bờ hoặc đứng ở nơi nước đến ngực, rồi khéo ném cái lưới đã cuộn trong tay xuống nước ngay trước mặt mình. Lưới rơi xuống nước thành hình một vòng tròn, và trong khi những cục chì buộc vào vành lưới kéo lưới xuống, thì lưới chìm xuống, thành hình cái mái tròn (dôme) hoặc cái nón (cone), và sau rốt nó chụp lấy cá vào trong. Bấy giờ người đánh cá lặn xuống nước, túm chặt lấy các cục chì, rồi kéo cả lưới lẫn cá vào bờ. Những chỗ tốt nhứt là các suối nóng ở trên miền Ma-ga-đan, tại đó có vô số cá và người đánh cá thường ném một ít mồi nhử cá đến một chỗ gần bờ để dễ bắt lấy.

                        (2)  Lưới kéo cũng là một cái lưới hở và dùng để bắt cá mòi và cá mã hữu (saumon): có những phao ở trên đầu và những cục chì ở đáy lưới. Người ta ngồi trên thuyền mà kéo lưới, thắt miệng lưới lại mà nhốt cá vào trong.

                        (3)  Lưỡi câu.-  Sự bắt cá bằng lưỡi hoặc bằng cần câu có nói đến ở Ê-sai 19:8; A-mốt 4:2; Ha-ba-cúc 1:15; Ma-thi-ơ 17:27. Nhằm đêm mùa hạ êm ả, trên bờ Địa Trung Hải, người ta đâm cá (Gióp 12:7, 8) bằng một cái đinh ba; họ dùng một bó đuốc lắc lư ở mạn lái thuyền để nhử cá bơi lên mặt nước.

            Đem tài nghệ của người đánh cá mà ứng dụng vào sự rao giảng Tin Lành (Ma-thi-ơ 4:19), thì tỏ ra cần có sự kiên nhẫn, sự quên bỏ mình, và sự dùng phương pháp cho đúng thứ tự trọng vẹn.

            8.  Người bẫy chim và người săn bắn.-  Săn bắn vẫn luôn luôn là một môn giải trí được người ta ưa chuộng hơn hết tại những nơi người ta rất coi quí sự can đảm, khéo léo và chịu khó.

Những bức chạm của xứ A-si-ri và những bức tranh của xứ Ai-cập có mô tả những cảnh săn bắn: họ dùng dáo, con báo đã thuần biết bắt mồi, và chó mà hãm bắt những con thú lớn, còn những con thú nhỏ hơn ở trên cạn và ở dưới nước thì họ dùng bẫy mà bắt. Các ngôi mộ mới tìm được ở Si-đôn có chứa những trướng bằng đá hoa hình dung những cảnh săn bắn. Trong đó có nói đến ba phương pháp cốt yếu. Ấy là:

(1)  (1)  bắn bằng cung và tên (Sáng thế ký 27:3), bây giờ có súng săn thay vào;

(2)  (2)  đánh bẫy bằng lưới giăng (A-mốt 3:5) và bằng lồng (Giê-rê-mi 5:27), nhứt là các loài chim, như chim cút, chim đa đa và vịt;

(3)  (3)  các hố có lưới và bụi rậm, bao phủ để bắt hươu, cáo, chó sói và gấu, v. v... (Thi Thiên 35:7; Ê-sai 24:18; 42:22).

            Chim sẻ, và nhiều loài chim nhỏ khác thì bị bắt bằng nhựa phết vào cây ở gần một cái lồng mồi. Có con chim người ta nuôi để nó hót, nhưng phần nhiều thì bị treo trên các cành nhỏ, mỗi cành chừng mười hai con. Người ta cũng bán những con chim đó làm đồ ăn, bằng một giá rẻ như khi Đấng Christ dùng đời sống của chúng nó mà dạy bài học về sự săn sóc của Cha chúng tôi ở trên trời (Ma-thi-ơ 10:29).

            Chim đa đa chẳng phải bao giờ cũng cẩn thận giữ mình và sẵn sàng bay vù đi; nhưng khi thình lình bị hãm bắt, thì nó tin cậy lạ lùng rằng nơi nó ở sẽ che chở nó rất đắc lực. Một ổ chim đa đa sẽ nằm yên không cử động gần ngay chơn người săn bắn, thế mà người chẳng nhìn thấy. Đa-vít quen biết những thói quen và cách tự cứu mình của chim đa đa đó khi ông so sánh sự hoạn nạn mà Sau-lơ gây cho mình với sự săn chim đa đa (I Sa-mu-ên 26:20).

            Thỉnh thoảng cũng thấy những người ếm chú rắn: Họ dụ rắn đi ra khỏi hang, rồi dùng rắn mà kiếm ăn bởi khiến rắn quấn quanh thân thể mình mà chẳng làm hại chi. Thường thì cách ít lâu người ta không thấy kẻ xách giỏ đựng rắn đi dạo nữa; hỏi thăm thì mới hay rằng hắn đã bị rắn cắn chết. Kinh Thánh nói đến con rắn không chịu ai ếm chú, dùng nó làm biểu hiệu cho lương tâm đã lì (Thi Thiên 58:3, 4, 5) và sự căm hờn chí tử (Giê-rê-mi 8:17).

            Tài nghệ bắt chim có những ý nghĩa thiêng liêng sau nầy: Sức mạnh của tội lổi khi nó giấu ở đằng sau một sự dường như tốt lành, sự vui sướng vì lại được tự do, sự tai họa bất ngờ, và sự báo trả của luật đạo đức khi một người vướng vào bẫy mà chính mình đã gài (Thi Thiên 124:7; Truyền đạo 9:12; Các quan xét 8:27; Châm Ngôn 26:27).

            9.  Những người làm công hằng ngày.-  Mỗi thành phố ở Đông phương có một chỗ đặc biệt ai cũng biết, tại đó cứ lúc rạng đông là thợ thuyền họp lại, chờ kẻ đến mướn mình làm việc lao động trong ngày đó. Công việc gồm có làm vườn, đào hố, chữa tường, giặt quần áo và canh cửa.

            Người thợ đứng đó, hoặc không có khí cụ nào, hoặc có cái bay, cái mai, cái cuốc hoặc dây thừng mà mình quen dùng. Thường thi họ mướn thợ một lúc sau khi mặt trời mọc: những người thợ nào không được mướn thì đợi nán lại độ vài giờ, rồi thường đi tản các nơi mà tìm những công việc nhỏ nhặt. Những người làm công nhựt như thế thường là quá biếng nhác, không đúng mực và bất lực, không thể chuyên theo một nghề. Phải có một người cai trông nom họ và giữ cho họ khỏi chơi; và đến lúc trả tiền công, họ thường nêu một vài sự xảy ra đương khi làm việc để đòi quá số tiền công đã định. Thường thấy diễn lại sự cãi nhau ở Ma-thi-ơ 20:12 vì nhiều cớ.

            Người làm công nhựt sống ngày nào hay ngày ấy; lúc mặt trời lặn, họ phải bỏ tiền công ra mua bữa ăn tối cho gia đình mình, - bửa ăn tối vẫn là bữa chính trong một ngày (Phục Truyền luật lệ ký 24:14, 15).

            10.  Nghề làm đồ gốm.- 

                        (1)  Ích lợi của nghề làm đồ gốm.-  Ở phương Đông, vì các bình bb đồng đắt tiền, và các bình bằng da không tiện cho nhiều sự cần dùng trong cuộc sanh hoạt ở thành phố và thôn quê, lại vì các bình đất hay vỡ, cho nên người ta dùng nhiều đồ gốm luôn luôn. Người ta cũng thích dùng những vò bằng đất để đựng nước uống, vì sự bốc hơi qua chất đất ấy khiến cho nước uống được mát mẻ. Ở phương Đông nóng bức người ta "cho uống một chén nước lạnh" (Ma-thi-ơ 10:42), ấy tức là theo phép lịch sự.

                        (2)  Cái bánh xe.-  Đất sét bị nhào bằng chơn cho đến khi nó rắn đều và dùng được. Bấy giờ mới lấy một phần đất sét đặt trên bàn bên cạnh người thợ gốm. Người để bên cạnh mình một đĩa nước, muốn nhúng tay vào lúc nào cũng được. Đồ dùng thì là một cái trục bằng gỗ, thẳng, xoay được. Có hai mảnh gỗ tròn buộc chặt vào gậy ấy, hễ một mảnh nầy quay thì mảnh kia cũng quay. Cho nên tiên tri Giê-rê-mi có nói đến các bánh xe (bàn xây) của một người thợ gốm kia (Giê-rê-mi 18:3). Bánh xe ở dưới lớn hơn thì do gót chơn đẩy đi, còn bánh xe ở trên thì do bàn tay xoay đi. Người thợ gốm phải kén chọn nhiều, cả đến kiểu mẫu và bề lớn, nhỏ của những vò đựng nước tầm thường, ấy là chưa kể những nồi, chum để đựng trái ô-li-ve, bơ (beurre) và nước nho, vân vân. Đương khi nặn, nếu miếng đất sét không đủ hoặc thừa làm một thứ đồ dùng nào, thì người thợ gốm có thể đổi ra một thứ đồ dùng nào hơi khác. Bỏ bớt hoặc thêm đất sét thì sẽ phải làm lại hết. Người thợ gốm có thể dùng đất sét làm gì thì làm, và phải dùng mỗi cục đất sét một cách tốt hơn hết. Sự tự do của người lại có sự khôn ngoan chỉ dẫn. Hình thể, sự tô điểm và một phần lớn màu sắc của đồ gốm, như màu tro, đỏ hoặc đen, đều đã nhứt định khi đất sét còn ướt. Đã nung rồi thì không thay đổi được nữa.

                        (3)  Nung.-  Sau khi đã được đem lên khỏi bánh xe rồi, thì cái bình đặt vào một cái xích đông, chung hàng với nhiều cái bình khác. Tại đó các bình bị phơi gió tứ phía, nhưng được che chở khỏi mặt trời cho đến khi đã khá khô và rắn rồi. Bấy giờ các bình được xếp trong lò. Lò nầy nông, làm bằng gạch hoặc đá, bề sâu chừng một thước ba, đường kính chừng hai thước rưỡi hoặc ba thước, dưới cùng có cái lò nhỏ bằng gạch để đốt lửa. Đồ gốm xếp đống trên cái lò nhỏ ấy, cho đến khi bức vách cao lên chừng hơn ba thước tây, và trông hình như cái nón úp. Lò có cành, lá che phủ kín để giữ hơi nóng ở trong và ngăn trở hơi lạnh ở ngoài đột nhập. Lửa cứ cháy ở dưới cho đến khi đồ gốm đã cứng đủ rồi. Lúc lấy ra, có một vài cái vò bẹp dúm ở nơi cổ, hoặc ở giữa có một chỗ lõm, hoặc toàn thể vẹo về một bên. Vậy nên khu đất chung quanh lò người thợ gốm luôn luôn đầy những mảnh vò vỡ, tức là những vò không thể chịu thử lửa cho nổi, mặc dầu người thợ gốm đã tài khéo và cẩn thận. Mấy chữ "xây lại lò gạch" (Na-hum 3:14) ngụ ý nói đến sự Tân Ước bổ bức vách tròn và cái vòm mỗi khi phải chất gạch đầy lò để nung.

            Ngoài những công dụng đã kể trên, người A-si-ri và người Ba-by-lôn còn dùng đát sét để viết. Gióp có nói đến hình tích của con dấu hoặc cái khuôn đóng trên đất sét, và so sánh tấm đất sét có khắc nổi với tấm vải thêu (Gióp 38:14).

            Gạch bằng đất sét, hoặc phơi nắng, hoặc nung trong lửa, thì người ta dùng rất nhiều để xây nhà hầm, giếng, thành trì và nhà ở. Những từng lớp hoang tàn đổ nát của thành Lachish (Tel-el-Hesy) mà đoàn thám hiểm xứ Pha-lê-tin mới tìm được, nằm như những lớp đá sỏi của Tô Cách Lan. Ngày nay ở xứ Sy-ri, bất cứ chổ nào có ít đá để xây nhà, thì người ta lại xây bằng gạch phơi nắng, chỉ trừ phía nhà hoặc phía mái nhà ở hướng tây, là hướng có mùa mưa tháng ba. Vì cớ đó Kinh Thánh có nói đến kẻ trộm khoét vách nhà (Gióp 24:16).

                        (4)  Những thí dụ trong Kinh Thánh do nghề thợ gốm có làm tỏ rõ ba chỗ tương tự hệ trọng của nghề ấy với đời sống thiêng liêng.

            a.  Đất sét phải phục tùng người thợ gốm (Ê-sai 29:16; 45:9; 64:8; Giê-rê-mi 18:4-11; Rô-ma 9:21). Sự nầy dạy về các sở năng của đức tin về tội chống nghịch ý chỉ Đức Chúa Trời. Tục ngữ A-rạp có câu: "Người thợ gốm có thể ghé tai vào đâu tùy ý".

            b.  Giá đất sét rất rẽ.-  Những vò nhỏ cầm tay giá chùng năm xu; còn vò to hơn để xách nước nơi giếng thì giá chừng mười xu. Đó là sự hèn hạ của Si-ôn mà sách Ca thương 4:2 đã mô tả. Những lời thiết tha do tấm lòng độc ác thì ví như bình gốm bọc vàng pha (Châm Ngôn 26:23). Bình gốm có thể đựng vật quí, mặc dầu chính nó không tự có giá trị gì cả. Đó là địa vị trong ân điển Đấng Christ và sự hầu việc của tín đồ (II Cô-rinh-tô 4:7).

            c.  Đất sét mong manh dễ vỡ.-  Nó rất dễ vỡ và không thể nào hàn gắn được. Thỉnh thoảng người ta có thể bịt lỗ thủng của một cái vò bằng bùn, miếng giẻ hoặc ít bột, nhưng sự va chạm hoặc đánh rơi đến vỡ một phần vò thì thường làm vỡ tan cả vò ngay lập tức (Thi Thiên 2:9; 31:12; Ê-sai 30:14; Giê-rê-mi 19:11; Khải huyền 2:27). Có ngụ ý nói đến sự mong manh ấy trong một tục ngữ người A-rạp thường dùng, - một tục ngữ dạy phải kiên nhẫn ở giữa những sự khiêu khích. Tục ngữ ấy là: "Nếu không có đổ vỡ thì không có đồ gốm". Đa-vít nói rằng sức lực của mình "khô như miếng gốm" (Thi Thiên 22:15). Những miếng gốm ấy rải rác khắp mọi nơi, dầu giãi đủ thứ thời tiết, và thật không thể nào hủy diệt được. Các nhà khảo cổ học cho chúng ta hay rằng những miếng gốm ấy có ích lợi lắm. Sự sầu thảm của dân Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta như những bài hát của họ.

            11.  Người chặt củi và người xách nước (Phục Truyền luật lệ ký 29:11; Giô-suê 9:21).-  Hai nghề nầy vẫn còn thuộc trong số những nghề thấp hèn hơn hết của xứ. Ít có gỗ ở khắp phía tây xứ Giu-đe. Nhưng người đốt than phải đi lên núi, tại đó có cây dẻ bộp và cây thông vẫn còn mọc. Nhưng người chặt củi thường phải đành lòng đi mót những cây và những rễ cây vứt bỏ ở các khu không xa quá như thế. Ở thành Giê-ru-sa-lem người ta thường thấy một bó nhỏ những cành con và rễ, nhứt là của cây ô-li-ve già, do một người vác trên lưng hoặc đặt trên lưng lừa để đem vào bán. Sự đó khó nhọc lắm và mất nhưng thì giờ, lại được lợi ít quá, nên chỉ có người nghèo hơn hết và không biết nghề nghiệp gì mới phải kiếm ăn cách ấy. Cũng vậy người xách nước từ giếng đến các tư gia, thường phải đi xa và đợi lâu mới tới lượt mình múc đầy các vò hoặc túi da. Bây giờ thường là một người già cả, yếu đuối làm việc ấy, và nước thì để trên lưng một con lừa già và tàn tật quá đến nỗi không thể đi kịp những con vật khác chuyên chở hàng hóa. Trong những sự đau khổ của dân Y-sơ-ra-ên khi họ bị hạ xuống, tiên tri Giê-rê-mi có kể rằng người trai trẻ phải làm việc của con lừa và con la, tức là phải quay cối xay, trẻ con phải gánh củi và thường ngã xuống dưới gánh quá nặng cho chúng (Ca thương 5:13).

            12.  Người thâu thuế.-  Ngày nay ở phương Đông có một giai cấp đông đúc và phát tài làm đại biểu cho những người thâu thuế của nhà nước Rô-ma ngày xưa. Đâu đâu cũng có lệ đánh thuế nhập cảng và xuất cảng, đánh thuế thuốc lá, muối, v. v., đánh thuế một phần mười hoa lợi nộp cho nhà nước. Một công ty thương mại cam đoan trả nhà nước một số tiền nhứt định để thu một thứ thuế hoặc giữ một dộc quyền, rồi thì lập tức (hoặc nhượng quyền lại) nhứt định mực thuế để chắc chắn kiếm được lợi bởi cách buôn bán đó. Sự đó gây ra nhiều nỗi ức hiếp và bất công, và sanh ra mối ác cảm, bất bình đối với mọi việc có quan hệ với nhà nước. Vì cớ cứ áp dụng mãi, nên người ta không còn coi sự trưng thuế đó là một mối tệ trong xã hội nữa. Lương tâm của quần chúng thừa nhận cách trưng thuế đó là một sự cần yếu. Trong một buồng giấy thương chính của nước Thổ Nhĩ Kỳ, ta có thể gặp những người theo kiểu mẫu của Xa-chê: có thiên tính thực thà và cả lòng khao khát những sự thiêng liêng nữa (Lu-ca 19:8).

            13.  Người đổi bạc.-  Người đổi bạc làm hai việc: Một là đổi thứ tiền nầy lấy thứ tiền khác; hai là đổi cùng một thứ tiền. Người hay cắt một xu trong mỗi đồng bạc, và khi nhận tiền đổi thì khách luôn luôn phải xem xét rất cẩn thận cả về lượng và phẩm (quantité et qualité). Thỉnh thoảng họ cố ý tích trữ một thứ tiền nhỏ và cần ích, cho đến khi thứ tiền ấy vì hiếm mà tăng giá ít nhiều, bấy giờ họ mới đổi lại cho các cửa hàng. Những mối lợi nhỏ mà họ được hưởng như thế thật là một sự phiền lớn cho công chúng.

            Người đổi bạc ngồi suốt ngày ở một góc phố, có cái hòm nhỏ để trước mặt, thỉnh thoảng lại gõ tiền để rao rằng mình có ở đó. Ở xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin có rất nhiều thứ tiền, nên những người mới đến đó bối rối hết sức. Khi người ta dâng tiền ở nhà thờ, thì ngoài tiền Thổ Nhỉ Kỳ, còn có tiền các nước Áo, Pháp, Ý, tiền đồng và tiền bạc của nước Anh và Ấn Độ nữa.

            Ở thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa, những người đến thờ lạy Chúa đến từ nhiều xứ khác nhau về sự buôn bán và chế độ cai trị, nên họ đem lưu hành nhiều thứ tiền khác nhau (Công vụ các sứ đồ 2:9, 10, 11). Đương thời Đấng Christ, họ xướng lên một thói tục để tiện việc cho khách lạ và công chúng; nhưng thói tục ấy đã trở nên một sự xấu hổ và vụ lợi trong đền thờ, nên những kẻ đổi bạc bị đuổi ra luôn với những người đã đổi nhà Cầu nguyện thành một hiệu tạp hóa ồn ào của phương Đông (Ma-thi-ơ 21:12).

            14.  Kẻ cho vay tiền.-  Giữa vòng người phương Đông họ hay cho lẩn nhau vay mượn những món tiền nhỏ vì cớ tình bằng hữu và bà con họ hàng. Thường khi người ta không trả những món nợ ấy; và sự coi thường lời hứa lời hứa trong vòng bà con thân thích đó dễ lan rộng đến những lời cam kết trong sự giao dịch thường. Khi người ta đặt tiền, hoặc giao hàng hóa cho một tay lái buôn, và nhờ một người bạn chung của đôi bên làm đảm bảo, nếu một bên tìm được một cớ khả dĩ có lý để không làm tròn giao kèo, thì chẳng ai coi sự nuốt lời đó là đáng xấu hổ. Sự trở ngại bất ngờ ấy, họ coi là một sự từ trời giáng cho, và phải chịu nhận với một tấm lòng phục tùng tin kính. Người bị lừa gạt không thể cầu cứu tòa án danh dự trong thương trường, hoặc cầu cứu dư luận để nhờ đó khiến kẻ phạm tội phải xấu hổ, nhơ nhuốc và lúng túng. Còn nếu truy tố thì hai bên chắc phải đua nhau chạy chọt và hối lộ những nhà cầm quyền xét xử. Người mất của cảm thấy rằng tài kinh doanh của mình đã bị đánh đổ bởi sữ giao dịch ấy, và kể lể cho bạn hữu sẵn lòng thương mình biết rằng mình đã bị lừa gạt một cách quỉ quyệt thể nào (Lu-ca 16:8). Mặc dầu có những sự thất vọng như thế (do sự thiếu lòng thành thật và thiếu đạo đức hơn là do sự cố ý cư xử hèn mạt), nhưng sự cho vay tiền lấy lãi vẫn phổ thông lắm. Những đầy tớ gái cho vay tiền công lấy một ít lãi. Những kẻ đánh xe ngựa ở xứ Sy-ri thuộc trong số người bị thiệt hại vì những cổ phần khai mỏ ở phía nam Phi châu mới mất giá. Nhiều người tín đồ ở xứ Sy-ri đà làm giàu vì cầm cố đất ruộng của dân quê Ai Cập dưới chế độ các khedives (phó vương xứ Ai Cập) đời xưa; các người giàu ấy than phiền đắng cay về sự can thiệp của người Anh đã chiếm cứ xứ Ai Cập[3][3] đó. Kinh Coran cấm người Hồi giáo cho vay lấy lãi, vì kể sự đó là vô nhân đạo và thiếu tinh thần bác ái; nhưng họ dễ tìm được phương pháp tránh khỏi tội ấy. Lệ định tiền lãi là một phân một tháng, nhưng người ta thường vượt quá số đó. Người Do Thái cho vay tiền đã nổi tiếng ác xấu ở các nước có đạo Đấng Christ ở phương Tây; ấy là họ chỉ hành động đúng theo cổ tục ở phương Đông. Khi một tín đồ Đấng Christ ở phương Đông tỏ dấu hiệu rằng mình có tư tưởng độc lập và tinh thần tìm cầu đến Chúa thì các thầy dòng Hội Hy Lạp thường hay lập mưu cho tín đồ ấy mượn tiền theo cách thân ái giả dối; và khi nào tín đồ ấy không thể trả lại, thì các thầy dòng bắt hắn phải phục tùng Hội mình. Trong hai trăm năm vừa qua, người Ác-mê-ni (Arméniens) đứng đầu trong sự đổi tiền, cho vay tiền và thu thuế ở phương Đông; và sự căm hờn do một số ít người Ác-mê-ni chứa chất nên, đã là một cớ chính sinh ra nạn bắt bớ giết hại rất nhiều đồng bào vô tội và hèn yếu của họ. Cho vai nặng lãi và lừa gạt là hai cớ chính khiến cho Hội thánh ở phương Đông phải yếu đối và đáng khinh bỉ đối với đạo Hồi hồi.

            Đó là một vài màu cần dùng khi vẽ truyền thần người giàu có trong Kinh Thánh.

            15.  Lái buôn.-  Khi Kinh Thánh nói đến hàng hóa thì hay nói đến những đoàn lái buôn đi đường bộ qua đất hứa mà ra bốn phía đông, tây, nam, bắc. Những nơi xưa kia họ dừng lại để buôn bán, như PalmyreJerash, thì nay chỉ còn các trụ đổ nát, các khu rộng và sự hiu quạnh trơn trọi, vì hàng hóa của họ bây giờ ở trong tay các nước thương mại làm chủ trên mặt biển. Hiện nay làm đại biểu một cách kém cỏi cho họ chỉ còn người đi bán dạo vác hòm hàng hoặc bọc hàng trên lưng. Còn mối lợi và cách doanh nghiệp của họ thì nay ta thấy ở trong những cửa hàng tạp hóa của các thành phố và làng mạc phương Đông.

                        (1)  Cửa hàng.-  Hiệu buôn gồm những nhiều cửa hàng nhỏ ở trong một khu đất công cộng, hoặc trong một dãy phố. Hàng hóa của người đi bán nay đây mai đó thường chứa chất trong một khan, hoặc căn nhà rộng lớn, gồm có nhiều gian nhỏ xây chung quanh một khu đất công cộng và lộ thiên giao cho một người coi giữ. Ở đây hàng hóa ban ngày thì bán, ban đêm thì được coi giữ. Khu đất lộ thiên của thành phố, hoặc dãy cửa hàng có cảnh sát của thành phố bảo vệ, chính là một cách bành trướng của thành phố ấy. Cửa hàng là một căn nhà nhỏ không có cửa sổ, tất cả phía trước trông ra đường phố. Người trông của hàng ngồi đó, và khách qua đường trông thấy hết mọi đồ hàng bày bán.

                        (2)  Quả cân.-  Khi hàng hóa bán từng chiếc hoặc từng thước, thì người ta dùng một mực đã nhất định; nhưng khi bán cân, thì khách mua hàng rất dễ bị người bán hàng lừa dối. Nhiều khi quả cân chỉ là những cục đá đen, những vòng xích đã gãy, hoặc những cục sắt nhỏ không đều nhau. Chắc người lái buôn đời xưa cũng dễ lừa dối như thế (Châm Ngôn 11:1; 16:11; 20:10).

                        (3)  Giá hàng.-  Theo phong tục thông thường ở phương Đông, thì giá hàng nhất định một phần bởi giá trị của hàng, một phần bởi bộ dạng của khách mua. Một vài của hàng kéo người Âu châu bởi một tấm biển đề "Giá Nhất Định"; nhưng khi đến gần thì thường không phải là như thế. Giá phải chăng thì người ta cho là "vừa tốt cho muông sói, vừa tốt cho con chiên".

            Còn nhiều công nghệ và sự chế tạo khác cần phải nói sơ lược, hoặc giải thích về sau trong những đoạn khác. Sà phòng chế bằng chất kiểm thuộc loại kim khí hoặc thảo mộc (alcali minéral ou végétal) và dầu ô-li-ve, thì có nhiều nơi chế tạo, nhưng sà phòng ở HaifaTripoli được ưa chuộng đặc biệt. Sự thuộc da để làm bầu nước, đồ thắng ngựa và giày dép, hoặc để xuất cảng nguyên chất (à l'état brut), là một kỹ nghệ ở phần nhiều thành phố lớn, và rất phát đạt ở Jaffa (Joppa) và Hếp-rôn; ở Hếp-rôn người ta cũng chế tạo những bình và đồ trang sức bằng thủy tinh. Trong vòng dân Do Thái thì người đồ tể ví như một Thầy cả: hắn thay mặt nhà nước mà kiểm soát ở lò sát sinh, và rút ra cái gân bị cấm (Sáng thế ký 32:32), và giết loài chim một cách xứng hiệp bằng một con dao xứng hiệp, nhất là những con chim trắng dùng làm tế lễ trong Ngày Lễ Chuộc Tội. Một vài tục lệ nầy đối với chúng ta thì dường như là kỳ cục và cổ hủ, nhưng ngày xưa nó giúp ích cho sự vệ sinh của dân chúng, và ngày nay mua thịt trong cửa hàng của người đồ tể Do Thái ở phương Đông thì vẫn còn cho ta được vững dạ. Chúng tôi sẽ nói đến người thợ xay bột khi luận về cái cối xay bằng tay dùng trong nhà; sẽ nói đến người giữ cửa khi luận về nhà cửa; sẽ nói đến người tiền khu khi luận về sự du hành; sẽ nói đến thầy ký viết thơ và thầy giáo khi luận về sự giáo dục; sẽ nói đến luật phápy khoa khi luân về sản nghiệp và tôn giáo.

 

==================================


C h ư ơ n g   T h ứ   N ă m

 

S ự   S i n h   H o ạ t   T r o n g   G i a   Đ ì n h

v à   N h ữ n g   D â y   L i ê n   L ạ c   T r o n g   G i a   Đ ì n h

 

"Chủ nhà biết mọi sự ở trong nhà.

Áo bình an không bao giờ phai màu.

Sự sinh ra là sứ giả của sự chết."

                                                                                                Tục ngữ xứ Sy-ri.

 

            Đã thấy gã chăn chiên, gã nông phu trong đồng ruộng, những người lái buôn theo đuổi nghề nghiệp, bây giờ chúng ta sẽ chú ý đến sự sinh hoạt trong gia đình. Ấy là vì cớ sự sinh hoạt trong gia đình nên mới có những nghề nghiệp kia.

            Trước hết chúng ta hãy xem xét cái nhà và sự sắp đặt trong nhà, sự nấu nướng đồ ăn và cách ăn uống, cùng các thứ và các kiểu y phục. Và chúng ta sẽ xét đến những sự liên lạc và những sự xảy ra cốt yếu trong sự sinh hoạt ở chốn gia đình. Như vậy, chúng ta sẽ sẳn sàng để trong một chương cuối cùng, xem xét thể nào những tình hình và phong tục mà mình mới kê cứu được diễn lại và mở mang trong những việc công, đem cả đặc tính vào xã hội, chính trị và tôn giáo ở phương Đông.

            1.  Nhà.-  Cũng như trong những xứ khác, nhà là một nơi thân mật biệt riêng, một nơi che chở khỏi lạnh lẽo. Nhưng ở phương Đông, nhà lại đặc biệt là nơi che chở khỏi nắng nóng. Rải rác đây đó có dấu tích của những hang đá làm nơi ở của người thái cổ; và những gã chăn chiên cũng dẫn bầy mình vào các hang đá giống như thế. Hang đá là nơi ẩn náu của những kẻ trốn tránh trong thời dân Y-sơ-ra-ên bị ức hiếp. Ngày nay những hang đá bỏ không của xứ Ba-san và những phòng hẹp đục trong đá của các thầy tu chính là tỏ ra cách kiến trúc những hang đá đời thượng cổ.

                        (1)  Nhà trại.-  Đó là kiểu nhà sơ sài hơn hết, rất được thông dụng, và là đặc sắc của người Bédouins hoặc du mục. Nó là một cái mái thấp bằng lông dê đen, phía trước để ngỏ và có hai cột chống lên. Có thể kể chỗ ngỏ ấy là nguyên gốc của mọi cánh cửa, đã được đổi thành đẹp đẽ và to lớn hơn hết, như cổng của các thành phố và của Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Trại được giữ vững vàng bởi các dây thừng cũng làm bằng lông dê đen, dây thừng buộc vào các cọc bằng gỗ dẻ bộp dùng vồ đóng xuống đất (Các quan xét 4:21; 5:26). Có một tấm màn treo ở giữa trại, phân cách phòng của đờn bà với phòng chung. Vì được che kín không ai thấy như thế, nên đờn bà có thể dễ dàng nghe chuyện ở phòng chung hoặc ở cửa trại (Sáng thế ký 18:10). Cũng có thể nhìn ra phía ngoài qua tấm rềm làm bằng cói.

            Sau khi dân Y-sơ-ra-ên chăm chú vào nghề nông, thì họ vẫn dùng cái trại. Nó là biểu hiệu cho một cuộc đời giản dị, không bị bó buộc; mỗi khi người ta không chịu nhận một phương pháp nào trong việc quốc gia, thì họ lại kêu la rằng: "Hỡi Y-sơ-ra-ên, mỗi người hãy trở về trại mình!" (II Sa-mu-ên 20:1; I Các Vua 12:16). Vì có liên lạc với tổ tông, nên trong thi ca và các sách tiên tri, các trại được địa vị cao quí hơn cái nhà xây bằng đá (Thi Thiên 84:1-10; Nhã-ca 1:5; Giê-rê-mi 4:20). Hiện nay những người đã được trưởng dưỡng trong cái trại thì rất không đành lòng lìa bỏ nó. Họ cho rằng lìa bỏ cái trại thì về phương diện xã hội là một sự nhục nhã, và về phương diện cá nhân là một sự hi sinh. Cách đây mấy năm, người vợ của một ông quan người Bédouin ở thành Đa-mách đã chết vì thèm thuồng cuộc đời trong cái trại mà mình đã phải dứt bỏ. Quan nầy trước đã cưới một thiếu nữ người Anh, thuộc dòng quí phái; hằng năm bà ở nơi đồng vắng với chồng ít lâu, rồi vợ chồng lại về ở thành Đa-mách. Bà trang hoàng nhà cửa rất lịch sự, cũng trồng trong vườn nhiều thứ cây và hoa quí. Khi bà nầy qua đời, thì quan đó lại cưới một nàng quận chúa cùng dân tộc với mình, đem nàng về nhà mình ở thành Đa-mách. Chẳng bao lâu nàng bắt đầu mất sức khỏe và vui vẻ, mặc dầu chồng mua cho quần áo và đồ nữ trang đẹp đẽ, lại có nhiều bà quí phái tới lui thăm viếng và mời đến nhà chơi, nàng cũng lâm bịnh và qua đời. Lòng nàng thèm nhớ những cuộc hội họp bên biếng, những lạc đà và dê con ở chung quanh trại, và cả cuộc đời giản dị, tự do nơi đồng vắng.

            Giê-rê-mi 35:2-17 có để đối chiếu sự người Rê-cáp tuân theo một lời nguyền trong gia tộc với sự bất trung của người Y-sơ-ra-ên đã xây bỏ các điều răn của Đức Chúa Trời.

                        (2)  Nhà cửa ở trong làng và trong thành phố.-  Nhà đơn giản của dân quê thường chỉ có một phòng. Chữ A-rạp để chỉ về một cái nhà cũng có nghĩa là một cái phòng, và chắc trong vòng người Hê-bơ-rơ ngày xưa cũng là như vậy. Giữa phòng có một cái trụ bằng gỗ hoặc bằng đá chống đỡ cái sà ngang của mái phẳng, và trên trụ ấy thường có một cái xích đông nhỏ để đặt chiếc đèn dầu; như vậy, đèn soi sáng tất cả phòng hoặc nhà (Ma-thi-ơ 5:15).

            Nếu nhà có hai phòng, thì hai phòng ấy không xây liền cạnh nhau; nhưng ở giữa có một khoảng trống rộng bằng một phòng. Cũng xây một bức tường nối hai phòng ấy, và như vậy, nhà có một cái sân.

            Nếu nhà có ba phòng, thì một phòng chiếm chỗ của bức tường ở cuối sân. Nếu cần có hơn ba phòng, thì họ xây nối vào những phòng kia, và như vậy, làm cho sân dài thêm ra. Đối với một gai đình đông đúc và vào hạng giàu có, cha mẹ có nhiều con trai đã cưới vợ nhưng vẫn ở chung với mình, thì có thể có nhiều sân cái nọ ăn thông dành riêng cho nhiều gia đình nhỏ đó. Các phòng thường không ăn thông với nhau, nhưng cửa thì đều mở ra phía sân. Để che khỏi nắng mưa, người ta xây một dẫy cột có mái chung quanh khu đất hoặc vẩy một cái hiên từ tường ra. Trong một nhà nhỏ chỉ có một hoặc hai phòng, người ta lợp một cái mái bằng lá và cành cây rậm, hoặc bằng những tấm ván cũ, để rủ bóng trên cửa ra vào, hoặc phủ kín một phần sân để che lối vào phòng ở cuối sân. Đó chắc là phần mái nhà đã bị gỡ khi họ giòng người bại xuội xuống và đặt nơi chơn Đấng Christ (Mác 2:4).

                        (3)  Mái nhà.-  Mái nhà là một hoặc mấy tấm gỗ lớn đặt ngang, rồi có nhiều tấm gỗ nhỏ đặt lên trên. Tất cả phủ bằng một lớp nhược thảo (genêts), cây nhỏ mọc nơi hoang (bruyères) và lau sậy (roseaux); trên hết lại rải đất dày độ mười phân tây. Khi đất đã bị séo, lăn và nện xuống, thì người ta làm cho cái mái nhà phẳng chịu được nước bởi trát một lần vôi hoặc xi măng, và có những lỗ ở ria tường cho nước mưa thoát ra.

                        (4)  Câu lơn nơi mái nhà (Phục Truyền luật lệ ký 22:8) không được người ta xây cất cẩn thận như đáng phải làm, và sự thiếu đề phòng ấy thường gây ra tai nạn. Mỗi góc có xây cột cao chừng hai thước tây; họ giăng giây từ trụ nầy đến trụ kia để phơi quần áo. Trong những nhà có đạo Hồi, khoảng trống giữa các cột góc ấy thường chất những tấm ván hoặc xây gạch có chừa chỗ hở, hầu cho người nhà có thể đi lên mái nhà mà kẻ lân cận không thấy được.

            Sẽ bị kể là xấu bụng người láng giềng nào đi quanh trên mái nhà để có thể nhìn xuống sân của các nhà bên cạnh. Trong vòng dân quê thì mái nhà cốt nhất dùng để phơi thóc lúa, phơi quả mùa hạ, và phơi củi để dùng lúc mùa đông (Giô-suê 2:6).

            Người ta đứng trên mái nhà mà báo cáo công việc trong làng; và khi có đám cưới, người ta hay hội họp trên mái nhà, tại đó tân khách ca hát và vỗ tay, giậm chơn đều nhịp (Các quan xét 16:27).

                        (5)  Phòng cao (II Các Vua 1:2; 23:12; Mác 14:15; Công vụ các sứ đồ 1:13; 9:37; 20:8).-  Đó là một đặc sắc giản dị của nhà cửa ở phương Đông. Và là một cách thích hợp với khí hậu. Mùa hè, người ta làm những lều nhỏ bằng lá và cành cây để ngủ ban đêm cho được mát mẻ hơn. Phòng cao cũng dùng như thế, nhưng dùng được mãi mãi. Khi người ta xây nhiều phòng như thế trên mái nhà, thì Kinh Thánh gọi là nhà mùa hạ, khác hẳn với nhà mùa đông ở dưới (Các quan xét 3:20; Giê-rê-mi 36:22; A-mốt 3:15). Trong những nhà lớn cũng có sự thay đổi như thế bởi ở phía đông, và ở phía tây lúc mùa hạ. Người ta lên mái nhà bởi cái thang cục kịch bằng gỗ hoặc bởi những bậc đá, bắc vào phía ngoài tường nhà, hoặc bắc dọc theo một bức tường trong sân. Phòng cao, vì là một nơi tĩnh mịch và mát mẻ, nên hay được xây cất và bày biện tốt đẹp hơn những phòng thường; khách ngủ lại ban đêm thì ở trong phòng cao đó, cho phân biệt với khách chỉ đến chơi chốc lát. Phòng cao xây cho người của Đức Chúa Trời (II Các Vua 4:15) cốt dùng làm một nơi tĩnh mịch xứng hiệp với chức vụ thiêng liêng và thói quen cầu nguyện của ông ấy.

                        (6)  Phòng cho khách ở.-  Người phương Đông thường không biệt riêng một phòng để khách ở; người phương Tây cho làm như thế là bất lịch sự và hầu như là đuổi khách đi. Người phương Đông không thích ờ một mình, và ban đêm thích thắp một ngọn đèn con trong phòng. Vì họ cứ để nguyên quần áo mà ngủ, nên không cần có chỗ riêng biệt. Nếu giường khách nằm kê ở phòng cao, thì một vài con trai của chủ nhà cũng kê giường ngủ gần giường kháchcho có bạn. Một người phương Đông thấy mình bị bỏ lửng khi được tiếp rước cách tự nhiên trong một gia đình Âu Tây; trái lại, một người Âu Tây thấy mình bị lấn áp vì cớ ông chủ nhà phương Đông luôn luôn có mặt săn sóc đến mình.

            Trong những nhà nhỏ thì căn phòng ở đằng cuối sân là phòng khách thường để tiếp những khách tình cờ đến thăm. Phòng nầy thường trống hơn những phòng khác trong nhà.Trong những nhà chỉ có một phòng thì nơi dành cho khách chỉ là một tấm ghế trường ở cuối phòng; đấy là chỗ danh dự mà khách được dẫn đến. Trong những nhà lớn hơn, thì người ta biệt riêng một phòng rộng và bày biện lịch sự ở gần cửa cho tiện, hầu cho khách không phải chờ đợi và người nhà bị làm phiền ít hơn hết. Vì người ta thường đem món giải khát dâng khách, nên phòng cho khách ở cũng là phòng ăn tiệc.

                        (7)  Sàn nhà.-  Người ta ít khi tấy sàn nhà bằng gỗ. Ở chốn thôn quê sàn nhà thường là bằng bùn, dùng vồ bằng gỗ mà nện xuống, rồi dùng một tảng đá lớn và dẹp mà xoa cho nhẵn. Cái sàn sạch và bền hơn chính là sàn làm bằng "Xi măng", thức là vọi trộn với đá sỏi nhỏ, và cũng nện xuống theo cách trên kia. Sàn nhà tốt hơn hết là sàn làm bằng những phiến đá vôi vuông. Trong những nhà đẹp ở thành phố, thì những phòng chung cho mọi người lại lát bằng đá hoa trắng, nổi bật bởi những "lằn" đá đen hoặc những hình bằng đá hoa nhiều màu khác nhau. Các sân rộng thường cũng lát như thế, ở chính giữa sân có một chỗ chứa nước (fontaine) bằng đá hoa làm cảnh; cũng chừa ra nhiều chỗ không lát, để trồng cam, chanh, những cây lớn, cây nhỏ xanh tươi luôn và thơm tho.

                        (8)  Đồ đạc và đồ trang hoàng.-  Các bức tường thường làm bằng thạch cao, quét một nước vôi. Nhưng nhà của người giàu có, nhứt là ở thành Đa-mách, thì tường của những phòng chung cho mọi người lại có trang hoàng nhiều hình khảm (mosaĩques) đẹp đẽ bằng gỗ, đá hoa, xa cừ, pha lê và ngà. Những hình trang hoàng thường là những hình kỷ hà học rất phiền phức; song những hình hoa và súc vật cũng thường dùng đến. Thường khi cũng treo gươm, đoản đao và súng để trang hoàng tường. Người ta không thử gián thứ giấy để trang hoàng tường, cũng không thích những hình nhỏ chi chít in trên những giấy đó. Khí hậu nóng nực có ảnh hưởng hay làm cho trễ nải, nên người ta cần có những bức tường để tự nhiên hầu cho tinh thần được sảng khoái. Trong những phòng khách trang hoàng lịch sự thật cũng có ít đồ vật gợi cho ta suy nghĩ về hoàn cảnh êm đềm của một trí óc học rộng biết nhiều. Ta có cảm tưởng rằng tại đó không có cái điều mà chủ nhà cần đến và tự nhiên hưởng được trong tòa nhà đẹp đẽ của mình, nhưng chỉ có cái điều mà người giàu muốn phô bày với khách đến thăm mình. Những tấm thảm đẹp bằng lông chiên, lông dê và lụa trải trên sàn nhà bằng đá hoa; một tấm ghế trường chạy suốt ba phía trong phòng; những gối có bao bằng bông, lông chiên, lụa và kim tuyến do người bổn xứ dệt. Mọi đồ vật đó với một cái gương lớn treo ở góc phòng, một cây đèn nhiều ngọn bằng thủy tinh treo nơi mái nhà, một chỗ đựng nước (fontaine) bằng đá hoa thường khi đặt ngay dưới cây đèn, một vài cái bàn khảm nhỏ bày ở đây đó, đều là những thứ trang hoàng thông thường trong một phòng khách phương Đông.

            (9)  Cửa.-  Cửa là một chỗ thánh khiết và quan hệ đặc biệt. Phía ngoài cửa và phía trong cửa là hai chỗ khác nhau như hai thế giới vậy. Trong những nhà lớn thì người canh cửa ngồi ngay chỗ đi vào để trả lời kẻ hỏi thăm và để dẫn khách vào trong nhà. Ban đêm người canh cửa ngủ trong một phòng nhỏ, ngay lối đi vào, bên cạnh cửa để canh giữ mọi khu trong nhà. Hắn giống như người canh giữ cổng thành và vườn nho. Hắn có trách nhiệm che chở người nhà, nhưng vẫn không thuộc trong vòng bà con. Sau khi đua khách đến cửa phòng khách rồi, hắn lại lui về chỗ gác. Thi Thiên 84:10 có ngụ ý nói đến địa vị hèn hạ và ngoại nhân của người gác cửa đó.

            Trong những nhà nhỏ hơn không có người gác cửa, thì có một đầy tớ hoặc một người nhà đứng trên bao lơn mà hỏi to rằng: "Ai đó?"  Nếu là một người bà con, thì khách trả lời rằng: "Mở cửa!" Nếu là một người bạn thân, thì khách hỏi to rằng: "Tôi đây."  Nhận biết là tiếng nói của ai thì đủ rồi (Công vụ các sứ đồ 12:13).

            (10)  Cửa sổ.-  Người ta mới dùng cửa sổ có mặt kính được ít lâu nay, Cửa sổ ở phương Đông thường có những song gỗ để gìn giữ cho khỏi bị quấy rầy và trộm cắp; nửa dưới cử sổ lại có một tấm bình phong che khuất, để người trong nhà có thể nhìn ra ngoài mà không ai trông thấy mình được. Ban đêm cửa sổ đóng bằng then gỗ, cốt nhất để được yên ổn và tỉnh mịch, và một phần cũng để tránh ánh sáng và ánh nắng mặt trời lúc sáng sớm. Vì cớ đó ở Ma-la-chi 3:10 có ngụ ý nói đến sự mở cửa sổ. Ở phòng cao thì không cần có song gỗ, vì khách qua đường không nhìn tới hoặc với tới được; cho nên có thể xảy ra những việc như có chép ở Giô-suê 2:15; I Sa-mu-ên 19:12; Công vụ các sứ đồ 20:9. Nhà ở thành phố thì cửa sổ thường không trông ra ngoài đường; nhưng bao lơn của các từng trên lại thường trông ra ngoài đường,- các bao lơn ấy có cửa sổ trông ra rất xa và nhận được luồng gió từ cả hai phía. Trong những nhà ấy bình phong vần là một món trang hoàng lịch sự. Các vò đựng nước uống thì đặt gần các cửa sổ ấy để có luồng gió làm cho mát mẻ. Vì trường hợp đó, nên những bình phong có tính cách trang hoàng được gọi là mashraîyel, do tiếng A-rạp mashrab, nghĩa là một chỗ để uống nước. Trong các phòng sách của nước Anh thường thấy một cái bình phong có mỹ thuật, nhưng không có quan hệ với công dụng nguyên trước của nó.

            Kinh Thánh chép rằng bà mẹ của Si-sê-ra bồn chồn nhìn qua cửa sổ như thế để chờ con trai mình không hề trở lại (Các quan xét 5:28).

            Trên cổng thành phố hoặc nơi đi vào các đồn lũy có một cửa sổ nhỏ đặt trong tường hoặc trong chòi canh, từ chỗ đó người canh gác có thể nhìn thấy mọi kẻ đến gần mà chính mình không bị nguy hiểm gì cả.

            (11)  Sửa soạn đi ngủ.-  Người phương Đông nhóm họp để đi ngủ, chớ không phải ai lui về phòng nấy để đi ngủ. Vậy nên trong thí dụ ở Lu-ca 11:7 có nói người cha thoái thác rằng con cái ngủ với mình, - chúng ngủ trên những đệm trải trên sàn nhà, chung quanh giường của cha. Khi đến giờ ngủ, họ mở tủ, rương hoặc hốc tường để lấy những đồ dùng trên giường ngủ. Mỗi một cái đệm đều nhồi bông hoặc lông chiên; phụ vào mỗi cái đệm lại có một cái chăn trải giường dầy bọc bằng vải cát ba hoặc lụa màu, và khâu thành những đường dọc hoặc tréo. Khi ngủ, người phương Đông dùng chăn trùm cả đầu lẫn thân thể. Trong những sự thánh của đời sống người phương Đông, có khoản không được khuấy rối giấc ngủ hoặc làm giở bửa cơm của ai. Phải khó khăn cực điểm mới bảo được một tên đầy tớ Sy-ri đánh thức chủ hắn lúc trời còn mờ sáng. Khi một người theo Hồi giáo đánh thức bạn đồng đạo, thì người chỉ hô lên rằng: "Đức Chúa Trời là độc nhất!" Tuyên bố cái chơn lý tối cao ấy thì người tin Hồi giáo bao giờ cũng cho là hợp thời, và chỉ kẻ vô tín mới có thể phản đối sự tuyên bố ấy.

            2. Đồ ăn.

                        I.  Bánh.-  Món ăn cốt yếu là bánh, và trong vòng dân quê và dân lao động ở thành phố thì công việc cốt yếu trong gia đình là làm bánh.

                                    (1)  Vo sạch.-  Lúa mạch mới ở sân đạp lúa đem đến thì phải sàng sảy cẩn thận và khéo léo (Ê-sai 30:28; A-mốt 9:9; Lu-ca 22:31), để cất bỏ những hột sạn cùng viên đất nhỏ, và nhứt là để loại hết những hột nhỏ có chất độc, những cỏ làm hại lúa (nielle), những cỏ lòng vực (ivrai), các thứ nầy có rất nhiều trong những khu ruộng có gai và không được chăm nom cẩn thận (Ma-thi-ơ 13:7). Lời Đức Chúa Jêsus cầu nguyện cho Phi-e-rơ ấy là cốt cho đức tin của ông không bị quăng vào đống vô dụng.

            Đoạn, người ta vo lúa mạch để cho nó sạch hết bụi bám, rồi đem phơi trong những tấm vải trải trên mái nhà. Đoạn, người ta thâu trữ lúa ấy để gia quyến dùng; họ đựng trong những thùng nhỏ giống như những máy làm bơ. Thùng ấy làm bằng mây hoặc đất sét, có một chỗ hở gần dưới do đó có thể lấy số lúa mạch cần dùng mỗi lần. Những số lúa mạch lớn hơn, phải giữ để làm bột hoặc để gieo mùa sau, thì chứa trong những bể dưới đất hoặc những giếng khô có miệng rất hẹp. Miệng phải che lấp thật kỹ, đến nỗi chỉ có chủ nhà biết bể hoặc giếng ở vào chỗ nào.            

                                    (2)  Xay.-  Khi lúa tiểu mạch hoặc đại mạch phải xay để đem đi chợ bán, thì họ đem đến cối xay; cối xay ở một vài chổ làm việc quanh nănhững nhưng thường thì chỉ làm việc lúc mùa đông, bây giờ mới có đủ nước để xoay bánh xe của cối xay.

            Cối xay bằng tay có hai phiến đá tròn, đường kính chừng 45 phân tây, mặt phiến đá ở dưới thường hơi khum khum, còn phiến ở trên thì hơi lõm cho vừa vặn với phiến ở dưới. Phiến ở dưới thường làm bằng đá vôi hoặc bằng huyền vũ nham (basalte), và vì dầy hơn nên cũng nặng hơn phiến ở trên; phiến ở trên làm bằng phiến thạch lỗ chỗ (lave poreuse), hầu cho bề mặt khỏi bị mài nhẵn vì cớ sọ sát. Ở một bên, gần vành tròn; phiến đá ở trên có một cái chốt bằng gỗ. Hai người đàn bà ngồi đối mặt nhau, mỗi người một tay cầm lấy cái chốt mà xay lúa mạch. Giữa phiến đá dưới nổi lên một cái trục, lắp vào cái lỗ ở giữa phiến đá trên, và bởi đó giữ cho phiến đá trên khỏi xê xích. Sự xay cối bằng tay có nói đến ở Xuất Ê-díp-tô ký 11:5; Các quan xét 16:21; Ca thương 4:13; Ma-thi-ơ 24:41. Cấm không được giữ cối xay bằng tay làm vật bảo chứng (Phục Truyền luật lệ ký 24:6). Ngày nay họ vẫn còn cho làm như thế là đáng xấu hổ. Gióp 41:15 có nói đến phiến đá dưới là cứng. Sự dời cối xay đi chổ khác là một trong các sự suy vi của dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày (Giê-rê-mi 25:10); tiếng ròn rã, vui vẻ của cối xay mà ngừng lại, ấy là một sự khoái lạc qua mất, như có nói ở Phục Truyền luật lệ ký 12:3-4.

            Bánh ở phương Đông giống như mấy thứ bánh của người Âu, Mỹ hay ăn buổi sáng. Bánh không làm lớn để dùng dao mà cắt đâu, nhưng người ta dùng tay mà bẻ (Ma-thi-ơ 26:26; I Cô-rinh-tô 9:24).

                                                (3)  Trong gia đình người ta hay  hấp bánh theo ba cách:

a)      a)         Bánh làm bằng bột nhào thì để trên tro nóng hoặc đá đã nung (Sáng thế ký 18:6; Xuất Ê-díp-tô ký 12:39; I Các Vua 17:12; 19:6; Giăng 21:9). Đó là cách cổ sơ hơn hết, và rất gần như ăn hột lúa rang chưa rắn đương lúc gặt hái (Giô-suê 5:11; Ru-tơ 2:14). Sau khi ngâm nước, lúa mạch lại thường đựng trong chảo, bắc trên lửa cho đến khi nó thật khô. Rồi người ta xay qua loa, như bột hương mạch rất thô hoặc như lúa mạch giã dập. Người ta dùng bột ấy nấu một thứ xúp, và thường nấu với phạn đậu. Vì lúa mạch có chép chung với phạn đậu ở II Sa-mu-ên 17:28, nên chắc đó là một món ăn nướng trong các thứ mà Bát-xi-lai đem dâng Đa-vít. Lúa mạch mịn thì là một thứ tạp hóa thường dùng trong nhà, gọi là semolina, mà người phương Đông cũng dùng để làm nhiều thứ bánh ngọt và kẹo.

b)      b)        Thỉnh thoảng họ làm một cái lò hấp bánh theo cách nầy: Bỏ chất bắt lửa, như cỏ, gai gốc và cành con vào một cái vò bằng đất, và khi vò đã nóng đủ thì để những miếng bánh mỏng vào phía ngoài vò. Nhiều khi họ lại đào một cái hốc dưới đất, chung quanh trát thạch cao, rồi cũng bỏ củi và cỏ vào đó, thêm mấy hòn sỏi to để giữ sức nóng. Khi nào khói và lửa để lại một đống than hồng, thì họ để những miếng bánh to và mỏng chung quanh thành hốc, chỉ trong một hai phút là nướng chín.

c)      c)         Cũng có một tấm sắt thưa và cong lên như thứ dùng để nướng bánh hương mạch. Giữa trời, họ kê tấm sắt nầy trên hai hòn đá, dưới đốt lửa, rồi nướng những bánh nhỏ trên đó.

                                    (4)  Bánh ngọt.-  Người ta làm được nhiều thứ bánh mì và bánh ngọt bởi những cách sáng chế giản dị nầy và ở trong lò người thợ làm bánh mà chúng tôi đã mô tả. Trước khi đem đến lò hấp, những bánh mì rẻ tiền thường dùng dầu đánh trên mặt và rắc những thứ bột thơm. Còn bánh ngọt thì thường nhúng hoặc rán với dầu nóng sôi. Những bánh mỏng thì không men thường làm rất cẩn thận - cẩn thận đến nỗi hóa ra kỳ cục - cho khỏi đụng tới một chút men nào; người Do Thái ăn bánh không men trong tuần lễ Vượt qua (Xuất Ê-díp-tô ký 14:31; Lê-vi ký 6:21; 7:12; I Sử ký 23:29).

                        II.  Nước.- Bánh quan hệ thứ nhứt, nước quan hệ thứ nhì. Người phương Đông uống nhiều nước, cả khi dùng bửa và những lúc khác. Khi ngồi ăn, họ luôn luôn chuyền cho nhau cái vò nhỏ xách tay. Họ có thể uống nước nơi miệng vò hoặc nơi cái vòi nhỏ của vò mà không cần phải ghé sát môi miệng vào. Theo cách xã giao củ người phương Đông, khi uống nước, cần phải cẩn thận để ý đến cảm tình riêng của kẻ khác. Một những Ba Tư theo đạo Hồi thì coi cái vòi đã bị môi miệng của một môn đồ Đấng Christ đụng đến là ô uế, và lập tức ném vò xuống đất. Người phương Đông có tài phân biệt các thứ nước khác nhau, tài ấy kỳ lạ đến nỗi người phương Tây không hề biết tới. Trong một thành phố có nhiều giếng nước công cộng, họ có thể nói rất quả quyết thứ nước trong vò đã múc từ nơi giếng nào. Kẻ xách nước không dám thử lừa dối những kẻ dùng nước của mình. Những kẻ ăn mày ngoài cửa thường xin cho uống nước. Người Y-sơ-ra-ên cần dùng nước thật là cấp bách đặc biệt. Ban đêm họ để nước gần bên giường cho dễ với lấy. Buổi sáng, người ta thấy Sau-lơ mất cả cây giáo lẫn bình nước (I Sa-mu-ên 26:11). Khi Đa-vít mong mỏi uống nước giếng thành Bết-lê-hem (II Sa-mu-ên 23:15), ấy chẳng những vì nó có liên lạc với những ngày sung sướng, bình tĩnh của ông, nhưng cũng vì ông nhớ rõ cái vị đặc biệt của nó. Vậy có một tục ngữ gồm tóm tất cả sự an lạc của một người thạnh vượng và tự mãn rằng - "Bánh hắn đã hấp và vò hắn đã đầy".

            Hai sự đoán phạt Y-sơ-ra-ên đã được tuyên bố bởi những chữ tỏ ra nước rất cần cho sự sống và nước làm cho mát mẻ (Giê-rê-mi 2:13, 18). Cũng hãy xem Dân số Ký 20:3; I Các Vua 13:8; 17:10; 19:6; Châm Ngôn 25:25; Ê-sai 35:6; A-mốt 8:11; Ma-thi-ơ 5:6; 10:42.

                        III.  Thịt, cá, sữa và quả.-  Một món thường hay ăn hơn hết trong nhà là những miếng thịt thái nhỏ hầm với đậu, cà chua, ruột các thứ rau, và nhiều thứ khác nữa. Để món đó vào dĩa, và mỗi người lấy dùng: Họ cầm thìa mà múc, lại nhúng thêm vào một miếng nhỏ mới bẻ ở cái bánh mỏng ngay bên cạnh mình. Họ làm như thế rất là khéo léo. Nếu đưa một miếng ấy cho kẻ đồng bàn, ấy là bằng cớ của tình bằng hữu thân thiết (Giăng 13:26). Cũng thường hầm con chiên nhỏ hoặc con dê nhỏ với sữa. Người A-rạp gọi món ăn nầy là sữa mẹ, và khi ăn món ấy, họ hay kể một điển cố để binh vực cách làm trái luật từ ngàn xưa đó (Xuất Ê-díp-tô ký 23:19). Trong một bữa tiệc ở phương Đông hay có con chiên con hoặc con dê con quay nguyên cả, đầu và chơn bó lại gần với nhau, và trong bụng nhồi gạo và món gia vị. Họ để tất cả trên cái mâm lớn và bưng ra ăn. Thịt đã ninh nhừ đến nỗi dễ rời khỏi xương, và ai muốn ăn phần thì lấy tay mà gỡ. Về món ăn nầy cũng như về món bánh nhúng nước hầm, ông tù trưởng hoặc ông chủ nhà hay lấy một miếng ngon mà mời một người khách để tỏ lòng quí mến, vì nể đặc biệt.

            Có một tiếng Hê-bơ-rơ chỉ về đồ ăn, là tereph, tức là thịt một con thú bắt ở trong bầy (Châm Ngôn 31:15). Người nội trợ gương mẫu trong dân Y-sơ-ra-ên chọn một con dê con hoặc con chiên con để dọn bữa tối cho gia đình trước khi cả bầy được dẫn đi ăn cỏ lúc mới hừng đông.

            Một món ăn phổ thông của xứ Sy-ri là thịt bằm nhỏ với lúa mạch xay qua loa, bỏ vào cối giã và cho thêm đồ gia vị. Rải ra dày độ ba phân tây trong một cái chảo nông; dùng dao khía thành những miếng hình hạt ngọc, phết thứ bơ mà người bản xứ dùng để nấu nướng, rồi đem đến lò để hấp. Dường như có ngụ ý nói đến món ăn nầy ở Châm Ngôn 27:22, tại đó nói rằng một người ích kỷ, ngu dại, đa nghi sẽ chẳng mất cá tính mặc dầu đã bị cơn thử rèn và nghịch cảnh "xay giã".

            Một món ăn khác hết sức ngon lành ở phương Đông chính là món ăn đã có ảnh hưởng tai hại hơn hết cho Ê-sau (Sáng thế ký 25:34). Phạn đậu phải ngâm và nấu với nước, tùy sức nó thấm hút được. Rán những miếng hành nhỏ với dầu cho đến khi hành hơi đỏ, rồi cho vào phạn đậu. Lúa mạch giã dập hoặc gạo thường nấu chung với phạn đậu. Khi phạn đậu đương chín, mùi thơm ngào ngạt, khiếm cho người đói thèm thuồng không sao nhịn được.

            Người phương Đông không quen nấu xúp: Khi thịt sôi, thì nước thành ra một thứ nước "sốt" (sauce) đặc để ăn chung với thịt. Đó là sự đun, nấu có nói đến trong Kinh Thánh.

            Các loài gia cầm thì quay và hầm. Theo ý tưởng của Châm Ngôn 15:17, một tục ngữ A-rạp nói rằng: "Thà có một miếng bánh và một củ hành mà bình an còn hơn là có gà vịt nhồi mà cãi lộn".

            Ở phương Đông ta nghe nói đến con heo hơn là chính mắt thấy nó. Người ta luôn luôn nói đến con heo, cho là một tiếng khinh bỉ và chửi mắng, nhưng thịt nó thì thỉnh thoảng mới có môn đồ của Đấng Christ ăn. Vì heo hay dầm bùn và vì người ta không cẩn thận quét dọn rác rến, nên trong xứ nóng nầy thịt heo thành ra một món ăn cấm và ai cũng không muốn ăn, trừ khi món ăn ấy được nấu nướng rất tinh khiết. Cả đến thịt heo rừng ăn vào nhiều khi cũng sinh ra dun sán rất là tai hại.

            Các người bổn xứ theo đạo Đấng Christ thường ăn thịt sống của chiên và dê. Trái lại, vì quá cẩn thận muốn bỏ hết máu, người Do Thái xát muối vào thịt trước khi nấu nướng.

            Có rất nhiều cá ở Địa Trung hải và biển Ga-li-lê, nhưng nhà nước đánh thuế bán cá rất cao, có ý hạn chế nghề ấy; vì tín đồ Hội thánh phương Đông chỉ được ăn cá trong ngày thứ sáu, người ta cho ăn cá là thấp kém và khiến cho suy nghĩ về sự sám hối.

            Ngoài sự ăn tươi ra, người thường còn làm cho sữa đặc lại bởi cách khiến nó có một cị chua mát. Chắc Giô-ên đã cho Si-sê-ra uống sữa giải khát chế theo cách ấy (Các quan xét 4:19; 5:25). Người ta lắc váng sữa (crème) trong những bầu da cho đến khi thành ra bơ (beurre). Bơ đun sôi thành ra bơ để nấu nướng, đựng trong vò để dùng quanh năm.

            Trong các sách A-rạp kể sự du lịch, thứ bơ nầy gọi là saman hoặc samăni; ở Ấn Độ thì gọi là ghe-cheese. Người ta luôn luôn dùng nó theo nhiều cách chế hóa khác nhau (I Sa-mu-ên 17:18).

            Rau trộn thì dùng rau cần tây, rau diếp, rau diếp quăn, lá cối xay, rau húng, dưa chuột. Người ta dùng đủ các thứ rau rất nhiều, và người phương Đông rất khéo chế nước sốt (sauce) chua, cay và thơm rẻ tiền. Nhằm lễ Vượt qua, người Do Thái có một thứ nước sốt giống như nước vôi loãng hoặc phấn hòa nước. Họ nhúng các thứ lá đắng, như rau diếp quăn mọc ở rừng vào nước sốt ấy để kỷ niệm thời kỳ làm tôi mọi ở xứ Ai Cập.

            Các quả tươi thì ăn lúc đương mùa, nho và cam giữ được lâu hơn hết; quả ăn với bánh, ấy tức là bữa cơm của người lao động. Vả, nho khô, hột giẻ, hạnh nhân, lạc, là những quả thường hay phơi khô hơn hết (Sáng thế ký 43:11; I Sa-mu-ên 25:18).

            Kinh Thánh chép rằng Giăng Báp-tít ăn châu chấu; người A-rạp ở đồng vắng phương nam dùng châu chấu như một món ăn khổ; họ ngắt càng châu chấu và đem ướp muối.

                        IV.  Bửa ăn chính nhằm một lúc sau khi mặt trời lặn. Tinh thần và thân thể nghỉ ngơi, ấy là điều người phương Đông cho là cần yếu để ăn ngon, và là điều kiện để được tươi tỉnh và bổ sức cho bởi món ăn. Ấy nghĩa là phải làm xong việc trong một này rồi. Nông phu làm việc trong đồng ruộng cách làng xóm một đỗi đường; người buôn bán thì dọn hàng ở nơi ngoại châu thành; họ không thể về nhà mà ăn cơm buổi trưa. Lại nữa, khí hậu nóng nực, không thể giữ thịt luôn trong nhà, mỗi ngày phải đi mua đồ ăn. Vậy nên đối với đờn ông và đờn bà, bữa cơm tối là thì giờ gia đình sum họp và giải trí. Người ta lấy gối ở ghế "đi văng", bày chung quanh cái mâm đã đặt trên một bàn nhỏ và thấp. Ăn bánh với mọi thứ đồ ăn khác, và ăn bánh bất cứ lúc nào trong bữa cơm cũng được. Mỗi người khách hoặc người nhà có mấy cái bánh mỏng để bên cạnh mình, thường là ba cái.

            Vì lẽ trên đây, mọi món nấu thường ăn vào bữa cơm tối. Có một tục ngữ rằng: "Khách đến buổi tối thì chẳng được ăn bữa tối". Khánh có thể xin ngủ nhờ bất luận lúc nào, nhưng nếu đến sau buổi tối mà không báo trước, thì không thể viện luật lệ cho trọ mà xin cho ăn. Nhưng theo phép lịch sự ở phương Đông thì thà khuấy rối người láng giềng còn hơn để cho khách lạ phải thất vọng (Lu-ca 11:5).

            Khi nào có bữa tiệc lớn, không thể đãi đằng mọi người một lúc, thì họ ngồi chung quanh bàn thành mấy phiên thứ; phiên thứ nào ăn xong thì đứng dậy, nói lời cám ơn chủ tiệc, rồi nhường chỗ cho phiên thứ khác.

            Trong những bữa ăn gia đình, phụ nữ thường phải hầu hạ; trong những gia đình giàu có hơn thì có đầy tớ hầu hạ người nhà và khách khứa. Ta thường thấy những đầy tớ thường trực trong gia đình ở giữa vòng người Âu tây hoặc giữa vòng người Đông phương đã theo phong tục của người Âu tây.

            Nguyên xưa trong những gia đình cao quí của xứ, thì việc ấy do các bà con nghèo khó làm, họ thỉnh thoảng nhận được món tiền bù lại công khó; hoặc cũng do bọn tôi mọi bắt được khi chiến tranh hay là mua ở chợ. Ta thấy sự giúp việc lối cổ như thế là đồi bại, vì cha mẹ bất đắc dĩ mới phải cho con gái đi ở làm tôi tớ, va người ta thường hay không trả tiền công của tôi tớ. Khi có đám khách người phương Đông đi vào trong phòng từng người một , hoặc ngồi trên "đi văng", hoặc ngồi ở bàn, thì họ phải chú ý đặc biệt đến thứ bậc do tuổi tác, gia thế, và chức vị trong xã hội. Họ mất một ít thì giờ để nói nhún mình, người nọ tôn người kia là cao quí hơn mình. Trong vòng người Do Thái một người thông thạo luật pháp thì dẫu tiền của kém cỏi, cũng vẫn được kể là cao quí hơn một người giàu, nhưng có địa vị thấp kém trong tôn giáo. Phe Pha-ri-si đã lạm nhậm và lạm dụng lòng người tôn kính công việc Đức Chúa Trời, nên phe ấy mới đòi ngồi chỗ danh dự trong những hội nghị về xã hội và tôn giáo. Một tục ngữ A-rạp bày tỏ ý tưởng của Lu-ca 14:10, mà rằng: "Chớ ngồi chỗ của người nào có thể bảo mình rằng: Đứng dậy!"  Để tỏ lòng kính trọng, chủ nhà thỉnh thoảng chính thân hầu hạ khách khứa.

            Ăn xong, phải rửa tay theo lối thông thường ở phương Đông, tức là có người cầm bình nước dội vào tay. Các đầy tớ dội nước cho khách, và lúc thường thì người nhà dội lẫn cho nhau. Sách II Các Vua 3:11 có nói đến thói tục nầy.

            3. Y phục.-  Y phục ở phương Đông khác với y phục ở phương Tây về vật liệu, hình dáng và màu sắc. Vật liệu thông thường nhứt là vải bông, hoặc để trắng, hoặc nhuộm màu lam; nhưng lụa thì dùng nhiều để may áo choàng ngoài của đờn ông. Người phương Đông thích cái áo dài lướt thướt trùm cả thân thể hơn là bộ y phục có nhiều cái nhỏ, ngắn hơn. Đờn ông và đờn bà đều mặc các màu rực rỡ hơn những màu hiện nay thường thấy ở phương Tây. Khí hậu nóng bức là cớ chính khiên người ta ưa chuộn y phục nhe, rộng và có màu sắc rực rỡ.

            Trong y phục ở phương Đông, sự thích trang sức cũng là điều quan trọng lắm. Áo dài lụng thụng tôn vẻ con người, và các vật phẩm (articles) khác nhau, và nhất là những kiểu khác nhau của áo choàng ngoài, vẫn cốt để phân biệt thứ bậc trong xã hội.

            Nếu ăn mặc theo kiểu Âu tây, thì mất hết mọi sự đó, nhưng trái lại, được kể là có học vấn và văn minh cao hơn. Phải nhận xét rằng vì cớ những phong tục và những sự chế tạo bằng máy móc của Âu tây tràn vào, nên trong thế đại (génération) nầy y phục của dân Sy-ri thay đổi nhiều hơn là trong một ngàn năm trước. Thời kỳ giao thừa nầy thường khi làm chướng con mắt phong nhã của người phương Đông và người phương Tây. Một bà bận y phục theo kiểu tối tân của Âu châu, nhưng lại chọn màu rực rỡ của phương Đông. Cũng một thể ấy, một ông mặc áo ba-đờ-suy (pardessus) theo lối Âu tây, lại tưởng rằng sẽ đẹp hơn vì chỉ khoác lùng thùng vào vai như cái áo choàng của phương Đông, để hai ống tay áo rỗng lủng lẳng ở hai bên.

            Nguyên thủy ở phương Đông y phục có áo lót mình và áo choàng ngoài. Hai thứ áo nầy vẫn còn là y phục thường dùng của người Bédouins. Sự sửa đổi hai áo đó và sự thêm các thứ áo khác là do cuộc sinh hoạt văn minh hơn ở làng mạc và thành phố, và do tiếp xúc với các nước khác. Mô tả qua loa các thứ y phục mà hiện nay người ta đang dùng ở xứ Sy-ri, thì sẽ giúp chúng ta hiểu nghĩa đen và nghĩa bóng của sự ăn mặc mà Kinh Thánh đã nói đến.

            (1)  Áo lót, tấm vải và áo bằng vải (Các quan xét 14:12; Châm Ngôn 31:24; Ê-sai 3:23; Mác 14:51).  Dân xứ Pha-lê-tin, và cả đến dân Ai Cập ở gần họ trong một xứ nóng bức hơn, thỉnh thoảng choàng thân thể rất kín đáo và đẹp mắt bằng một tấm vải bông rộng hoặc bằng lông chiên. Họ quấn quanh thân thể và để thõng một đầu ở ngang vai. Về y phục ở phương Đông có một sở thích đặc sắc như thế nầy. Họ không thích múi, gim và móc, nghĩa là bất cứ cái gì làm cho y phục của họ phải chặt chẽ, gọn ghẽ. Ở xứ nóng, hể thứ y phục nào sát vào người và chặt chẽ quá thì sẽ làm cho đổ mồ hôi và khó chịu. Áo lót mình thường làm một cách rất giản dị. Một mảnh vải dài gấp làm hai phần đều nhau, hai cạnh khâu lại, để chừa hai lỗ ở trên để xỏ hai cánh tay; một chỗ hở khác để chui đầu và cổ vào, ấy thế là xong cái áo lót mình. Nếu áo lót có tay, thì tay áo dài tới gần cổ tay, và có những giải dài thõng xuống quá đầu gối một chút. Những giải đó dường như chướng ngại, nhưng thật ra thì thuận tiện lắm, vì khi đờn ông đánh nhau hoặc làm việc lao động, và khi đờn bàvắt sữa bò, quét tước hoặc xay lúa, thì họ buộc giải vào sau cổ, làm cho tay áo lật lên và không vướng víu. Đó là biểu hiệu về sự hoạt động, tỉ như khi tiên tri Ê-sai nói rằng: "Đức Giê-hô-va đã tỏ trần cánh tay Ngài" (Ê-sai 52:10).

            Có khi cổ và phần dưới phía trước áo lót có viền lụa màu đen, vàng, xanh lá cây và đỏ cho đẹp, vì người ta trông thấy phần đó của áo lót mỗi khi nào chỉ coàng một cái áo rộng của kẻ chăn chiên lên trên. Khi nào có mặc một cái áo khác nữa ở giữa áo lót và áo choàng ngoài, thì áo lót làm bằng vải bông mịn. Nếu chỉ mặc thêm một cái áo choàng ngoài, thì áo loát phài có dây buộc. Khi người đờn ông làm việc mùa hạ như cưa gỗ, đánh cá và nhào đất sét cho người thợ gốm, thì áo lót mình chỉ là một tấm vải quấn quanh nửa người và xuống tới đầu gối. Bất luận cái áo lót mình rộng hay hẹp, nếu người chỉ mặc có một áo ấy thì họ cho là đương ở trần (Giăng 21:7).

            (2)  Áo choàng.-  Áo choàng chính là áo mặc trùm ngoài cả, và thường không có dây nịt lưng buộc lại. Nó là áo mặc ngoài của lữ khách và người chăn chiên ở phương Đông. Ta luôn luôn thấy những vạch đen và trắng trong những tranh vẽ sự sinh hoạt ở phương Đông. Vì nó rộng, có ích và đắt tiền, nên nói cách chung, nó làm đại biểu cho sự phục sức. Người ta dùng hai tấm vài thường là vải dày bằng lông chiên, mỗi tấm dài chừng hai thước và rộng chừng 60 hoặc 75 phân tây. Hai tấm đó khâu lại với nhau, và ở một đầu của mỗi tấm thì khâu gập lại chừng 45 phân tây. Như vậy, tấm vải còn chừng bốn thước vuông. Phần khâu gập đó người ta viền lại ở trên đầu, và mỗi góc cho khoét một lỗ để xỏ tay vào. Thỉnh thoảng áo choàng làm bằng nguyên một tấm vải rộng, không có đường may ở sống lưng. Đó chắc là cái áo không có đường may (Giăng 19:23).

            Nếu áo choàng may mỏng để che cho khỏi bịu và ánh nóng, thì gọi là burnous; nếu là áo choàng của các tù trưởng oai quyền, may bằng vải lông chiên đen, đằng trước và đằng sau có thêu màu sặc sỡ, thì gọi là mashlach. Áo choàng thông thường hơn hết thì may bằng vải lông chiên, lông dê hoặc lông lạc đà, dệt có nhiều dọc lớn màu đen và màu trắng. Đó là cái abaa của người chăn chiên và người nhà quê, là áo choàng mặc ngày và đêm, không ai được phép giữ làm đồ cầm cố (Xuất Ê-díp-tô ký 22:26). Người nhà quê cũng có một thứ áo choàng nhỏ hơn một chút và thuận tiện hơn, có dọc trắng và đỏ, may bằng vải lông chiên hoặc vải bông, dầy như vải may buồm thuyền. Thứ áo choàng nầy có tay ngắn, và khi làm việc đồng áng thì có dây lưng buộc lại. Có nói đến cái áo choàng ờ Sáng thế ký 25:25; Giô-suê 7:21; II Các Vua 2:14; Ma-thi-ơ 3:4; 5:40.

            (3)  Áo ngắn.-  Áo ngắn mặc trên áo lót, dài bằng áo lót, nhưng phía trước xẻ hở. Dầu vẫn là mỏng, nhưng nó làm bằng vật liệu tốt hơn cái áo lót. Hai mảnh phía trước gấp lên nhau có dây buộc lại, làm thành một cái bọc hoặc một cái túi để đựng các vật cho chắc chắn. Nó giống như cái áo của ông cố đạo, hoặc như cái áo ngủ thắt chặt; nó là cái áo thường thấy hơn hết ngoài phố xá ở phương Đông. Người mặc áo ngắn thì kể là có áo che thân, nhưng chưa phải là đã ăn mặc chỉnh tề. Trong nhà, trong cửa hàng, và thợ thuyền đi dạo trong thành phố, thì chỉ cần mặc cái áo ngắn cũng đủ. Áo ngắn và áo choàng đối chiếu nhau ở Ma-thi-ơ 5:40 và Lu-ca 6:29.

            Theo cách phục sức củ phương Đông, cái áo ngắn nầy thường hay chia làm hai phần ở chỗ thắt lưng: phần trên là một cái áo đuôi tôm (jaquette) hoặc áo khách (vest) ngắn làm bằng vải quí hơn và dày hơn, thường có thêu thùa rất tinh xảo theo kiểu ê-phót của thầy tế lễ; còn phần dưới thì đổi thành ra cái quần lót. Để được như vậy, người ta may một cái bao rộng, mỗi bên có một lỗ hổng để xỏ chơn vào; chỗ ngang lưng thì có sợi dây xỏ qua đường viền thắt lại. Xuất Ê-díp-tô ký 28:42 và Đa-ni-ên 3:21 (theo bản Revised Version, tiếng Anh) có nói đến thứ quần lót nầy.

(4)  Áo dài.-  Thêm vào cái áo ngắn mặc trên áo lót, còn có một áo khác mặc trên áo ngắn: cũng có hình giống như áo ngắn, nhưng rộng hơn và mặc buông tự nhiên chớ không có dây thắt. Nhưng áo dài may bằng thứ hàng tốt hơn áo ngắn, thường là may vải lông chiên, thỉnh thoảng lại lót bằng da thuộc có lông (fourrure). Có thể coi áo dài như là áo choàng, vì ở thành phố, trong vòng những kẻ nào mặc áo dài, thì áo dài cũng là đồ mặc nơi công chúng và làm cho y phục được tề chỉnh, đầy đủ y như áo choàng rộng và vuông vắn ở chốn thôn quê. Trong vòng người Hồi giáo, thì áo dài là áo chức nghiệp của các quan chức nhà nước và các viên chức trong tôn giáo. Các thầy cả trong Hội thánh phương Đông cũng mặc áo dài. Ở xứ Ai-cập thì thường là cái áo dài rộng màu đen,không xẻ ở đăng trước, giống như áo trắng của thầy tu (surplis); như vậy thì nó giống cái áo lót của người chăn chiên mặc đời xưa.  Có một lỗ hổng để chui đầu và cổ vào, và có sợi dây thắt lại; cũng có những nếp dài làm tôn vẻ con người lên. Cái áo dài nầy khiến ta suy nghĩ đến ái áo dài có ê-phót của thầy tế lễ thượng phẩm (Sáng thế ký 28:31, 32). "Áo dài" của Giô-sép (Sáng thế ký 37:3) có lẽ là áo lót của người chăn chiên có thêu đẹp đẽ, hoặc có lẽ là áo dài mặc trùm ra ngoài cả, thay cho cái áo choàng rộng của người chăn chiên thường mặc. Các đoạn Kinh Thánh sau nầy có nói đến cái áo dài: II Sa-mu-ên 2:19; 15:27; 18:4; 24:4; Ê-sai 3:4; Lu-ca 20:46; Khải huyền 7:13. Theo tiếng A-rạp, "áo dài" có nghĩa là "áo trao đổi", và luôn luôn ý chỉ về sự sinh hoạt trong xã hội, phẩm trật nhà nước, và những cơ hội đặc biệt.

            (5)        Dây lưng (I Sa-mu-ên 18:4; Xuất Ê-díp-tô ký 28:4; Ê-sai 3:24).- Người Bédouins  và các phẩm trật trong tôn giáo thắt cái dây lưng bằng da thường. Người ở thôn quê và thành thị thắt một dây lưng trông như cái đai dệt: cái đai nầy giống cái đai yên ngựa, hoặc cái đai rộng bằng lụa đẹp có dọc. Trong nếp gấp của cái đai rộng ấy, người ta có thể đựng tiền, bánh và các đồ vặt. Người ta có thói quen lót dây lưng chừng năm phân kể từ chỗ gài, và như vậy làm thành một cái túi sâu và chắc chắn. Ấy chính là cái "túi dây lưng" ở Ma-thi-ơ 10:9 (theo bản tiếng Anh). Các công dụng cốt yếu của dây lưng là: thắt áo dài lại và làm thành một cái túi ở trước ngực; khi người ta thắt lưng để làm việc, thì kéo tà áo phía trước, phía sau và hai bên mà giắt vào dây lưng; dây lưng cũng dùng làm túi tiền như mới nói trên đây, và dùng để cái bình mực của viên thư ký.

            (6)        Khăn trùm đầu.-  Xuất Ê-díp-tô ký 28:40 và 39:28 dịch là "mũ"; Đa-ni-ên 3:21 dịch là "khăn" (turban - theo bản Revised Version, tiếng Anh). Dây lưng và khăn trùm đầu là hai thứ trang sức bậc nhứt trong cách ăn mặc ở phương Đông. Cái khăn trùm đầu cốt dùng để che cho khỏi mặt trời, và làm cho bộ y phục được hoàn toàn, - "được vinh hiển và trang sức" (Xuất Ê-díp-tô ký 28:40; Ê-sai 61:10).

            Để làm khăn trùm đầu, họ lấy một thước vuông vải bông hoặc lụa có tua, gập tréo lại, trùm lên đầu và vai. Người ta giữ khăn trùm đầu cho khỏi xổ ra bởi quấn nhiều vòng dây tết bằng lông chiên mềm mại, hoặc bởi một sợi dây nhỏ hơn cốt để trang điểm. Miếng vải của người Bédouins và khách bộ hành trùm đầu như thế thường là cái khăn mặt hoặc khăn mùi xoa có nói đến ở Lu-ca 19:20; Giăng 11:44; 20:7; Công vụ các sứ đồ 19:12. Trong các làng xóm thì miếng vải ấy gấp dài, quấn quanh cái mũ bằng vải bông hoặc vải lông chiên, làm thành cái khăn. Khi vào nhà, người phương Đông không bỏ khăn ra, thì phải cẩn thận để nó ở một nơi hết sức cao, dường như cái khăn có ý làm tiêu biểu cho sự trung thành của họ đối với vua mình. Trên đầu mồ mả của người theo đạo Hồi có chạm trổ hình cái khăn bằng đá hoa.

            (7)        Giày, giép.-  Giày, giép có liên lạc với sự thấp hèn (Thi Thiên 108:9 (?); Giô-suê 5:15; Lu-ca 9:5; Giăng 1:27). Khi đi đường, thỉnh thoảng người Sy-ri dừng lại để rũ bụi trong giày ra, hoặc bởi rút hẳn giày ra, hoặc bởi gõ vào một hòn đá, một bức tường, hoặc bởi để nó treo lơ lửng nơi ngón bàn chơn không đương khi rũ bụi ra. Nguyên hình giày là một cái đế có dây da dùng để buộc vào chơn, nhưng chẳng bao lâu người ta thấy rằng có một miếng da ở trên nữa thì tiện lợi hơn. Ngày nay ít người mang giép, trừ ra các thầy tu, những gã chăn chiên mang giày đơn sơ và thô kệch, có ghệt (guêtres) bọc kín bắp chơn, vì họ phải leo trèo dốc đá và nơi gai gốc. Trong các mồ mả của người Ai-cập và người Phê-rơ-sơ đều có để giày.

            Lại có một thứ giày (guốc) rất thông dụng, làm bằng gỗ, có cái quai ở cổ chơn. Giày của cô dâu thì cao lắm và có tô điểm đặc biệt.

            (8)  Vải viền, tua, chéo áo.-  Tua làm bằng những sợi chỉ lòng thòng, ta thường thấy đính vào trôn áo của người phương Đông. Ấy cũng như là ở các tấm thảm, vì các sợi chỉ góp lại và tết thành tua. Những tua còn lại đến ngày nay và đáng chú ý hơn hết thì ta thấy ở tấm vải của người Do Thái dùng khi cầu nguyện: Ấy là tấm vải bông hoặc vải lông chiên trắng có những dọc đen để trùm đầu và mặt khi cầu nguyện, và gọi là tallith. Mấy cạnh tấm vải ấy có tua; mỗi góc lại có một tua lớn hơn đính vào một miếng lụa màu nhỏ và hình vuông; tua lớn nầy cũng phải sắp đặt thể nào cho nút và chỉ lên tới số tua 613, là giá trị và số đếm (valeur numérique) của chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là "tua". Theo sự cắt nghĩa của các thầy thông giáo, thì 613 là số của điều răn. Khi nhóm họp tại nhà hội, người ta thỉnh thoảng ngậm cái tua to đó để tỏ lòng vâng theo cả luật pháp (Mác 7:6).

            (9)  Y phục của phụ nữ.-  Áo lót mình và áo ngắn của đờn bà giống như áo lót mình và áo ngắn của đờn ông; còn áo dài mặc ngoài hai áo kia thì giống như áo dài của đờn ông mặc khi có lễ. Các thứ áo nầy có nói đến ở II Sa-mu-ên 13:18; Ê-sai 3:22, 23; Nhã-ca 5:3. Y phục của đờn bà và đờn ông vẫn còn giống nhau như thế, duy có điều y phục của đờn bà thường là dài hơn y phục của đờn ông, ấy là lấy hình vóc làm tỷ lệ.

Khăn bịt đầu của đờn bà là những tấm vải to gấp lại, có khi bằng lụa sặc sỡ, nhưng thường là bằng vải bông (Ê-sai 3:23). Cách đây ít lâu phụ nữ ở núi Li-ban còn đeo mạng trùm đầu buông thõng xuống từ một cái sừng bằng bạc hoặc một cái ống thẳng đã buộc chặc vào đầu và mang cả ngày lẫn đêm. Cái sừng hoặc cái ống ấy cao chừng 30 phân tây. Vẻ đặc sắc hơn hết của y phục phụ nữ chính là các thứ mạng khác nhau. Đờn bà theo đạo Hồi Hồi rất cẩn thận để che cả mặt không cho người ta thấy. Đờn bà dân "Druze" để một con mắt không che; đờn bà Do Thái và đờn bà theo đạo Đấng Christ thì chỉ trùm đầu và vai, còn mặt thì để hở. Mạng che mặt (lúp) làm bằng vải mỏng có hoa (Ê-sai 3:19); cũng có một thứ mạng viền đăng ten rộng hơn và đẹp hơn để trùm đầu và vai. Có lẽ cái lưới ở Ê-sai 3:18 chỉ về thứ mạng nầy. Đờn bà đeo mạng nầy khi đi thăm viếng; lúc họ đến nơi, chủ nhà trước hết có bổn phận đi ra và cất cái mạng ấy hết sức mau chóng. Phụ nữ Bédouins cũng trùm đầu bằng cái mạng ấy, nhưng theo lối cổ cựu và dày dặn hơn. Chính là cái khăn quàng (châle) bằng vải dầy quấn quanh đầu, cổ và một phần lớn của mặt (Ê-sai 3:22; Ru-tơ 3:15). Cái khăn quàng lớn rộng hơn hết tiếng A-rạp gọi là izar, nó trùm cả thân thể. Cái khăn quàng đơn sơ hơn hết làm bằng vải trắng. Nhưng mạng thường làm bằng lụa quí và đẹp, do người bản xứ chế tạo. Có miếng vải vuông rộng gấp lại ở giửa, dùng dây buộc ngang lưng. Như vậy, phần dưới thành ra cái chéo áo, còn phần trên thì vắt lên vai và đầu, làm thành một cái mạng. Đó là những khăn bịt đầu và màn che mặt mà Ê-sai 3:23 có nói đến; người đờn bà theo đạo Hồi quàng khăn nầy, thỉnh thoảng cũng có đờn bà khác quàng khi đi trong thành phố từ chỗ nầy đến chỗ kia.

            (10)  Thuốc vẽ mắt cũng hay dùng, tức là bột thanh mông thạch (antimoine), màu nâu đã luyện cho rắn lại. Bôi thuốc nầy vào mắt trẻ con, họ tưởng rằng sẽ giúp cho nó khỏe mạnh và che chở nó. Đờn bà dùng thuốc vẽ mắt cốt để nhờ màu thẫm bóng làm cho con mắt có vẻ to hơn và thêm long lanh. Thuốc vẽ mắt đựng trong bình nhỏ đẹp, mỗi bình có một cái thoi buộc vào miệng bình, thoi ấy dùng để phết thuốc vào mi mắt. Một con gái của Gióp tên là Kê-ren-ha-búc, nghĩa là "cái sừng thuốc bôi mắt" (Gióp 43:14). Sự dủng thuốc vẽ mắt có nói đến ở II Các Vua 9:30; Giê-rê-mi 4:30; Khải huyền 3:18.

4. Gia đình.-  Ở nước nào gia đình cũng có nơi gồm chứa mọi sự tốt lành, đẹp đẽ hơn hết của đời người. Ở xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin không có nạn ma-men làm giảm bớt và hủy diệt các tình cảm thiên nhiên; và sự hi-sinh của cha mẹ nghèo khó hơn hết cũng vẫn vui thỏa và tận tụy như sự hi sinh của kẻ giàu có và sang trọng. Không có gì làm cho tâm trí người phương Đông phải bối rối và tức bực cho bằng các tin tức của ty cảnh sát (thỉnh thoảng có dịch từ tiếng Anh để đăng vào các báo chí Á-rập) rằng cha mẹ từ bỏ con và bạc đãi con cái. Thỉnh thoảng có một đứa con nhỏ bị đặt lúc đêm khuya ở cửa một nhà Tân Ước hoặc một ký túc học hiệu (internat); nhưng nói cách chung, thì một đứa con sanh vào các gia đình nghèo khổ hơn hết cũng được hoan nghênh như một ơn của Đức Chúa Trời ban cho. Trong chương sau chúng tôi sẽ luận về những vấn đề quan hệ với gia đình theo phương diện xã hội như tình hàng xóm, sự tiếp đãi khách, và sự kế tự. Đây chúng tôi chỉ luận về ba việc cốt yếu của cuộc sinh hoạt trong gia đình, tức là sinh, giá thú và tử.

(1)  Sinh.-  Đặc sắc cốt yếu của cuộc sinh họat trong gia đình phương Đông là thích con trai hơn con gái. Đó tự nhiên là kết quả của sự sinh hoạt xã hội hơn là của tình thương mến trong gia đình. Vì thiếu công pháp (droit public) và công lý (justice), nên gia đình thành ra một "tổ hợp" hoặc một "hiệp hội" của các quyền lợi chung,- chẳng những để vun trồng chơn lý, sự vâng phục và sự hi sinh đáng mến, nhưng cũng để cưới gã, kinh doanh và nhứt là để tiến bộ về phương diện xã hội. Khi con trai cưới vợ, thì thường đưa vợ về nhà cha mẹ, để ít ra cũng được mẹ chồng dạy bảo trong một thời kỳ. Con gái trở nên vật sở hữu của một gia đình khác, vật sở hữu mà họ đã mặc cả (trả giá) và mua được. Con gái ấy lần lần liên kết với các quyền lợi của gia đình kia. Nhưng cội gốc của nàng vẫn không bị quên bỏ, và nàng vẫn được che chở bởi ảnh hưởng của gia đình mình. Thường khi một người vợ đã bị đuổi bỏ vì cớ một sự khiêu khích tiểu nhân, thì lại được đối đãi một cách kính nể và khoan hồng, vì nếu sỉ nhục nàng thì sẽ khiến cho cả bà con, họ hàng của nàng giận ghét. Mọi người trong nhà hội hợp dưới quyền một kẻ chỉ huy đã được họ công nhận để cùng nhau đối phó với mọi sự bên ngoài, đó là một ý tưởng cốt yếu của đời sinh hoạt ở phương Đông. Họ thường trưng dẫn một tục ngữ rằng: "Thà có một ngàn kẻ thù ở bên ngoài còn hơn có một kẻ thù ở trong nhà." Khi nào một người phương Đông ngờ rằng mình đương bị lừa gạt, thì người có thể từ chối lời đề nghị dường như có hại cho quyền lợi của mình mà rằng: "Chào ông hàng xóm, ông ở sân của ông, còn tôi ở sân của tôi". Trong tiếng A-rạp cữ "gia quyến" có nghĩa là "những kẻ được chăm nom". Lại còn một tục ngữ nữa rằng: "Trong các việc xã hội, hãy cư xử như người bà con; trong các việc buôn bán, hãy làm người xa lạ". Khi người phương Đông đi khỏi cửa mình hoặc khỏi khu các người ở liền ngay nhà mình, thì liền gặp những công chức đã trả tiền để được chức, những công chức mà người ấy không bầu cử lên và cũng không được kiểm soát cách hành động. Gia đình không phải là nơi luyện tập để gánh vác công việc cao quí cho quốc gia, nhưng là một thành lũy che chở mình khỏi sự bạo ngược của quốc gia. Mỗi một gia đình có thể lớn lên thành một tiểu đoàn thể, mà người đứng đầu có đủ tiền tài và thế lực để được nhà nước ban cho một chức trách, và bấy giờ người đứng đầu có thể giúp đỡ và bênh vực những kẻ đã thừa nhận mình làm lãnh tụ. Vì cớ phải tranh giành tài sản và chức tước ở đời, và vì cớ cần phải có kẻ kế tự để nối chức tước và dùng tài sản ấy, nên khi đẽ con trai thì gia đình vui sướng, còn đẽ con gái thì gia đình buồn rầu, thất vọng (Giê-rê-mi 20:15; Giăng 16:21). Khi gần sanh con, thường có hai hoặc ba nhạc công trong vùng đó đứng đợi ngoài cửa, chờ xem sanh con trai hay con gái. Nếu là con trai, họ lập tức đánh trống, đánh bất luận nhạc khí nào mà họ có, lại hát những bài ứng khẩu để chúc tụng sự cao sang của gia đình ấy và để nói tiên tri về sự nghiệp tương lai của con trai kế tự ấy. Khi họ nhờ vẻ lặng lẽ và buồn rầu của khách khứa mà biết rằng gia đình ấy đã sinh phải một con gái, thì các nhạc công lập tức vác trống lên vai mà ra đi. Lúc đó mà cử nhạc thì tức là chẳng ai thuê mà cũng đến sỉ vả. Bà ngoại thỉnh thoảng không chịu đi thăm một người mẹ đã làm cho gia quyến mình bị xấu hổ như thế. Khi lòng thương mến tự nhiên và quyền lợi về tài chánh xung đột nhau, thì quyền lợi về tài chánh thường được thắng. Nhưng mực của Đức Chúa Trời chẳng phai màu, mặc dầu là mực viết trên tờ giấy tồi tệ như thế; vậy nên tuy rằng lúc đầu có sự thất vọng, nhưng chẳng bao lâu gia đình cũng nhận biết cô bé mới sinh ra có quyền được mình thương mến.

            Gia đình phương Đông là một nghiệp đoàn và là một đền thánh của lòng thương mến, ý tưởng ấy đã được bày tỏ trong quyển kinh Coran của đạo Hồi hồi, trong đó có chép rằng: "Của cải và con trai là thứ tô điểm cho đời sống." Cũng vậy, Thi Thiên 127 so sánh gia đình với cái túi đựng tên, và các con trai với các mũi tên sẳn sàng đem bắn. Ông nào có con trai thì được vì nể trong hội đồng của các trưởng lão họp ở cổng thành.

            Đứa trẻ mới sanh thì để hai cánh tay bên cạnh sườn, rồi bọc trong khăn (tã). Trong vòng dân quê ở một vài nơi vẫn còn cái tục xát muối vào mình đứa trẻ (Ê-xê-chi-ên 16:4); nhưng họ thường kiên tắm trước khi đứa trẻ đã được bốn mươi ngày. Cái hình người nho nhỏ bọc chặt trong các nếp vải bông, hai con mắt đen trô trố vì đã bôi thuốc vẽ mắt vào hai mí, trông giống như một cái xác ướp thuốc thơm (momie) hơn là một đứa trẻ sung sướng, và vì thế, thường khi khó tìm ra lời khen ngợi mà người mẹ đương mong được nghe.

            Tên của con trẻ ở phương Đông, theo như phong tục giản dị trong Kinh Thánh thường bày tỏ lòng của cha mẹ biết ơn Đức Chúa Trời, hoặc một điều có quan hệ đến hình dáng của đứa trẻ, hoặc những trường hợp khi sinh ra nó. Thường hay đặt tên nó để kỷ niệm một người bà con nào đó. Vậy những tên ấy ghi riêng sự sung sướng và hi vọng của cha mẹ đứa trẻ. Tên của con trai Gia-cốp, và những tên như Y-sác, Ích-ma-ên, Môi-se, Y-ca-bốt, Sa-mu-ên, mà họ vẫn dùng, đủ làm chứng rõ cho thói tục kia. Thêm tên của cha vào như là một thứ biệt hiệu, tỉ như Đa-vít, con của Y-sai, Si-môn, con của Giô-na. Lấy tên của một người trong họ về thế hệ trước mà đặt cho con, ấy tức là có ý kỷ niệm một người đã vắng mặt và vì đó có thể bị quên lửng. Đó dường như là ý nghĩa của câu hỏi nầy: "Những người vì kẻ chết chịu phép báp-tem sẽ làm chi ?" (I Cô-rinh-tô 15:29). Lấy tên của một người bà con có danh tiếng mà đặt cho con, ấy là hàm ý hứa và mong rằng đứa con ấy sẽ thừa hưởng cái tâm tánh của người đã khuất. Cứ theo ý nghĩa nầy, thì nhiều sự dạy dỗ của Giáo Hội kia về lễ báp-tem sẽ tan đi như bọt nước, và chỉ còn lại cái mục đích tối cao nhưng giản dị, là sống một cuộc đời giống như Đấng Christ.

            Cũng có những tên tỏ ra sự lo sợ và buồn thảm của gia đình. Tỉ như : Dibb (gấu), Nimr (beo), Saba (sư tử), dùng khi hết đứa con nầy đến đứa con khác đã qua đời lúc còn thơ ấu; họ mong rằng tên con thú dữ thường biết đó sẽ giang xa con mắt qủi dữ và làm cho hết tai nạn ấy. Có lẽ đó là sự bối rối khi Ca-lép (nghĩa là: chó) sinh ra. Những nhà kê cứu cổ tục của phương Đông tìm được một ý nghĩa sâu xa hơn của các phong tục ấy; nhưng ngày nay phong tục ấy chỉ còn là một cách thấp hèn để cứu một gia đình thoát khỏi số phận hẩm hiu, và là một sự mê tín, mờ mịt nhìn nhận rằng cứ mỗi người mới ra đời thì lại phải có thêm một vị thần.

            Con gái thường đặt tên theo những vật đẹp đẽ trong cõi thiên nhiên, hoặc theo những vẽ đẹp đáng yêu của tâm tính. Vậy, có những tên theo thiên văn: Shems (mặt trời), KaukabNejmeh (ngôi sao), Kumr (mặt trăng). Hay có những tên đặt theo loài hoa, như Zambak (hoa huệ), Yasmin (hoa lài), và Wurdeh (hoa hồng). Các đồ trang sức tự nhiên hay được dùng để đặt tên con gái : Sổ nhà trường luôn luôn có những tên đẹp đẽ, như Sulu (ngọc), Almaz (kim cương), Zumurrud (bích ngọc). Cũng có nhiều tên do vẻ kiều diễm hoặc ý hướng tốt lành của những người mang tên đó. Tỉ như Selma (bình an), Simba (vui vẻ), Farideh (đặc biệt), Latifeh (nhơn ái), Sultaneh (công chúa), Jamileh (đẹp mắt).

            Những thí dụ ở trong Kinh Thánh là : Giê-mi-ma (chim bồ câu - Gióp 42:14), Ta-bi-tha hoặc Đô-ca (linh dương - Công vụ các sứ đồ 9:36), Rô-đơ (hoa hồng - Công vụ các sứ đồ 12:13), Ra-chên (chiên con), Sa-lô-mê (bình an - Mác 15:40), Đê-bô-ra (con ong), Ê-sơ-tê (ngôi sao).

            Có một tên buồn rầu kỳ cục là Kafah (đủ rồi), ngụ ý trách móc, có nghĩa là sau khi sanh nhiều con gái, cha mẹ sẽ cung kính ưa thích có rất ít là một đứa con trai.

            Ở phương Đông ta biết rất ít về cuộc đời của con trẻ, cuộc đời ấy ở phương Tây người ta biết rất cặn kẻ. Họ rất dung túng các thói quen xung đột của con trẻ, nhưng cha mẹ chẳng khi nào thử để cho con cái giao thông với mình; và cũng chẳng có nền văn chương cho con trẻ. Vậy nên trong truyện "Thiên phương dạ đàm" của người A-rạp thường không có nói một chút gì về khoảng giữa sự sanh ra và sự thành hôn. Con gái nhỏ rất thích chơi búp bê, nhưng tín đồ Hồi giáo, người Do Thái và Druze (một dân hơi giống dân Sa-ma-ri) cho thế là hơi pha màu thờ lạy hình tượng. Con trai thì chơi bi, đánh quay và đá bóng; khi vui chơi, con trai và con gái đều bắt chước các công việc đứng đắn mà người lớn hết sức chăm chú đến. Vậy nên có những lũ trẻ con họp thành đám cưới, cũng có đủ múa gươm, âm nhạc, và hoan hô. Chúng gỉa làm đám tang và cũng kêu la, than khóc giống như hệt. Cũng hay làm những trò người ăn cướp A-rạp xông đánh khách bộ hành, và những cảnh tòa án xét xử. Sự bán Giô-sép, sự đau khổ của Gióp và sự sống lại của La-xa-rơ, đều có diễn bằng thi ca, được nhiều người học thuộc lòng và lưu truyền hét đời nọ sang đời kia, cũng như các bài hát ru con của ta vậy. Thí dụ như bài thơ kể những nổi khổ sở của Gióp thì có nói thể nào vợ của Gióp đã cắt tóc của mình và của chồng, bán đi lấy tiền mua đồ ăn, và những sự thêm thắt như thế đã được coi là chính cốt truyện. Ta rất hiểu thể nào một thầy thông giáo chép một quyển trong Kinh Thánh có thể thêm một câu chú thích, phê bình do những sự truyền khẩu vô bằng như thế. Sự tham chiếu (références) sách Gia-sa có lẽ làm tỷ dụ cho sự chú thích, phê bình kia (Giô-suê 10:13; II Sa-mu-ên 1:18). Con trẻ đương đời Đấng Christ chắc có chơi giả làm đám tang và đám cưới như bây giờ. Sự dân Do Thái không đáp lại tiếng kêu gọi của Ngài, và sự Ngài không thể chiều theo những điều mong mỏi của dân ấy, hai sự đó có thể so sánh với con trẻ chơi đùa trên khu họp chợ cho đến khi đã chán mỏi hoặc có những sự khác làm cho mê mải, chúng chẳng còn để ý đến âm nhạc của đám cưới hoặc tiếng than van của đám tang (Ma-thi-ơ 11:17). Trong vòng con gái của phương Đông, lối chơi đùa phổ thông hơn hết lá gỉa làm cô dâu. Một đứa con gái được lựa chọn, bận y phục do những đứa kia cung cấp, rồi ngồi cúi mặt xuống, khoanh tay lại cho chúng ngắm nghía trầm trồ.

            (2)  Việc trọng yếu trong cuộc gia đình sinh hoạt ở phương Đông là Hôn nhân. Cha mẹ thường hay tính việc hôn nhân cho con cái từ khi chúng còn thơ ấu. Có thi làm lễ đính hôn mấy năm trước khi làm lễ thành hôn. Vị hôn phu gởi một lể vật tặng thiếu nữ, và hai họ nhứt định lễ cưới (xem Sáng thế ký 34:12); sau đó ít lâu, nếu lời hứa bị bội, thì thiếu nữ (nếu nàng là người Do Thái) không thể kết duyên với một người nào khác trước khi được thầy thông giáo cấp cho một tờ giấy từ hôn.

            Hôn nhân là một dịp yến tiệc lớn, có khi dây dưa nhiều ngày. Nếu quên không mời một người bà con, bạn hữu nào, thì là một sự xúc phạm nặng lắm. Có câu tục ngữ rằng: "Kẻ nào chẳng mời ta đến dự lễ cưới của hắn thì ta sẽ chẳng đi đưa đám xác hắn."

            Các phong tục về hôn lễ ngày nay rất giống với các phong tục về hôn lễ có chép trong Kinh Thánh, song không phải đúng in như xưa. Người Do Thái đã nhập cảng các phong tục của Âu châu. Môn đồ Đấng Christ thì theo các lề lối mới của Hội Thánh; còn người theo Hồi Giáo, là kẻ thường giữ hầu nết các thói tục cổ, thì lấy các lề lối mới đó làm đau lòng, vì cớ phụ nữ đáng lẽ phải cách biệt rất nghiêm ngặt.

            Trong đám cưới của người Do Thái có cái đặc sắc đáng chú ý hơn hết, là cái tàn dưới đó cô dâu và chú rể ngồi hoặc đứng đang khi cử lễ. Tàn dựng ngoài sân hoặc trong phòng rộng, là nơi khách khứa nhóm họp; tàn làm bằng cành cây chà là và vải thêu. Cái tàn nầy trông từa tựa như cái vòng khung mà thỉnh thoảng ta thấy trên các toà giảng; cái tàn làm cho lễ cưới có vẻ như một lễ đăng quang.

            Ê-sai 61:10 mô tả chàng rể trang sức như một thầy tế lễ. Trong lúc làm lễ cưới, chàng rể cũng vẫn mặc áo choàng cầu nguyện mà mình mặc khi nhóm họp thờ phượng Đức Chúa Trời với hội chúng; áo choàng cầu nguyện ấy gọi là tallith. Người Do Thái nói rằng: "Chàng rể là một vua". Người chồng là thầy tế lễ và vua trong gia đình mình. Trong tất cả các nước mà người Do Thái tan lạc đến, và trong tất cả các thứ tiếng mà họ đã học để nói, thì cái tàn vẫn gọi theo tên Hê-bơ-rơ là Huppah. Thấy chàng rể ra khỏi cái tàn và tươi cười nhận những lời chúc mừng của bạn hữu, thì nảy ra ý so sánh với mặt trời mọc ở Thi Thiên 19:5. Trong đám cưới của người Do Thái có một việc có ý nghĩa buồn thảm, nhưng chẳng bao giờ người ta quên mất. Cái cốc đựng rượu dùng lễ cưới bị quăng xuống sàn nhà, vỡ làm những mảnh. Người ta cắt nghĩa rằng đó là cách kỷ niệm đền thờ bị tàn phá, cốt để dạy người Do Thái rằng khi mình được vui thỏa hơn hết, thì cũng chẳng nên quên những nỗi sầu thương thấm thía của tổ quốc. Ý tưởng đó nhắc ta nhớ lại Thi Thiên 137:6.

            Xem thí dụ về mười người nữ đồng trinh (Ma-thi-ơ 25:1-13), người đọc Kinh Thánh tự nhiên muốn biết các nữ đồng trinh ở đâu khi họ ngủ quên, và chàng rể chậm trễ vì cớ nào và tại chốn nào.

            Sự mô tả sau đây sẽ rọi một tia sáng trên các vấn đề khó giải ấy. Đám cưới ở phương Đông thường cử hành vào buổi tối. Trong vòng người Do Thái và theo đạo Đấng Christ, lễ cưới thường cử hành ở nhà cha mẹ cô dâu, mặc dầu người theo đạo Đấng Christ lại rất hay làm lễ cưới trong nhà thờ. Trong vòng người theo Hồi giáo, thì lễ cưới luôn luôn cử hành ở nhà chàng rể. Mọi người đều chú ý vào lúc chàng rể công nhiên đến nơi để tiếp rước cô dâu đã sửa soạn sẵn sàng và chờ đợi mình trong nhà, chung quanh có những thiếu nữ tùy tùng, tức là những cô phù dâu.

            Nếu chúng ta kể đến một vài tiểu tiết đã thay đổi vì cớ người Hồi giáo có lệ phụ nữ phải cách biệt, thì các phong tục của Hồi giáo sẽ giúp chúng ta những hơn hết trong sự thử xem xét cho hiểu biết thể nào lễ cưới cử hành trong các thời kỳ của Kinh Thánh. Lúc ban ngày, cô dâu được dẫn đến nhà của chồng tương lai, tại đó có các cô phù dâu giúp mình mặc áo cưới và đeo nữ trang. Buổi tối, đám phụ nữ đã được mời bèn hội họp trong phòng tại đó cô dâu ngồi yên lặng; họ để thì giờ bình phẩm dáng vẻ của cô dâu, chúc mừng bà con họ hàng, tranh luận về những công việc trong gia đình, ăn kẹo, bánh và dùng các thứ giải khát.

            Vì thì giờ qua chậm, họ hết vấn đề nói chuyện, và một vài người trong bọn mệt mỏi, ngủ gục. Chẳng còn phải làm gì nữa, mọi sự đã sẵn sàng để tiếp rước chàng rể; thình lình ở ngoài có tiếng kêu báo rằng chàng rể gần đến. Ban ngày chàng rể vắng mặt, đến ở nhà một người họ hàng. Sau khi mặt trời lặn một lúc, tức là vào khoảng bảy, tám giờ tối, thì các bạn trai của chàng rể nhóm họp trong nhà đó. Họ đã làm xong công việc trong ngày đó rồi. Họ vội vã ăn bữa tối, mặc quần áo, đến ở buổi tối với chàng rể, rồi đưa chàng rể về nhà. Trong thì giờ ấy họ ăn bánh, uống nước, nói chuyện phiếm, đọc những bài thơ chúc tụng hai họ và cả chàng rể nữa. Sau khi mọi người đã được nghinh tiếp rất lịch sự và sau khi nhận những lời chúc mừng của họ, thì vào khoảng mười một giờ khuya, chàng rể ngỏ ý muốn ra đi. Bấy giờ bèn có những người cầm cao các bó đuốc; mỗi một người khách đi ra khỏi cửa lại được họ đưa cho một cây nến thắp sáng; đám cưới đi thong thả đến nhà mà cô dâu và các cô phù dâu đương chờ đợi. Trong khi ấy một đám đông người họp trên các bao lơn, các bức tường của vườn và các mái nhà bằng phẳng ở hai bên đường. Thật là một cảnh tượng dễ cảm khi ta đứng xem đám rước sáng lạng ấy đi qua dưới khung trời đầy sao một đêm lặng lẽ ở phương Đông. Ánh sáng của đuốc và nến chẳng những làm cho đám cưới trông như một hàng ánh sáng dài, ngòng ngoèo và cử động được, nhưng lại làm nổi bật những áo trắng và mặt mày của những kẻ đứng xem in vào những bức tường sẫm và khung trời đen. Chàng rể được người ta chú ý hơn hết. Ta nghe họ nói thì thầm rằng: "Chàng rể kia kìa! Chàng rể kia kìa!" Thỉnh thoảng những người đàn bà lại cất tiếng kêu lên một cách riêng để tỏ sự vui mừng khi có lễ cưới trong những dịp lễ vui mừng của gia đình và quốc gia. Tiếng kêu ấy nghe rất xa, và được hòa theo bởi những tiếng khác ở đằng trước đám cưới, và như vậy, người ta biết đám cưới đến gần từ nửa giờ hoặc hơn nữa giờ trước. Ấy là trong khoảng thì giờ ấy mà mấy nữ đồng trinh dại vội vã đi ra để kiếm dầu thắp đèn mình. Dọc đường đám người xem càng đông hơn, và bắt đầu cùng đi với những người trong đám cưới cầm đuốc và nến. Càng đến gần nhà, thì lại càng nôn nao, chàng rể cũng đi mau hơn, người ta reo hò lớn tiếng hơn và mau mắn hơn rằng: "Chàng rể đã đến! Chàng rể đã đến!"

            Trước khi chàng rể đến nơi; các thiếu nữ đương chờ đợi bèn cầm đèn và nến đi ra một quãng đường để soi sáng lối vào và để tỏ ý tôn kính chàng rể cùng đám bà con, thiết hữu chung quanh chàng rể. Tất cả mọi người vào dự tiệc cưới rất là vui vẻ. Còn những kẻ đã làm xong cái phận sự đi kèm chàng rể, thì lập tức giải tán; rồi cửa đóng lại.

            Ấy đấy, cái việc giãn dị xảy ra trong gia đình hạ giới mà có nhiều chỗ giống lạ lùng với sinh hoạt nơi thiên thượng. Đám cưới được dẫn vào nhà. Thí dụ, và tại đó được mặc áo đẹp đẽ của chân lý thiêng liêng. Nếu chúng ta cẩn thận theo việc hôn nhânở dưới đất mà giải thích việc thiêng liêng ở trên trời thỉ sẽ học biết những điều nầy:

            (1) Sự trang điểm của cô dâu dạy ta rằng Hội Thánh, là Tân Phụ của Đấng Christ, cần phải khéo dọn mình để "mặc lấy các ân tứ của Tân Lang một cách xứng đáng;"

            (2) Đám cưới sáng láng và tiến lên dạy ta rằng mỗi tôi tớ của Đấng Christ phải là một kẻ "mang ánh sáng" và không bao giờ được đứng yên một chỗ;

            (3) Sự mọi mắt quay xem chàng rể dạy ta rằng tội lỗi sẽ lớn nặng dường nào khi có một chức viên trong Hội Thánh hoặc một lẽ tin kính làm xê xích hoặc mờ ám Thân vị tối cao đáng phải làm trung tâm điểm cho mọi sự, tức là Đức Chúa Jêsus Christ.

            3.  Tang lễ.-  Khi nào trong một gia đình ở phương Đông có người chết, thì liền có tiếng khóc lóc than vãn vang lên báo tin buồn cho những kẻ ở chung quanh. Theo phong tục, thì trong lúc buồn thảm như thế, những người thân thuộc bứt tóc, xé áo, đấm ngực và kêu khóc lớn tiếng cho đến khi thân thể kiệt sức, sanh ra rầu rĩ, sầu não, chán nản. Không ai trổi hơn người phương Đông trong sự chịu nhận ý chỉ của Đức Chúa Trời một cách bình tỉnh, chẳng chút lằm bằm; nhưng để tỏ cho mọi người  biết rằng họ đau đớn vì mất người thân yêu, thì chính sự tỏ lòng sầu thương đã trở nên gánh sầu thương nặng nề hơn hết. Sự than khóc rên rĩ khi có người chết và sự rên siếc nức nở chung quanh thi hài trong khoảng thì giờ ngắn ngủi trước khi hạ huyệt, đều có nói đến ở Sáng thế ký 23:4; Mác 5:38; Giăng 11:31; và Công vụ các sứ đồ 9:39. Những nước mắt của Đấng Christ đổ ra nơi mộ La-xa-rơ thật là một sự yên ủi cho nhiều gia đình bị tối tăm, khiến lòng người cảm biết và kể lể nỗi đắng cay của mình, mặc dầu đức tin trong Đức Chúa Trời vẫn còn chắc chắn và mạnh mẽ. Một vài lời của người phương Đông thường thốt ra khi than khóc, rên siếc, thì có chép ở Giê-rê-mi 22:18. Thân thuộc than khóc, nghiêng trên cái hình hài lạnh gía của người mới đây còn săn sác đến những công việc nhỏ nhặt hơn hết trong gia đình, còn là chuẩn đích cốt yếu của chức vụ gia đình; họ dùng những tiếng âu yếm, yêu đương mà nài xin một câu đáp lại từ môi miệng chẳng bao giờ mấp máy nữa và từ khuôn mặt chẳng còn tỏ dấu hiệu gì. Tên của những người ở trong gia tộc đã chết từ trước cũng được nhắc đến và làm cho nước mắt lại tuôn tràn. Những người đờn bà làm nghề khóc mướn thật khéo thêu dệt tình thân thuộc và ứng khẩu đặt ra những bài thơ ca tụng kẻ qua đời. Khi có một bọn người từ làng xóm tiếp cận đến khóc, họ thường giơ tay lên trời mà kêu rằng: "Mất hi vọng rồi!" (Gióp 8:13; Ê-sai 57:10; Ê-xê-chi-ên 37:11). Khi có một người tr3 tuổi chưa có cưới vợ lấy chồng mà đã vội qua đời, thì đám tang và sự than khóc lại càng làm ra cảm động hơn bởi trước hết làm theo một vài lễ nghi của hôn nhân. Như vậy, các lễ nghi nầy trái hẳn với các lễ nghi của một đám cưới thật. Vậy nên con gái của Giép-thê than khóc sự đồng trinh của mình trước số phận đương đợi chờ mình (Các quan xét 11:37).

            Vì ở phương Đông khí hậu nóng nực, nên khoảng thì giờ giữa sự chết và sự chôn rất là ngắn ngủi, thường chết ngày nào thì chôn ngày ấy, hoặc để đến hôm sau là cùng. Sự điên cuồn bề ngoài hơi làm sai ý nghĩa của sự buồn thảm thành thực ở trong nhà tang, thì trên đường đưa xác đến mồ mả lại thường đổi thành sự ích kỷ pha màu mộ đạo. Trong vòng những người phương Đông đã theo mới, thì khi đi đưa đám tang họ gọi là "sự làm lành", một việc họ tưởng sẽ khiến mình được Đức Chúa Trời ban thưởng.

            Người Do Thái gọi nghĩa địa một cách trọng thể là "nơi ở đời đời" (Truyền đạo 12:5); thỉnh thoảng cũng gọi là "nơi ở của kẻ sống".

 

=============================

 


C h ư ơ n g   T h ­ứ   S á u

 

X ã   H ộ i,   C h í n h   T r ị   V à   T ô n   G i á o

 

" Thoát khỏi bản ngã còn quí hơn thoát khỏi sư tử.

Có hai người không hề thỏa lòng:  Kẻ tìm học thức và kẻ tìm của cải.

Của cải quí nhất chính là của cải đẹp lòng Đức Chúa Trời "

(Tục ngữ của xứ Sy-ri).

 

            Chương này đem chúng ta đến một phương diện rất rộng rãi và phức tạp.  Ấy chính là làm tỏ rõ Kinh Thánh bởi dựa vào tình hình xã hội, cách cai trị, các sự tổ chức về văn chương, khoa học và tôn giáo ở phương Đông.

            1.  Làng mạc ở phương đông.-

            (1)  Cao nguyên làng mạc.-  Phong cảnh ở phương Đông không có những trại rãi rác đó đây trên đồng bằng và thung lũng.  Những  kẻ trồng trọt đất đai ở bất luận khu vực nào cũng xây cất nhà cửa gần gũi lần nhau trong một làng xóm.  Như trước kia đã nói, một cớ chính của tình hình nầy chính là vì tình hình trong xứ không được yên ổn.  Thổ sản và các thứ tài sản của nông gia, và cả đến sinh mệnh của họ nữa, đều cần được che chở cho khỏi bị hại bở tay các bộ lạc chuyên nghề chăn nuôi súc vật.  Vả, những tù trưởng quan trọng đứng đầu những bộ lạc khác nhau, cứ giao chiến với nhau luôn, và dân quê trồng trọt đất đai của chúa mình thì phải liên hiệp với ông chúa ấy.  Kẻ thù của ông chúa tức là kẻ thù của họ.  Muốn biết sự phục tòng ấy trọn vẹn là ngần nào, ta chỉ cần bằng vào lời  một tù trưởng cao tuổi mới tuyên bố rằng chế độ cai trị cả một quốc gia bây giờ không tốt bằng chế độ cai trị các gia tộc ngày xưa.  Khi người ta hỏi ông rằng ông nói "chế độ cai trị tốt"  là ý nghĩa gì, ông bèn chỉ vào một vầng đá xám mà rằng : "Khi tôi bảo dân tôi rằng :  Đá nầy đỏ, thì họ đáp rằng:  Dạ, nó đỏ;  nếu tôi nói rằng:  Không, đá nầy xanh, thì họ đáp rằng:  Dạ, nó xanh.  Đó là chế độ cai trị tốt, nhưng bây giờ chế độ ấy đã mất rồi."

            Những cuộc nội loạn ấy gây cho làng mạc dễ bị xâm hãm luôn, nên làng mạc là nơi bộ lạc giữ thế công, thế thủ, cũng như nhà cửa là nơi sum họp của cha mẹ và con cái.

            Lẽ thứ ba bắt buộc người ta phải hợp thành làng ấy là sự cần có nước.  Nước chẳng những cần cho cư dân và các bầy súc vật của họ, song cũng cần cho các vườn rau nữa.  Theo cách đó, làng thường được đặt tên theo suối nước (ain) hoặc giếng nước (beer) mà làng dựng ở bên cạnh.  Thêm vào tên đó lại có tên ghềnh đá, cây, đồng cỏ, súc vật, hoặc một đặc sắc thiên nhiên ở miền tiếp cận.  Trong Kinh Thánh có những thí dụ như thế, tỉ như A-bên-Ma-im  Bê-ê-Sê-ba,  Ên-Đô-rơ.

            2)  Hình thể.-  Làng nhỏ của dân quê ở giữa những cánh đồng lúa mạch, chỉ là những nhà nhỏ bằng gạch của ông chủ chia cho những người trồng trọt những đồng ruộng ở chung quanh. Những nhà trên sườn đồi thì xây bằng đá vôi; người ở trong những nhà nầy được tự chủ nhiều hơn,  cũng có nhiều thứ công việc hơn, và toàn thể những làng ấy cũng tốt đẹp hơn nhiều. Những nhà có mái bằng phẳng trông giống như các cái rương lớn đã từ trên lăn xuống và thình lình bị dừng lại. Những nhà ấy thường rất gần nhau, đến nổi cửa nhà nầy ăn thông với mái bằng phẳng của nhà ngay dưới gió.  Những bức tường trắng lấp ló bên trong lớp lá cây dâu trồng chung quanh; vẻ bất biến (monotonie) thường bớt đi vì diện tích rộng rãi hơn và nền kiến trúc đẹp đẽ  hơn của nhà ông tù trưởng;  có khi các nhà túm tụm chung quanh cái nhà thờ nổi bật lên ở giữa làng, chỉ trừ một vài cái nhà rải rác cho đến ngọn đồi, tại đó có ngôi cổ mộ dưới bóng cây dẻ bộp làm thành một nét vẽ tuyệt xảo trên bức "phông".

            3)  Sự sinh hoạt trong làng.-  Nông phu đi làm lụng ngoài đồng ruộng, thường ở xa lắm và họ thường không trở về nhà trước khi mặt trời lặn.  Đó là sự đi ra mà Kinh Thánh nói đến khi luận về các công việc ngoài đồng ruộng (Thi-thiên 104:23; 126:6; Lu-ca 14:19; 15:25), Ê-sai 1:3 cũng nói đến sự sinh hoạt trong làng, vì có chép rằng : "Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ".  Lúc mặt trời lặn, bò và lừa đã ở suốt ngày trên những cánh đồng cỏ tiếp cận và những khu ruộng trơ trụi, bèn được người chăn dẫn về đến cổng làng. Tại đó bò và lừa cũng lìa khỏi người chăn, tự lần qua những ngõ hẹp của làng mà về chốn nghỉ ngơi ban đêm. Một vài nghề nghiệp đã được mở mang đầy đủ hơn hết trong các thành phố thì thoạt tiên là ở giữa vòng dân quê trong làng xóm.  Lò bánh trong làng cứ hai ngày lại đốt một lần; một người trong làng làm nghề thợ mộc thường; một người khác đóng móng ngựa, móng la, móng lừa, và cũng được họ vời đến khi cần đánh dấu súc vật bằng sắt nung đỏ; thỉnh thoảng, tùy theo làng to hay nhỏ, người bán thịt cũng có thịt chiên hoặc thịt dê con để bán; người chăn con la cũng chở hàng hóa từ làng đến các tỉnh lân cận và ngược lại. Sự sống rất giản dị, nhơn từ, siêng năng; ai nấy biết công việc của lẫn nhau một cách thân mật, và sẳn sàng tỏ thiện cảm với nhau mỗi khi trong gia đình có sự vui mừng hoặc sầu khổ.  Nếu có người lạ đến thì khắp làng biết ngay; nếu có người làng đi xa trở về, thì ai nấy hoan nghinh và tới thăm hỏi rất là lịch sự (Ru-tơ 1:19).  Phụ nữ có nhiều việc làm đầu đề câu chuyện ở bên giếng trong khi họ chờ đến lượt múc nước đầy vò; buổi tối, các trưởng lão hội họp để bàn luận về những việc trong làng, để báo và nghe những tin tức mới. Có nhiều cuộc cãi cọ, tranh dành giữa các phái kình địch, giữa các người ở từ lâu và các người đến ở sau, và giữa những gia tộc tranh nhau địa vị oai quyền và danh dự hơn hết. Nhưng hết thảy hiệp lại chống cự sự sỉ nhục mà làng phải chịu do những kẻ không thuộc về làng.

            Thuế thân hàng năm, hoặc món tiền mà mỗi người thành đinh phải nộp cho nhà nước thì bổ và nộp trong làng mà người ấy sinh ra. Ở trong làng có họ hàng của người ấy cùng đất ruộng của tổ tiên truyền lại mà người ấy có quyền thừa hưởng. Nếu người ấy đi ở nơi khác, thì phải chỉ định những kẻ phải chịu trách nhiệm nộp thuế cho mình, mặc dầu vì công ăn việc làm bắt buộc người phải ở một làng khác, và con cháu người có lẽ sinh trưởng ở nơi xa cách cố hương, nhưng họ vẫn phải nộp thuế chổ đó. Vậy nên Giô-sép trở về thành Bết-lê-hem vì ông là dòng dõi của Đa-vít (Lu-ca 2:4).

            2.  Thành Phố.-  Sự mở mang của một thành phố phần nhiều là do sự ở gần những đồng bằng trồng lúa mạch bát ngát, hoặc những vườn nho mênh mông, hoặc do nó được làm trú sở của chính phủ, hoặc do sự tiện lợi buôn bán trên mặt biển. Đời thượng cổ, chổ nghỉ ngơi trên đường cái của các đoàn lữ hành đã trở nên những thành phố giàu có và phồn hoa.

            (1) Vách thành.-  Bức vách cao lớn bọc hết các nhà cửa đã tiếp nối và làm rõ rệt mục đích của nhà cửa và của làng xóm, tức là để che chở người ta. Ở đằng xa mà thấy vách thành trắng có chòi canh nổi bật giữa đồng vắng trơ trụi hoặc cây cối xanh tươi chung quanh, thì khách bộ hành mòn mỏi được yên ủi và giục lòng mạnh mẽ. Một khi ở bên trong những vách thành, thì có sự yên nghỉ, sự thoát khỏi hiểm nghèo, sự sum họp với những người mình yêu dấu, và sự cung cấp mọi thứ cần dùng. Các đặc sắc của thành phố cổ đó đều biểu hiện trong khúc sách mô tả thành Giê-ru-sa-lem mới (Khải huyền 21), và biến những hình bóng đẹp đẽ cho những bài thơ thánh và bài suy gẫm về "Thành Đức Chúa Trời" đương đời Trung Cổ.

            Vì hiện nay tình hình sứ Sy-ri và sứ Pha-lê-tin được vững vàng, yên tĩnh hơn, nên các vách thành mau bị lu mờ bởi những nhà ở ngoại châu thành trống trải.

            Vì những người thợ về đời xưa không có cốt mìn để bắn phá, nên phải chịu khó nhọc để xẻ những tảng đá từ ghềnh đá kiên cố.  Vì xẻ một tảng đá dày thì không khó nhọc bằng sẻ hai tảng đá mỏng, nên có một vài tảng đá to lớn lắm.  Các tảng đá của vách thành Giê-ru-sa-lem to lớn lắm ;  và vì có các  kiểu khác nhau của người Do Thái, người La-mã, người dự cuộc Thập tự chiến dịch (les Croisés), người A-rạp (Sarrasins), nên các tảng đá ấy làm biểu hiện cho các nước khác nhau đã tiếp nhận Tin Lành.

            (2)  Cổng thành.-  Kinh Thánh thường nói đến cổng thành. Cổng thành to lớn và đồ sộ, làm bằng gỗ cây dẻ bộp, bọc một lần sắt hoặc thau đóng vào gỗ ấy. Ở giữa cổng cái, cao hơn mặt đất chừng 30 hoặc 60 phân tây, có chen vào một cổng con, cao độ 75 phân, rộng độ 60 phân, do đó người canh cổng thành khôn ngoan, cẩn thận có thể cho người đến sau khi mặt trời lặn được phép vào. Cổng thành phố là một phương pháp đề phòng cho khỏi kẻ thù, nhơn lúc tối tăm không ai trông thấy, thình lình hãm đánh thành phố. Vậy nên Thành Thiên thượng, là nơi không có tối tăm và không có sự thù nghịch nào vào được, thì các cổng mở luôn luôn, làm dấu hiệu cho sự đón tiếp thân ái (Khải huyền 21:25).

            3.  Đường phố.-  Phố ở phương Đông chỉ là một con đường hẹp cho người đi bộ và súc vật chở hàng.  Không cần đặt tên cho các phố chính, vì mỗi phố đã để riêng cho một nghề đặc biệt hoặc cho sự mua bán những thứ hàng đặc biệt. Ta chỉ cần bước vào cũng đủ biết là phố hàng Rau, phố hàng Dầu Thơm, phố hàng Bạc, v. v...  Phố xá chật hẹp che chở những người bán hàng và khách qua đường khỏi ánh nóng của mặt trời.  Đó đây, có một mái cao dựng lên trên phố, làm cho bóng rợp hơn và che chở khỏi mưa.  Những khoảng ánh sáng dịu đó làm cho nắng càng chói hơn mỗi khi đường phố rộng ra hoặc rẽ ngoặt khiến cho ánh mặt trời đổ xuống trên những  y phục sặc sỡ và những hàng hóa bóng nhoáng của một thành phố phương Đông.  Dạo qua các cửa hàng tạp hóa trong thành Đa-mách, có lụa, vải lót chỉ vàng, đồ trang sức bằng đồng, các thứ hương thơm cổ và dầu tùng hương, thì dễ dò theo và nhận biết lời tiên tri mô tả thành Ty-rơ đời xưa (Ê-xê-chi-ên 27:).

            Từ giã các cửa hàng tạp hóa hoặc các dãy cửa hàng, rồi đi vào khu yên tĩnh của thành phố có các nhà ở, thì ta bị kích thích bởi cái vẻ ngờ vực và cấm đoán của những nhà nầy.  Không có cửa sổ trông ra đường phố, và cửa sổ của những phòng cao thì có căng lưới mắt cáo rất kín. Chẳng thấy một ai, chẳng nghe một tiếng nào, trừ ra thỉnh thoảng có tiếng inh ỏi, cầu nhầu của đàn bà cãi nhau vì việc nhà. Cũng thấy những nhà đẹp đẽ có sân rộng bằng đá hoa, điểm thêm giếng nước và cây cối xanh tươi luôn, có phòng khách bày nhiều tấm khảm và bức chạm trổ trang hoàng. Nhưng vào các nhà đẹp đẽ ấy thì do một con đường hẹp và cửa một chuồng bò. Như vậy, dễ chống dữ hơn bất cứ khi nào thình lình bị hãm đánh, và vẻ tồi tàn của nó giang xa án phạt sự kêu ngạo và sự rủa sả do con mắt của ma quỉ dòm giỏ. Đường phố để cho khách qua lại, còn nhà là một khu rào kín, thiêng liêng và được canh giữ. Mọi sự trong nhà tỏ ra sự thù tiếp, hoan nghinh ; mọi sự bên ngoài nhà tỏ ra sự xua đuổi, cách biệt. Trong những thành phố có lẫn người Do Thái, người tin đạo Đấng Christ và người theo đạo Hồi Hồi, thì họ ở những khu riêng, hợp thành một thành phố ở trong một thành phố, lấy tên của đạo mình tin theo làm một dây liên lạc.

            Sự mô tả một thành phố phương Đông sẽ không dược hoàn toàn nếu không nói đến những con chó nằm lăn lóc trên các đường phố. Chúng giống như chó sói, màu đen hoặc vàng thẫm, lười biếng và dơ bẩn; người ta dung chịu nó vì nó ăn những đồ thừa trong bếp mà họ vứt tung ra đường phố, chúng làm như nhơn viên phòng giữ cho bịnh tật khỏi lan ra mà chẳng lĩnh lương bổng gì cả. Chúng cẩn thận chia thành phố ra từng khu, chó ở khu nào thì chiếm giữ khu ấy, không được ra quá giới hạn. Khi nào có một con chó quá giới hạn của khu nó, thì con chó nào thấy nó trước tiên bèn kêu ăng ẳng để cảnh báo; tiếng kêu ấy truyền từ con nầy đến con kia, và chỉ trong một hai phút thì thấy cả một đàn chó chạy ba chơn bốn cẳng như một đội quân cứu hỏa về phía chúng nghe được tiếng kêu ăng ẳng thứ nhứt. Nếu con chó quấy rối kia không lẻn trốn đi ngay, thì nó bị chồm đánh, làm cho khốn khổ, và bị đuổi theo một quãng xa về đến khu vực của nó.

            Nằm trên đường, ngăm dọa và ngăn trở kẻ thường qua lại, ở rất đông tại nơi nào có người ở rất đông, nhưng chẳng kiếm cách liên lạc thành thực với người, sung sướng hơn hết khi nào có chừng hai chục con xúm nhau nhảy cắn một người hoặc một con vật đáng thương dám chờn vờn đến chọc tức, khuấy rối sự bình an chung khi chúng tranh nhau nằm trên đống cát và ăn món đồ thừa đã thiu, đó là những chỗ con chó phương Đông giống với người Pha-ri-si.

            3.  Hàng xóm, láng giềng.-  Vì các nhà ở phương Đông bao giờ cũng ở trong làng hoặc trong thành phố, nên tình hàng xóm láng giềng về phương diện xã hội thật quan trọng lắm. Tất cả những đoạn Kinh Thánh luận về bạn hữu, xóm giềng và kẻ ở trọ thì ngày nay vẫn còn ứng dụng cho những sự giao tế ấy.

            Người phương Đông không khi nào ở một mình; loại tục ngữ nhiều hơn hết và quen dùng hơn hết là loại luận về sự cần yếu của tình xóm giềng, sự lợi và sự hại do tình xóm giềng mà ra.

            Ảnh hưởng tốt hoặc xấu của sự ở lân cận đã được mô tả trong các ngạn ngữ nầy : "Nếu anh ở chung với người ta bốn mươi ngày, thì anh lìa bỏ họ hoặc trở nên giống như họ"; "Chúng tôi là kẻ lân cận của anh và đã học tập nơi anh";  "Lời khuyên bảo đã được ban cho kẻ sắp xây nhà hoặc thuê nhà, hoặc sắp đi xa";  "Hãy xem xét kẻ lân cận ở trước nhà và xem xét bè bạn ở trước đường cái".

            Những câu nầy dạy phải đồng nhất về quyền lợi "Nếu là tốt cho kẻ lân cận của anh thì cũng là tốt cho anh"; "Kẻ nào bấu xén của kẻ lân cận anh thì cũng sẽ bấu xén của anh";  "Thêm hoặc bớt một cái bánh, nhưng đừng khi nào để kẻ lân cận của anh phải thiếu thốn".

            Sự nhịn nhục cần phải có đối với hàng xóm láng giềng thì đã được bày tỏ trong câu châm ngôn nầy : "Kẻ lân cận của anh vẫn là kẻ lân cận của anh, mặc dầu kẻ ấy cư xử dường như không phải kẻ lân cận của anh vậy". Người ta đã đổi lại Châm ngôn 25:16 theo một cách nói bóng "Nếu bạn anh là mật ong, thì chớ ăn hắn". Họ luôn luôn trưng dẫn Châm Ngôn 27:10.

            Những kẻ lân cận đều có mặt trong mọi sự buồn thảm hoặc vui mừng của gia đình (Lu-ca 15:6, 9). Sự quen biết nhau thân mật như thế đã được bao hàm trong lời nầy: "Ta  đã gọi các ngươi là bạn hữu Ta" (Giăng 15:15). Điều răn cấm làm chứng dối đã đặt ra cốt để che chở, binh vực kẻ lân cận, vì người luôn luôn tiếp xúc với những kẻ ở chung quanh mình, thì có lẽ thỉnh thoảng gây chuyện mếch lòng và gây nên sự trả thù. Sức mạnh của luật lệ về tình xóm giềng ở phương Đông đã được tỏ ra bởi những sự lạm dụng mà luật lệ ấy phải chịu. Những sự chuẩn bị nhơn từ của luật lệ ấy là do các trường hợp nầy: Sự bình đẳng trong xã hội, sự cứu giúp lẫn nhau và sự nguy hiểm chung. Luật lệ về bổn phận hàng xóm láng giềng là một nghĩa vụ về danh dự thương bị viện ra bởi những kẻ chẳng có dịp tiện hoặc ý định làm gì để đáp lại. Vậy nên người ta mong rằng nhà buôn sẽ bán rẽ hơn, và thầy thuốc sẽ tính tiền công hạ hơn cho những kẻ ở lân cận, mặc dầu là không quen biết nhau. Cả đến một người Âu làm giám đốc một công ty máy nước, cũng bị nài xin giảm giá cho những kẻ ở gần nhà mình. Tình hàng xóm láng giềng ở phương Đông làm rộng gia đình nhưng thu hẹp thế giới. Nó là hội ái hữu liên hiệp về các công việc của gia đình.  Bất cứ kẻ nào ở ngoài phạm vi láng giềng thì bị kể là người ngoại quốc, kẻ thù và kẻ ngoại đạo (II Các Vua 5:20). Đấng Christ thừa nhận luật lệ về tình hàng xóm láng giềng khi Ngài truyền lịnh rằng phảo giảng Tin Lành trước hết tại Giê-ru-sa-lem là nơi các Sứ đồ đương ở; nhưng chổ sau hết của sự giảng Tin Lành là các đầu cùng trái đất. Thí dụ về người Sa-ma-ri nhơn lành dạy về ý nghĩa chân chính và sự làm trọn tình hàng xóm láng giềng. Trong bài giảng ở trên núi, Đức Chúa Jêsus có chỉ rõ rằng những kẻ muốn làm con cái của Đấng Chí Cao thì không thể theo một tôn giáo chỉ có sự ích kỷ trong xã hội và sự giúp đỡ lẫn nhau khi có cần dùng (Ma-thi-ơ 5:43-48).

            4.  Sự khoản đãi khách.-  Phương Đông nổi tiếng vì các luật lệ khoản đãi khách.  Trong vòng người Bédouins và những người ở trong các làng xóm xa xôi, hẻo lánh, thì những luật lệ khoản đãi khách vẫn giữ trọn cả ý nghĩa và vẻ tôn nghiêm đời xưa; ngay trong các thành phố, sự phô trương chúc mừng khi đón rước khách vẫn còn khiến ta nghĩ đến phong tục từ ngàn xưa. Xét sự khoản đãi khách chung với các luật lệ về tình hàng xóm láng giềng và cái vẻ hà tiện thông thường trong cuộc sinh hoạt ở phương Đông, thì tánh chất quan trọng mà người ta gán cho sự đãi đằng khách chẳng những là mỹ lệ, nhưng cũng là mầu nhiệm nữa. Sự ân cần đối với khách được mình mời (Lu-ca 14:12) thật thấy không có gì là khó khăn cả, vì sự ấy chỉ thuộc trong phép lịch sự giữa bạn hàng xóm láng giềng với nhau. Cả đến cớ tích khiến cho A-suê-ru đãi tiệc cũng còn làm chứng về sự ấy chẳng nhiều thì ít (Ê-xơ-tê 1:4).

            Đặc sắc của sự đãi đằng khách ở phương Đông ấy là nó bắt buộc phải tận tâm giúp đỡ những kẻ đi qua, mặc dầu là người lạ, và không có một mảy may nào là thân thích, quen thuộc.  Để cắt nghĩa sự bí mật ấy, có hai việc đáng được ta nhắc đến.

            (1)  Có sự cao thượng của ân huệ nầy.-  Ấy là sự cầu viện cái phần cao thượng và tốt lành hơn hết trong lòng người. Người lạ đi đến cửa thì đã đi đến giới hạn của mình rồi.  Người không thể đi xa hơn nữa (Khải huyền 3:20). Người ở trong tay những kẻ ở trong nhà, họ muốn tiếp rước hay cướp bóc tùy ý. Khi người đã được phép vào nhà, thì người trở nên chủ nhà một cách ẩn nhiên (virtuellement). Họ nói với người rằng nhà ấy là của người. Chủ nhà hầu hạ người; mọi món trữ sẵn trong nhà đều cung cho sự cần dùng của người; tất cả sức lực trong nhà đều để binh vực người. Sự tin cậy của khách đã được đáp lại bằng sự chủ nhà hào hiệp sẵn sàng liều mạng sống mình vì cớ khách lạ.

            Thêm vào sự được yên ổn còn có sự nghỉ ngơi, dễ chịu sau sự vất vả, ăn uống sau sự hao mòn, sự sum họp vui vầy sau sự cô đơn. Tục ngữ có câu : "Kẻ nào gieo sự nhơn từ thì sẽ gặt sự biết ơn". Những sự lo lắng, bối rối bất ngờ xảy ra trong khi đi đường ở phương Đông khiến cho lúc thoát khỏi những nông nổi ấy thật trở nên một lúc đầy cảm kích trong thâm tâm của kẻ đã đi đường.

(2)  Khách là bất khả xâm phạm.-  Những tục lệ nầy đã đặt ra lâu lắm trước khi người ta đi nơi nầy chốn nọ để buôn bán hoặc thám hiểm; hồi ấy cần phải một lý cớ mạnh mẽ lắm mới khiến người ta liều xông vào vòng nguy hiểm, nhọc nhằn mà đi lữ hành. Ít khi có khách lạ đến nơi; luật lệ khoản đãi khách cấm không được hỏi khách đến từ đâu và sẽ đi đâu, trước khi đã biết rất ít là ba ngày, là thời hạn đủ tỏ ra rằng khách không ở vào một trường hợp cấp bách hoặc bị nguy hiểm cho thân mệnh. Người ta thường giả định rằng duyên cớ khiến khách phải viễn hành chính là vì trốn tránh kẻ thù nghịch, vì một việc cần yếu và quan trọng trong gia đình, hoặc vì muốn làm trọn một lời hứa nguyện trong tôn giáo. Về cớ thứ nhứt trong ba cớ đó, sự khốc liệt của cuộc báo thù huyết khiến cho chủ nhà nào cũng cảm thấy rằng có lẽ mình là người thứ hai cần có nơi ẩn náu. Khách lạ đến nơi đủ tỏ ra rằng bất luận người gặp cảnh ng khó khăn nào, thì từ trước đến nay Đức Chúa Trời cũng vẫn phù hộ người, và như vậy, sự nguy hiểm kinh khiếp ấy đã xảy ra vì cớ một kẻ nào đã đối đãi với người một cách tàn khốc. Vậy nên có một sự thiêng liêng mầu nhiệm liên lạc với khách, với phận sự che chở khách và với sự cung cấp mọi thứ cần dùng cho khách. Có một sự cần yếu hơn là sự đói khát: "Ta là Khách Lạ, các ngươi tiếp rước Ta" (Ma-thi-ơ 25:35).  Kinh Coran của đạo Hồi-hồi có lặp lại lời khuyên ở Hê-bơ-rơ 13:2 theo phương diện tiêu cực. "Nhà nào không hề tiếp khách thì cũng không hề tiếp thiên sứ".

            Muốn được kể là khách và được một nhà nào tiếp rước mình thì phải ăn một ít bánh của nhà ấy, một ít muối, hay là uống nước ở nhà đó: nếu không kịp có bánh, muối, hoặc nước, người muốn được tiếp rước sẽ nắm lấy cái cột của lều, rồi người của nhà đó phải tôn vinh tiếp đãi người "khách" đó.

            Nếu có một người trốn tránh đến gần một gã chăn chiên trong đồng vắng, thì gã chăn chiên phải mời người ăn bánh mì vá phó mát (fromage) đựng trong cái bị của mình. Sau khi đã cho ăn như vậy, gã chăn chiên phải che chở người khỏi mọi kẻ đuổi theo để giết người. Về phương diện nầy, sự biệt riêng mấy thành ẩn náu trong đất Y-sơ-ra-ên được trí óc người ta cho là một sự cố gắng để dẹp bớt sự hung bạo do cuộc báo thù huyết  y  theo luật pháp của quốc gia.

            Có một trường hợp mới xảy ra mấy năm trước đây ở gần thành Tripoli, xứ Sy-ri, tỏ ra có một quan niệm rất mạnh mẽ về phận sự và danh dự làm đảm bảo cho sự che chở khách lạ. Có một người can tội sát nhơn, và trong khi chạy trốn khỏi những kẻ báo thù huyết, hắn đã đến túp lều của một gã chăn chiên: Gã chăn chiên đã đi khỏi với bầy mình; người trốn tránh nài nỉ và được vợ cùng con trai gã chăn chiên nhơn danh Đức Chúa Trời mà hứa che chở mình. Nửa giờ sau có nhiều kẻ cỡi ngựa đến vây quanh nhà. Theo phép lịch sự họ không thể xông vào căn phòng độc nhất trong nhà, phòng nầy là thánh vì là nơi ở của phụ nữ.  Họ bèn xin chủ nhà dẫn kẻ sát nhơn ra. Người đờn bà nghèo khó bèn bước ra cửa, cầm tay con trai mình mới mười hai tuổi mà nói rằng: "Tôi không thể nộp khách của tôi, nhưng hãy bắt con trai một của tôi mà giết đi thay vì khách". Sự nghĩa hiệp cương quyết của bà cảm động lòng họ thấm thía đến nổi một lúc sau họ nói rằng vì cớ bà, họ bằng lòng tha thứ cho kẻ sát nhơn được tự do. Đoạn, họ lên ngựa mà đi.

            Sự hy sinh vì khách không phải do lòng quí mến mạng sống (Vì họ cho rằng tội sát nhơn là nhỏ). Luật lệ tiếp khách là do hoàn cảnh và cơ hội tạo nên. Khi một lữ khách gặp một người Bédouin ở nơi đồng vắng, thì họ thường chào bằng mấy tiếng: "Cổi áo ra!"  Nếu chống cự, thì họ chẳng quan tâm mấy đến tội giết người. Hiệu lực của luật lệ tiếp khách trong chính phạm vi của nó tỏ ra rằng dân Y-sơ-ra-ên và các nước bạn của họ đã ở vào một tình hình khốn khổ ghê gớm khi Gia-ên giết ông khách và sự trái phạm luật lệ khoản đãi khách như thế lại được dân chúng khen ngợi (xem Các-quan xét 4:17-22).

            Ở phương Đông bất luận thứ công việc nào cũng bị coi là hèn hạ, trừ ra ba điều đã được mọi người thừa nhận, tức là hầu hạ khách, hầu hạ gia đình, và hầu hạ con ngựa của mình.

            5.  Sản nghiệp.-

            (1)  Quyền sở hửu.-  Ở phương Đông, quyền sở hửu đất đai theo ba phương diện.

                        (a)  Khoảng đất cày cấy được ở chung quanh một làng, cũng như các cánh đồng cỏ, thì do nhân dân trong làng giữ chung, và chia dều tùy theo số bò thuộc về mỗi người cốt để họ cày bừa. Các môn đồ đầu tiên ở thành Giê-ru-sa-lem đã ứng dụng nguyên tắc sẵn có nầy cho sản nghiệp riêng của họ (Công vụ các sứ đồ 2:44, 45).

                        (b)  Dưới một chính thể lập vững vàng hơn, thì sự sắp đặt trên đây gây nên nổi khó khăn trong khi thu thuế và phạt những kẻ không nộp thuế. Vậy nên đất đai hóa ra sản nghiệp của cá nhân, hoặc được mua nhơn danh một công ty thương mại.

                        (c)  Những vùng đất lớn của xứ sở thuộc về chính phủ, như là đất của nhà vua.  Các đất nầy hễ ai trả cao hơn hết thì thuê được. Họ cho các nông phu ở thôn quê thuê lại bằng một giá mà có thể được lời lãi bởi giao dịch như thế.

            (2)  Trồng trọt.-  Những người nhà quê cày cấy đất đai thuộc về một đại nghiệp chủ thì được chủ xây nhà cho ở;  và vì họ thường ở cứ làm việc, cả đến khi đất ruộng đổi chủ cũng vậy, nên họ trở nên một hạng tôi mọi.

            Trong miền trồng ngũ cốc, nếu chủ cấp hột giống và bò để cày, lại nộp thuế một phần mười cho chính phủ, thì người tá điền được một phần tư hoa lợi; nếu chủ chỉ nộp thuế mà thôi, thì người tá điền được hai phần ba hoa lợi hoặc một nửa hoa lợi, nếu đất sanh sản nhiều so với công khó của tá điền.

            Về các vườn nho và các thứ cây sinh quả, thì dân quê được một phần ba hoa lợi để bù công khó của mình; nhưng sau vài năm, trong khoảng đó đất đã thêm giá trị vì trồng trọt và có thêm cây nho cùng các cây khác, thì dân quê được hưởng phần nửa hoa lợi, và có thể đòi cho được chung quyền sở hửu (Ma-thi-ơ 21:33-41).

            (3)  Bán.-  Khi phải bán sản nghiệp. hoặc là nhà, vườn, hay là đất cày cấy, thì các tư nhân đứng mua, bán phải khai lai lịch cặn kẽ, văn tự phải được toà án địa phương chứng nhận và ghi vào sổ sách. Nhưng các thủ tục (formalités) thường không để cho người mua nắm được quyền sở hữu một cách chắc chắn. Sau khi đã trả tiền rồi, còn có nhiều cộng hữu nhân (co-propriétaires) khác làm đơn khiếu nại và ngăn cản chủ mới nhận làm của riêng.

            Khi nào bán đất ruộng, thì quyền mua trước nhất thuộc về người cộng hữu, rồi đến người có đất ruộng tiếp cận, nhứt là khi có cùng một dòng nước tưới cả hai khu đất ruộng.

            Khi nào muốn cho sự khiếu nại của chủ đất ruộng tiếp cận không có hiệu quả, và cũng muốn để phòng sự nguy hiểm do những người sau nầy sẽ khiếu nại để tranh quyền sở hữu, thì người ta phải dùng một mưu kế đặc biệt.

            Đất ruộng chia làm hai phần, A và B. Vậy, một miếng đất 400 thước vuông định giá bán 300 đồng tiền Anh.  Phần A chừng một phần sáu diện tích, chỉ là một khoảnh kề bên miếng đất của người lân cận có thể khiếu nại, và giá định là 200 đồng; còn năm phần sáu diện tích kia thì định giá là 100 đồng. Người mới đứng mua bằng lòng mua hai phần ấy theo các đìều kiện ấy. Người mua và người bán đi đến tòa án ký kết theo pháp luật.  Người lân cận có thể đệ đơn khiếu nại vào tòa án và được phép mua miếng A ở gần ngay đất của mình ; nhưng người lân cận ấy phải trả 200 đồng. Người ấy không có quyền gì về phần B, vì chủ mới có quyền của kẻ lân cận trên phần B ấy, bởi chưng đã trả giá của phần A.  Nếu người lân cận chính kia mua phần A với cái giá 200 đồng, thì sau nầy chỉ có thể bán cho người đã mua phần B, bởi chưng bây giờ người nầy có quyền mua trước (droit de préemption) vì là người lân cận.

            Phần nhiều mưu kế thông dụng trong sự vâng giữ luật pháp của người Do Thái chắc là do quyển Thánh Kinh đạo Do Thái (Talmud) trộn lẫn các phận sự trong tôn giáo với các tiểu tiết trong pháp luật đối với sản nghiệp. Vậy nên người Do Thái kết cục ở vào một trình độ luân lý giống như thế; và họ đã theo bản năng thích buôn bán, tìm lợi riêng và mua với một giá rẻ nhứt đó mà kiếm cách làm ít công đức hơn hết để được tiếng là đạo đức và được một chỗ trong cơ nghiệp thiên thượng. Sự mua sản nghiệp giữa vòng người phương Đông ngày nay thường giống như khi Áp-ra-ham mua của con cháu họ Hếch (Sáng thế ký  23:).  Thường là đầy những sự chuẩn bị gián tiếp, hội họp trọng thể, lễ phép phô trương, nói dối sống sượng, và mặc cả ráo riết.

            (4)  Kế tự.-  Theo luật pháp hiện thời ở phương Đông, thì sản nghiệp chia đều cho các con trai và mỗi con gái được phân nửa của con trai.

            6.  Pháp luật và chính phủ.-  Sự cai trị theo pháp luật tỏ ra cái tốt nhất và cái xấu nhất của đời sinh hoạt ở phương Đông. Pháp luật thiết lập dựa theo các nguyên tắc luân lý và tôn giáo, ban đầu cốt dạy phải khoan hồng và từ thiện bởi cách đem đòi bên nguyên, bị đến trước mặt Quan Án của mọi người mà chẳng ai thấy được. Sự thiết lập pháp luật như thế có nhiều chỗ khoan hồng trong khi các nguyên tắc ấy được diễn giải một cách lương thiện và được vâng giữ một cách cung kính. Nhưng khi nào các nguyên tắc ấy không còn được coi trọng, và dư luận bị dọa nạt, đè nén, thì quan án có thể làm nhiều việc tùy theo ý mình lấy làm tốt. Cho nên đìều quan hệ hơn hết là lo sao cho được ơn riêng của quan án.  Quan án bất công trong thí dụ (Lu-ca 18:1-7) chẳng sợ Đức Chúa Trời, thì chắc cũng lấy làm dễ lắm mà khinh thường người ta. Tục ngữ A-rạp có câu: "Khi con la của quan án chết, thì mọi người đi đưa đám xác; khi chính quan án chết, thì chẳng ai đi đưa đám xác".

            Hối lộ và làm chứng dối là hai dấu hiệu của sự quỉ cầm quyền trong các tòa án đời xưa và đời nay ở phương Đông.

            Vậy nên khi Sa-mu-ên kể lại đời cai trị của mình, có nói rõ ràng, mạnh mẽ rằng mình không hề ăn hối lộ, và sự ăn hối lộ của các quan án trong nước Y-sơ-ra-ên đã bị các đấng tiên tri bêu ra mà chỉ trích là một trong các cớ chính gây cho quốc gia bị Đức Chúa Trời từ bỏ và bị hư hại.

            Người phương Đông ngày nay rất mực quỉ quyệt, gian dối trong sự tặng quà, dâng lễ.  Cái sự "Của lễ của người nào dẹp đường cho người" (Châm ngôn 18:16) vẫn được họ dùng đến luôn. Trong đời tư, sự biếu quà, dâng lễ thường đi trước sự xin một ân huệ, sự nhờ vả thân thế. Theo phép xã giao ở phương Đông, chối không nhận một quà lễ là một việc chọc giận quá đáng; còn nhận quà lễ thì mắc "một món nợ danh dự"  cần phải trả lại một cách xứng đáng. Thỉnh thoảng các nhà cầm quyền nói trắng rằng phải chạy tiền, nhưng thường thì là dân thủ xướng.  Có một thời kỳ các quan cai trị và các quan án thanh liêm đã tẩy nền cai trị sạch những sự hà lạm, nhũng nhiễu ấy; nhưng khi họ bị đổi đi, thì hai bên tranh giành lại cầu ơn của các quan kế chức và chẳng bao lâu lại gây nên cái tệ hối lộ. Thế lực trong tôn giáo chẳng binh vực sự thương xót và sự công bình, nhưng lại đổi thành những đảng phái và chế độ giáo hội luôn luôn tranh đấu với nhau để đạt các mục đích riêng. Một việc đã được tôn giáo chuẩn y bèn trở nên một giao ước của gia đình; và theo phong tục phương Đông, thì dây liên lạc trong gia đình phải che chở những kẻ thuộc trong gia đình, không cần đếm xỉa đến các quyền lợi của công dân hay là các sự kháng nghị tối cao của chân lý.

            Sự làm chứng dối rất thịnh hành.  Đọc Tân Ước, ta bất bình vì thấy thể nào người Pha-ri-si, là các lĩnh tụ tôn giáo, đã tìm những kẻ làm chứng dám thề về những việc họ chẳng biết rõ chút nào hoặc biết là không thật.  Trong không cứ trường hợp bất ngờ nào ở phương Đông, người ta cũng tìm được hạng người làm chứng như vậy, thật dễ quá chừng;  và về phương diện nầy, lời làm chứng của các thầy tế lễ và các thầy tu chẳng đáng tin một chút nào cả.

            Nhà tù.-  Các nhà tù ở phương Đông ngày nay nhắc cho ta nhớ rõ các điển cố về các nhà tù đời xưa.

            Có nhà tù thường để giam những người mắc nợ, chậm đóng thuế và phạm ti nhẹ.  Ngoài ra còn có nhà tù kín và nhà tù ở dưới hầm để giam những kẻ sát nhơn, gọi là "nhà tù huyết". Phao-lô và Si-la đã bị giam tại đó (Công vụ các sứ đồ 16:24) mặc dù không được giao thông với những kẻ khác, tiếng của hai ông cũng được họ nghe rõ đương khi hai ông "hát ngợi khen Đức Chúa Trời".

            Sự ra khỏi nhà ngục là khó khăn (Ma-thi-ơ 5:26), chẳng những vì họ để chậm ngày xét xử, nhưng còn vì sau khi mãn hạn tù, bọn đề lao mè nheo nọ kia, tỉ như là đòi tiền công đã mang xiềng buộc xích cho tù nhân. Hầu hết các sự hà lạm nầy giống như các sự hà lạm trong các khám tù của nước Anh hồi đầu thế kỷ thứ mười tám.

            Vì cớ sự đối đãi tàn nhẫn ấy, vì sự hay làm thiên lệch công lý, và mối thiện cảm, nhơn đức, không hay chỉ trích của người phương Đông thướng có, nên họ coi sự ở tù là một hoạn nạn, chớ không phải là một sự nhục nhã. Bạn hữu đi nơi nầy chốn nọ, quyên tiền để giúp đỡ kẻ ở tù hoặc để tìm phương cứu họ ra khỏi vòng lao tù. Cứu Chúa không có ý dạy rằng loài người phải thôi hy vọng, hầu hạ và cứu vớt ở cổng khám tù (Ma-thi-ơ 25:36).

            7.  Kẻ giàu và kẻ nghèo.-

            (1)  Phận nghèo.-  Ở phương Đông có rất nhiều kẻ ăn mày. Những đại biểu thông thường của bọn ăn mày thì ta thấy ở Lu-ca 14:13 "những kẻ nghèo khó, tàn tật, què đui".  Ngoài ra còn có những kẻ chỉ lười biếng mà thôi. Tục ngữ A-rạp có câu: "Ăn mày là một nghề dễ dàng, nhưng đứng nơi cửa thì chán nản lắm".

            Trong vòng những người bị tàn tật ở thân thể, thì ít khi thấy ke mất chơn, tay vì nạn máy móc; nhưng các bịnh tật ở da, máu và xương hay có lắm, thường bày ra những hình trạng ghê tởm, và ghê tởm nhất là bịnh phung.

            Tật nguyền thông thường và đáng thương hơn hết là sự đui mù, nó chẳng có gì là đáng ghê tởm cả. Một vài người ăn mày mù hoặc có trẻ con dắt đi, hoặc dùng gậy rờ rẫm đường lối, cứ đi xin từ nhà này đến nhà khác; nhưng thường thì ta gặp họ ở những nơi nhất định trong thành phố. Họ dắt hoặc khiêng những kẻ mù, què đến trước cửa các nhà thờ trong giờ nhóm họp thờ phượng Chúa, nhất là trong những ngày kiêng ăn. Khi có đám cưới và đám tang, thì họ ngồi la liệt trên thềm các nhà thờ. Họ cũng họp nhau trước những tòa nhà đồ sộ mỗi khi trong những nhà ấy có việc vui hay là việc buồn.

            Có khi ta thấy một thân hình cú rũ đáng thương, vừa mù, vừa có vẽ cổ quái, lại vừa ốm đau; và năm nầy qua năm khác, người ăn mày ấy hàng ngày được khiêng đến một chổ nhất định, tức là một chổ đông người trong thành phố, hoặc chổ đầu cầu ở ngoại châu thành; hắn ngồi trên đất, dưới trời mưa và mặt trời thiêu đốt, bụi hay phủ khắp mình mẩy như những đám mây bởi cớ xe cộ và súc vật chở hành lý chạy qua. Hắn đọc những lời Đức Chúa Trời hứa ban phước cho kẻ nào săn sóc đến người nghèo khổ.  Ấy đấy là tình cảnh của La-xa-rơ ở cổng nhà người giàu (Lu-ca 16:20), của Ba-ti-mê ở bên đường đi Giê-ri-cô (Mác 10:46), và của người què ở cổng Đền thờ (Công vụ các sứ đồ 3:2).

            (2)  Cách kêu xin.-  Thỉnh thoảng chỉ là một lời bày tỏ tình cảnh nghèo khổ của mình, -"Tôi nghèo", - "Tôi thèm một cái bánh", - "Xin cho tôi một xu để mua một cái bánh".

            Lời kêu xin thường lại mạnh mẽ hơn bởi một điệu b biểu lộ tình cảnh: Đặt ngón tay trỏ ngang hàm răng rồi chỉ ngón tay ấy lên trời để làm chứng rằng chẳng có chút đồ ăn nào trong miệng. Ấy chính là "răng sạch" (A-mốt 4:6).

            Nhưng thường thì người ăn mày gợi tình cảm hoặc bổn phận về tôn giáo. Đương khi đứng ở cửa, hắn kêu rằng: "Tôi là khách của ông bà!  Tôi là khách của Đức Chúa Trời!  Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt ông bà! Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ con cái ông bà! Đức Chúa Trời sẽ cho ông bà sống lâu!"  Nếu những lời nầy không có hiệu quả, hắn bèn thử dùng cách quở trách: "Đây không có gì cho Đức Chúa Trời sao?" - " Tất cả là tôi tớ sao?"  Khi nào không có gì bố thí cho kẻ ăn mày, thì họ bảo hắn rằng: "Đức Chúa Trời sẽ ban cho anh!  Đức Chúa Trời sẽ cứu giúp anh!" (xem Gia-cơ 2:16).

            Vậy, những kẻ ăn mày là tay rao giảng trứ danh ngoài đường phố ở phương Đông. Ý tưởng của  I Sa-mu-ên 2:7 dầm thấm trong tất cả mối quan hệ của sự nghèo cực với sự giàu có. Đức Chúa Trời có một mục đích khi Ngài làm cho giàu có và bắt phải nghèo cực (Châm ngôn 14:31).

            Bọn ăn mày chia nhau các cửa hàng, và đến cuối tuần lễ thì họ dạo quanh các cửa hàng ấy để nhận tiền trợ cấp. Vậy, kẻ giàu và kẻ nghèo được giao tiếp thân mật với nhau, nhưng sự làm phúc ở phương Đông không có ý trừ khử duyên cớ của sự nghèo nàn (Phục truyền 15:11). Vì không có rượu, nên người ăn mày ở phương Đông khỏi có vẽ tồi tệ của tên "ma cà bông" ở phương Tây. Ngoài những trường hợp của kẻ hoàn toàn lười biếng, thì duyên cớ của sự nghèo khổ thường là bởi bịnh tật, hoặc bởi mất người "kiếm gạo" trong gia đình, hoặc bởi người ấy bị bỏ tù vô hạn. Tục ngữ có câu: "Đừng khi nào dạy một đứa trẻ mồ côi phải khóc thế nào."

            Phần nhiều việc bố thí ở phương Đông là do lòng thích được khen ngợi, hoặc do sự hy vọng mê tín rằng những đồng tiền bố thí có thể đền bồi những đồng bạc mà mình đã kiếm được bởi cách dối gạt. Sự bố thí chiếm một địa vị cao trong vòng những đức tánh tôn giáo ở phương Đông (Phục truyền luật lệ ký 15:10;  Châm ngôn 28:27).  Trong các nhà hội của người Do Thái thường có một cái hộp để đựng những số tiền quyên góp vô danh, trên hộp có đề chữ Hê-bơ-rơ rằng: "Của lễ dâng kín nhiệm" (Châm ngôn 21:14).

            Có khi một bà mẹ thuộc về một gia đình giàu có ở phương Đông chịu mặc quần áo ăn mày, để chơn không mà xin cho kẻ nghèo, và hy vọng rằng sự bố thí và hạ mình của bà sẽ cảm động Đức Chúa Trời đến nỗi Ngài cứu mạng đứa con yêu dấu của bà đương đau nguy hiểm.

            (3)  Của cải.-  Đề mục nầy đả luận đến trong mục "Các nghề nghiệp". Ở phương Đông, người ta coi sự thích kiếm tiền là một thiên tính cố hết sức tìm tòi lợi riêng, cũng như sự đói và sự khát vậy; thiên tính ấy là chung cho cả nhân loại. Tục ngữ có câu; "Nghe tiếng LẤY một ngàn lần, còn tốt hơn nghe tiếng CHO một lần". Lời của Đấng Christ phán rằng: "Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh"  thật phản đối và khiêu khích cái tình cảm chung của người phương Đông, đến nổi người ta nhớ lời ấy mặc dầu không có chép trong các sách Tin Lành (xem Công vụ các sứ đồ 20:35). Phương Đông không có những ông thánh xuất chúng hoặc những phường đại ác như phương Tây, nhưng bất luận mối quan hệ nào cũng dầm thấm một sự biển lận đáng buồn.  Hôn nhân là một sự mặc cả về tiên bạc; sự giết người cũng có một giá xứng đáng; sự tin kính cũng do sự khôn ngoan; đi đưa đám xác tức là "làm lành" để được phước, và bố thí là một cách giao dịch với Đức Chúa Trời về tiền bạc.

            8.  Viễn hành và chuyên chở.-

            (1)  Ý tưỏng của người phương Đông đối với sự viễn hành.-  Trong vòng người phương Đông, thì viễn hành có nghĩa là bất tiện, nguy hiểm và tiêu phí. Người ta hết sức tránh sự viễn hành. Tục ngữ của họ có những câu:"Tất cả mọi người khách lạ là bà con của nhau" - "Nếu có ba người viễn hành thì phải bầu một người làm đầu" - "Một người ở nơi xa lạ thì là kẻ mù, mặc dầu mắt hắn vẫn còn thấy" - "Có ba nỗi khổ sở: Bịnh tật, nhịn ăn và viễn hành". Dưới đây là cái "đơn thuốc" hoặc điều lệ cho một người đi viễn hành : "Hãy trả hết nợ, đem theo kẻ hầu hạ, tặng quà lúc lên đường, trả lại mọi đồ vật người ta giao cho mình giữ, đem theo tiền và tính hòa nhã để dùng khi đi đường, rồi từ giã mọi người, và hãy thương xót con vật mà mình cỡi". Ở phương Đông đường đi thường chỉ là những nẻo chật hẹp, mấp mô và có đá. Khi đương đi dọc theo các đồng ruộng, thì bọn nông phu đổ đá trên đường, vì đường có thuộc về ai đâu. Trong đồng vắng, đường thường chia làm nhiều ngả một cách không ngờ, hoặc mất biệt hẳn. Trên những quảng đường dài trơ trọi từ làng này đến làng kia, thành nọ đến thành khác, viễn khách ít có cơ may tìm được phương hướng hoặc được ai giúp đỡ trong bất luận sự khó khăn nào. Yên cương có gì hư hỏng, một cái túi da đeo ở yên ngựa im lặng rơi xuống, đi lầm đường, hoặc tính sai quảng đường, phải ngủ đêm giữa trời, không có nước uống, đó là những nỗi khó khăn.  Người phương Đông chẳng lo mấy về vẻ đẹp của phong cảnh. Các khe núi và vực sâu thuộc về những con chó rừng và con dơi; viễn khách không thể biến cây thành than, hoặc đem những gié lúa về sân đạp lúa của mình.  Đối với phần nhiều người phương Đông, thì cuộc viễn du có tính cách thể thao và để ngắm xem phong cảnh lạ thì thật là một sự bí mật khó hiểu.

            Người A-rạp và dân quê thường kinh ngạc, cảm động đến nổi phát cười và thương xót những đoàn du khách Anh, Mỹ hằng năm đi thăm các cổ tích của Xứ Thánh.  Lúc chưa hiểu duyên cớ vì sao, thì họ đoán rằng các du khách dựa theo những sách ảo thuật để tìm bới của báu trong những đống hoang tàn, hay là các du khách đi thăm những thánh địa để đền chuộc tội lỗi của mình.

            (2)  Cách viễn hành.-  Người ta thường cỡi súc vật mà đi đường xa; súc vật là ngựa, la, lừa, còn trong đồng cát thì dùng lạc đà. Mùa hạ là mùa tốt nhất cho các cuộc viễn hành, vì bấy giờ tiết mưa đã hết, sông ngòi có thể dễ li qua hoặc khô cạn thì qua được.  Kinh Thánh không nói đến cái đầu. Sự  chuyên chở đồ vật và hàng hóa hầu hết do súc vật làm cả. Khi bọn mã phu được người ta hẹn ngày bảo đem đến một số súc vật nào dó, thì họ có thói quen bắt bọn ấy ký quĩ một ít tiền: Nếu sai hẹn thì mất số tiền ấy, còn nếu làm đúng như giao kèo thì được hoàn lại số tiền ấy. Ở Giê-rê-mi 30 : 21 có một cách nói rất hay, là ký quĩ tấm lòng để tỏ ra mình thành thực (bản Kinh Thánh tiếng Anh dịch rằng: "...  Vì kẻ này là ai mà dám ký quĩ lòng mình để đến gần Ta?" ). Trong những đồng vắng không có nước mà phải trải qua để đi đến Palmyre, Bagdad, hoặc núi Si-na-i, thì người ta dùng lạc đà, và hay đi ban đêm để tránh nóng bức và để khỏi bị các bộ lạc A-rạp để ý đến; người ta nhận biết vùng nào có các bộ lạc Bédouins ở lẩn quẩn bởi thấy ánh sáng hoặc nghe tiếng động. Trong những khi đi đêm như thế thì người dẫn đường phải ngắm các ngôi sao mà lần tìm phương hướng. Đời thượng cổ, các bộ lạc Bédouins là những đội hộ vệ đắc lực của các đoàn bộ hành từ xứ nọ qua xứ kia. Đương thời chuyên chở các của báu phương Đông đến các thị trường La-mã ở phương Tây, các bộ lạc Bédouins nầy trở nên rất giàu có, quyền thế: và dưới đời trị vì của nữ hoàng Zénobie, họ đã sáng lập một nước lạ lùng, là Palmyre hoặc Tadmor. Nước hiện nay chuyên buôn bán trên mặt biển khắp thế giới đã bắt tay làm việc của những người A-rạp đó, và đế quốc Anh (Union Jack) đương khai thác kinh Suez đã chiếm chỗ của cái chuông con lạc đà trong đoàn viễn hành có các ngôi sao dẫn lối.

            (3)  Sửa sang đường sá.-  Trong nhiều miền của xứ còn có thấy di tích của những đường lát gạch do người La-mã xây đời xưa; ấy như là đài kỷ niệm một công trình khéo léo. Nhưng các đường thường dùng ngày nay chẳng bao lâu mà hầu hết không qua lại được vì cớ mưa to mùa đông làm ngập. Khi có một vị khách sang trọng đến trong xứ hoặc một quan thống đốc đi kinh lý địa hạt, thì hết thảy các đường sá bèn được sửa sang tạm thời bởi cất bỏ những tảng đá, lấp khe và hố, để có thể đi lại dễ dàng, mau chóng và vô sự.

            (4)  Kẻ tiền hô.-  Trong phố chật hẹp của các thành, đầy những người và súc vật chở hành lý, các quan to phải có một đầy tớ mặc y phục riêng đi trước mặt mình. Hắn quát tháobảo dân chúng giang ra, dùng roi đánh những kẻ vô ý, khua những con chó nằm trên những lối đi vùng dậy, và như vậy, hắn dẹp lối cho chủ đi. Ở xứ Sy-ri, kẻ tiền hô là toán quân hộ vệ của quan trấn thủ và toán kỵ binh của vị quan to bản xứ. Ở xứ Ai-cập có hai tên quân hộ vệ chạy trước xe của vị phó vương, và những kẻ thuộc về dòng dõi trâm anh bổn xứ cũng có một, hai người chạy trước mặt mình.

            Khi nghe tiếng nạt đường, hết mọi người tự nhiên tránh ra một bên, và chỉ trong giây lát đã thấy kẻ tiền hô phất phới tà áo trắng dài, thắt dây lưng óng ánh, vành khăn có một hoặc hai quả tua rung qua rung lại; rồi đến cái xe, và bấy giờ tiếng kêu của kẻ tiền hô đã văng vẳng ở đằng xa.

            Vì họ là những thanh niên tráng sĩ đã được lựa chọn và huấn luyện luôn luôn, nên họ có vẽ oai vệ ở trước xe và những con ngựa chạy nước kiệu. Họ chạy như bầy chó săn hoẵn (daim), sục sạo một cách dễ dàng và không hề mệt nhọc.

            Đó là kẻ tiền hô kêu vang trước mặt Giô-sép, là quan thủ tướng mới, mấy chục thế kỷ trước (Sáng thế ký 41:43); cũng một thể ấy, Ê-li chạy trước xe của A-háp tới Gít-rê-ên (I Các vua 18:46); chức vụ của kẻ tiền hô liên lạc đặc biệt với tên tuổi và công việc của Giăng Báp-tít (Giăng 1:23).

            (5)  Chào hỏi.-  Các cách thức chào hỏi ở phương Đông phần nhiều do sự nguy hiểm trong cuộc hành trình mà có. Hai bên đến gần nhau thì hỏi nhau cho biết là bạn hữu hay là kẻ thù (Giô-suê 5:13). Nhờ bản kê sơ lược dưới đây, ta sẽ thấy là hệ trọng dường nào khi Đấng Christ truyền lịnh cho các sứ giả Tin Lành rằng không được chào hỏi ai dọc đường.  Người ta thêm vào nhiều câu chúc tụng, nhiều lời ân cần theo phép lịch sự; và họ cũng lặp đi lặp lại nhiều câu hỏi thăm về sức khỏe, v. v...  Vì mỗi người phải cho rằng những việc riêng của mình là không quan hệ nếu đem so sánh với những việc riêng của bạn mình, nên khi đã chào hỏi xong, hai bên thật chỉ biết chút ít về tin tức của nhau.

            Thí dụ, A và B gặp nhau trên đường cái.

                        A.  Phước cho người đi đến!

                        B.  Nguyện ông được phước gấp hai lần!

                        A.  Ông mạnh giỏi ra sao?

                        B.  Nhờ ơn ông, tôi mạnh.

                        A.  Nhờ ơn của Đức Chúa Trời.

                        B.  Đức Chúa Trời có lòng thương xót.

                        A.  Công việc của ông thế nào?

                        B.  Ngợi khen Đức Chúa Trời.

                        A.  Thân phụ ông thế nào?

                        B.  Cha tôi gởi lời chào thăm ông.

                        A.  Tôi rất mong mỏi được gặp thân phụ ông.

                        B.  Cha tôi lại càng mong mỏi được gặp ông.

                        A.  Tôi có thể giúp gì cho ông không?

                        B.  Nguyện Đức Chúa Trời cho ông sống lâu!

                        A.  Ông có một con ngựa tốt quá.

                        B.  Nó thích chở ông lắm.

                        A.  Khi nào ông sẽ trở về bình an vô sự?

                        B.  Tùy theo ý Chúa.

                        A.  Nguyện Chúa ở cùng ông!

                        B.  Nguyện ông được bình an!

            Xét những nỗi nhọc nhằn, lo lắng, và nguy hiểm xảy ra trong các cuộc viễn hành ở phương Đông, nên người Y-sơ-ra-ên gẫm lại cuộc hành trình qua đồng vắng, cho là một kỷ niệm và một sự đắc thắng của Đức Chúa Trời hay chăm nom, săn sóc và thương xót.  Xét như thế, thì phải liệt nữ hoàng Sê-ba vào hàng những người chịu từ bỏ mình để đi tìm kiếm sự khôn ngoan (Ma-thi-ơ 12:42). Xét như thế thì những chữ "một nơi ở" và "một thành để ở" sẽ có ý nghĩa sâu xa và êm ái dường nào!  Sự viễn hành ở phương Đông cũng giúp cho ta hiểu rằng khi Chúa tự xưng là "Đường đi", thì Ngài tỏ ý giúp đỡ loài người thể nào theo chổ ứng dụng thiêng liêng, và Ngài cũng bày tỏ cái hy vọng được hoan nghinh, yên nghĩ và hạnh phước khi chặng đường đời rút cục đã dẫn mình đến thành Vinh hiển có các cổng mở luôn không hề đóng.

9.  Y khoa và bịnh tật.-  Ở phương Đông có hai danh hiệu để gọi thầy thuốc chữa bịnh, ấy là "Người khôn ngoan" và "Người thánh khiết". Theo ngôn ngữ kim thời, thì hai danh hiệu ấy bày tỏ cái chơn lý mới mẽ, ấy là: Thầy thuốc phải thông minh sáng suốt, và bịnh nhơn phải bình tĩnh, tin cậy.

            (1)  Người khôn ngoan.-  Người phương Đông có rất nhiều vị thuốc về loại thảo mộc, nhưng theo các phương pháp cựu truyền, thì dùng sắt mà đốt thịt chiếm địa vị trọng yếu:  Họ chẳng hết sức tin một thầy thuốc nào, và cứ mời hết ông nầy đến ông khác. Cũng hay đến cho thầy thuốc khám bịnh. Nhà nào có đông người đi khám bịnh thì lấy làm tự hào.  Người giàu sang thường hay đưa tám, chín người nhà mình đi khám bịnh luôn một lúc.  Sự từng trải của người đờn bà có chép ở Mác 5:26 khiến ta nghĩ đến một thói tục lan rộng trong đời thượng cổ. Các cách chữa chạy khác nhau và bịnh nhơn đã từng trải đó sanh ra một sự khôn ngoan được giả định là trổi hơn sự khôn ngoan của thầy thuốc. Do đó có câu tục ngữ rằng: "Hãy hỏi bịnh nhơn, chớ hỏi thầy thuốc". Không kể các hiệu quả do sự ăn uống vô độ thường có ở phương Đông và phương Tây, thì các chứng bịnh thông thường hơn hết là: Đau mắt, bịnh ngoài da, đau ngực, sốt rét ngã nước và sốt rét thương hàn.  Danh từ dùng chỉ về bịnh của bà gia Phi-e-rơ (Lu-ca 4:38), "đau rét nặng lắm" - bây giờ chỉ về một cơn sốt rét cách nhật hoặc sốt rét ngã nước dữ di. Chứng nầy không hay lây đâu. Gióp dường cũng đã mắc cùng một chứng ấy (Gióp 30:17-18), ấy là xét theo các triệu chứng xương cốt ê ẩm và mồ hôi đổ ra vì sốt.

            (2)  Người thánh khiết.-  Theo phương diện tôn giáo hoặc mê tín của sự chữa bịnh, thì người ta kể sức khỏe là tình hình hợp lẽ tự nhiên, và bịnh tật là sự chết cần phải tìm ra duyên cớ. Đức Chúa Trời ở về phía sự sống, và Ngài cầm quyền trên bịnh tật do Ngài cho phép sanh ra; nhưng Ngài chỉ giao quyền ấy cho những người đã phó thác mình cho Ngài.  Trong thói tục phương Đông, đó là chổ mà chơn lý sai lệch và sự giả ngụy xen vào.  Người ta được tiếng là thánh khiết vì kiêng ăn, đi thăm các nơi thánh, học các sách phù pháp, và chăm chú vào các nghi lễ tôn giáo. Đi khắp xứ, thỉnh thoảng trên đỉnh một ghềnh đá chơ vơ nhưng dễ nhận biết, ta thấy nhiều cột trồng xuống đất và lợp lá, có vẽ thô sơ. Hỏi thăm mới biết rằng có một người đã ở lâu ngày tại đó, ăn bánh và uống nước của họ đem đến cho; người ấy để hết thì giờ cầu nguyện, và bởi đó được tiếng là nhơn đức, thánh khiết. Rồi theo thời gian, sẽ có nhiều người đến cầu hỏi mình mà dâng lễ vật xứng đáng.

            Các thánh đồ theo đạo Đấng Christ, các tăng đồ của Hồi giáo (derviches) và các thầy "cha-chams" của đạo Do Thái, là những người dùng quyền phép tôn giáo mà chữa bịnh, đều muốn được sự tôn sùng mê tín của dâng chúng; với tất cả các mạng lịnh vô lý và thường là ghê tởm của họ, họ tỏ ra mình biết một cách quỉ quyệt thể nào lòng bối rối được yên ủi và thể nào ý chí nhận được một sức mới mẻ để quyết định sống, không chịu chết.  Dân chúng hay nhờ họ cứu giúp trong những trường hợp dường như bị ma quỉ ám, như là: điên cuồng, động kinh và thất tình.

            Sự rao giảng Tin Lành đầu tiên ở xứ Sa-ma-ri, đảo Chíp-rơ, thành Phi-líp, thành Ê-phê-sô và nhiều chỗ khác, gặp sự phản đối, trở ngại do những người thánh ấy và quyền lợi của họ. Lễ trừ tà vẫn còn, nhứt là trong đám tín đồ Hồi giáo vô học; họ mô tả cuộc lễ và kết quả của cuộc lễ rất tỉ mỉ, tỏ ra một tấm lòng tin cậy lắm. Nụ cười hài hước của ông đốc tờ Tây là kẻ thù ghê gớm của lễ trừ tà nầy. Hiệp với cách chữa bịnh ấy còn có một cách hầu như phổ thông, ấy là đeo một thứ bùa nào đó để gìn giữ mình khỏi con mắt và quyền phép của ma quỉ.

            Trong vòng dân Do Thái, vật hộ mệnh cốt yếu là cái bùa, tức là cái hộp con màu đen, mỗi bề chừng ba phân tây, trong có miếng giấy chép Xuất Ê-díp-tô ký 13:5-9, Phục truyền Luật lệ ký 6:4-9; 11:13-21. Những ngày thuờng trong tuần lễ, khi cầu nguyện, người ta buộc một cái hộp bùa vào trán và một cái vào cánh tay trái, buộc bằng dây da đã đính sẵn vào hộp bùa. Người Pha-ri-si làm những hộp bùa lớn và dây da to (Ma-thi-ơ 23:5). Trong trường hợp của A-sa (II Sử-ký 16; 12), là vua đã tìm kiếm thầy thuốc chớ không nài xin Chúa để được chữa lành, thì ta không nên hiểu rằng đó là sự chữa bịnh bởi đức tin tương phản với các vị thuốc. Các thầy thuốc phương Đông đó cũng cầu đến các quyền lực siêu nhiên ; nhưng cũng các thầy thông giáo ngày nay, họ cầu các thiên sứ hoặc ma quỉ, tên các vị nầy oai quyền và linh thiêng đến nỗi chẳng ai dám đọc đến, tỉ như Sinoi, Sansenoi, và Samnangaleph.  Công nhận rằng sự tri thức uyên bác của y khoa là một ân tứ của Đức Chúa Trời, như thế là vận dụng quan niệm tôn giáo và lý tánh đến cực điểm.

            Người phương Đông tỏ ra mình coi trọng đức tin, vì họ thường trưng dẫn câu tục ngữ nầy: "Hãy có đức tin, mặc dầu chỉ là tin một hòn đá thì anh sẽ lành bịnh".

            Ta thấy cái khuynh hướng về mê tín trong một cách ngôn khác giống như một câu trong sách gọi mạo là "Những Lời Phán Của Đấng Christ"  cách ngôn ấy là: "Nhà thờ ở gần bên không thể chữa lành bịnh được"[4][4].

            Người ta tin quyết rằng dùng thuốc là bổn phận của loài người, còn chữa lành là công việc do quyền phép Đức Chúa Trời; sự tin quyết ấy còn sống sót sau khi những sự giả dối đời xưa chồng chất lên trên nó đã tiêu diệt rồi. Sự tin quyết ấy làm cho nhà giáo sĩ kiêm y sĩ (missionnaire-médecin) được coi là thích hợp và có ảnh hưởng đặc biệt trong mọi nước phương Đông.

            10.  Giáo dục.-  Sự giáo dục ở phương Đông chú trọng vào sự hiểu biết tôn giáo và ăn ở đạo đức. Nhà trường là một phần phụ thuộc với nhà thờ của đạo Đấng Christ, chùa miếu của đạo Hồi-hồi và nhà hội của đạo Do Thái. Sự quan trọng của nhà trường đã được bày tỏ bởi cây tục ngữ nầy: "Dạy dỗ con trẻ cũng như khắc đá; dạy dỗ người lớn cũng như sóng biển". Trẻ con đi học hầu hết từ lúc ấu trĩ, và  cứ theo học cho đến năm 12 hoặc 13 tuổi. Lý thuyết  giáo dục ở phương Đông bao gồm ảnh hưởng của cả sự dạy dỗ lẫn sự di truyền. Tục ngữ có câu: "Anh để cái gì vào bình, thì chỉ có thể lấy ra chính cái ấy". Lại có câu: "Nếu cha là hành, mẹ là tỏi, thì sao hay có mùi thơm ngào ngạt được?".

            Sự dạy dỗ tốt nhất là khiến con trẻ đọc từng câu, từng đoạn theo thầy giáo. Sự dục vọng của thầy giáo là những kẻ qua đường nghe rõ tiếng ê-a của bọn học trò đọc rập với nhau. Sự đó làm chứng cho phụ huynh rằng học trò đang siêng năng học tập, và bởi đó sẽ kéo nhiều học trò khác vào trường của thầy. Trong vòng dân Do Thái, nhà trường gọi là "nhà sách" tức là Kinh Thánh, và nhất là năm sách của Môi-se. Khi đọc Kinh Thánh và sách cầu nguyện của người Do Thái, thì thầy giáo cũng dạy cho học trò viết chữ Hê-bơ-rơ.  Chữ Hê-bơ-rơ có hai loại:  một loại cho người Askenazim hoặc người Do Thái ở Âu Châu, một loại cho người Sepharidim hoặc người Do Thái ở Đông phương. Chữ viết Hê-bơ-rơ nầy dùng để viết thơ và chép sổ sách, bất cứ là dùng tiếng gì,- tiếng Anh, tiếng A-rạp, tiếng Nga, tiếng Đức hoặc tiếng Ấn-độ.

            Sự dạy các qui tắc tôn giáo là quan trọng hơn hết, rồi tới sự dạy các thứ tiếng dùng làm phương pháp tiếp xúc với xã hội và buôn bán may mắn. Nền giáo dục là một cách huấn luyện trí não, nói như thế thì người ta không hiểu là gì.

            Làm tiêu biểu cho nền văn chương bình dân là những đám đông ngồi trong tiệm cà phê buổi tối và nghe một người kể những truyện về quyền phép của ma quỉ, những chiến công oanh liệt, những kho tàng tìm được, những truyện nầy nhan nhãn trong pho "Thiên phương dạ đàm".  Những người biết suy nghĩ hơn thì thích kê cứu nền văn chương trong các cách ngôn, tục ngữ.  Người Do Thái, người theo đạo Đấng Christ và người theo đạo Hồi-hồi đều quí chung sách Châm ngôn như nhau.

            Người A-rạp có cả một kho tàng cách ngôn, tục ngữ lượm lặt trong cõi thiên nhiên và trong sự kinh nghiệm.  Những tư tưởng cao siêu của các bậc hiền triết có thể dùng làm phương châm cho đời, những tư tưởng ấy đều được bày tỏ một cách rất mạnh mẽ và tốt đẹp, mặc dầu sự cao kỳ thường khi vượt quá sự cần dùng của cuộc đời thiết thực.  Sự thêm đặt nầy là một cách xông phá của Chơn Lý để đánh thức kẻ canh cửa, là trí Phán Đoán, đương ngủ vùi ở bên trong.  Hầu hết các cách ngôn, tục ngữ đặt theo thể thi ca, nên người ta dễ nhớ và dùng đến luôn.  Nhiều câu tục ngữ có ý nghĩa rất thâm thúy vì tìm được một chỗ giống nhau giữa những sự vật thuộc loại khác nhau. Những ví dụ vừa hay, vừa dễ làm cho cảm phục của Đấng Christ thật đã xứng hiệp với người phương Đông vốn ưa thích và biết thưởng thức những câu văn theo thể so sánh, tương tự.

11.  Tôn giáo.-  Tôn giáo là một thực sự trọng đại trong cuộc sanh hoạt ở phương Đông.

            "Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài" (Rô-ma 11 : 36). Đó là tiếng hoan hô của mọi vật sống hoặc có một danh để sống ở phương Đông.

            Đạo Đấng Christ, đạo Do Thái và đạo Hồi hồi có nhiều chỗ rất khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ nhận biết sự thực hữu và quyền năng của Đức Chúa Trời. Ở phương Đông, "không theo đạo nào" thì chẳng phải là một sự xét đoán của trí khôn, nhưng là một sự thiếu sót đạo đức. Chủ nghĩa hoài nghi vẫn bị coi là lòng không vâng phục tự binh vực mình (Thi thiên 14 : 1). Chối rằng không có Đức Chúa Trời hoặc minh chứng rằng có Đức Chúa Trời, cả hai sự đó đều bị coi là vô ích gần như nhau.

            Sự tin rằng danh Đức Chúa Trời là vinh hiển thât mạnh mẽ và phổ thông, đến nỗi nếu Tin Lành do các giáo sĩ rao giảng có thể thấu vào tinh thần, lòng dạ, và có thể làm cho yêu thương thêm vào đức tin, thì phương Đông lại khả dĩ có ảnh hưởng tôn giáo như sóng cả đem ơn phước cho hoàn cầu.

            Tôn giáo ở phương Đông có một tấm lòng cung kính sâu xa, nhưng lại hầu như bị tê liệt bởi sự mê tín, định mệnh thuyết và nghi thức.

            A.  Mê tín.-  Vì có nhiều kẻ làm trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, nên đạo Đấng Christ ở phương Đông đã sa vào một hố sai lầm mà đạo Hồi-hồi và đạo Do Thái lại thoát khỏi. Nhưng sự tin cậy bùa chú là chung cho cả mọi người; và quyền phép của con mắt ma quỉ và sự phát minh các đìều mầu nhiệm bởi pháp thuật vẫn là những tệ mê tín phổ thông. Tiếng A-rạp gọi là nhà tiên kiến những kẻ nào bày tỏ những việc mầu nhiệm, kín giấu bởi phép chiêu hồn, hoặc phép thông công với kẻ chết. Danh hiệu nhà tiên kiến và pháp thuật ấy đã có từ đời Sa-mu-ên. Ở I Sa-mu-ên 9 : 7 có một sự bối rối nổi lên quanh vụ cầu hỏi người Đức Chúa Trời mà không có lễ vật để dâng cho người. Chữ dịch là "lễ vật" theo tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng A-rạp, nghĩa là tiền công chỉ dẫn và tiếng chuyên môn ấy tỏ ra rằng những sự cầu vấn nhà tiên kiến như thế lan tràn khắp dân gian và thành ra một lối buôn thánh bán thần. Có một chữ khác tỏ ra những di tục tối tăm ấy vẫn còn bành trướng; ấy là chữ "thuật sĩ" theo tiếng Hê-bơ-rơ là "một kẻ biết", còn theo tiếng A-rạp đương dùng nói ngày nay lại là "một kẻ nói". Lại nữa, khi Kinh Thánh nói về một người đờn ông hoặc một người đờn bà có tà thần nhập vào, thì dùng chữ có nghĩa là "kẻ dùng một cái chai". Lối làm ở phương Đông hiện nay sẽ cắt nghĩa danh từ ấy. Nếu trong nhà mất một món tiền, thì họ mời bà bóng đền để tỏ ra tiền ấy giấu ở đâu và ai đã ăn cắp; bà bóng luôn luôn đem theo một cái chai trống không. Bởi vật trung gian ấy, bà bóng nói rằng mình gọi hồn những bà con của người mất của lên, và những câu đáp lại mà ai nấy nghe được thì bà bóng bảo là do cái chai phát ra.

            B.  Định mệnh thuyết.-  Người ta luôn viện đến thuyết số phận, chẳng những để chịu lấy cái họa không tránh được, nhưng cũng để chữa chôi sự vô ý và biếng nhác. Khí chất của cá nhân không thể nào thay đổi được, và phong tục của quần chúng thì không nên thay đổi. Người Do Thái làm trọn mọi sự công bình bởi theo đúng các di tục của đạo Do Thái; về phần người theo đạo Đấng Christ và đạo Hồi-hồi cũng vậy. Hết thảy công nhận rằng mục đích tối cao của tôn giáo là tôn vinh Đức Chúa Trời, nhưng con đường đi đến mục đích ấy đã bị lồi lõm và cản trở bởi những xe "Nghi lễ" và "Luật pháp".  Dân Y-sơ-ra-ên biết chắc các điều răn của Đức Chúa Trời; tín đồ Hồi giáo thêm vào đó cái phận sự phải phục tòng. Nhưng chỉ có đạo Tin Lành của ân điển Đức Chúa Trời có thể đổi luật pháp bề ngoài thành ra sự ưa thích bề trong, và đổi sự phục tùng ra sự tự do trọn vẹn. Hội Thánh Đấng Christ đã cử các giáo sĩ sang giảng đạo ở xứ Sy-ri và xứ Pha-lê-tin, thì hy vọng và cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh kíp ban phước cho những phương pháp dùng để sanh ra hiệu quả lớn lao đó. Đức Chúa Trời chẳng quăng bỏ dân Ngài đã chọn từ ngàn xưa, Ngài cũng chẳng muốn cho Ích-ma-ên (chỉ dân A-rạp) chết mất; lại nữa, danh hiệu Đấng Christ được bảo tồn trải qua bao nhiêu thế kỷ chịu thử rèn và ức hiếp, cũng chẳng phải là luống công, vô ích đâu. Có ơn phước dành sẵn cho xứ tại đó "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta" (Giăng 1 : 14).

            Ngay bây giờ quan niệm tôn giáo ở phương Đông dạy một bài học thường rất cần yếu cho những nước văn minh hơn. Những kẻ đã lưu truyền phần lớn các nghi lễ bề ngoài của đời xưa, thì cũng bảo tồn một chơn lý bề trong, tức là: Nhiệm vụ của tôn giáo là phải cung mọi sự cần dùng sâu xa nhứt của tấm lòng hơn là làm phu phỉ những sự cần dùng tối cao của trí tuệ. Ở phương Tây, Đức Chúa Trời làm nên một sự gì là vì Ngài tốt lành; ở phương Đông, thì chính sự ấy là tốt lành vì Ngài đã làm nên nó. Đức Chúa Trời cao trọng hơn phương Đông và phương Tây, nhưng hai phương nầy phải học lẫn nhau nhiều điều.  Phương Đông run sợ, không dám quả quyết rằng Đức Chúa Trời phải làm những gì. Có thể có định mệnh trong những cách giải thích cũng như trong số phận.  Khó bao quát mưu định của cõi đời đời trong cách thức của một ngày. Đạo Tin Lành lấy "danh Jêsus" làm chơn lý đầu nhứt và làm chung điểm (terminus); thống hệ thần học của đạo Tin Lành luôn luôn vẫn thấy dân Đông phương mau thất vọng vì thiếu quyền phép của sự cầu nguyện nhơn danh Jêsus.

            C.  Nghi lễ.-  Nghi lễ đầy dẫy trong Hội thánh phương Đông cũng như trong các nhà hội của dân Do Thái; nhưng trong các nhà hội sự phô diễn nghi lễ có những tiểu tiết vì có quan hệ với lịch sử Kinh thánh, và vì tỏ ra dân Do Thái còn ưa thích một cái gì hơn là Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ mà họ vẫn chối bỏ.

            Đời sống của người Do Thái có đạo từ cái nôi cho đến mồ mả, nghĩa là từ khi sanh ra cho đến khi qua đời. Trong phòng của người mẹ và đứa con mới sanh, thầy thông giáo gián một tờ giấy chép Thi Thiên 121 bằng tiếng Hê-bơ-rơ có thêm lời cầu xin ơn che chở của A-đam va Ê-va cùng các thiên sứ nhơn lành, và lời rủa sả quyền phép hoặc sự mon men đến gần của Leilith, là quỉ ban đêm.

Khi đã mười ba tuổi, các cậu bé Do Thái được cha đưa đến nhà hội, và tại đó cậu làm "con trai của Điều răn". Người Cha cảm tạ Đức Chúa Trời vì được thoát khỏi trách nhiệm về tinh thần đối với mọi sự hành động của đứa trẻ, vì bây giờ nó đã nhận được thần trí phân biệt thiện và ác (so sánh Phi-líp 1 : 9-10).  Khi thức dậy buổi sáng, người Do Thái đeo ở dưới áo cụt một cái tallith nhỏ, hoặc tấm vải cầu nguyện có những tua linh thiêng, rồi làm trọn những lẽ tin kính buổi sáng hoặc ở nhà, hoặc trong nhà hội.

            Có những câu cảm tạ đặt sẵn và khác nhau bằng tiếng Hê-bơ-rơ, dùng để đọc khi ăn bánh, thịt, quả và uống rượu.  Những cầu cảm tạ khi dùng các mùi thơm thì lại khác hẳn, vì là ứng dụng cho vỏ cây, hoa, lá hoặc phấn thơm.  Có những câu cảm tạ khi thấy một vật tốt đẹp hoặc lạ lùng trong cõi thiên nhiên, khi nghe một lời khôn ngoan hoặc gặp một người có tiếng là tin kính, đạo đức.  Họ học thuộc lòng hết thảy những câu ấy từ khi còn thơ ấu, bằng một lối văn không dùng trong khi nói chuyện thường hoặc trong cuộc sinh hoạt hằng ngày.

            Trong nhà, trên cột cửa phía hữu của mỗi căn phòng có người ở, có treo cái mezủza, tức là cái hộp con đựng điều răn chép trong Phục truyền 6 : 4-9. Có lẽ trong một thời kỳ, thói tục ấy đã có ý nghĩa tốt đẹp vì nhắc cho nhớ Vị Khách Vô Hình ở trong nhà, sự hiện diện của Ngài đáng phải kiểm soát và làm cho nên thánh mọi lời nói và việc làm trong nhà. Nhưng hiện nay cái hộp ấy chỉ là một cái bùa chú che chở những kẻ ngủ trong phòng khỏi bọn quỉ ban đêm vào làm hại. Ngoài chốn gia đình còn có những sự cầu nguyện trong nhà hội vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, và những sự cầu nguyện đặc biệt trong ngày Sa-bát và các ngày lễ tôn giáo. Sự hầu việc Đức Chúa Trời luôn luôn được tỏ ra là một luật lệ phải thi hành vừa theo ý nghĩa minh bạch của nó, vừa theo những hiệu quả.

            Sự dạy dỗ của các thầy thông giáo giống như một định khoản về quyền tác giả hoặc như thể lệ chơi một món thể thao. Vậy, đối với tội "nấu dê con trong sữa mẹ nó" (Xuất Ê-díp-tô ký 23:19) thì:

1)      1)        Cấm hẳn món ăn ấy;

2)      2)        Để tránh khỏi sự vô ý trn lẫn hai thứ ấy, không được dùng một vật gì vừa đựng sữa và đựng thịt ;

3)      3)        Ăn thịt phải cách xa uống sữa một khoảng thì giờ;

4)      4)        Nếu ăn thịt trước, thì khoản thì giờ ấy phải lâu hơn, vì mất nhiều thì giờ hơn để tiêu hóa;

5)      5)        Sữa đặc phải liệt vào loại thịt vì có chất tiểu ngưu vị chấp (présure).

            Các thầy giáo đạo Do Thái bảo rằng tìm các ình bóng giấu kín kia là khiến mình nên thánh!

            Tự nhiên lắm, sau khi thực hành mọi luật lệ nầy, người có tấm lòng nhơn ái phải tự hỏi : "Còn thiếu chi cho tôi nữa ?" (Ma-thi-ơ 19 : 20).

            Ngoài những luật lệ đối với các vấn đề đặc biệt và ngày Sa bát hằng tuần, đời tin kính của người Do Thái còn bị kiểm soát bởi các Lễ Thánh nối tiếp nhau. Ta có thể bày tỏ đời tin kính của họ một các rõ ràng hơn hết bởi mô tả sơ lược các Lễ Thánh ấy và cách họ giữ các Lễ Thánh ấy. Mỗi lần chúng ta sẽ phải nhận thấy thể nào "chữ làm cho chết" (II  Cô-rinh-tô 3:6). Nhưng đương khi xem xét, chúng ta hãy nhớ rằng nghi lễ không có yêu thương đã làm cho những cành nguyên của cây phải khô héo, thì cũng có thể làm hại chừng ấy hoặc hơn nữa cho những cành được tháp vào cây (xem Rô-ma 11:19-24)

            Có tám lễ chính, trong số đó có năm lễ do năm sách của Môi-sê chỉ định[5][5].

            (1)  Lễ Vượt Qua (Xuất Ê-díp-tô ký 12 : 1-28), từ ngày 15 đến hết ngày 21 tháng tư âm lịch (Abîb hoặc Nisân). Ấy là một khoảng thì giờ sửa soạn và vui mừng tưng bừng trong các gia đình Do Thái. Ấy là khởi đìểm của năm tôn giáo. Khi mặt trời lặn vào ngày 14 và các ngôi sao bắt đầu mọc, thì mọi sự đã sẳn sàng để giữ lễ. Đã chùi rửa nhà cửa xong rồi, mọi người trong nhà đã mặc quần áo mới, và qua khe những cửa lớn và cửa sổ dã đóng chặt ở khu người Do Thái trong thành phố, ta nghe mỗi bên có nhiều người cất cao giọng hòa nhịp đọc tiếng Hê-bơ-rơ. Chỉ có người Sa-ma-ri còn giữ tục quay chiên con theo như các mạng lịnh tù xưa ; nhưng hết thảy ăn các thứ rau đắng, nhứt là lá rau diếp quăn ăn với nước sốt (sauce) giống như vữa để nhớ lại khi làm tôi mọi trong xứ Ai-cập.  Trong khi đọc, người gia trưởng cắt nghĩa các biến động mà họ đường kỷ niệm, và hỏi mỗi đứa con trai nhỏ có mặt ở đó rằng nó đi đâu, thì chúng ta trả lời rằng: "Tôi đi từ xứ Ai-cập đến xứ Giê-ru-sa-lem". Dùng lối nói ấy vì tên MizrâimYerushalaim (Ai-cập và Giê-ru-sa-len) có vần với nhau.  Có bốn chén rượu để uống trong khi làm lễ.

            Muốn cho thuận tiện và lịch sự, người ta hòa rượu với nước. Phải là rượu thượng hảo hạng, và không có pha chất gì của dân ngoại chế ra. Người nghèo được phép dùng nước nho.

            Trong thời gian sửa soạn, người ta phải cẩn thận dọn nhà cho sạch hết men và bánh pha men, cùng mọi đồ vật đã dùng để chế, đựng hoặc chở men. Khi những người đờn bà đã xem xét và cọ rửa nhà cửa rồi, thì chủ nhà chính thức xem xét rất là trọng thể. Vì ông nhơn danh Đức Chúa Trời mà làm việc ấy, nên phải để một miếng bánh ở một chổ dễ thấy, vì nếu ông chẳng tìm thấy gì, thì dường như ông đã lấy danh Đức Chúa Trời mà làm chơi. Có khi họ chọn một người giả bộ mua hết mọi món có men hoặc có thể bốc men ở trong nhà, tỉ như giấm, rượu, nước nho và hoa quả đóng hộp. Người ấy mua xong, bèn xin gởi lại, sau sẽ đến lấy. Sau bảy ngày lễ Vượt qua, người đến lấy, rồi bán lại ngay, lấy đủ số tiền mà mình đã trả. Theo luật lệ của các thầy thông giáo, thì trong khoảng bảy ngày ấy các món ăn kia không phải là của gia đình ấy. Khi làm bánh không men, người Pha-ri-si ngày nay bịt một miếng vải mỏng trên miệng vò, nước đựng trong đó đã múc từ nơi giếng, e rằng lỡ có một miếng bánh thường ăn nổi trong vò nước chăng. Người ta chẳng hề nói gì theo tinh thần của I Cô-rinh-tô 5:8.

            (2)  Lễ Ngũ tuần.-  Lễ nầy nhằm năm mươi ngày sau khi bắt đầu lễ Vượt qua, tức là mồng 7 tháng 6 Âm lịch (Sivân).  Cũng gọi là Lễ Mùa màng (Xuất Ê-díp-tô ký 23 : 16), và lễ Bảy Tuần (Phục truyền Luật lệ ký 16 : 10).  Trong nhà hội, người ta kỷ niệm sự lựa chọn bảy mươi trưởng lão (Xuất Ê-díp-tô ký 24 : 1 ; Dân số ký 11 : 16).

(3)  Mồng ba tháng tám (AB).-  Người ta giữ ngày nầy để kỷ niệm cái ngày sầu thảm mà Đền thờ thứ nhứt và Đền thờ thứ hai đã bị hủy phá, và Giê-ru-sa-lem đã bị san phẳng.  Đồ đạc trong nhà hội bị lật và quăng ln bậy cả ; những kẻ thờ phượng đều kiêng ăn, quần áo họ xốc xếch và lê-bẩn ; họ đọc sách Ca-thương của Giê-rê-mi, và cầu nguyện xin Đấng giải cứu mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho kíp đến.

            (4)  Lễ thổi kèn (Lê-vi-ký 23 : 24 ; Dân số ký 29 :  ).-  Lễ nầy nhằm ngày mùng một tháng mười (Ethanim hay là Tisri), tức là ngày đầu năm theo lối tính việc đời.  Ngày nầy có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo, vì là ngày thức nhứt của mười ngày ăn năn trước Ngày Chuộc Tội. Người ta truyền khẩu rằng trong ngày đầu năm nầy, tên những người Y-sơ-ra-ên phải chết trong năm ấy đều ghi vào Sổ Sự Chết, còn tên những kẻ được sống sót đều ghi vào Sổ Sự sống.

            Trong mười ngày nầy người ta có dịp tiện làm cho tên mình được đổi từ Sách nọ sang Sách kia bởi chăm chú thêm vào sự cầu nguyện, sự ăn năn và các luật lệ, các phận sự trong nhà hội.  Sự mê tín nầy còn mạnh hơn sự mê tín của Hội kia.  Đối với tòa giải tội và lễ Mi-sa, vì lòng kiên quyết nương cậy Đức Chúa Trời chớ không nương cậy thầy cả.  Nhưng cả hai cùng có mục đích dọa nạt linh hồn, bóp nặn tiền bạc, và tỏ ra người ta có thể chịu khó giựt phước nơi tay Đức Chúa Trời.

            (5)  Ngày Chuộc Tội (Lê-vi-ký 16:3-10 ; Dân số ký 19:7-11).-  Ngày nầy (Mồng 10 tháng 10) long trọng đặc biệt. Những người Do Thái không đến nhóm họp trong nhà hội lúc cuối năm, bây giờ đều có mặt và dự cuộc thờ phượng suốt ngày. Họ giết gà trống và gà mái trắng, làm biểu hiệu cho sự tha thứ và sự thanh bạch. Cũng vì một lẽ ấy, học mặc áo trắng; và xuốt ngày họ đọc bài cầu nguyện hạ mình và ăn năn.  Những điệu b hăng hái và những tiếng nói nghên ngào vì thổn thức khiến người ngoại quốc có cảm tưởng rằng mình đứng xem một đám tang sầu não, kinh khiếp. Thật chẳng khác chi một linh hồn cố gắng tìm lại một bản năng đã mất hoặc quay về nguyên trạng.  Đó là cảnh tượng ăn năn hằng năm, nhưng nó chẳng có quyền phép gì để thay đổi lòng người (Hê-bơ-rơ 10:3, 4).

            (6)  Lễ Lều Tạm (Lê-vi ký 23:34; Dân-số ký 29:12; Phục truyền Luật-lệ-ký 16:13).-  Lễ nầy bắt đầu ngày 14 tháng mười, sau khi mặt trời lặn.  Ấy là ngày Lễ Cảm Tạ (như của người Mỹ)  vì hái các trái cây mùa hạ, nhứt là nho, vả, và ô-li-ve.  Suốt tám ngày lễ nầy, người Do Thái dựng các lều bằng cành, lá và các trại bằng vải cát bá ở trên bao lơn, trên mái nhà bằng phẳng, rồi vào đó dùng bữa.

            (7)  Lễ Đèn sáng (xem Giăng 10 : 22), ngày 25 tháng chạp (Chislen), để kỷ niệm sự lập lại cuộc thờ phượng trong Đền thờ, sau khi nơi thánh ấy đã bị xâm phạm bởi Antiochus Epiphane trong thời Macchabées (168 - 165 T.C.,).

            (8)  Lễ Phu-rim (Ê-xơ-tê 9:19) nhằm ngày 14 tháng ba (Adar). Họ đọc hết sách Ê-xơ-tê trong nhà hội, hô danh Mạc-đô-chê mà chúc phước cho, lại hô danh Ha-man của nguyền rủa. Họ làm tượng của Ha-man cho con trẻ ném đá, và người giàu đem đồ ăn cho người nghèo ngõ hầu tất cả dân Y-sơ-ra-ên đều thỏa thích. Người ta có thói quen nói rằng bàn ăn dọn sang hoặc bữa cơm ngon miệng là "một lễ Phu-rim".

            Sự thờ phượng và các lễ trong nhà hội được dân Do Thái coi trọng hơn hết, kể là phương pháp độc nhứt còn sót lại để bày tỏ và gìn giữ tính cách chủng tộc của họ. Những sự đó thành ra vật thay thế quan niệm tôn giáo chân chính, chớ không nâng đỡ quan niệm ấy, vì mỗi một lễ kỷ niệm cuộc quá khứ đều trái ngược với hoàn cảnh hiện tại. Vậy, lễ Vượt qua nhắc lại tên và chỗ của tổ quốc cho những kẻ không còn có tổ quốc. Những lễ thuộc về nghề nông, như lễ Ngũ Tuần và lễ Lều tạm, thì cử hành bởi những người sợ không dám làm việc lao động. Người Do Thái đã có tiếng là "kẻ xuất ngoại và sống một đời vô định" trên mặt đất, nhưng hằng ngày họ vẫn đọc trong sách Cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Ngài vì Ngài chẳng để tôi làm một người ngoại quốc". Thật là kỳ dị, cái mối quốc gia hợp nhất lại do chính những nghi lễ đó,- những nghi lễ tỏ ra rằng dân tộc ấy đã cách xa nguyên trạng của họ. Những đặc điểm nầy hẳn phải gợi lòng thương cảm của tín đồ Đấng Christ, vì biết rằng cái điều cần yếu cho người Do Thái ấy là sự tha thứ và sự công bình của Đức Chúa Trời cùng lòng yêu thương ràng buộc của Đấng Christ.

            Có lẽ sự trái ngược giữa cuộc quá khứ và cuộc hiện tại lên đến tuyệt điểm khi xong lễ thờ phượng trong nhà hội, thầy tế lễ lấy cái tallith (tấm vải cầu nguyện) trùm mặt lại mà đọc lời chúc phước của Môi-se (Dân số ký 6:24-26).  Phải đề phòng như thế, kẻo lỡ người thay Môi-se mà nói lời của Môi-se sẽ lòa ra vinh quang xưa kia đã chói sáng trên mặt Môi-se, là nhà lãnh tụ trứ dah ban bố luật pháp, và bởi đó đánh chết hết dân chúng chăng.

            Vì sự tàn bạo của hình thức trống rỗng đó và vì sự hạn chế trong vòng một nước những điều mà Đức Chúa Trời đã tỏ cho cả thế giới đó, nên Hội Thánh Đấng Christ có phận sự giảng Tin Lành cho người Y-sơ-ra-ên. Ấy là sứ mạng của người em xưa đã vung phí hết của cải phải truyền cho người anh đương mắc vòng nguy hiểm là chính của cải mình xô vào cảnh nghèo túng. Sự đòi riêng hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời đó là và bao giờ cũng là con đường phân rẽ giữa nhà hội của người Do Thái và nhà thờ của tín đồ Đấng Christ. Ấy là "lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt sắng đó là không phải theo trí khôn" (Rô-ma 10:2); vì cái chơn lý mà dân Do Thái chối bỏ ấy là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong sự cứu rỗi mọi nước (Công vụ các sứ đồ 2:21-39; 3:25; 6:14; 10:28-43; 13:47; 14:27; 17:27; 22:21, 22; I Ti-mô-thê 2:7).

            Pha-lê-tin là một xứ có những kỷ niệm thiêng liêng. Một vài kỷ niệm còn giữ nguyên giọng nói của người sống; còn một vài kỷ niệm chỉ là những chữ phai nhạt trên phần mộ ghi chép những việc đã làm khi hơi thở sanh mạng còn ấm nóng.

            Cái chơn lý cao trọng về cá nhân tôn giáo (religion personnelle) mà trải qua bao nhiêu thế kỷ, phương Đông đã truyền dạy bởi các biểu hiệu và của lễ và thường đã làm giảm giá trị đi bởi cớ lễ nghi và mê tín - cái chơn lý ấy là "Đức Chúa Trời giao phó quyền phép của Ngài cho những kẻ nào giao phó thân mệnh mình cho Ngài".  Các cuộc qui định cái chơn lý ấy và sự phát triển của các cuộc qui định ấy từ các đời thượng cổ, là cách bày tỏ khoản luật pháp tối trọng của xã hội định rằng cá nhân phải vì gia đình, gia đình phải vì quốc gia, quốc gia phải vì thế giới, và thế giới phải vì Đức Chúa Trời.

            Đối với chính Kinh Thánh, bài khảo cứu "các nghi thức và phong tục" nầy đặt trước mặt chúng ta một loạt tư tưởng, tập quán và chế độ sẽ giải nghĩa và chứng thực cho những đoạn ngụ -ý nói đến các chi tiết giống như thế ở trong Kinh Thánh. Bài khảo cứu nầy tỏ ra sứ mạng của sự khải thị thích hợp với các hoàn cảnh của loài người một cách đầy đủ và mật thiết là dường nào!

            Vậy, trong tâm trí ta có cảm tưởng rằng Kinh Thánh là một sách cốt để cho loài người khảo cứu và coi quí vì ghi chép những việc quá khứ. Và trên hết mọi sự, ta phải yêu mến và kính trọng Kinh Thánh vì Kinh Thánh được dùng làm tiếng Đức Chúa Trời phán đời đời với muôn dân muôn nước.

 

 

- HẾT -

 

 

 

 



[1][1]  Tức là người A-rạp du mục ở trong đồng vắng của Phi châu và A-rạp, sống bằng nghề cướp bóc.

[2][2]  Hộp này đựng bản chép đoạn Kinh Thánh; người Do Thái đeo làm như bùa hộ mệnh.

[3][3]  Hiện nay xứ Ai Cập đã được độc lập.

[4][4]  Câu trong sách ấy là : "Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đấng tiên tri chẳng được tôn kính trong quê hương mình, thầy thuốc cũng không chữa khỏi bịnh những kẻ quen biết mình".

[5][5]   Phải nhớ: (a)  Người Do Thái tính năm theo âm lịch; năm âm lịch ngắn hơn năm dương lịch, nên ngày, tháng đi mau hơn cho đến khi ngừng lại và quay về ngày, giờ theo dương lịch vì cớ thêm vào tháng chạp nhuận, gọi là Adar (Mars); (b) Tháng âm lịch không luôn luôn bắt đầu cùng một ngày với tháng dương lịch và thường gồm những ngày của hai tháng khác nhau theo cách tính của người phương Tây. (c) Ngày của người Do Thái luôn luôn bắt đầu lúc mặt trời lặn buổi tối hôm trước (Sáng-thế-ký 1:5).

 

Các bài khác :: CUỘC ĐỜI NHÀ TRUYỀN GIÁO TỐNG THƯỢNG TIẾT
:: Ai lấy miếng Pho mát của tôi?
:: Nếu bắt đầu lại chức vụ
:: Lịch sử những bài thánh ca
:: Truyện ngắn "Câu chuyện của một cụ già"

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi