Tấm gương của Hội Thánh Ê-phê-sô

 

TẤM GƯƠNG CỦA HỘI  THÁNH Ê-PHÊ-SÔ  

 

I. LÒNG KÍNH MẾN BAN ĐẦU

Ê-phê-sô là thủ đô của tỉnh A-si thuộc La Mã, là thành phố chính của A-si trong việc phổ biến sự thờ phượng các Hoàng Đế Sê Sa, nơi đây cũng là trung tâm thương mại quan trọng. Thành phố này nằm giữa trục lộ của những thương gia vì có một hải cảng sầm uất, nên thành phố rất giàu có. Sứ đồ Phao Lô đã phục vụ tại Ê-phê-sô gần 3 năm , khoảng năm 53-57 S.C. Hội Thánh ông thành lập gần giống như khuôn mẫu đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem.

            Phao Lô bắt đầu chức vụ tại Ê-phê-sô bằng sự rao giảng trong nhà hội được 3 tháng. Khi sự chống đối gia tăng dữ dội, ông tụ tập những môn đệ và dời về giảng thuyết tại trường Ti-ra-nu, tại đó hằng ngày ông tiếp tục thảo luẫn trong thời gian hai năm. Qua những sự kiện vừa kể, một lần nữa chúng ta thấy lẽ thật trong Rô-ma 8:23: ” Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.” Trong thời gian 3 tháng đầu Phao-lô giữ chức vụ trong nhà hội, ông bị hạn chế chỉ được nói vào ngày Sa-bát, và chỉ có những người Do Thái hoặc những người theo đạo Do Thái mới được nghe, còn những người ngoại đạo thì bị trục xuất khỏi nhà hội. Nhưng khi ông bị “bắt buộc” rời khỏi nhà hội để dời qua trường học Ti-ra-nu, hằng ngày ông thảo luận và giảng cho người Do Thái lẫn người Hi Lạp (Công vụ 19:9,10). Phao Lô cho biết rằng ông dạy công khai từ nhà nầy sang nhà khác (Công Vụ 20:20). Khi tìm hiểu thế nào “Cả người Do Thái và người Hi Lạp sống ở tỉnh A-si đều nghe lời Chúa”, thì chúng ta thấy được kiểu mẫu của Hội Thánh Ê-phê-sô là việc “Đào tạo môn đệ” và quyền năng Đức Chúa Trời đã hành động trong đời sống của những người nghe lời Ngài (Công vụ 19:10). Tỉnh này có chu vi ước khoảng 450 dặm vuông (675 km vuông). Chắc chắn việc Phao Lô hằng ngày thảo luận tại trường Ti-ra-nu thì bản thân ông khó có thể đem lời Chúa đến với những người ở nơi xa được. Vậy, làm thế nào để những người ở khắp tỉnh A-si đều nghe lời Chúa?  Giống như những tân tín hữu đã mở rộng bờ cõi Hội Thánh vượt khỏi biên giới của Giê-ru-sa-lem thì  những tân tín hữu từ Ê-phê-sô cũng mang lời Đức Chúa Trời đến những thành phố xa của tỉnh A-si. Điều này không những là sự suy luận hợp lý, nhưng Phao Lô còn chỉ cho chúng ta kết quả hiệu nghiệm: Trong đoạn một của thơ Cô-lô-se, khi viết cho những tín hữu ở Cô-lô-se, một trong những thành phố chính ở tỉnh A-si, Phao Lô nói về việc ông “Nghe” về đức tin của họ trong Đức Chúa Giê Su  Cơ Đốc và về tình yêu của họ hơn là những gì bản thân ông kinh nghiệm từ việc ở với họ. Ông cho chúng ta biết rằng những người ở Ê-phê-sô được nghe Phúc Âm qua bạn đồng lao của ông là Ê-pháp-ra, là người có liên quan với Phao Lô về sự tăng trưởng trong đức tin và trong kinh nghiệm tình yêu thương với người Cô-lô-se. Phao Lô xác nhận trong đoạn 2:1 rằng ông chưa gặp tín hữu nào tại Cô-lô-se, ngay cả những người ở Lao-đi-xê. Cuối câu ông nói rằng còn nhiều người khác nữa đã tin Đức Chúa Giê Su Cơ Đốc làm Cứu Chúa mình, nhưng bản thân ông chưa tiếp xúc. Bằng cớ Hội Thánh Ê-phê-sô có khải tượng trong sự truyền giảng Phúc Âm của Chúa Giê Su vượt qua biên giới của thành phố mình và họ đã lớn lên mang theo kết quả, Cô-lô-se đoạn 1. Cùng khuôn mẫu đó xuất hiện ở Hội Thánh Cô-lô-se. Điều này xảy ra khi những môn đệ đã được huấn luyện chịu ra đi thành lập Hội Thánh.

II. HỘI THÁNH SA SÚT:

Ê-phê-sô là thành phố lớn nhất của vùng tiểu Á, vượt qua eo biển đen đến đất nước Hi Lạp, Âu Châu. Nhà địa lý Strabo gọi Ê-phê-sô là “Cái chợ của A-Si”. Đặc điểm của thành phố này là đền thờ Artermis, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ, sách Công vụ các sứ đồ đoạn 19 gọi đền này là đền thờ nữ thần Đi Anh. Đền thờ là khu vực chứa chấp cho bất cứ ai phạm tội gì, nếu ai chạy trốn vào đền sẽ được an  toàn. Trong đền thờ có hàng trăm nữ tư tế gọi là “Điếm”. Tại Ê-phê-sô còn nổi tiếng về những “Bùa” chữa bách bệnh, làm cho người hiếm muộn có con.v.v... Nơi đây không có chút hi vọng gì cho những hạt giống đạo của Chúa Giê Su. Thế nhưng tại nơi đây, Cơ Đốc Giáo đã thành công và phát triển mạnh mẽ nhất. Trench viết: “Không có ở đâu khác Cơ Đốc Giáo gặp được vùng đất tốt hơn và đâm rễ hơn, kết nhiều quả đức tin và yêu thương hơn”. Tại đây sứ đồ Phao Lô đã dừng chân lâu hơn bất cứ thành phố nào khác (Công Vụ 20:31). Ti-mô-thê là mục sư đầu tiên của Hội Thánh này (I Ti-mô-thê 1:3). Tại Hội Thánh Ê-phê-sô vợ chồng Bê-rít-sin là A-qui-la, đồng nghiệp may trại của Phao Lô giúp đỡ cho nhà truyền đạo trẻ A-bô-lô hiểu thêm về lẽ đạo (Công Vụ 18:26). Những trưởng lão tại Ê-phê-sô rất yêu mến sứ đồ Phao Lô (Công Vụ 20:17-38). Theo lời truyền khẩu vào thời gian sứ đồ Giăng quản nhiệm Hội Thánh Ê-phê-sô, ông đã đem Ma-ri, mẹ Chúa Giê Su, đến đây ở cho đến khi qua đời và được chôn cất tại thành phố này. Trong lúc giáo phụ Ignatus ở An Ti Ốt đến Rô Ma để chịu tuận đạo ông đã viết cho Hội Thánh Ê-phê-sô những dòng thư: “Các bạn vẫn luôn đồng tâm, nhất trí với sứ đồ trong quyền năng của Chúa Cứu Thế Giê Su.”

Hội Thánh Ê-phê-sô là một Hội Thánh đã đóng vai trò thay đổi bộ mặt thành phố, chứng minh quyền năng chinh phục của Cơ Đốc Giáo bởi đức tin và lòng kính mến Chúa nhiệt thành mạnh dạn. Tuy nhiên đến lúc sa sút Hội Thánh có các hiện tượng của những kẻ gian ác phá hoại Hội Thánh khiến các tín hữu chân thật phải chịu đựng nhiều hơn, hầu việc Chúa khó khăn hơn. Ngoài ra còn có các Sứ đồ giả dạy họ hiểu sai lạc về giáo lý, về quyền năng, ân điển của Chúa, dẫn dụ Hội Thánh hòa hợp với các “Nữ tư tế” trong đền thờ Artermis, nơi chứa chấp bao che cho bất cứ ai phạm tội gì. Chính vì vậy mà họ  đã cùng chung số phận với thành phố Ê-phê-sô mà ngày nay nơi đây không còn gì ngoài đống đổ nát cách xa biển gần 9 cây số. Hải cảng phồn thịnh Ê-phê-sô ngày xưa bây giờ là vùng đầm lầy, lau sậy. Giai đoạn sa sút này Chúa đã đưa ra lời cảnh cáo “Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, Ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì Ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó.” Khải huyền 2:5  

                                                            Mục sư Nguyễn Quốc Dũng

  

           

 


Các bài khác :: Bài Học Kinh Thánh Giăng số 22
:: Bài Học Kinh Thánh Giăng số 21
:: Bài Học Kinh Thánh Giăng số 20
:: Bài Học Kinh Thánh Giăng số 19
:: Bài Học Kinh Thánh Giăng số 18

Liên hệ

Hội Thánh Baptist Công Bình 380/383 Phạm văn Hai P.5 Q. TB. TPHCM (ĐT: 38454061) Giờ nhóm CN: Sáng 8 giờ Chiều 6 giờ 30. Quản nhiệm Hội Thánh MS. Nguyễn Quốc Thịnh. ĐT: 38454061. Chủ nhiệm Mục vụ: MS. Nguyễn Quốc Dũng. ĐTDĐ 0938615997



Câu gốc hôm nay

“Vì vậy, Ngài phán rằng sẽ diệt chúng nó đi; Nhưng Môi-se, là kẻ Ngài chọn, đứng nơi triệt hạ trước mặt Ngài, đặng can gián cơn giận Ngài, e Ngài hủy diệt họ chăng.”. Thi Thiên 106: 23.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


» gửi email cho chúng tôi » xem thêm các hình ảnh khác » gửi câu hỏi cho chúng tôi