Tại sao ngày nay chúng ta không nói tiếng lạ?
Tại sao ngày nay chúng ta không nói tiếng lạ?
Công vụ Các Sứ đồ 2.14-21
Phép Báp têm lúc ban đầu và sự đầy dẫy của Đức Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ Tuần. Chúng ta thấy rằng như một kết quả của Đức Thánh Linh giáng lâm trên Hội Thánh, các môn đồ đã có thể "Nói các thứ tiếng khác". Văn mạch nói rõ rằng "Các thứ tiếng" đề cập tới những ngôn ngữ đã biết, chớ không phải nói ra trong trạng thái say sưa hoặc lảm nhảm không hiểu được. Thành Jerusalem đầy dẫy với lữ khách Do thái đến từ các nơi trên thế giới. Như các môn đồ đã nói, Đức Chúa Trời đã phiên dịch lời nói của họ một cách lạ lùng để họ có thể nghe được bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Câu 6 nói rằng mỗi người nước ngoài đều "nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình". Ở câu 8, họ xưng nhận như sau: "Vậy thì, sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng của xứ chúng ta sanh đẻ?" Ở các câu 9-11, có khoảng 16 thứ tiếng và thổ ngữ khác nhau đã được nhắc tới. Ở câu 11, giờ đây chúng ta học biết những gì đã được thốt ra. Các môn đồ đã nói "những sự cao trọng của Đức Chúa Trời".
Bây giờ, khi lẽ thật của Đức Chúa Trời đã được công bố, có người bị lẽ thật ấy hấp dẫn và những người khác sẽ cự tuyệt. Chúng ta nhìn thấy cả hai nhóm nầy ở các câu 12-13. Có người "sợ hãi" đến hỏi các môn đồ: "Việc nầy là nghĩa làm sao?" Nhiều người khác đang "nhạo báng" và bào chữa tình trạng nầy bằng cách nói: "Họ say rượu mới đó". Ở câu 14, Phi-e-rơ "đứng ra". Ông "cất tiếng nói với dân chúng". Ông đã giảng bài giảng đầu tiên của mình trong kỷ nguyên Hội Thánh. Dự tính của ông là khởi sự với câu hỏi nầy về sự tỏ ra lạ lùng của các thứ tiếng rồi bước qua câu hỏi quan trọng nhất: Còn về Chúa Jêsus thì sao? Ông nói rằng tất nhiên là "Những người nầy chẳng phải say như các ngươi ngờ đâu". Tại sao chứ? Vì khi ấy là "Giờ thứ ba ban ngày". Đồng hồ của người Do thái tính giờ bắt đầu lúc mặt trời mọc hay 6 giờ sáng. Vì thế "giờ thứ ba" sẽ là 9 giờ sáng. Khi ấy là quá sớm vào ban ngày nên chẳng ai uống rượu cả. Hôm ấy là ngày Lễ Ngũ Tuần, một ngày thánh trong xứ Israel. Vào lúc giữa buổi sáng, ai nấy đều sẽ đến dâng hoa quả đầu mùa của mình. Đây không phải là ngày để say sưa. Lời đề xuất kia rất là lố bịch.
Không, họ không say rượu đâu, thay vì thế Phierơ nói: "Nhưng ấy là điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri". Phi-e-rơ đã đáp lại câu hỏi kia bằng cách đưa họ đến với Kinh Thánh, đặc biệt sách tiên tri Giô-ên trong Cựu Ước. Qua Giô-ên, Đức Giê-hô-va đã nói trước kỷ nguyên ân điển nầy mà chúng ta hiện đang sống trong đó. Sứ điệp của Giô-ên tập trung vào công tác của Đức Thánh Linh. Hãy nhớ trong suốt kỷ nguyên Cựu Ước, chẳng có sự hiện diện nào ở bên trong của Đức Thánh Linh cả. Đức Thánh Linh đã ở với họ, song chưa ở trong họ. Đấy là lý do tại sao Đa-vít đã cầu nguyện ở Thi thiên 51.11: "Xin chớ từ bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa". Chúa Jêsus đã phán: "Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên ủi khác, để ở với các ngươi đời đời" (Giăng 14.16). Chúa Jêsus sẽ ra đi, nhưng Đức Chúa Cha sẽ sai một Đấng khác đến, Đấng nầy giống như Ngài vậy. Hôm nay, chúng ta sẽ chia lời tiên tri của Giô-ên ra làm ba phần: những điều đã ứng nghiệm rồi, những điều sẽ ứng nghiệm và lẽ thật bao quát.
Trước tiên, chúng ta thấy những điều đã ứng nghiệm rồi được thấy có ở các câu 17-18. "Những ngày sau rốt" nói tới kỷ nguyên sau cùng trên hành tinh quả đất. Trong thời buổi sau cùng nầy, Đức Chúa Trời hứa: "Ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt". Lời hứa ấy ứng với Lễ Ngũ Tuần! 120 người nam người nữ, các "con trai" và "con gái" của Đức Giê-hô-va đang nói tiên tri cho đoàn dân đông nghe. Khi chúng ta quay sang sách Công vụ Các Sứ đồ, chúng ta sẽ thấy vài “chiêm bao” và “sự hiện thấy” khác biệt do Chúa ban ra. Đây là những dấu kỳ khai mạc cho kỷ nguyên ân điển. Thứ hai, chúng ta thấy những điều sẽ ứng nghiệm. Các câu 19-20 chép rằng: "Mặt trời sẽ biến nên tối tăm, mặt trăng hóa ra máu" và các dấu nầy sẽ dẫn đến "ngày lớn và vinh hiển của Chúa". Đấy là những dấu hiệu quan trọng về thời tiết không kèm với Lễ Ngũ Tuần theo các sách tiên tri khác, nhưng sẽ xảy ra ngay sự tái lâm của Đấng Christ. Thứ ba, chúng ta thấy lẽ thật bao quát. Câu 21 chép: "Và lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu". Kỷ nguyên ân điển nầy, kỷ nguyên Hội Thánh nầy đã được khai mạc bởi phép lạ nói các thứ tiếng trong sự giáng lâm của Đức Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ Tuần. Kỷ nguyên ấy sẽ được kết thúc với "các dấu lạ trên trời", song đồng thời, chúng ta cần phải làm chứng cho Tin Lành và khích lệ mọi người phải cầu khẩn "danh Chúa". Tuần qua, tôi hứa với bạn là tôi sẽ dành thời gian hôm nay để giải thích những điều Kinh Thánh nói về ân tứ tiếng lạ. Tôi phải mất mấy phút để đề ra bối cảnh nầy trong sách Công vụ Các Sứ đồ. Bạn đã nhìn thấy ân tứ chân chính là gì rồi. Nhưng chúng ta muốn nghiên cứu một số phân đoạn Kinh Thánh và tìm cách hiểu rõ mọi sự mà Kinh Thánh dạy về việc nói tiếng các thứ tiếng. Một trong những thắc mắc hay có nhất mà người ta hỏi tôi là: "Tại sao chúng ta không nói tiếng lạ?" Họ sẽ chỉ ra rằng trong Hội Thánh đầu tiên, các tín hữu đã nói các thứ tiếng vậy tại sao ngày nay chúng ta không nói chứ? Trải qua nhiều năm trời, tôi đã giảng dạy về đề tài nầy, song dường như đây là thời điểm thích hợp để viếng lại đề tài ấy ở đây theo ánh sáng của văn mạch trong Công vụ Các Sứ đồ 2. Có phải bạn bị sốc khi hay được rằng trong đời sống tôi, tôi đã từng cầu xin muốn nhận lãnh ân tứ nói tiếng lạ? Khi tôi còn là sinh viên trong trường thần học, tôi đã có một sự khát khao về Đức Chúa Trời. Tôi muốn biết nhiều, nhiều hơn về Ngài. Tôi nhớ mình đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, nếu Ngài có nhiều thứ để dành cho con, con không muốn thiếu đi một thứ nào hết. Nếu ngày nay thực sự có một ân tứ tiếng lạ năng động, con muốn có ân tứ đó. Con không muốn truyền thống hay văn hoá hoặc lai lịch của con đứng chặn trên con đường phước hạnh mà Ngài muốn ban cho con". Đức Chúa Trời đã trả lời cho sự cầu nguyện đó. Không, tôi không bao giờ nói tiếng lạ. Thay vì thế, tôi mở quyển Kinh Thánh của mình ra và học biết được rằng khao khát Đức Chúa Trời là một việc rất tốt. Tôi học biết được mình có thể uống no đầy Lời của Ngài. Thi thiên 34.8 chép: "Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!" Chúng ta cần phải xử lý với vấn đề tiếng lạ vì vấn đề nầy sẽ bị hiểu sai ở một cấp độ rất lớn. Có lẽ Hội Thánh lớn nhất ở Amarillo cũng như nhiều Hội Thánh nhỏ hơn không những dạy rằng dân sự ngày nay có thể và nên nói các thứ tiếng, mà còn tin họ có thể dạy cho bạn cách để nói tiếng lạ nữa. Cho phép tôi trình bày rõ rằng rằng tôi rất thích dân sự thuộc hệ phái Ngũ Tuần, họ có sức lôi cuốn rất nhiều. Phần nhiều trong số họ là anh chị em trong Đấng Christ. Tuy nhiên, khi tôi yêu mến hàng người nầy, tôi xem thường lẽ đạo của họ. Các nhóm lôi cuốn nhất truyền dạy một hình thức "phước hạnh thứ nhì". Điều nầy dựa theo một sự giải thích giả dối Công vụ Các Sứ đồ 2. Họ dạy rằng bạn đã từng được cứu, bạn cần phải khao khát một lễ Ngũ Tuần cho riêng mình. Bạn cần phải cầu nguyện và kêu cầu với Đức Chúa Trời và rồi Ngài sẽ làm báptêm cho bạn bằng Đức Thánh Linh và điều nầy sẽ được chứng tỏ qua khả năng nói tiếng lạ. Tuy nhiên, bạn đã chịu phép báptêm bằng Đức Thánh Linh rồi (I Côrinhtô 12.13) và mọi sự họ đề cập đến như nói tiếng lạ là một sự kêu cầu giống như những gì các vị sứ đồ đã làm trong ngày lễ Ngũ Tuần. Vì thế, trong thì giờ còn lại sáng hôm nay, tôi muốn cung ứng cho bạn 5 phút để biết lý do tại sao chúng ta không nói tiếng lạ hôm nay.
I. Luận về tin tức có hạn.
Nếu nói tiếng lạ là quan trọng cho đời sống thuộc linh và sự thờ phượng Đức Chúa Trời, nó phải được dạy dỗ khắp cả Kinh Thánh, có đúng không? Nếu sự ấy là quan trọng, phải có nhiều sự dạy dỗ về sự ấy, có đúng không? Một trong các luật lệ của khoa chú giải hay giải thích Kinh Thánh, ấy là số lượng tin tức được đưa ra cho một đề tài mô tả tầm quan trọng của nó. Thí dụ, đời sống và chức vụ của Đấng Christ rất quan trọng đến nỗi bốn quyển sách khác nhau do bốn tác giả khác nhau với những nhận định khác nhau đã được đưa ra để mô tả đời sống đó. Tin lành, sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ đã được dạy dỗ hay nói tới trong TỪNG sách của Kinh Thánh, cả Cựu và Tân Ước. Các đề tài như cầu nguyện và thờ phượng đều đã được mô tả, khích lệ và minh hoạ trong từng sách của Kinh Thánh. Một người có thể nghĩ rằng nếu nói tiếng lạ là quan trọng cũng như những người rất lôi cuốn nghĩ thế, thì mọi tin tức chính cũng phải được nhận lãnh đầy đủ, có phải không? Chúng ta hãy xem xét điều đó. Có bao nhiêu lần việc nói tiếng lạ được nhắc tới trong 66 sách? Câu trả lời là 3: Mác, Công vụ Các Sứ đồ và I Côrinhtô.
Mác 16.17 là lời lẽ của Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ về kỷ nguyên sứ đồ: "Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: lấy danh ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói". Những lần xảy ra nói các thứ tiếng trong Công vụ Các Sứ đồ được thấy trong các chương 2, 10 và 19. Dĩ nhiên Công vụ Các Sứ đồ là sách lịch sử của Hội Thánh đầu tiên. Chúng ta thấy các sứ đồ đang làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Jêsus. Họ đã đuổi quỉ. Họ đã nói với nhiều thứ tiếng. Lễ Ngũ Tuần đánh dấu quyền phép giáng lâm của Đức Thánh Linh để Ngài ngự bên trong các tín hữu và khởi sự cho kỷ nguyên Hội Thánh. Những cái lưỡi trong dịp Lễ Ngũ Tuần ở Công vụ Các Sứ đồ 2 là dấu hiệu cho Israel vô tín biết rằng một kỷ nguyên mới đã được vạch ra, Đức Chúa Trời đã mở ra các cánh cửa cứu rỗi cho hết thảy các dân Ngoại bang. Ân tứ tiếng lạ cho những kẻ trong nhà của Cọt-nây ở Công vụ Các Sứ đồ 10 là dấu hiệu cho Phierơ cùng các sứ đồ khác biết rằng Đức Thánh Linh dành cho các Cơ đốc nhân dân Ngoại cũng như cho dân Do thái. Những người trong thành Êphêsô nói tiếng lạ ở Công vụ Các Sứ đồ 19 đã làm chứng trong thời kỳ chuyển tiếp nầy họ đã thực sự được cứu và đã nhận lãnh sự hiện diện bên trong của Đức Thánh Linh.
Vì vậy, chúng ta có một tham khảo về lời tiên tri và ba tham khảo về lịch sử. Như vậy chúng ta có một trong số 66 sách kiến thiết một lẽ đạo về sự nói tiếng lạ, là sách I Cô-rinh-tô, chúng ta sẽ xem xét sách nầy trong một phút. Mọi người đều đồng ý rằng có một TIN TỨC BỊ GIỚI HẠN về sự dạy nầy trong Kinh Thánh? Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng nói tiếng lạ gần như không phải là quan trọng như nhiều vấn đề khác, chắc chắn không quan trọng như những người rất lôi cuốn kia suy nghĩ.
II. Luận về ngôn ngữ học.
Khi nghiên cứu Kinh Thánh, xác định rõ ràng từ ngữ là điều rất quan trọng. Chúng ta cần phải nghiên cứu từ ngữ nầy “tongues” [các thứ tiếng]. Chữ Hy lạp được dùng trong phân đoạn Kinh Thánh nầy là glossa. Không tranh cãi chi hết, chữ nầy có nghĩa là "ngôn ngữ". Từ nó, chúng ta mới có chữ "glossary" đề cập tới một danh sách các chữ khó. Nói đơn giản, nói các thứ tiếng là nói ra những ngôn ngữ. Không có gì trong từ nguyên học [etymology] về glossa gợi ý nói trong khi mê mẩn hay nói lắp bắp được đề cập tới ngày nay là nói tiếng lạ. Mỗi lần Kinh Thánh sử dụng từ glossa, Kinh Thánh đang đề cập tới ngôn ngữ.
Một lần nữa trong Công vụ Các Sứ đồ 2, vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi Đức Thánh Linh giáng lâm trên Hội Thánh, họ "khởi sự nói các thứ tiếng khác [glossais, hình thức số nhiều, ngôn ngữ], theo như Đức Thánh Linh cho mình nói" (câu 4). Thành Jerusalem đầy dẫy với những lữ khách người Do thái và "ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình" (câu 6). Họ không nói lắp bắp đâu, mà nói các ngôn ngữ khác. Họ nói: "chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng riêng [đặc biệt hơn nữa, họ đã nghe theo dialektos {thổ âm}] của xứ chúng ta sanh đẻ?" (câu 8). Họ nói sâu xa hơn trong câu 11: "chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời". Họ không hát lên những tiếng gì cầu kỳ đâu; họ đang rao giảng Tin lành theo các thứ tiếng riêng bản xứ của người nghe. Cái điều tạo nên sự lạ lùng nầy, ấy là họ là những người xứ Galilê rất đơn sơ, ít học (câu 7). Họ là những kẻ quê mùa thô kệch, họ không thể biết hết những thứ tiếng nầy.
Thật là khó cho chúng ta khi tìm hiểu tầm quan trọng trong tâm trí của người Do thái về Đức Chúa Trời đang nói ra bất cứ thứ tiếng nào khác hơn là tiếng Hy bá lai. Ngay cả hôm nay, người Do thái hiện đại đang học hỏi tiếng Hy bá lai, cầu nguyện bằng tiếng Hy bá lai và ca hát bằng tiếng Hy bá lai. Đấy là lý do tại sao khi Đức Chúa Trời cung ứng khả năng cho những người nhà quê trong xứ như thế nầy để rao giảng bằng những thứ tiếng không biết, chưa học hỏi nầy, đây là một dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời đã quên người Do thái là một dân và đang xây qua dân Ngoại, đấy là sách Công vụ Các Sứ đồ. Khi chúng ta bước vào I Cô-rinh-tô, có một từ khác nói tới việc nói các thứ tiếng, có phải không? Sai rồi. Từ ấy vẫn là glossa. Nó vẫn có nghĩa là "ngôn ngữ". Đây là chỗ một việc không hay đã xảy ra. Các nhà dịch thuật bản Kinh Thánh KJV đã đưa một từ vào phân đoạn Kinh Thánh ở I Cô-rinh-tô 14. Thay vì chỉ dịch glossa là "tiếng nói" hay "ngôn ngữ", họ đã thêm chữ "unknown" [không biết] thành ra "tiếng lạ" (đối chiếu I Cô-rinh-tô 14.2, 4, 13, 14, 19, 27). Cách dịch sai như thế nầy đã dẫn tới nhiều sự phiên dịch sai rồi hiểu sai.
Chúng ta hãy trở lại với I Cô-rinh-tô 12-14. Nếu bạn nhìn kỹ vào chương 14, bạn sẽ thấy Phaolô đưa ra một sự phân biệt giữa "tiếng" {tongue} và "các thứ tiếng" {tongues}. Tám lần ông đề cập tới "tiếng" như số ít. Bảy lần ông sử dụng số nhiều "các thứ tiếng". Rõ ràng và phù hợp với văn mạch, những lần tham khảo số nhiều đề cập tới ân tứ dấu lạ và các lần tham khảo số ít đề cập tới việc nói lắp bắp trong trạng thái mê sảng dường như đang ăn luồn vào Hội Thánh đang gặp rắc rối nầy tại thành Cô-rinh-tô.
Nhiều người khi ấy sẽ chỉ vào 13.1 rồi nói: "Hãy xem, Phao-lô nói tại chỗ nầy rằng ông đã nói được 'các thứ tiếng loài người và thiên sứ'. Khi chúng ta nói các thứ tiếng, chúng ta đang nói bằng thứ ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của thiên sứ, thứ ngôn ngữ thiên thượng. Họ không nói tiếng Anh trên thiên đàng". Thứ nhứt, nếu đây là thứ ngôn ngữ thiên thượng và là một ân tứ thuộc linh, tại sao bạn phải dạy dỗ, phải nói theo ân tứ ấy? Thứ hai, bạn phải nhận biết rằng trong văn mạch, Phao-lô đang nói với phép ngoa dụ [hyperbole]. Ông chủ ý thổi phồng để đưa ra mục đích của ông. Ông đang nói: "Nếu tôi có thể nói với thứ tiếng của thiên sứ ... nếu tôi hiểu tất cả những lẽ mầu nhiệm ... nếu tôi có đức tin để dời núi ... nếu tôi bố thí mọi sự mà tôi có cho người nghèo ... nếu tôi dâng thân thể tôi để bị đốt ... nếu không có tình yêu thương thì những việc quan trọng nầy chẳng có ích gì cho tôi đâu". Ông không có ý nói ông đã làm hay có thể làm mọi sự nầy.
Họ tìm cách buộc điều nầy vào Rô-ma 8.26, ở đây chép: "Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta". Đây không phải là một thứ tiếng cầu nguyện riêng đâu. Bạn không phải là nhân vật đang cầu nguyện đâu, mà chính là Đức Thánh Linh. Ngài đang thực thi sự cầu thay. Bạn không phải là người đang thở than đâu, mà là Ngài. Trên đỉnh cao của những sự ấy, đây là những "sự thở than không thể nói ra được" chớ không phải những sự than thở có thể thốt ra được! Để tóm lại, chẳng có một phần Kinh Thánh nào ủng hộ cho cách nói trong trạng thái mê mẩn như ân tứ tiếng lạ hay thậm chí ngôn ngữ cầu nguyện mà không biết.
III. Luận về sự hạn chế.
Hãy nhớ, chúng ta chỉ có một trong số 66 sách xử lý với việc nói tiếng lạ. Trong mười sáu chương của sách ấy, tiếng lạ chỉ được nhắc tới ở ba chương. Ở chương 12, chúng ta đọc "nhiều thứ tiếng khác nhau" (các câu 10, 28) và "nói tiếng lạ" (câu 30). Những chỗ nầy đề cập tới các thứ tiếng là một ân tứ thuộc linh mà Đức Thánh Linh phân phối cho. Hãy nhớ đây là glossais, các thứ tiếng nói. Nó có ý nghĩa đầy đủ nếu chúng ta dịch nó là: "các thứ tiếng khác nhau". Đây là ân tứ chân chính.
Tất nhiên là Hội Thánh Cô-rinh-tô đã gặp phải rất nhiều nan đề. Họ đã sống theo thế gian, xác thịt và đời nầy. Thay vì ảnh hưởng vào xã hội của họ, xã hội đang ảnh hưởng vào họ. Họ đã để cho tính xác thịt và hình thức tà giáo xâm nhập vào trong Hội Thánh. Trong thành Cô-rinh-tô là Đền thờ Delphi, một hệ thống thờ lạy hình tượng đã thực hành lối nói trong trạng thái mê mẩn và xuất thần. Một số người thành Cô-rinh-tô đã đạt tới mức độ đó (12.2). Thế rồi họ đem sự thực hành ấy vào trong Hội Thánh và nói đây là ân tứ tiếng lạ. Ấy chẳng phải là như vậy đâu. Đây là một sự giả mạo. Phao-lô viết ở các chương 13 và 14 để đưa ra một số luật lệ cho việc sử dụng ân tứ nói các thứ tiếng hầu cho có một sự phân biệt rõ ràng giữa chính và tà. Một lần nữa, hãy nhớ lưu ý đến sự khác biệt giữa cách dùng số ít và số nhiều của từ ngữ. Người thành Cô-rinh-tô chưa trưởng thành về mặt thuộc linh. Họ đã khao khát các ân tứ thuộc linh nên họ có thể dự trù và kêu gọi chú ý đến họ. Họ chẳng màng gì về sự hiệp một của thân thể và công tác của Đức Thánh Linh. Họ muốn tự tôn cao mình vì vậy họ ao ước các ân tứ có tính lôi cuốn như nói tiếng lạ.
Đây là lý do tại sao Phaolô nói cho họ biết ở chương 12 rằng chính Đức Thánh Linh là Đấng phân phối các ân tứ và mọi người không thể nói các thứ tiếng được. Ở chương 13, ông nói cho họ biết rằng việc tỏ ra tình yêu agape' của Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn bất cứ một ân tứ nào khác. Ở chương 14, ông đề ra một số cấm đoán về cách sử dụng ân tứ nói các thứ tiếng trong Hội Thánh. Cho phép tôi tóm lược chương với một tóm tắt ngắn gọn.
1. Nếu bạn có ao ước một ân tứ, đừng ao ước nói tiếng lạ, hãy ao ước nói tiên tri hay giảng dạy Lời của Đức Chúa Trời hầu cho bạn có thể gây dựng cả Hội Thánh (các câu 1-15).
2. Nói tiếng lạ không phải là một dấu cho người tin Chúa trong Hội Thánh, mà cho người không tin Chúa hầu cho giống như lễ Ngũ Tuần, họ sẽ nhìn biết rằng Đức Chúa Trời đang phán dạy (các câu 16-25).
3. Nếu nói tiếng lạ được sử dụng trong sự thờ phượng của Hội Thánh, chúng phải được phiên dịch và được lý giải (câu 28).
4. Sự sử dụng tiếng lạ sẽ bị cấm đoán không được hơn ba người và không được nói cùng một lúc (các câu 26-27, 29-32).
5. Nếu có sự nhầm lẫn hay không chắc chắn, thì tiếng ấy không đến từ Đức Chúa Trời (câu 33).
6. Nữ giới không được phép nói tiếng lạ hay dạy dỗ nam giới (các câu 34-40).
Nếu bạn thực sự đang tìm kiếm những giải đáp về tiếng lạ, tôi đề nghị một chuyến đi thực tế xem. Hãy bước vào buổi thờ phượng trong một nhà thờ có sức lôi cuốn khi họ được tự do nói tiếng lạ. Hãy lấy quyển Kinh Thánh rồi mở ra ở I Cô-rinh-tô. Hãy tự hỏi có phải mình đang xem và nghe rõ theo Kinh Thánh hay không!?! Nếu bạn thực sự tìm kiếm những câu trả lời và bạn thực sự tin theo Kinh Thánh, điều nầy sẽ thuyết phục bạn đấy.
IV. Luận về sự đình chỉ.
Tôi là một người theo sự đình chỉ. Điều nầy có nghĩa là tôi tin và dạy rằng ân tứ thuộc linh về nói các thứ tiếng đã bị đình chỉ. Ân tứ nầy đã được Đức Chúa Trời đại dụng ở một thời điểm đặc biệt trong lịch sử, nhưng không còn có hiệu lực nữa. Tôi không giới hạn Đức Chúa Trời. Tôi không có ý nói rằng Đức Chúa Trời không thể làm những điều lạ lùng nầy, đặc biệt với các thứ ngôn ngữ trong công trường truyền giáo. Tuy nhiên, ân tứ nói các thứ tiếng như đã được sử dụng trong kỷ nguyên các sứ đồ đã bị đình chỉ. Làm sao tôi biết được? I Côrinhtô 13.8 chép: "Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ" (phần nhấn mạnh là của tôi). Tại sao sự ban cho ấy sẽ thôi đi? Các câu 9-10 giải đáp: "Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ".
Sự giải thích của bạn về phân đoạn Kinh Thánh nầy được quyết định bởi sự hiểu biết của bạn về điều chi là sự "trọn lành". Tôi được dạy cho biết rằng sự "trọn lành" đề cập tới Kinh Thánh. Khi kinh điển của Kinh Thánh đã hoàn tất, khi Tân Ước đã hình thành thì ân tứ nói các thứ tiếng đã bị đình chỉ. Tôi không có thì giờ để đi vào chi tiết trong lúc bây giờ vì một vài lý do mà tôi đã từ chối cách giải thích đó. Tôi tin rằng sự "trọn lành" không đề cập tới sự hoàn tất của Kinh Thánh, mà đề cập tới chính mình Chúa Jêsus và thể trạng đời đời của Ngài.
Cho phép tôi giải thích: "Nói tiên tri ... sẽ hết". "Mọi sự thông biết ... hầu bị bỏ". Tuy nhiên, "nói tiếng lạ ... sẽ thôi". "Thôi" và "bỏ" là những động từ bị động [passive verbs]. Chúng ta đã hành động. Việc gì đó sẽ khiến cho nói tiên tri và tri thức phải kết thúc. Tôi tin rằng việc ấy, sự "trọn lành" ấy là mối quan hệ của chúng ta với Chúa Jêsus trong Vương quốc đời đời. Dạy dỗ và tri thức về Chúa sẽ rất năng động và ảnh hưởng vào Vương quốc trong thời kỳ thiên hi niên. Êsai 11.9 chép về ngày ấy: " ... vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, như các dòng nước che lấp biển". "Thôi" có nghĩa là lên tới một điểm thì dừng lại. Một việc khác sẽ chấm dứt lời tiên tri và sự thông biết, còn nói tiếng lạ sẽ "thôi", đến với một chỗ tự nó sẽ ngừng lại. Có ít nhất hai cách để làm cho cái máy xe hơi phải dừng lại. Bạn có thể tắt công tắc hay bạn có thể để cho máy chạy cho tới khi bình xăng cạn hết, khi ấy tự nó sẽ ngừng lại. Ân tứ tiếng lạ đã tự nó đình chỉ ở cuối kỷ nguyên sứ đồ.
Nói tiếng lạ cùng với các ân tứ siêu nhiên khác như chữa lành và phép lạ xác định uy quyền sứ điệp của các sứ đồ. Chúng là con tem uy quyền của Đức Chúa Trời. Các ân tứ ấy không còn cần thiết nữa vì hết thảy chúng ta đều có con tem uy quyền của Đức Chúa Trời ở đây trong tay của chúng ta. Nếu bạn muốn biết những gì tôi nói hay bất cứ giáo sư nào khác nói có thật hay không, hãy nhìn vào Kinh Thánh.
V. Luận về lịch sử.
Thắc mắc khi bàn bạc hôm nay không phải là sự kiện nói tiếng lạ phải "thôi" mà chúng đã thôi rồi hay chúng sẽ thôi vào thời điểm nào đó trong tương lai!?! Những người đồng ý về sự đình chỉ thì cho rằng ân tứ đã đình chỉ rồi. Những người có sức lôi cuốn kia nói nó chưa đình chỉ đâu. Để giải đáp cho thắc mắc nầy, không những chúng ta phải nhìn vào Kinh Thánh, mà còn phải nhìn vào toàn bộ lịch sử Hội Thánh nữa.
Trước tiên, có bằng chứng cho thấy rằng nói tiếng lạ đã thôi ngay trước khi Tân Ước được hoàn tất. Hãy xem xét phép lạ sau cùng được ghi lại trong Kinh Thánh ở Công vụ Các Sứ đồ 28.7-10 khi Phaolô chữa lành cho cha của Búp-li-u. Điều nầy đã xảy ra vào khoảng năm 58SC, Giăng đã hoàn tất việc viết ra sách sau cùng, là sách Khải huyền vào năm 96SC. Trong thời gian ba mươi tám năm không có một tường trình nào về bất kỳ một phép lạ hay nói các thứ tiếng nào cả. Sách I Côrinhtô là một trong những thư tín sớm sủa nhất trong các thư tín. Phaolô đã viết ít nhất mười hai thư tín sau sách I Côrinhtô và không hề nhắc tới việc nói tiếng lạ nữa. Giăng không nhắc tới việc nói tiếng lạ. Giacơ không nhắc tới việc nói tiếng lạ. Giuđe không nhắc tới việc nói tiếng lạ. Phierơ không nhắc tới việc nói tiếng lạ. Bởi phần mở đầu của thế kỷ thứ hai, kỷ nguyên sứ đồ đã qua, Hội Thánh đã được thiết lập rồi và có ảnh hưởng khắp thế giới. Nhu cần về các ân tứ dấu hiệu đã chấm dứt.
Thứ hai, nói tiếng lạ là một "dấu hiệu" cho Israel vô tín biết rằng Đức Chúa Trời đã bắt đầu một công việc mới giữa vòng các dân Ngoại. Đức Chúa Trời sẽ phán với con người bằng tất cả các thứ tiếng. Đến cuối kỷ nguyên sứ đồ, các giáo sĩ sẽ đi khắp thế gian, giảng dạy Tin Lành bằng nhiều thứ tiếng. Dấu hiệu đã được ban ra rồi. Thứ ba, ngay cả tác phẩm sớm nhất trong các tác phẩm Cơ đốc đều đồng ý rằng nói tiếng lạ đã đình chỉ từ lâu rồi. Giáo phụ Chrysostom đã viết vào thế kỷ thứ tư rằng nói tiếng lạ là một cách thực hành rất khó hiểu. Ông nói: "Cái khó hiểu được tạo ra do sự thiếu hiểu biết của chúng ta về những sự thực đã được đề cập tới và bởi sự đình chỉ của chúng, việc ấy có thể được tìm thấy song giờ đây không còn diễn ra nữa". Giáo phụ Augustine đã hỏi: "Tại sao không có ai nói tiếng lạ trong tất cả các nước? Vì chính Hội Thánh giờ đây đang nói các thứ tiếng của các dân. Trước đây, Hội Thánh ở trong một dân, ở đó Hội Thánh nói bằng nhiều thứ tiếng. Bằng cách nói nhiều thứ tiếng, Hội Thánh biểu thị cho những gì sẽ xảy đến; do sự lớn lên giữa vòng các nước, Hội Thánh đã nói bằng nhiều thứ tiếng" [John F. MacArthur, Jr., Charismatic Chaos, (Grand Rapids. Zondervan, 1992), pp.233-234].
Trong 5 thế kỷ đầu tiên của lịch sử Hội Thánh sau kỷ nguyên sứ đồ, người duy nhứt xưng mình nói tiếng lạ là các môn đồ của Montanus vào thế kỷ thứ hai. Họ đã thực hành việc nói lắp bắp trong trạng thái mê mẩn và xưng rằng hai nữ tiên tri của họ, Prisca và Maximilla đã có mặc khải hơn cả kinh điển của Kinh Thánh. Họ bị Chính Thống giáo gọi là những kẻ dị giáo. Suốt 1400 năm sau đó đã có vài nhóm xưng mình nói tiếng lạ. Đã có các tiên tri Cevennol chống Công giáo ở miền Nam nước Pháp vào cuối thế kỷ thứ 17. Mặt khác, đã có những người Jansen Công giáo, họ tìm cách bác bỏ Công cuộc Cải chánh bằng cách đòi hỏi sự khải thị và khả năng nói tiếng lạ. Ở Mỹ, đã có hệ phái Shaker. Họ nhảy múa và nói lắp bắp rồi gọi đó là thờ phượng. Một Mục sư thuộc hệ phái Trưởng lão Tô cách Lan là Edward Irving đã thực hành việc nói tiếng lạ vào đầu thập kỷ 1800. Họ được biết là hệ phái Irvingites. Trong 1900 năm lịch sử bất cứ người nào xưng mình nói tiếng lạ đều bị xem là dị giáo, thờ lạy hình tượng và sống bên lề của Hội Thánh có tổ chức. Trong vòng chỉ một trăm năm sau cùng mà sự nói tiếng lạ đã kiếm được lối xâm nhập vào dòng chảy Cơ đốc giáo.
Nếu chúng ta có một giáo sư rất lôi cuốn ở đây để tranh cãi, không nghi ngờ chi hết ông ấy sẽ nói rằng nói tiếng lạ chưa đình chỉ và luôn luôn có một dân sót thừa hưởng ân tứ đó. Bất chấp tường trình về lịch sử của Hội Thánh, ông ấy sẽ nói rằng có những ngày sau rốt và Đức Chúa Trời giờ đây đang ban sự đổ ra các ân tứ thời sứ đồ trước sự tái lâm của Đấng Christ. Tham khảo khả thi duy nhứt theo Kinh Thánh của họ đối với niềm tin ấy là phân đoạn Kinh Thánh từ Giô-ên 2, là chỗ mà Phi-e-rơ đề cập tới trong bài giảng của ông vào ngày lễ Ngũ Tuần. Bất cứ một sự nghiên cứu nào về sách Giô-ên sẽ mau chóng chỉ ra rằng nó đề cập tới Vương quốc thiên hi niên và những gì diễn ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần chỉ là một sự ứng nghiệm từng phần mà thôi. Vì vậy, chúng ta nghĩ gì về sự nói tiếng lạ? Có phải đó là một ân tứ mà chúng ta nên tìm kiếm hay một hiện tượng mà chúng ta nên thực hành? Không, không theo một cái nào cả. Phải chăng nói tiếng lạ là xấu? Không, tự nó chẳng có gì xấu cả. Mấy người bạn rất lôi cuốn của chúng tôi, họ nói huyên thuyên không biết mình nói gì mà chẳng cố tình làm gì xấu xa cả. Phải chăng nói tiếng lạ là có hại? Phải. Nó làm cho người ta phải nhầm lẫn. Nó khiến cho họ phải đánh giá lại các kinh nghiệm chủ quan của họ hơn là Kinh Thánh khách quan. Còn tệ hại hơn, nếu bạn phớt lờ đi, làm sao bạn biết rằng ân tứ ấy thuộc về Đức Thánh Linh hay thuộc về kẻ thù? Satan thích sử dụng tôn giáo. Chúng ta hãy yêu thương anh chị em rất lôi cuốn của mình, nhưng khi chúng ta có cơ hội hãy trao đổi với họ về những phân đoạn Kinh Thánh trong khi trò chuyện.
Người dịch: Đoàn Phan Danh
Các bài khác
:: Chức vụ quản trị
:: Tại sao những lãnh đạo Cơ Đốc giáo rớt như ruồi?
:: Hướng về quê hương phục vụ
:: Của lễ trăm năm
:: Sự cần thiết của một nền văn hóa Cơ Đốc trong Xã Hội Việt Nam hiện đại
|
|